Sunday 21 April 2013

TỪ TRONG DI SẢN

 GIỚI THIỆU

Phổ thông bán nguyện san, số 3, năm thứ nhất, ra ngày 1er Février 1937, đăng nguyên tập truyện ngắn MỘT ĐÊM VUI của Ngọc Giao. Theo lời giới thiệu: "Những truyện ngắn mà ông Ngọc Giao hợp lại trong tâp Phổ thông bán nguyện san này, đều đã có đăng trong Tiểu Thuyết Thứ Bảy". Tập truyện gồm những truyện: Lòng mẹ, Dĩ vãng, Đôi mắt đẹp, Bỏ giấc mơ hoa, Lệ vui, Hà thành, Chim lồng, Đời nó thế, Chợ chiều, Những đoạn tình. Ngoài ra còn có những tiểu phẩm như: Đạp đổ, Vẹt tiên sinh, Một bài tựa, Một bức thư. Khổ sách 13,5cm x 20cm dày 186 trang tính luôn bìa. Đặc biệt trang bìa có tranh minh họa của họa sĩ Tô Ngọc Vân.


ĐẠP ĐỔ HỀT

            Đạp đổ hết, ấy là khẩu hiệu của những người muốn hoàn toàn theo mới, những người thấy cái mới mạnh mẽ, rực rỡ thì hăm hở theo ngay, lại ngước một con mắt khinh rẻ trông về cái cũ, mà họ cho là hủ lậu, mà họ lấy làm xấu hổ, nên muốn đạp đổ đi hết.
            Họ từng nghe ca tụng cái hay cái đẹp của nền lễ nhạc khi xưa, nhưng cái hay cái đẹp ẩn náu ở chốn nào, ngày nay họ không còn nhìn thấy nữa. Trông lại quanh cảnh văn minh cố hữu, họ chỉ còn nhận ra cái búi tóc hôi, bộ móng tay dài, đôi vai so, khung ngực lép… Họ chỉ còn nhận ra những điều lễ phép phiền phức như khom lưng, cúi đầu, ăn nói dè dặt; những bó buộc của gia đình như phải vâng lời cha mẹ mà ăn học, mà lấy vợ lấy chồng, không được tự do muốn làm gì thì làm, muốn yêu ai thì yêu.
            Những điều hủ lậu ấy, dưới con mắt mới, đều là những điều quái gở, quái gở cũng như cái quan niệm của thày Khổng, ăn thịt thì miếng thịt phải vuông vắn mới bằng lòng ăn!
            Nếp nhà cổ bây giờ trông lụp xụp lắm rồi. Người ta kéo nhau vào, giật những hoành phi câu đối xuống, bỏ bàn thờ cửa võng đi, đem bát hương vất ra đường, phá hết rui mè.
            Trông thấy lòng sốt sắng, ai chẳng mừng thầm. “Ừ, phải có những tấm nhiệt thành này, những sức lực mạnh bạo trẻ trung này thí cái nhà cũ kỹ kia mới có ngày trở nên một lâu đài, có bao lơn, có sân gác, có phòng khách, phòng ăn, hợp với cuộc sống văn minh được chớ!”
            Bỏ đi cho hết, đạp đổ lung tung, rồi đem mới lại, thế thì còn gì bằng nữa, vì ưa mới, ghét cũ, là thói chung người đời.
            Nhưng, cái mới ấy phải là hay, là đẹp thì mới đáng mừng, đáng yêu. Chớ nó chỉ như kiểu áo mới, kiểu bàn ghế mới, chỉ có vẻ lộng lẫy trong ít lâu rồi lại hư hỏng ngay, thì sự đổi mới chưa ắt đã nên chuộng.
            Bởi vậy, ta mong rằng những ai rắp chí xây lại cái nhà cổ Việt Nam, sẽ xây nên được một tòa nhà có nền móng vững bền. Đừng có làm như chú láng diềng (sic) Trung Hoa, ngày nào đem quẳng thày Khổng ra đường, thấy dâm phong ngày càng tệ, lại ra đường rước thày vào, đặt trên vệ, tỏ lòng thờ kính hơn xưa. Để cho thày mỉm cười với học trò “Dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng, duy ngã dữ nhĩ hữu thị phù!”

