Từ GILBERT STUART
đến JACKSON POLLOCK
Lê Ký Thương
biên dịch
LỜI GIỚI THIỆU
Vào năm 1492, Columbus khám phá ra
Tân Thế giới thì những họa sĩ như Da Vinci, Michelangelo, Botticelli, Bellini,
Mantegna và hàng chục họa sĩ khác đang vẽ những tác phẩm mà sau này trở thành
di sản nghệ thuật thế giới. Vào thời điểm đó, nước Mỹ vẫn còn là một nơi hoang
dã, dân bản địa còn ''ăn lông ở lổ''. Họ sống trong lều trại, kiếm thức ăn bằng
cách săn bắn thú rừng. Khoảng một trăm năm sau cái chết của Raphael những khu
định cư đầu tiên của người Anh mới xuất hiện trên vùng đất mới này. Và nền hội
họa Mỹ thật sự hình thành sớm nhất vào giữa thế kỷ 17 khi Velasquez ở Tây Ban
Nha và Rembrandt ở Hà Lan đang trong thời kỳ sáng tạo sung mãn.
Thật đáng ngạc nhiên là với sự bắt
đầu trễ tràng này, nền hội họa Mỹ đã vượt lên ngang hàng với phần còn lại của
thế giới, nếu không muốn nói là nền hội họa hàng đầu.
Vào giai đoạn sơ khai lập quốc, nghệ
thuật không có chỗ trú thân trên vùng đất mới. Ở một nơi xa lạ, cách quê nhà
đến nửa vòng trái đất, sự sinh tồn đối với dân định cư quả là quá khó khăn, cay
nghiệt. Họ chỉ tập trung mọi nỗ lực để tìm kiếm thực phẩm, hơi ấm và một nơi
trú ngụ. Nhưng ngay khi những cư dân Đức, Pháp, Anh đã an cư thì lập tức họ
nghĩ đến nhu cầu làm cho cuộc sống phong phú lên bằng cái đẹp.
Có thể nói nền hội họa đầu tiên của
Mỹ là những bảng hiệu vẽ bằng tay treo trước các cửa hiệu, nhưng chính các bức
tranh chân dung mới thực sự đánh dấu
bước khởi đầu của hội họa Mỹ. Vào giai đoạn này, tranh chân dung là
phương tiện duy nhất để giữ lại hình ảnh của các thành viên trong gia đình.
Không phải ai cũng có khả năng tài chánh đặt vẽ một bức tranh chân dung, vì thế
một bức chân dung treo ở phòng khách được xem như là bằng chứng về sự thành đạt
của chủ nhân.
Những người vẽ chân dung đầu tiên
được gọi là ''thợ vẽ''. Đa số họ là những kẻ có ít tài năng, tự học và có khi
rất kém hiểu biết về hội họa. Có những người vốn là những thợ vẽ bảng hiệu hay
những thợ sơn nhà. Dụng cụ vẽ như sơn, cọ cũng rất kém chất lượng.
Một số thợ vẽ làm việc theo cách hết
sức thú vị: suốt mùa đông lạnh giá, họ ở nhà, vẽ sẵn chân dung của đàn ông, đàn
bà và trẻ con. Tất cả những bức chân dung đó được tô điểm kỹ càng mọi chi tiết
nhưng đều ... thiếu đầu. Đến khi thời tiết ấm áp, họ mới khăn gói lên đường,
mang những bức chân dung đi lang thang khắp nơi để tìm khách hàng. Gặp được
người mua, họ chỉ cần vẽ thêm cái đầu và bộ quần áo là hoàn thành một ''tác
phẩm''! Trong số những tranh thuộc loại
này, nước Mỹ còn giữ lại được hai bức John Freake và Mrs. Freake and Baby Mary,
vẽ vào khoảng năm 1674, nó phản ánh nền hội họa cầu kỳ, vô vị thời Tiền-Holben ở
nước Anh vào thế kỷ 16.
Càng ngày các vùng đất thuộc địa
càng giàu có hơn và số người vẽ tranh cũng đông đảo hơn. Nhưng mãi cho đến nửa
sau thế kỷ 18, với sự xuất hiện của John Singleton Copley và Benjamin West, thì
nước Mỹ mới thực sự sản sinh ra những họa sĩ lớn đầu tiên của mình.
Mặc dù cả Copley lẫn West đều được
sinh ra ở thuộc địa, nhưng mối quan tâm chính của họ là hội họa, và cả hai đều
đã dời sang Anh, nơi có nền nghệ thuật được xem là phát triển hơn. Ở Anh, cả
hai ông đều là những họa sĩ thành đạt, và không ai quay về lại nước Mỹ. Tuy
nhiên, West thì lại có nhiều học trò người Mỹ, những kẻ sau này quay về Mỹ mang
theo phoang cách của ông. Vì thế, phong cách kiểu Anh đã gây ảnh hưởng một thời
gian dài trên đất Mỹ. Qua đó, có thể nói nền hội họa Mỹ được bắt đầu từ Gilbert
Stuart.
