Wednesday, 10 April 2013

THÚ HỚT TÓC THỜI @







            Mỗi lần đầu óc căng thẳng vì công việc, tôi thường vào tiệm hớt tóc, dù tóc chưa dài chấm mang tai. Đó là tiệm quen, không thuộc hạng sang có cửa kính, máy lạnh, nhạc êm dịu…, nhưng cũng không bình dân lắm. Ngoài hớt, ráy tai, còn có massage mặt, lột mụn, nhuộm tóc và gội đầu. Anh thợ hớt cũng quen, nên tôi không phải dặn hớt kiểu nào cho hợp với mình. Ngồi vào ghế, khi được choàng chiếc khăn trắng muốt vào người và nghe tiếng kéo lách tách khúc dạo đầu điệu nghệ bên tai là tôi bắt đầu cảm thấy nhẹ người.
            Hớt tóc ngày xưa bằng tông-đơ là chính. Rủi gặp phải cái tông-đơ cùn răng gặm tóc thì điếng cả người. Hớt tóc bây giờ có kiểu chỉ cần dao-kéo-lược và được đưa lên hàng “nghệ thuật” – nghệ thuật hớt tóc hay hớt tóc nghệ thuật mà chúng ta thường thấy quảng cáo trên các bảng hiệu. Kiểu tóc của tôi đơn giản, anh thợ chỉ cần cắt tỉa nhanh gọn là được, vì thế tôi ít quan tâm đến chuyện anh hớt cho tôi như thế nào mà chỉ thích nhìn cách anh múa dao kéo qua chiếc gương dựa tường trước mặt. Động tác tay dao-kéo tay lược của anh kết hợp một cách linh hoạt, uyển chuyển và nhịp nhàng chẳng khác nào đôi chân của một nghệ sĩ múa điêu luyện đang lướt trên nền nhạc. Và chính nhịp kéo vui tai mà anh  liên tục tạo ra trước khi cắt tỉa những nhóm tóc thừa đã khiến tôi hầu như quên mọi chuyện. Anh đúng là một nghệ sĩ đang say mê làm nên tác phẩm của mình. Nhưng công đoạn hoàn thành tác phẩm của anh chỉ gói gọn trong vòng mười lăm hai mươi phút sau khi chấn mai và cạo quanh mép tóc, giống kiểu hớt nhanh-gọn-nhẹ của Mỹ, tuy thời gian có lâu hơn, trong các barber shop bên xứ người. 


                                                          Lấy ráy tai (theo P. Huard)