LÃNG NHÂN (Ích Hữu)


VẸT TIÊN SINH

            Chẳng biết vô tình hay hữu ý mà thiên hạ lại mệnh danh cho tiên sinh là “Vẹt tiên sinh”.
            Đi đâu, tiên sinh cũng sính cắp một sách rất dày mà chưa bao giờ tiên sinh đọc hết lấy 10 dòng và cố làm để có nét mặt đầy vẻ “học giả”.
            Tiên sinh tự phụ rằng trong lúc người đời đua nhau Âu hóa, tiên sinh vẫn đủ nghị lực để giữ lại quốc túy, quốc hồn bằng chiếc áo the đã bạc màu với chiếc khăn xếp.
            Từ khi Nhà nước mời tiên sinh từ Côn Đảo về thì tiên sinh vẫn tin rằng tiên sinh đã đủ “vốn” để làm một nhà “ái quốc”, rồi tiên sinh gọi những người không bị tù như tiên sinh là những kẻ không có nhiệt huyết, và đi đến đâu, tiên sinh cũng đem mấy năm ở Côn  Đảo ra mở đầu câu chuyện bằng một cách hợm hĩnh, kiêu căng.
            Mượn được mấy tập Nam phong cũ, học thuộc lòng những danh từ khó trong mấy bài khảo cứu về triết học và tâm lý học, tiên sinh đã nhận mình là một nhà bác học thâm thúy, chẳng kém gì ông Quỳnh.
            Tiên sinh cho hết thảy các nhà văn khác là bọn văn sĩ non, cái bọn “tiểu tốt vô danh”, không ai buồn đếm xỉa đến.
            Vừa “ngấu nghiến” quyển đầu bộ Nho giáo Trần Trọng Kim, tiên sinh đã vội đến hiệu kim hoàn thửa “tức tốc” một đôi kính trắng.
            Sau khi đã “thắng yên” cho nó lên trên sống mũi, tiên sinh cố học thuộc lòng mấy câu chữ nho của Khổng, Mạnh để “lòe” những người không biết chữ Hán hoặc chưa đọc sách Khổng, Mạnh như tiên sinh.
            Tiên sinh rất phục mình là người có tên tuổi trong văn giới, báo giới Việt Nam.
            Có ai quen biết rục rịch đem bản thảo một cuốn sách nào đưa in là tiên sinh “” ngay đến tận nhà người ta nằng nặc đòi đề tựa giúp cho quyển sách.
            Vô phúc cho người nào phải lắng tai nghe tiên sinh đọc cho nghe những văn do tiên sinh soạn.
            Tiên sinh đọc, đọc lia lịa, đọc đến sầu bọt mép bằng một giọng du dương trầm bỗng như một cô đào tốt giọng kể sa mạc để khoe tiếng với quan viên.
            Vấn đề gì tiên sinh cũng cho mình là am hiểu hết, rồi có lúc tiên sinh giậm chân, vung tay thuyết lý để lấy điệu bộ một diễn giả… hùng hồn.
            Có bao nhiêu sở học, tiên sinh “tuôn” ra cả một lần để tỏ mình là con người học rộng.
            Giữa đám đông người, tiên sinh không bao giờ chịu ngồi im lấy vài phút.
            Tiên sinh cười to, nói lớn, cướp lời người này, nói át người khác để người ta im cho tiên sinh hùng biện một mình.
            Dù việc không biết, tiên sinh cũng nói dựa hay nói bịa để che dốt chớ không khi nào chịu ngồi yên.
            Tiên sinh quả quyết nói thủ tướng Hít-le có mấy mụn nốt ruồi ở cằm và sang năm Tưởng Giới Thạch sẽ đem Tống Mỹ Linh sang ở hẳn bên Thụy Điển.
            Tiên sinh thường tóm tắt thời cục thế giới bằng một câu gọn lỏn:
            - Chiến tranh! Rồi phải chiến tranh mới xong!
            Đoạn làm ra mặt “thức thời”, tiên sinh lau đôi mắt kính, thong thả cặp tập sách đứng lên.
            Rồi, muốn “lòe” những người chưa biết rõ cái giá trị thực của tiên sinh, tiên sinh lại đem những câu chuyện vừa nói xong đi nói hàng trăm nghìn lần ở trăm nghìn chỗ khác.

LINH PHƯƠNG (Ích Hữu)



MỘT BÀI TỰA



            Trong tình trạng hỗn độn của xã hội Việt Nam hiện tại ủ trong lòng nó một hiểm tượng.

