Trong
Liên hoan Gốm phương Nam lần I tổ chức tại Khu du lịch Văn Thánh, khách tham
quan trong và ngoài nước đặc biệt thích thú khi được chiêm ngưỡng nét đẹp tạo
hình và màu men phong phú của những mẫu tượng Quan Âm thuộc dòng gốm Biên Hòa
xưa.
Bộ
sưu tập độc đáo này của nhà sưu tập trẻ Nguyễn Thanh Chương, hiện là chuyên
viên đô thị và môi trường, đã hơn mười năm mải mê theo đuổi duy nhất một chủ đề
là tượng Phật giáo gồm nhiều chất liệu, riêng tượng Quan Âm gốm Biên Hòa xưa có
khoảng 30 cổ vật.
Gốm
Biên Hòa, còn gọi là gốm Đồng Nai, tiếp nối truyền thống gốm Cây Mai (Sài Gòn) và
gốm Lái Thiêu (Bình Dương) hình thành vào đầu thế kỷ XX từ khi có Trường Mỹ
nghệ Đồng Nai (năm 1903). Năm 1923, ông Robert Balick từ Pháp sang làm hiệu
trưởng và cùng vợ là bà Marie Balick,
tốt nghiệp Trường Gốm Limoges, phụ trách ban Gốm của trường. Có thể nói ông bà
Balick là người đặt nền móng cho trường phái gốm Biên Hòa phát triển rực rỡ cho
đến những năm 1960. Chính bà Balick đã lập nhóm nghiên cứu men phù hợp với thai
(cốt đất) gốm Biên Hòa bằng nguyên liệu trong vùng như đá trắng An Giang (cái
nôi của gốm Óc Eo), vôi Càn Long (Trà Vinh), đá ong đỏ Biên Hòa, tro (rơm, củi,
trấu) và bột màu cobalt, để tạo nên màu men xanh đồng nổi tiếng của Biên Hòa.
Số
tượng gốm Quan Âm, với nhiều kiểu thức và đồ tượng khác nhau, mà anh Chương sởhữu,
hầu hết là do những nghệ nhân là học trò của bà Balick chế tác. Họ phỏng theo
những ảnh chụp tượng hoặc phù điêu các nữ thần và các vị Bồ Tát của Ấn Độ,
Nepal, Tây Tạng, Trung Hoa, Nhật Bản… do bà Balick cung cấp để tạo mẫu, đúc
khuôn. Điểm độc đáo ở các hình tượng này là tính sáng tạo của nghệ nhân.


Chiêm ngưỡng tượng Tara Quan Âm
(H. 1), cao 62cm, với khuôn mặt xinh đẹp và phúc hậu của một thiếu nữ Việt Nam,
chúng ta thấy ngài ngồi trên tòa sen, tay trái bắt ấn kiết tường – biểu thị
điềm lành, khuỷu tay chống trên chân trái xếp bằng – biểu thị cảnh giới bồ tát
của ngài, trong khi đó chân phải đặt trên một bông sen nở và tay phải tựa trên
đầu gối chân phải với bàn tay xòe ra – biểu thị ban phát điềm lành cho thế
gian. Nhìn mẫu tượng này, chúng ta có thể liên tưởng đến bức tượng đồng Tara
Shyama (Tara Xanh), thế kỷ XII của miền Đông Ấn Độ (H. 1a), nhất là phần thân
và tư thế ngồi gọi là tọa thức “thanh nhàn đế vương”. Theo Phật giáo Tây Tạng, Tara cũng là hiện thân của Bồ Tát Quan Thế Âm. Phổ biến
nhất là Tara hình tướng Tara xanh lục và Tara
trắng. Tượng gốm Quan Âm của nghệ nhân Biên Hòa mô tả ngài là một Tara xanh lục. Màu men Biên Hòa hết sức xứng hợp với hình
tướng của ngài, nhưng đẹp nhất và sống động nhất là màu men da. Nếu chú ý đến
đôi má ửng hồng và hai mi mắt được trang điểm men xanh từ đậm đến nhạt, tạo cho
khuôn mặt một vẻ đẹp tự nhiên, thánh thiện, chúng ta mới thấy nghệ nhân tạo mẫu
tượng này không những giỏi về kỹ thuật sử dụng màu men mà còn có tay nghề bậc
thầy về… nghệ thuật trang điểm.