            Nếu chuyện hớt tóc ở xứ ta, cụ thể là ở Sài Gòn, đến đây buông dấu chấm hết thì chẳng có gì gọi là thú. Chính những công đoạn tiếp theo mới tạo cho khách những giây phút thư giãn cần thiết… Những công đoạn này, phải nói từ thời Phong trào Duy Tân khởi xướng cuộc vận động cắt phăng mái tóc dài cố hữu của các đấng mày râu để thuận lợi với những hoạt động của “tân sinh hoạt, tân văn hoá” cho đến mãi gần những năm cuối của thế kỷ 20 đều do thợ hớt tóc nam phụ trách. Khoảng mười năm trở lại đây, một phần nhờ kinh tế phát triển, phần vì nhu cầu tạo công ăn việc làm cho một bộ phận lao động nữ trẻ, nên dần dần, các tiệm hớt tóc muốn “ăn khách” phải cần những thợ nữ trẻ đẹp cạo mặt, ráy tai, gội đầu… Những cô thợ này phần đông từ quê lên thành phố tìm việc và hầu hết đều được học qua lớp dạy nghề ở các Trung tâm dạy nghề quận huyện. Các tiệm hớt tóc có thợ nữ, từ “thường thường bậc trung” đến hạng sang trọng càng lúc càng lan rộng, khiến các tiệm bình dân chỉ có một thợ nam “độc diễn” thưa dần và buồn hiu như chợ chiều tàn ở quê!
            Dù sao, nằm thẳng lưng trên ghế hớt, ngửa mặt cho bàn tay mềm mại cầm dao tẩn mẩn cạo râu, cạo mặt cũng có cảm giác lâng lâng êm ái hơn là với bàn tay thô cứng của người nam. Còn nhớ lúc căn bệnh thế kỷ AIDS xâm nhập vào nước ta, báo chí lên tiếng báo động rằng các “đấng mày râu” cũng có thể lây nhiễm virus HIV qua đường… cạo mặt (ở các tiệm hớt tóc)! Nhiều bà đâm lo cho chồng con, có bà còn lo xa hơn nữa, sợ đấng phu quân của mình vụng trộm “léng phéng”, “dính chấu” rồi đổ thừa cho … ông thợ hớt, bèn có sáng kiến mua cho chồng con dao cạo riêng mang theo mỗi lần đến tiệm để… bảo vệ hạnh phúc gia đình. Nhưng “nỗi lo thời đại” này được dập tắt ngay  Tiệm hớt tóc nào cũng trưng “slogan”: “Mỗi người một dao cạo”, và bắt đầu từ đó đến nay, mỗi khách được dùng riêng… nửa cái dao lam,  đồng thời cái thú nhìn anh thợ hớt liếc dao cạo cùn trên chiếc thắt lưng da bò treo ở góc tường cũng mất biến theo.
            Có người chỉ hớt cạo là xong, nhưng nhiều người thích đến tiệm hớt tóc để lấy ráy tai. Có thể nói đây là cái thú có từ ông bà ta ngày xưa, có trước khi bài “Vè Cúp tóc” của Phong trào Duy Tân ra đời. Xem “Ký hoạ Việt Nam đầu thế kỷ 20” (Nguyễn Mạnh Hùng giới thiệu, Nxb Trẻ 1989) ta thấy hai bức vẽ lấy ráy tai rất sinh động, qua nét bút tài tình, người hoạ sĩ vô danh đã diễn tả rất thực, rất đúng cảm xúc của nhân vật: người thì nhăn mặt vì hơi đau một chút, kẻ thì lộ vẻ sướng khoái. Những nhân vật được ghi lại đầu còn quấn khăn, búi tóc. Tôi thích lấy ráy tai vì ở công đoạn này mình có thể mơ màng ngủ trộm một giấc ngắn, và sau mỗi lần như vậy, tôi đều  có cảm giác… bay bổng như vừa giải quyết được một việc nặng đầu. Nhiều cô thợ hiểu tâm lý khách, gặp lúc tiệm vắng, họ cứ nhẩn nha, nhẹ nhàng từng động tác để kéo dài giấc ngủ của khách.
            Sau khi lấy ráy tai, cô thợ lại thủ thỉ mời khách gội đầu, massage mặt. Hai công đoạn này luôn luôn song hành, xuất hiện cùng thời khi tiệm hớt tóc có thợ nữ. Chuyện gội đầu và massage mặt ở xứ ta xưa nay tưởng chỉ dành riêng cho phái nữ, giờ lại “bình đẳng” cho nam, ai lại không thích “thực tế” cho biết, dù chỉ một lần. Nằm thẳng người trên chiếc giường nệm cứng dày bọc kín simili đen, được ngăn cách bởi bức tường giả, buông lỏng toàn thân, cứ để mặc cho cô thợ “trổ” tay nghề gội, xoa, vuốt, bấm (huyệt) trên đầu, trên mặt, và chính lúc này, ta có thể ngủ thêm một giấc ngắn. Khi cảm nhận được những chiếc móng tay dài của cô thợ cào lướt trên da đầu, tôi thường liên tưởng đến chiếc lược tròn bằng đốt tre của bác thợ hớt tóc dạo thời niên thiếu. Bác thợ chỉ dùng chiếc lược này để cà cho sạch gàu bám da đầu, cảm giác thật đã ngứa! Giờ thì đã có dầu gội trị gàu nên chiếc lược kia chỉ còn trong ký ức.
            Ngày nay, trên khắp nẻo đường đất nước không còn hình ảnh bác thợ hớt tóc dạo vai mang tráp đựng đồ nghề vừa đi vừa rao: “Ai hớt… (tóc) cạo lông… (mặt) dái… (tai) hông?”, nhưng khách thời @ lại có cơ hội nhiều hơn để được thoả mãn  cái sở thích lành mạnh khi bước chân vào tiệm hớt tóc từ bình dân đến sang trọng, kể cả việc dũa móng tay chỉ có trong các tiệm sửa sắc đẹp hay nặn mụn, thoa keo lột mụn…

LÊ KÝ THƯƠNG
Sài Gòn, 2007
   





No comments:

Post a Comment