            Một phần đông thanh niên, bị văn minh vật chất cám dỗ, bị giáo dục gia đình kìm kẹp trong lý tưởng vinh thân, bị thành kiến hủ bại của xã hội đúc theo khuôn trưởng giả, đã nhãng quên cả khí làm trai, thiên chức của tuổi trẻ và danh dự làm người.

            Lăn lóc mãi trong vực thẵm của khoái lạc đê hèn, ngụp lặn mãi trong bùn nhơ của phồn hoa hỗn tạp, cắm cúi theo mãi vết chân đẫm máu của “con bò vàng” họ đã đàn áp hết lượng năng, rầy séo lên tất cả những tình cảm thiêng liêng của cõi lòng.

            Đối với họ, tổ quốc là một ngụy ảnh, nghệ thuật là một hư ngôn, danh dự là một phiếm ngữ, tình yêu là một vô ý nghĩa, tình bạn là một cái sơ mướp.

            Họ chỉ còn tận tụy thờ một thần tượng: thần khoái lạc; họ chỉ còn tin một luân lý: tìm khoái lạc; họ chỉ còn nghe một mệnh lệnh: hưởng khoái lạc; họ chỉ còn chọn một châm ngôn: rầy séo lên tất cả để tìm và hưởng khoái lạc.

            Tiểu thuyết Một người này viết ra để ghi cuộc cách mệnh tinh thần của một bạn trẻ đã bị quyến dũ bở những luân lý, mệnh lệnh, thành kiến, lầm lạc và khốc hại ấy.
            Vai chính của câu chuyện là một thanh niên trụy lạc, đã trong một phút giác ngộ phi thường, đã hoàn toàn khôi phục được thiên lương bị hoàn cảnh làm lung lạc, đã can đảm từ chối những vinh hoa phú quí hèn hạ để xây dựng lại cuộc đời tinh thần đầy danh dự.
            Đây là hình ảnh cuộc đời niên thiếu đầy ánh sáng, đầy chiến đấu, đầy tình cảm thanh cao, đau khổ mà vẫn nổ lực tiến thủ, thất bại mà vẫn tin ở đắc thắng hoàn toàn hy sinh cho Nghệ thuật và Tổ quốc, gạch nó ra trên mặt giấy, tôi chỉ thiết tha ao ước tất cả mọi người đều thâm tín rằng cái sinh lực súc tích linh thiêng, và nhất là cái khí phách làm người mà những hỗn độn của tình thế chỉ làm mờ ám trong chốc lát, chứ không thể làm tiêu diệt được.