Trong một thời gian dài, dù có nhiều
nỗ lực muốn phát triển trường phái hội họa Mỹ nhưng đa số các họa sĩ Mỹ vẫn còn
tiếp tục hướng về châu Âu.
Cuộc cải cách nhỏ đáng chú ý đầu
tiên chống lại ảnh hưởng Anh quốc xảy ra vào đầu thế kỷ 19, do trường phái Hudson River khởi xướng. Trường phái này gồm một nhóm họa
sĩ đầu tiên hiểu được cái đẹp của phong cảnh Mỹ.
Cùng thời điểm này ở miền Tây,
George Caleb Bingham và G. Catlin đang phát triển một nền hội họa Mỹ thực sự
hầu như gạt bỏ hoàn toàn ảnh hưởng ngoại lai. Bingham nắm bắt cuộc sống còn
hoang sơ thường ngày, còn Catlin thì quan tâm đến cuộc sống của người Mỹ Da đỏ,
được ông thể hiện qua hàng loạt tranh của mình.
Trong một giai đoạn ngắn, những
''trường phái'' Anh và Đức (của Munich và Dusseldorf) đã thu nhận
một số họa sĩ Mỹ và gây ảnh hưởng đến phong cách của họ. Bingham là một trong
số những người theo học ở Dusseldorf,
nhưng những bức tranh ông vẽ trong thời gian này lại không thành công bằng
những tác phẩm lớn của ông vẽ vào thời kỳ ''chưa Cỗ trường lớp''. Nhà họa sĩ Mỹ
bị chùng lại vì sự thiếu hứng thú trong nỗ lực thiết lập một nền hội họa dân
tộc. Các trường lớp và những bộ tranh sưu tập được của các bậc thầy thì ít ỏi
và nghèo nàn đến nỗi ông không còn cách nào khác hơn là phải quay trở lại châu
Âu. Trong xã hội Mỹ, thời bấy giờ, hội họa và họa sĩ bị đánh giá thấp, còn
người mua tranh cảm thấy chỉ có tác phẩm của các họa sĩ châu Âu mới đáng giá.
Bắt đầu từ cuối thế kỷ 19, trường
phái hội họa Pháp đã nắm được vai trò lãnh đạo trên thế giới một cách vững chắc
cho tới tận Chiến tranh Thế giới II. Dù vậy, Winslow Homer và Thomas Eakins,
hai trong số những họa sĩ lớn của Mỹ nửa sau thế kỷ 19 vẫn tiếp tục đi theo con
đường riêng của họ, không ảnh hưởng gì đến trường phái hội họa Pháp.
Vào đầu thế kỷ 20, các họa sĩ hiện
thực Mỹ dốc sức phát triển một hình thức
hội họa hoàn toàn có tính cách dân tộc và gần như họ đã thành công.
Những tư tưởng mới phát sinh từ
Paris vào thế kỷ 19 và 20 đã làm cho thủ đô của nước Pháp trở thành trung tâm
nghệ thuật của thế giới. Nhưng từ cuối Chiến tranh Thế giới II, trung tâm nghệ
thuật ấy dời qua Tân thế giới. Dần dần, các họa sĩ Mỹ đi vào con đường kinh
nghiệm riêng của họ. Ngày nay, nước Mỹ trở thành người tiên phong trong sự phát
triển những tư tưởng mới của nền hội họa hiện đại. Lần đầu tiên, những tư tưởng
nghệ thuật của Tân thế giới đã gây ảnh hưởng đến các nền hội họa của các nước
khác trên thới giới.
Và như vậy, chỉ trong hai trăm năm
kể từ khi hình thành, nền hội họa Mỹ đã có những bước tiến bộ rõ rệt. Thành tựu
đó chính là niềm tự hào của các họa sĩ Mỹ.
Allston tốt nghiệp đại học năm 1800 với bằng danh dự. Tương lai xán lạng trước mắt. Sau khi rời Havard, Allston vội vã đến Newport để gặp lại Ann Channing, người vợ tương lai của chàng. Mặc dù tình cảm hai người rất nồng thắm nhưng cả hai đều biết rằng Allston cần phải hoàn thành việc học hội họa của mình trước khi bắt đầu cuộc sống gia đình.
Đầu tháng 6-1830, Allston cưới Martha Remington Dana, chị của Richard Henry Dana và là một người bà con của Ann Channing Allston. Họ cư ngụ trong một căn nhà ở Cambridgeport có riêng một phòng vẽ. Bức ''Belshazzar'' vẫn cứ nằm cuộn tròn trong một góc trong khi Allston tiếp tục vẽ những bức khác.
1. GILBERT STUART
(1755
- 1828)
Chân dung tự họa
Gilbert Stuart ra đời vào một ngày
ảm đạm của tháng 12 năm 1755 trong nhà máy xay của cha cậu ở North Kingston,
Rhode Island. Thuở ấy, nước Mỹ vẫn còn chịu sự cai trị của nước Anh, nhưng cậu
bé G. Stuart sau này lại nổi danh như nhà danh họa lớn đầu tiên của nước Mỹ.