Cùng
kiểu thức “thanh nhàn đế vương”, nhưng mẫu tượng Quan Âm (H. 2), cao 35cm, có
dáng ngồi tự tại và… thoải mái hơn. Người tạo mẫu tượng này ắt hẳn đã chịu ảnh
hưởng những bức phù điêu hay tượng đá thần Vishnu của Ấn Độ. Phần thân tượng
cũng chỉ quấn một dải băng, đầu hơi cuối xuống, khuôn mặt bầu bĩnh với đôi
mắt
đang chăm chú nhìn xuống thế gian, bộ ngực căng tròn và gây ấn tượng nhất là
bụng hơi tròn, thể hiện tính Mẫu theo tín ngưỡng của người Việt. Nhìn tổng thể,
tượng vẫn toát lên vẽ thánh thiện nhưng lại gần gũi với giới lao động tay chân
qua nước da men màu nâu đỏ không bóng, cũng là màu men đặc trưng của gốm Biên
Hòa. Điểm đặc biệt của các tượng này là cách nghệ nhân tạo mẫu. Nhựng mẫu tượng
gốm nhỏ, với tư thế ngồi chân co chân duỗi, thân tượng gắn liền với đế nhằm mục
đích dễ chế tác, dễ làm khuôn và tiện lợi khi đưa vào lò nung. Nhưng với mẫu
tượng này, nghệ nhân đã
phá cách và theo chúng tôi đây chính là giá trị nghệ
thuật của tượng.

Một
kiểu thức tượng Quan Âm gắn liền với lòng tin tuyệt đối của ngư dân Việt Nam là
Quan Âm thủy ba (H. 3), cao 40cm, còn
gọi là Quan Âm Nam Hải. Tượng được
tạo thế ngồi nghiêng, không nằm trong khuôn thức thờ trong chùa, dáng vẻ bềnh
bồng. Vẫn sử dụng men Biên Hòa cho chiếc áo choàng của tượng, và cả những gợn
sóng, nhưng nghệ nhân đã “đã đi” dày men những chỗ cần thiết để tạo tính chất
sinh động.
Gốm Biên Hòa không những nổi
tiếng nhờ màu men xanh đồng, mà còn màu men nâu đỏ. Có thể so sánh hai mẫu
tượng cùng một kiểu thức
Quan Âm đề lam
(tay mặt xách giỏ cá, tay trái cầm quyển kinh – một với áo choàng xanh đồng có
những lớp khắc chìm vảy cá (H. 4), một với áo choàng nâu đỏ có những lớp khắc
chìm nâu đỏ cùng màu nhưng nhạt hơn và không bóng (H. 5). Tất nhiên hai tượng
này cùng một khuôn đúc, nhưng với hai màu men chủ đạo khác nhau, mỗi mẫu tượng
một vẻ đẹp riêng.
Nhóm
tượng gốm Quan Âm trong bộ sưu tập tượng Phật của anh Nguyễn Thanh Chương còn
nhiều kiểu thức khác nhau, chẳng hạn mẫu tượng
Quan Âm Tống tử (H. 6), cao 45cm. Đây cũng là hình tượng quen thuộc
trong tâm thức người Việt, nhất là những người hiếm muộn con cái đến chùa dâng
lễ cầu tự. Tượng Quan Âm Tống tử thờ trong chùa Việt Nam thường có dáng ngồi uy
nghi, khuôn mặt phúc hậu với nụ cười từ ái, hai tay bồng hài nhi giữa lòng, thì
tượng này lại có dáng đứng, mặt nhìn hơi chếch về phải, đôi mắt mở to như thấu
hiểu hết nỗi lòng nhân thế, tay trái bồng hài nhi. Đây là tượng trang trí trong
gia đình nên nghệ nhân chế tác không theo khuôn thức tượng thờ trong chùa mà
mạnh dạn đảo lộn luật cân xứng trong điêu khắc hàn lâm, thay vì “dưới phình
trên tóp” thì ngược lại. Một điểm quan trọng hơn là mẫu tượng này đã kết hợp
hài hòa màu men (xanh đồng, đỏ, trắng đục) và kỹ thuật khắc chìm (hoa văn trên
áo choàng) đặc trưng của gốm Biên Hòa. Có thể nói đây là những tác phẩm tiêu
biểu về dòng gốm trang trí trong nhà của trường phái gốm Biên Hòa, một trường
phái vốn nổi tiếng một thời mà giờ đây hầu như bị quên lãng…
LÊ KÝ THƯƠNG
(Doan nhân Sài Gòn cuối tuần, 22-6-2007)
NÉT ĐẸP TƯỢNG QUAN ÂM CỦA TRƯỜNG PHÁI GỐM BIÊN HÒA XƯA đang hot nhất hiện nay tại : https://tuetutam.com/
ReplyDelete