           
 LÊ VĂN TRƯƠNG


MỘT BỨC THƯ
            
             Phú viên ngày 16-11-36


            Anh Lê văn Trương,
            Tôi vừa đọc bản thảo chuyện Một người của anh. Tôi thành thực cám ơn anh đã đem lại cho tôi một lạc thú tinh thần hiếm có. Bằng một nghệ thuật mãnh liệt và nhuần nhị, anh đã gợi trong lòng tôi nhiều tình cảm cao quí và thuần khiết.
            Trong bốn tiếng đồng hồ, ngòi bút thần diệu của anh đã hoàn toàn quyến dũ tôi và đắm đuối tôi vào một thế giới tinh nguyệt trong trẻo trong đó tôi không còn phải nhìn thấy những khói mù vẩn đục của thế tình. Tôi quên hết những lời chua chát người ta thường dùng để nhạo báng Ái tình, Bằng hữu, Lương tâm, Danh dự, Lý tưởng.
            Tiểu thuyết Một người của anh là một nguồn sống rạt rào nhưng yêu, thương, hăng hái và nỗ lực. Xem xong, tôi thấy tâm hồn mở rộng thêm, sẳn sàng đón tiếp những tình cảm và tín ngưỡng. Tôi tin ở tình bạn. Tôi tin ở danh dự, nghệ thuậttổ quốc. Tin ở Thành công.
            Đặt quyển chuyện xuống bàn, tôi khoan khoái, cảm động và thỏa mãn – thỏa mãn vì đã gặp Một người, một người mà , cách đây mấy nghìn năm nhà hiền triết Diogène thắp đèn giữa ban ngày đi tìm cũng không thấy. Môt nhà văn không thành thực và mạnh mẽ tin, yêu không thể nghĩ, cảm, viết được một chuyện hào khí như tiểu thuyết Một người.
            Nếu tôi không nhầm, viết nó, anh chủ tâm thức tỉnh những tâm hồn đang chìm đuối trong ao tù trưởng giả lấy ăn chơi làm tôn giáo, lấy khoái lạc làm thần tượng, lấy trụy lạc làm lẽ sống.
            Đi ngược lại một dòng sinh hoạt đang xô đẩy mọi người phản động thời thượng đang sùng mộ vật chất, anh đã tỏ ra một nhà văn độc lập về tư tưởng và có can đảm của ngòi bút.
            Hẳn anh cũng buồn rầu với tôi rằng ở cái hình trạng hoàn toàn hỗn độn của xã hội Việt Nam bây giờ, giữa lúc người ta hùa nhau chạy theo “quỉ Satan” và “con bò vàng”, nói đến danh dự chỉ là mua một nhún vai của kẻ hoài nghi, nói đến nghệ thuật chỉ là chuốc lấy một bĩu môi của kẻ bi quan, nói đến tổ quốc chỉ là hứng lấy tiếng cười giễu cợt của kẻ xu thời.
            Nhưng một nhà văn biết trọng ý kiến mình, quý ngòi bút, thờ Danh dự và Lý tưởng, không khi nào vì những đá chởm ấy mà nản chí.
            Lúc này giống nòi Việt nam đang cần mạnh để sống, cần hăng để tiến, cần liều để thắng. Lúc này mỗi bạn trẻ phải là một nghị lực, mỗi thần dân phải là một ý chí, toàn quốc phải là một lực lượng để phụng sự một tương lai mà chúng ta có quyền, có bổn phận tin là rực rỡ.
            Lúc này hoài nghi là nhu nhược, bi quan là hèn mạt, xu thời là phản bội.
            Đã là người, chúng ta không có quyền nhu nhược. Đã là nhà văn, chúng ta không có quyền hèn mạt. Đã là dân nước, chúng ta không có quyền phản bội.
            Máu trong tim chúng ta còn sôi nhưng hoài bão gân cốt trong người chúng ta còn ứ những sức mạnh. Chúng ta phải nỗ lực chiến đấu vì nghệ thuật, vì chủng tộc. Chúng ta phải dùng hết tâm trí sống một cuộc đời thật đầy đủ, thật nguy nan. Sống không có lý tưởng không còn ý nghĩa gì? Đời sống không có gian lao còn có hứng thú gì?
            Chúng ta cứ nhằm Đắc thắng mà tiến bước. Nếu có phải vì héo tim, mòn óc, thua một Định mệnh, tàn ác mà ngã gục trên đường Nghĩa vụ, chúng ta cũng phải ngã một cách danh dự với mãn nguyện trong lòng – mãn nguyện vì đã là Một người.
            Với tiểu thuyết Một người, anh đã ném một hòn đá tảng tảng đầu tiên vào cái nền xã hội Việt nam mà tất cả chúng ta cần phải gây dựng thật mau chóng, thật siêng năng và chu đáo nếu chúng ta không muốn nhìn cái thảm họa Diệt vong của giống nòi.
            Dù ảnh hưởng của câu chuyện Một người không hẳn được như lòng mong mỏi, chủ tâm của anh cũng còn đáng quý gấp trăm nghìn những thái độ ươn hèn, đác tội của bọn hoài nghi, bi quan, xu thời kia.
            Hành vi của anh sẽ được người thức giả hoan nghênh. Tôi sung sướng nói với anh như thế.


***


            Anh Lê văn Trương,
            Đã bao nhiêu lần, sau những câu chuyện tâm sự, chúng ta nói với nhau nỗi lo sợ hồi hộp của chúng ta khi cầm bút ký thác lên trang giấy những chất tim, chất óc của mình. Muốn tránh những những trách móc của lương tâm, muốn tránh những thịnh nộ của bao nhiêu người đã chết trong lòng dãi đất Việt nam này, chúng ta cần phải hoàn toàn thành thực khi phát biểu ý kiến, phải hành văn hoàn toàn theo mệnh lệnh của trái tim.
            Trái tim! Chỉ có một trái tim mới là nguồn sống và động lực của tiến bộ.
            Viết quyển Một người, anh đã nhìn thấu chân lý tuyệt đối ấy. Tôi thành thực mừng anh và mong anh sẽ viết được nhiều tiểu thuyết giá trị hơn thế nữa.