Gilbert sống những năm thiếu thời tại
nhà máy. Khi cậu lên 6, nhà máy thua lỗ, gia đình Stuart dọn về Newport, Rhode
Island. Gia đình thì nghèo, nhưng Gilbert vẫn là một
đứa trẻ hạnh phúc. Mẹ và chị gái rất yêu cậu, còn cha cậu thì sắm cho con tất
cả những gì cậu bé muốn. Mẹ là người dạy cho cậu tập đọc, tập viết và chơi
nhạc. Dù cậu cũng thích âm nhạc và chơi đàn rất tốt nhưng hội họa mới chính là
môn ưa thích nhất của cậu. Cậu thường vẽ những bức tranh về người.
Có một lần Gilbert bị ốm, bác sĩ
William Hunter đến nhà chữa bệnh cho cậu. Vị bác sĩ này rất quan tâm đến nghệ
thuật và ông tỏ ra thích thú với những bức vẽ của cậu bé nằm rãi rác khắp nhà.
Ông tặng cho Gilbert những ống sơn và cây cọ đầu tiên trong cuộc đời hội họa
của cậu và yêu cầu cậu vẽ tặng ông một bức tranh về hai con chó cưng đang nuôi
ở nhà.
Vị bác sĩ rất hài lòng về bức tranh.
Ông mời Gilbert đến nhà để xem những bức tranh mà ông có. Đó cũng là lần đầu
tiên Gilbert trông thấy những tác phẩm hội họa thật sự. Vị bác sĩ còn đề nghị
một người bạn họa sĩ của ông là Cosmo Alexander dạy cho Gilbert tất cả những gì
mà ông ta biết về nghệ thuật
Gilbert đã học ở Alexander những bài
học đầu tiên về hội họa. Cậu tỏ ra là một học trò xuất sắc đến nỗi nhiều năm sau đó Alexander đã đề nghị
Gilbert cùng du lịch sang Scotland
với ông. Đối với một chàng trai đang muốn trở thành họa sĩ, đó là lời đề nghị
hấp dẫn. Tại đó, người ta có thể chiêm ngưỡng những bức chân dung mới nhất từ
các họa sĩ danh tiếng của Anh như Reynolds, Romney và Gainsborough.
Cùng với những tham vọng của một
chàng trai mười sáu tuổi, Gilbert bắt đầu cuộc hành trình với Alexander. Nhưng
chẳng bao lâu sau khi họ đến Edinbourgh,
Scotland,
Alexander mất. Gilbert còn lại một mình với chiếc túi rỗng, cách xa quê nhà đến
ba ngàn dặm đường.
Cậu lang thang tìm việc làm
nhiều tháng liền. Đôi khi cũng có được
vài việc vặt, nhưng chẳng ai tỏ ra quan tâm đến những bức tranh của cậu. Cậu
quyết định quay về quê nhà và rất may tìm được việc làm trên chiếc tàu buôn đi Nova Scotia. Hơn một năm
sau cậu mới về tới Mỹ với một thân xác mệt mỏi, bệnh hoạn và đau khổ. Sau lần
đó, cậu không bao giờ nhắc đến thời gian mình ở Scotland.
Dần dần cả thể xác lẫn tinh thần
Gilbert hồi phục. Cậu bắt đầu vẽ trở lại. Với sự giúp đỡ của một ông chú, cậu
kiếm được công việc vẽ chân dung. Những bức vẽ của cậu được khách hàng ưng ý,
chẳng mấy chốc khách đặt hàng tới tấp. Nhưng cậu vẫn giữ ý nghĩ phải quay trở
lại Luân Đôn, trung tâm của thế giới nghệ thuật thời bấy giờ. Vào ngày
16-6-1775, ngay trước khi chiến tranh Anh - Mỹ bắt đầu, cậu xuống thuyền sang
Anh ở tuổi hai mươi.
Một lần nữa, cậu muốn sinh sống bằng
nghề vẽ tranh, nhưng lại thất bại. Nhờ
Benjamin Waterhouse, một người bạn cũ giờ đây trở thành bác sĩ sinh sống ở Anh,
cậu thoát qua cơn khủng hoảng. Bác sĩ Waterhouse giới thiệu cậu với nhiều kẻ
giàu có đang muốn vẽ chân dung. Nhưng thay vì chăm chỉ làm việc, Stuart lại
hoang phí thời gian và tiền bạc một cách vô bổ. Bác sĩ Waterhouse sau nhiều lần
giúp Stuart, cuối cùng cũng đành bỏ cuộc.