            Bạn anh

            TRƯƠNG TỬU

TRÒ CHUYỆN VỚI HỌA SĨ LƯU CÔNG NHÂN


Thủ bút của Họa sĩ LƯU CÔNG NHÂN


Lưu Công Nhân
-         Sinh năm 1931 ở Việt Trì, Vĩnh Phú.
-         Học trò của họa sĩ Tô Ngọc Vân (1948 – 1954)
-         Tác phẩm trưng bày trong tất cả những Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam ở trong nước và ngoài nước.
-         Đã trưng bày nhiều phòng tranh riêng tại Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Varsovie, Lublin (Ba Lan).
-         Nhiều giải thưởng toàn quốc (1959 – 1960) và quốc tế - Viên (Áo) 1959.
-         Tác phẩm được bảo tàng tại các viện bảo tàng: Hà Nội, Maxcơva, Budapest, Paris và các bộ sưu tập riêng trong và ngoài nước.
-         Hiện là họa sĩ tác gia của Hội Nghệ sĩ Tạo hình Việt Nam. Xưởng vẽ ở Thành phố Hồ Chí Minh.

            Ngồi trên ban-công tầng hai của Nhà Sáng tác Đồng Đế, Nha Trang (thuộc Bộ Văn hóa) nhìn ra: Biển, bãi cát vàng, những chuỗi dài bọt biển trắng. Sáng sớm mùa hè, biển lặng xanh lơ, mặt trời chưa lên. Ngoài khơi, vài cánh buồm đen hiện lên, màu mây trắng chớm hồng nhạt: cảnh sắc bức tranh màu nước trên giấy dó của họa sĩ Lưu Công Nhân đang vẽ.
            Lưu Công Nhân năm nay 56 tuổi, người cao lớn, tính vui vẻ, cởi mở. Anh đi nhiều, sống nhiều. Đến đâu anh cũng vẽ, vẽ say mê. Nơi nào nhiều cảm hứng, anh ở lại lâu để vẽ. Hồi năm 1983, anh đã sống và vẽ ở Hội An (Quãng Nam – Đà Nẵng) cả năm trời. Năm nay, hưởng ứng “Năm Quốc tế hòa bình”, anh thực hiện một chuyến đi dài xuất phát từ Sài Gòn đến các tỉnh miền Trung, ra Hà Nội rồi về lại Sài Gòn, xuống các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để vẽ phong cảnh đất nước và con người Việt Nam hòa bình.
Nhà Sáng tác và An dưỡng Đồng Đế chưa có xưởng vẽ, nhưng với Lưu Công Nhân điều này không ảnh hưởng đến công việc sáng tác của anh. Chuyến đi này anh vẽ màu nước. Những tờ giấy dó Việt đựng trong chiếc cặp vẽ đen, một hộp màu nước, vài cây bút lông đủ để anh vẽ bất cứ chỗ nào anh thích. Tôi hỏi anh:
            - Tranh màu nước so với tranh sơn dầu, sơn mài, lụa,… loại tranh nào có giá trị nghệ thuật hơn.
            Anh cười to, trả lời thẳng:
            - Vương Duy đời Tống chỉ dùng độ đậm nhạt của mực đen để diễn tả màu sắc của vạn vật. Ông là thủy tổ lối vẽ “thủy mặc” phái Nam Tông. Rồi những tranh của Hàn Cán, Tào Bá, Mễ Phế, Mã Viễn, Trạch Đoan, Vương Hy Mạnh… đều là những đại tác phẩm. Không ai chia các trường phái hội họa theo chất liệu. Giấy, mực nho hay sơn dầu, hay dát vàng, kim cương thì cũng như nhau. Chỉ là phương tiện để vẽ…
            Anh nhìn tôi, tay rút một điếu thuốc châm lửa hút. Anh không ghiền thuốc, chỉ khi nào hứng thú trong câu chuyện anh mới dùng hơi thuốc làm “nền” cho ý tưởng của anh.
            - Tất nhiên mỗi chất liệu đều có cái hay riêng. Tùy theo tư chất của mỗi họa sĩ thích dùng thứ này hay thứ khác. Nhưng đối với những họa sĩ phương Đông, Việt Nam – sơn mình làm ra rất kém chất lượng, nhưng giấy dó lại rất tốt, rẻ thì cái ý nghĩ đó vô cùng to lớn. Tôi nghĩ rằng với thỏi mực tàu, hộp màu nước, tờ giấy dó ấy cộng với tài năng là quá đủ để bạn trở thành một họa sĩ tên tuổi.