Chân dung Elizabeth Parke Custis Law
Sau một thời gian, Gilbert cũng phải
nhận ra mình đã bỏ phí thời gian trong khi có quá nhiều điều cần học hỏi về hội
họa, nhất là trường phái chân dung của Anh đang ở vào thời đại hoàng kim. Chàng
bèn viết thư cho Benjamin West nhờ giúp đỡ. West, sinh ra ở Mỹ nhưng đã đến Anh
từ khi còn rất trẻ, là một trong số các họa sĩ thành công và tiếng tăm nhất ở Luân Đôn. Là một người tốt bụng đã
từng giúp đỡ rất nhiều họa sĩ trẻ đồng hương, West lập tức nhận bảo trợ Stuart
làm học trò.
Stuart bắt đầu học tập nghiêm túc,
không phải chỉ với West mà còn với Joshua Reynolds, một trong những họa sĩ vẽ
chân dung nổi tiếng của Anh. Trong vòng năm năm, Stuart đã học được của
Reynolds rất nhiều về nghệ thuật này.
Năm 1781, Stuart gởi một bức chân
dung vẽ B. West đến Viện Hàn lâm Nghệ thuật Hoàng gia, một tổ chức hội họa quan
trọng nhất của Anh. Bức tranh được đánh giá cao và càng vinh dự hơn cho Stuart
khi nó được treo chung với những tác
phẩm của Reynolds và Gainsborough. Stuart thường đến đó nhiều lần để ngắm lại
tác phẩm của mình. Một lần, West gặp chàng ở đó và bảo chàng: ''Anh đã vẽ rất
đạt, Stuart ạ. Giờ đây, anh phải trở về quê nhà và vẽ đẹp hơn thế nữa''. Một thời gian ngắn sau đó, West đề nghị
Stuart vẽ chân dung William Grant. Ông ta muốn một bức chân dung toàn thân,
không phải chỉ có cái đầu mà thôi. Stuart đến gặp Grant. Sau khi trò chuyện,
Grant cho rằng hôm ấy là một ngày đẹp trời, họ nên ra ngoài trượt tuyết thì hay
hơn. Bỗng dưng Stuart nảy ra ý nghĩ: Tại sao chỉ vẽ chân dung một người đang
ngồi hay đứng yên? Tại sao không vẽ họ trong tư thế động? Grant đồng ý với ý
kiến bất thường này và họ làm một chuyến đi đến Serpentine, nơi nhiều năm trước
đó, West đã vẽ vài bức tranh nổi tiếng về cảnh trượt tuyết.
Khi họa sĩ và thân chủ trở về xưởng
vẽ, Stuart đề nghị vẽ tư thế của một người khác thay cho tư thế của Grant trong
cảnh trượt tuyết. Ông quen với một diễn viên của đoàn kịch Apollo Belvedere tại
Phòng Trưng bày tranh của West nên nhờ người này làm mẫu và chỉ bổ sung tư thế
cho bức The Skater (Người Trượt tuyết). Phương pháp giải quyết vấn đề này theo
qui tắc hội họa mà Reynold và West dạy, nhưng Stuart đã ''hoán đổi'' người mẫu
của ông bằng trí tưởng tượng phong phú và thủ pháp thanh thoát.
Bức tranh được công chúng Luân Đôn
ưa thích. Hình dáng nhân vật được vẽ một cách cân đối, đẹp đẽ. Cử động của nhân
vật được diễn tả rất chính xác. Cuối cùng Gilbert đã thành công. Hàng đoàn
người hâm mộ chạy theo chân họa sĩ.
Giờ đây, dân Luân Đôn kéo đến tìm
chàng nhờ vẽ chân dung. Vào độ tuổi 30, Gilbert đã trở thành một trong những
họa sĩ vẽ chân dung nổi tiếng nhất ở Anh.
Nhiều năm trước, Gilbert từng nói:
''Tôi không muốn theo chân bất cứ ai. Tôi muốn tự mình khám phá thế giới và
nhìn nó qua cặp mắt riêng của mình''. Ông đã học được của người khác nhiều
điều, nhưng chính cách nhìn sự vật của riêng ông đã khiến cho ông trở thành một
họa sĩ lớn. Ông nắm bắt được tính cách thật sự của từng người trong tranh mình.
Nội tâm bên trong nhân vật như toát ra ngoài qua nét vẽ của ông. Bức chân dung
sống động hẳn với cái thần được thể hiện qua từng nét vẽ. West từng nhận xét về
học trò của mình: ''Không có cách gì bắt chước được màu sắc của Stuart. Muốn vẽ
như anh ta, chỉ có cách là phải ăn cắp cặp mắt của anh ta''.
Stuart bắt đầu cuộc sống giàu có.
Ông chuyển về một ngôi nhà lớn, mua quần áo đẹp, ăn những thức ăn ngon nhất. Để
có đủ chi phí cho những thứ ấy, ông đã đẩy giá tranh của mình lên gấp nhiều
lần.
Ngày 10.5.1786, ông cưới vợ, một cô
gái mười tám tuổi tên Charlotte Coates. Bạn bè hy vọng cuộc sống gia đình sẽ
giúp ông sống có trách nhiệm hơn. Nhưng ngược lại, Stuart càng hoang phí hơn.
Nhu cầu vật chất đẩy ông tới chỗ làm những điều xằng bậy. Ông đòi ứng trước nửa
số tiền vẽ tranh ngay khi mới bắt đầu để rồi sau đó không bao giờ hoàn thành
tác phẩm. Dù vậy, người ta vẫn cứ yêu cầu được ông vẽ chân dung cho họ.
Để trốn những món nợ ngày càng gia
tăng, Stuart phải đi Dublin, Ireland. Nhưng
chỉ ít lâu sau khi ông đến Dublin
vào năm 1787, ông đã bị quẳng vào tù vì nợ. Điều kỳ lạ đã xảy ra. Người ta khát
khao được ông vẽ đến độ họ ào tới nhà tù. Chẳng bao lâu Stuart lại kiếm đủ tiền
trả nợ. Tuy nhiên, những ngày trong tù cũng chẳng thay đổi được cá tính ông.
Vừa được trả tự do, ông lại quay về con đường cũ.
Ông ở lại Ireland
nhiều năm, sau đó đi Paris.
Tại đó, ông được mời vẽ chân dung đức Vua, nhưng không thể thực hiện vì phải
nhanh chân chuồn đi nơi khác để trốn nợ.
Lần này ông quay về Mỹ, nơi đã mười lăm năm xa cách.
Khoảng cuối năm 1792 đầu
1793, Stuart và gia đình cập bến New York. Tiếng tăm ông đã lan truyền sang Mỹ
trước khi ông về, vì thế chẳng mấy chốc tràn ngập công việc.
Chiến tranh Anh -
Mỹ đã chấm dứt, tiền bạc dễ kiếm hơn và người ta cũng hăng hái biểu lộ sự giàu
sang của mình hơn. Stuart quyết định sống nốt cuộc đời còn lại ở quê hương. Có
thể để làm bằng cho quyết định này, cũng có thể vì biết công việc sẽ làm tăng
danh tiếng của mình, ông quyết định vẽ chân dung vị tổng thống đương nhiệm của
Hoa Kỳ George Washington.
Chân dung Tổng thống Georg Wasington
Năm 1795, ông chuyển đến sống ở Philadelphia, bang Pensylvania, lúc ấy là thủ đô của Hoa Kỳ. Mùa
thu năm ấy ông bắt đầu phác họa chân dung vị Tổng thống.
Không phải nhà danh họa đã vẽ vị
Tổng thống một cách dễ dàng. Washington
luôn luôn bận rộn, không thể dành cho ông nhiều thời gian. Vả lại, Tổng thống
cũng không thích ngồi yên một chỗ, nhưng cuối cùng Stuart cũng hoàn thành tác
phẩm. Chủ nghĩa hiện thực của Stuart thể hiện rất rõ trong bức chân dung George
Washington đầu tiên này. Tác phẩm mang tên Vaughan Portrait. Bức chân dung này cho thấy hình ảnh trầm
tĩnh, ngay cả dung tục của nhà lãnh đạo xuất chúng Hoa Kỳ. Vị Tổng thống đầu
tiên của Mỹ được diễn tả bằng màu sắc thật sự của ông, không một chút tô son
điểm phấn - một ông già mặt đỏ gấc với cái nhìn đầy quyền uy, không chút thân
thiện. Người ta khen ngợi bức tranh giống người đến tuyệt hảo, nhưng Stuart thì
không hài lòng.
Thay vì tặng bức tranh cho người
mẫu, Stuart giữ nó lại. Ông đã vẽ đến mười lăm phiên bản và bán chúng với giá
cao cho những người Mỹ giàu có muốn sở hữu bức chân dung vị Tổng thống đầu tiên
của họ.
Năm sau, ông lại vẽ bức chân dung
khác của Washington,
một bức chân dung lớn bằng người thật. Bức
này không thành công hoàn toàn. Dù gương mặt được vẽ rất đạt, nhưng
Stuart đã thất bại trong việc vẽ toàn bộ con người. Ông cho rằng gương mặt
chính là người, không phải quần áo hay cơ thể người ấy.
Với sự giúp đỡ của phu nhân Tổng
thống là bà Martha Washington, Stuart bắt đầu bức chân dung thứ ba về Washington. Lần này ông
vẽ từ phía bên trái gương mặt. Nhà họa sĩ đã nắm bắt được tất cả vẻ đẹp đầy
nhân bản của Washington. Đây là bức tranh khiến cho cả Stuart lẫn Washington
trở thành nổi tiếng nhất.
Khi phu nhân Tổng thống hỏi về bức
tranh, Stuart trả lời là ông chưa hoàn thành. Vợ Tổng thống không bao giờ nhận
được nó. Thay vào đó, Stuart tặng bà một trong những phiên bản mà ông đã thực
hiện. Con gái Stuart cho biết ông vẫn tiếp tục vẽ và bán những phiên bản ấy hầu
như mãi tới cuối đời.