            Anh cười, nói tiếp, giọng sôi nổi:
            - Bạn lại có thể vẽ được rất nhiều bằng chất liệu ấy, hàng vạn bức tranh trở lên, trong khi đó nếu bạn vẽ lụa, sơn dầu thì khó có thể mơ ước đạt được một số lượng lớn như thế. Trong hội họa không thể vẽ ít mà thành công nhiều.
            - Nhưng anh ơi, nếu tôi chỉ hợp “gu” vẽ sơn dầu, thèm vẽ quá, vẽ bừa sơn cửa, thì có nên không?
            - Tôi xin nói với bạn như thế này nhé! Nếu muốn thỏa mãn cơn khát vọng thì xin mời bạn hãy mạnh dạn cầm tờ giấy dó và thỏi mực tàu, hoặc hộp bột màu lên. Hai chất liệu ấy thì đến Picasso cũng chỉ vẽ như bạn thôi. Không có họa sĩ nào thỏa mãn khát vọng bằng cách dùng sơn cửa thay sơn dầu. Với sơn dầu, nếu dùng những loại hạng bét thì nó cũng phá hoại không thương tiếc con mắt của các anh. Có thể so sánh với một người học đánh piano mà lại dùng một cái piano tự tạo, sai hoàn toàn âm sắc.
            Anh cười và tôi cũng cười với sự so sánh ngộ nghĩnh này.
            - Và cũng xin anh lưu ý. Sơn dầu trong thế kỷ 20 được các hãng công nghiệp chế tạo có nhiều màu và tiện lợi hơn thời của Van Eyck, Véronèse, Léonard de Vinci nhưng chất lượng lại sém hẳn. Những tranh vẽ bằng hóa chất mới này, trong một vài chục năm bị mất màu rất nhanh. Chỉ có vài “mác” trên thế giới có được đủ tín nhiệm cho các họa sĩ vẽ, đáng tiếc thay lại rất đắt. Chúng ta phải mua bằng vàng.
            - Còn tranh của các họa sĩ sống ở đây, anh đã có dịp xem và thấy thế nào. Xin anh phát biểu thẳng thắn.
            - Tôi có gặp một vài bạn than phiền hoàn cảnh làm việc ở cơ quan, không có thì giờ vẽ, vật liệu lại thiếu thốn… Các anh chỉ trông chờ các đợt sáng tác. Tôi nghĩ các anh nên có một quan niệm cho phù hợp. Sáng sáng anh có thể tranh thủ vẽ một chút trước khi đi làm.
            Anh nhắc đến trường hợp họa sĩ Tô Ngọc Vân vẽ tranh Chị cốt cán hiện treo ở Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ông phải tranh thủ vẽ trong đợt công tác phát động quần chúng giảm tô. Anh nói thêm:
            - Nếu tranh thủ như thế thì mỗi năm anh có nhiều tranh vẽ và tranh vẽ của anh có hơi thở của cuộc sống.
            - Theo tôi nghĩ tình hình sáng tác của anh em họa sĩ ở đây thiếu tính cách quốc tế hay thậm chí tính cách của một nước. Muốn thoát khỏi mặc cảm đó, theo ý phải khắc phục bằng cách nào?
            - Trong lịch sử mỹ thuật hiện đại có một họa sĩ người Ý tên là Moraldi, ông này chưa hề bước chân ra khỏi một ngôi làng nhỏ ở miền Nam nước Ý, thế mà tranh vẽ của ông đã chinh phục được giới phê bình hội họa và làm rung chuyển cả thành phố Paris vào đầu thế kỷ 20 này. Đến ngoài 60 tuổi Moraldi mới đến Paris, gặp các đại họa sĩ ở đây mà không hề “nhà quê” tí nào. Ông này chuyên vẽ tỉnh vật. Tôi đã được xem một bức tỉnh vật vẽ chai lọ của ông ở Viện Bảo tàng Puskin: tuyệt vời! Còn Cézanne cũng là họa sĩ của một tỉnh nhỏ ở miền Nam nước Pháp, ông chỉ đến Paris trong một thời gian ngắn rồi về lại quê nhà Aix-en-Provence vẽ cho đến cuối đời. Nhưng ông ta vẫn là cha đẻ của mọi nghệ thuật hiện đại. Như thế, tôi nghĩ các họa sĩ ở tỉnh này… có thể trở thành một họa sĩ có tầm cỡ quốc tế mà không nên mặc cảm gì cả. – Anh nhấn mạnh – Trọng tâm vấn đề là ở các anh chứ không phải ở Nha Trang hay ở một góc phố nào khác.