Năm 1803, Stuart chuyển từ Philadelphia đến
Washington D C. Ở thủ đô mới, ông đã vẽ rất nhiều chân dung những vị lãnh đạo
đương thời: John Adams, Thomas Jefferson, James Monroe, James Madison, John
Quincy Adams, John Jay, và nhiều người khác nữa.
Đến năm Stuart 50 tuổi, ông lại dời
đến Boston cùng
với vợ và mười hai người con, sống trong một khu sang trọng của thành phố.
Ngoài những khách hàng giàu có của mình, ông còn chọn lọc một nhóm học trò háo
hức được học với ông.
Về già, Stuart ít năng động hơn, nhưng lại tự mãn hơn. Ông chủ quan cho
rằng mình là nhà danh họa đương thời lớn nhất của thời đại. Ông giận dữ mỗi khi
có ai đó tỏ ra không thích tranh mình. Ông thường từ chối vẽ tranh một người
nào đó nếu ông cảm thấy không thích vẽ bề ngoài của họ. Ông thường bỏ dở công
việc nửa chừng vì mệt mỏi hoặc không mấy hứng thú.
Trong những năm cuối đời, Stuart mất
hầu hết bạn bè và khách hàng. Người ta không thích kiểu cư xử của ông, không
chịu ngồi cho ông vẽ. Thay vì tích tụ được một gia sản khổng lồ, ông đã làm
tiêu tán hết chẳng còn gì.
Bệnh hoạn làm cho Stuart khốn khổ.
Nhưng với đôi tay run rẩy, ông vẫn tiếp tục vẽ cho đến những ngày cuối cùng.
Ông mất vào tuổi 70, để lại vợ con với một gia tài trống rỗng.
Một thời gian dài, nơi chôn cất của
ông không được ai biết đến. Nhưng cuối cùng, đến năm 1900, ngôi mộ cũng được
phát hiện mà chẳng có bia mộ gì, chỉ có dấu đánh số 61. Ngày nay, trên ngôi mộ
là một tấm bia bằng đồng có hình dạng tấm bảng pha màu được dựng lên để tưởng
niệm nhà họa sĩ mà nhà nghiên cứu nghệ thuật Lloyd Goodrich cho là ''xuất chúng
nhất của Tân thế giới. Trong tác phẩm của ông, trường phái chân dung của Mỹ đã
đạt đến cực đỉnh của nó''.
2. WASHINGTON ALLSTON
(1779
- 1843)
Trong một bức thư gởi cho mẹ, Washington đã có lần viết
rằng ông muốn trở thành ''họa sĩ đầu tiên... của chính nước Mỹ''. Đối với những
ai đã biết ông, ước mơ ấy không phải là viễn vông, bởi vì đối với một chàng
thanh niên như Allston, mọi chuyện đều có khả năng biến thành hiện thực.
Allston đẹp trai, giàu có, thông
minh. Ông là một nhà văn và một họa sĩ đầy tài năng. Allston lại còn có được sự
dịu dàng, duyên dáng, khiến mọi người, kể cả những người danh tiếng nhất đương
thời, cũng cảm mến và trở thành bạn thân của ông suốt đời.
Vì vậy mà con người đầy tài năng ấy
chết khi trong đầu vẫn mang ý nghĩ mình là kẻ thất bại! Bởi, tất cả những triển
vọng thời thanh niên, những thành tựu thời trung niên, tiếng tăm của Allston
hầu như chấm dứt cùng với cái chết của ông. Nhưng ngày nay người ta đã thay đổi
cách đánh giá và Allston được xem như một trong những họa sĩ lớn nhất nước Mỹ.
Washington Allston sinh ngày
5.11.1779. Ông là con thứ hai trong một gia đình có ba người con của William
Allston, một sĩ quan trong quân đội Mỹ, và bà Rachael Moore. Gia đình Allston
sống trong một trang trại lớn miền Nam
Carolina.
Khi Washington lên 2, cha cậu mất. Ít lâu sau, mẹ cậu
tái giá. Chồng mới của bà là bác sĩ Henry Collins Flag. Chẳng mấy chốc một tình
cảm bền vững nhanh chóng nẩy nở giữa cậu bé và người cha kế.
Washington đã sống những năm thiếu thời hạnh phúc. Cậu
thích nghe kể những câu chuyện về siêu nhiên. Những câu chuyện này có ảnh hưởng
mạnh đến cậu và có thể đã gây ảnh hưởng trên những tác phẩm của cậu sau này.
Những cuộc dạo chơi thơ thẩn trên phần đất phía Nam của nông trại đã làm nảy
sinh tình yêu vẻ đẹp thiên nhiên của Allston. Chưa được 6 tuổi, cậu đã bắt đầu
vẽ những bức tranh phong cảnh đầu tiên.
Việc giáo dục cậu bé được chú trọng kỹ lưỡng. Cậu học vỡ
lòng ở Chaleston và sau này ở Newport. Năm 1796, ở tuổi 17, cậu được vào học đại
học Havard. Tại đây, Allston tỏ ra là một sinh viên xuất sắc, luôn luôn chiếm
được bảng danh dự. Sự thông minh và duyên dáng của cậu đã mang đến cho cậu
nhiều bạn bè, trong số đó có Edward Greene Malbone, sau này là một họa sĩ danh
tiếng. Hai người gặp nhau lần đầu ở Newport, chính nghệ thuật đã mang họ đến gần nhau.
Trong những năm ở Havard, Allston đã nghiên cứu nghệ
thuật một cách nghiêm túc. Thời ấy, Havard không đào tạo bộ môn nghệ thuật,
Allston phải học vẽ với Samuel King, một họa sĩ tự học. Đồng thời, Allston tập
vẽ lại các bức ảnh, những tranh phong cảnh lãng mạn và vẽ hàng loạt những bức
tranh đầy sức sống tuổi thanh xuân. Dù
vẫn còn biết rất ít về nghệ thuật vẽ tranh, nhưng những tác phẩm của chàng trai
trẻ lúc bấy giờ cũng đã thể hiện nhiều hứa hẹn.
Allston tốt nghiệp đại học năm 1800 với bằng danh dự. Tương lai xán lạng trước mắt. Sau khi rời Havard, Allston vội vã đến Newport để gặp lại Ann Channing, người vợ tương lai của chàng. Mặc dù tình cảm hai người rất nồng thắm nhưng cả hai đều biết rằng Allston cần phải hoàn thành việc học hội họa của mình trước khi bắt đầu cuộc sống gia đình.
Gia đình Allston không hài lòng lắm khi biết chàng quyết
định trở thành họa sĩ, nhưng họ không ngăn cản chàng thực hiện ý định. Họ cho
phép chàng bán phần tài sản được hưởng từ để theo đuổi việc học.
Vào thời ấy, người ta biết rằng muốn học hành nghiêm túc
hội họa, cần phải theo học các bậc thầy của phương Tây. Nước Mỹ vẫn còn quá non
trẻ và bận rộn với việc kiếm sống nên chưa thật sự quan tâm đến nghệ thuật. Vì
thế, vào tháng 5-1801, được 21 tuổi đời, Allston và anh bạn Malbone xuống
thuyền sang Anh. Ở đó, họ đã tìm được những vị thầy giỏi nhất.
Tháng 9-1801 Allston bắt đầu học vẽ cơ bản tại Viện Mỹ thuật
Hoàng gia. Vì Viện Hàn lâm không dạy vẽ màu nên Allston đã nhờ Benjamin West
chỉ giáo cho mình. Dù trước đó Allston không thích những tác phẩm của West, nhưng
chẳng mấy chốc chàng nhận ra rằng West là một trong những họa sĩ vĩ đại nhất
của thế giới.
Thành phố Luân Đôn đã gây cho Allston nhiều hứng thú.
Không như ở Mỹ, các họa sĩ ở đây được trọng vọng và công chúng thường tham dự
đông đảo các buổi triển lãm. Allston hào hứng thưởng thức tất cả những gì mà
thành phố cổ kính này mở ra trước mắt chàng. Cuối năm đầu tiên sống ở Luân Đôn,
những họa phẩm của Allston được ra mắt công chúng. Đối với một chàng trai trẻ,
lại là người Mỹ, đó là một vinh dự hiếm có.
Lẽ ra, Allston có thể sống thoải mái ở Luân Đôn, nơi
chàng làm bạn với rất nhiều người nổi danh đương thời, nhưng nỗi ham muốn tìm kiếm
vốn sống đã khiến chàng phải thay đổi chỗ ở. Mùa hè 1803, chàng gặp một họa sĩ
Mỹ trẻ tuổi, John Vanderlyn. Allson xem John như một người bạn hoàn hảo mà số
phận đã gởi đến cho chàng để cùng khám
phá kho tàng nghệ thuật của lục địa.
Sau khi ngao du qua Hà Lan và Bỉ, hai chàng trai đến
Paris. Phần lớn thời gian Allston gởi lại điện Louvre, một viện bảo tàng nghệ
thuật phong phú của Pháp. Ở đó, chàng nghiên cứu, ghi chép, cố tìm hiểu bí mật
về phương pháp hội họa của các danh họa Ý.
Phấn khởi vì khám phá ra cách sử dụng màu và ánh sáng của
họ, Allston quay về với những đề tài lãng mạn trong tranh mình. Giờ đây, những
tác phẩm của chàng đã có làn ánh sáng mới và đã lột tả được vẻ huyền nhiệm của
thiên nhiên.
The Italian Landscape
Trong một tác phẩm của chàng, hai chiếc tàu đang đấu
tranh với cơn bão biển trong khi những đám mây đầy đe doạ lơ lững trên đầu họ.
Một mảng trời sáng chiếu xuống một thứ
ánh sáng huyền bí, như nói lên tia hy vọng của con người. Có vẻ như bức họa
muốn diễn tả cảm giác của Allston về những bí ẩn và những quyền lực siêu nhiên
chưa hiểu hết được. Tác phẩm này đã trở thành dấu ấn sáng tác hoàn hảo nhất của Allston.