            Anh nhắc lại lịch sử mỹ thuật của nhân loại không bao giờ tính đến những họa sĩ bậc thầy vẽ bằng chất liệu gì. Sự hiện diện của những danh họa vĩ đại ấy trong lịch sử khiến cho nhân loại phải nghiêng mình kính phục là ở trí tuệ, vũ trụ, tâm hồn, ánh sáng toát ra từ người đó. Vẽ là “una cosa mentale” (công chuyện tinh thần) như Léonard da Vinci đã nói.
            - Thế thì vừa qua trong điều lệ thu tranh dự triển lãm Á-Phi, tại sao Ban Tổ chức chỉ nhận tranh lụa và sơn mài?
            - Tôi nghĩ đó là phía Ban Tổ chức của chúng ta. Xưa nay chúng ta cứ nghĩ chỉ có đàn bầu mới ra quốc tế được. Nếu đem tranh ra nước ngoài dự thi mà phải lụa và sơn mài chứ không thể thứ gì khác thì cũng là biến dạng của “tư tưởng đàn bầu” thôi. Những nước khác không có lụa và sơn mài thì sao? Tôi nghĩ điều lệ của Ban Tổ chức quốc tế không qui định chất liệu mà chỉ qui định khuôn khổ.
            - Anh vẫn chưa trả lời câu hỏi làm thế nào đạt được tính cách quốc khi nằm lì ở một tỉnh như Phú Khánh này?
            Anh vừa cười vừa trả lời:
            - Tất nhiên nếu được ra nước ngoài thì nhất rồi. Nhưng các bạn nên nhớ, chúng ta đang ở vào thời đại mà lượng thông tin rất phong phú, cho nên trước hết chúng ta phải thay thế một phần cái tận mắt thấy bằng sách báo quốc tế. Điều thứ hai, chúng ta nên hàng năm đến Hà Nội, Sài Gòn và các thành phố khác. Cái này ở trong tầm tay của chúng ta. Vấn đề là khi đến các nơi đó chúng ta có nhìn ra cái gì hay không? Những cuộc gặp gỡ giữa một họa sĩ ở tỉnh với các danh sĩ ngành nghề thủ đô trong những buổi cà-phê, trò chuyện, thưởng lãm tác phẩm nhất định phải đem lại hơi thở quốc gia và quốc tế cho các bạn ở tỉnh. Điểm thứ ba: Nha Trang là một thành phố du lịch, chính đây là điều kiện vô cùng thuận tiện để chúng ta có thể gặp gỡ học tập những văn nghệ sĩ của cả nước và nước người. Vấn đề là chung ta có chịu gặp, chịu học hay không?
            Nhìn cuốn tập san Văn Nghê Nha Trang anh hỏi:
            - Anh có thấy cái bìa và các minh họa của các anh đây... rất là tỉnh nhỏ không, tuy cũng màu, mảng, mô-đéc... đủ cả.
            Tôi ngồi im lặng. Đúng là cũng có lúc mình chưa thoát ra khỏi cái “mặc cảm tỉnh nhỏ”. Anh nói với giọng tâm sự:
            - Tôi thường băn khoăn tranh của tôi có tỉnh lẻ không? Ôi, than ôi, hai phần ba đời tôi ở nông thôn, làng xóm, rừng rú. Tôi luôn luôn tự hỏi: Kiến An, Thác Bà so với Hà Nội là “tỉnh nhỏ”, thế thì Hà Nội so với Paris, New York có phải là “tỉnh nhỏ” không? Và mục tiêu của tôi không phải chỉ có Hà Nội... Trong các bảo tàng nước ngoài, thì cái ám ảnh thường ray rứt tôi trước tiên là khi nhìn tranh của các đại danh họa rồi so với tranh mình nó như thế nào! Bài học “nhà quê” và quốc tế ấy bao giờ cũng hiện lên trong khi đứng trước bức tranh.
            - Các họa sĩ cần xem những bức tranh nổi tiếng của các nhà danh họa dù là phiên bản, cũng giống như các nhà văn bắt buộc phải có những tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng mình thích trong tủ sách của mình...
            - Đúng quá. Thật đúng. Vô cùng đúng! Tôi không có tranh nguyên bản của các họa sĩ nước ngoài, nhưng bản thân tôi có sưu tập nguyên bản tranh của Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái. Tôi vừa mới mua hai bức tranh của họa sĩ Nguyễn Trọng Kiệm. Tôi thường xuyên xem và học tập từ tranh của các anh ấy.
            - Còn tranh của anh, anh có thường xem lại không? Anh có thích nó không? Và xin hỏi thêm ngoài tranh anh có đọc sách gì không?
            - Tôi đặt ra một kỷ luật là hàng tháng phải xem lại toàn bộ tranh vẽ, phác họa, ký họa của tôi một lần. Một năm dứt khoát tôi phải để ra một thời gian xem toàn bộ số sách hội họa tôi hiện có, và tôi có đầy đủ những sách hội họa cần thiết do công việc yêu cầu. Tôi đọc sách văn học cũng nhiều, đặc biệt rất mê thơ...Anh nói với tôi: - Tôi cứ tự hỏi làm thế nào trong hội họa có thể vẽ được cái trừu tượng như âm nhạc và thơ.
            - Tôi nghe nhiều người nói anh chơi cũng dữ mà làm việc cũng gớm. Thế chìa khóa thành công của anh chỗ nào?
            Anh cười sảng khoái:
            - Nếu anh nghĩ chơi và làm việc không dính dáng gì với nhau thì chơi chả được bao nhiêu và làm việc cũng chả được mấy. Đối với nghề vẽ tôi cho rằng trong chơi là làm việc. Vấn đề là do ý thức...
            Lúc này mặt trời từ biển đang mọc lên, đỏ rực. Những đường ánh sáng nhảy múa trên mặt biển xanh. Biển biến sắc từ màu xanh thành màu hồng điểm những vệt ngang đỏ tươi. Anh chuẩn bị về phòng lấy giấy bút để vẽ cảnh mặt trời mọc trên biển. Tôi xin phép anh được hỏi một câu chót, có tính ước lệ nhưng cần thiết:
            - Dưới con mắt của một họa sĩ du lịch, cảm tưởng của anh thế nào khi đến vẽ và ở Nha Trang?
            - Khi đến một thành phố lạ, tôi có thói quen tìm hiểu những hoạt động về lãnh vực văn hóa, một nhu cầu tinh thần đối với con người, ở thành phố đó. Trong những ngày đầu tiên đến Nha Trang, ở nhà anh Trần Anh Vinh, nằm trên gác, tôi đọc hết các sô Văn nghệ Nha Trang, Văn nghệ Phú Khánh, tập bút ký Nha Trang mười năm... Khi xuống phố, tôi tìm thăm các cửa hàng mỹ nghệ, của hành kinh doanh vàng bạc... Tôi đã để một ngày đi xem các bảng đề tên đường, tên phố của Nha Trang, thấy có cái rơi, cái mờ đọc không ra chữ. Tôi thắc mắc nếu như thế sao gọi là thành phố du lịch được nhỉ? Anh có tự ái về nhận xét của tôi không? Ai đến một thành phố du lịch nào việc đầu tiên là phải mua một bản đồ để tìm tên phố một cách dễ dàng. Còn ở đây không được thế. Tôi vẽ phố mà không có bản đồ, không biết tên phố. Nha Trang là một thành phố có cảnh sắc thiên nhiên, nhưng chúng ta cũng đã phá hoại không ít cái đẹp của thiên nhiên. Chẳng hạn như ở bãi biển, Tháp Bà... Tôi nhớ rằng khi tôi đi qua những thành phố du lịch của châu Âu, vẻ đẹp của họ được chăm sóc những người du lịch như tôi đều phải thốt lên: “Quả thật, ông thị trưởng của thành phố đó có đầu óc thẩm mỹ của một họa sĩ bậc thầy.

LÊ KÝ THƯƠNG
Nha Trang, 6-1986.
  Ký họa chân dung người viết do họa sĩ Lưu Công Nhân vẽ năm 1986



No comments:

Post a Comment