Sau khi xem những họa phẩm của các nhà danh họa Ý,
Allston muốn tận mắt chứng kiến xứ sở này. Chàng yêu thành phố Rome ngay khi
đặt chân đến lần đầu, đầu óc và thiên hướng lãng mạn của chàng lại được làm đầy
bởi vẻ đẹp và sự ấm cúng nơi này.
Bốn năm sống ở Ý là bốn năm hạnh phúc nhất của Allston. Chàng nghiên cứu những họa phẩm lớn
của Ý, vẽ và nhanh chóng trở thành bạn của những tên tuổi lớn trong thành phố. Nhà
thơ Samuel Taylor Coleridge trở thành bạn thân lâu dài của chàng. Cả hai đều
yêu mến nước Ý, họ thường cùng nhau lang thang qua những con đường của Rome.
Hai chàng trai trẻ cùng bạn bè vui chơi nhưng không quên
làm việc tích cực trong thế giới vàng son hứa hẹn dành cho họ đủ điều. Nhưng
nỗi đe dọa về cuộc chiến tranh châu Âu
đã bao trùm lên họ. Coleridge là người trước tiên quay về nước Mỹ. Nhưng trước
khi anh ta lên đường, Allton đã đề nghị được họa chân dung bạn. Bức tranh là một
tác phẩm lãng mạn của một họa sĩ lãng mạn vẽ một nhà thơ lãng mạn. Một tác phẩm
tràn ngập tình yêu và tài năng, chịu ảnh hưởng của nhóm Titian trong cách phân
bố sáng tối.
Chân dung nhà
thơ Samuel Taylor Coleridge
Một thời gian ngắn sau khi Coleridge ra đi, Allton cũng
quyết định trở về quê nhà. Tháng 4-1808, chàng du lịch sang Leghorn rồi xuống
thuyền đi Mỹ. Chàng trở về Boston, được những người bạn cũ đón tiếp nồng nhiệt.
Người Mỹ đã từng nghe tiếng tăm của chàng và những người hâm mộ chàng đã nhanh
chóng xem chàng là một họa sĩ lớn của nền hội họa nước Mỹ.
Ít lâu sau Allton cưới Ann Channing, bắt đầu chuỗi ngày
sống chung hạnh phúc. Một tương lai rực rỡ mở ra trước mắt Allton. Xứ sở này
ngày càng giàu có và dường như cuối cùng hội họa cũng bắt đầu lôi kéo được sự
chú ý của công chúng. Nhưng Boston không phải là nơi thích hợp cho Allton.
Chàng cảm thấy nhớ cái không khí chân tình và cách trân trọng họa sĩ ở Cựu thế
giới. Chàng nhận ra muốn vẽ tốt cần phải có một không khí thân thiện nhiều hơn.
Vì thế, vào tháng 7-1811 Allton cùng vợ và người học trò trẻ tuổi Samuel F. B.
Morse quay sang Anh. Chính Samuel Morse, lúc ấy còn là một sinh viên mỹ thuật,
sau này đã trở thành nổi tiếng nhờ những phát kiến của mình.
Ở Anh, Allton lại sống thân ái với Colderidge, và như xưa
kia, chàng lại làm bạn với những nhân vật thời danh, trong số này có nhà thơ
Robert Southey và William Worsdworth.
Ở tuổi 32 đầy sự tính và tin rằng mình thành công, Allton
bắt đầu vẽ tác phẩm mà sau này rất nổi tiếng: Người Chết (The Dead Man). Bức tranh cân bằng giữa cái thực và cái
siêu thực trong tấn tuồng “điều huyền bí và nỗi sợ hãi trong mối quan hệ con
người”, một chủ đề mà lúc bấy giờ thường ám ảnh tâm trí Allton.
Sau khi hoàn thành, bức tranh được ra mắt công chúng, và
ngay lập tức được đánh giá là một tác phẩm nghệ thuật lớn.
Hài lòng và hưng phấn vì thành công sự thàng công của
mình, Allton bắt đầu làm việc cật lực. Áp lực của công việc đã khiến sức khỏe
của ông giảm sút hẳn, buộc ông phải nghỉ ngơi một thời gian. Chưa kịp bình
phục, ông đã quay về với hội họa. Lần này thì ông đã bị một cơn bệnh thập tử
nhất sinh. Bác sĩ buộc ông phải tỉnh dưỡng và đi đổi gió ngay. Chú ông nài nỉ
ông đến Bristol để hưởng không khí trong lành của biển, hầu mong ông chóng bình
phục.
Thoát khỏi cơn bạo bệnh, Allton lại hăng hái trở về Luân Đôn
và trở lại với việc vẽ. Ông vẽ những tác phẩm khổ nhỏ hơn, trong số đó có chân
dung bè bạn như Coleridge, Southey, Benjamin West.
Để chuẩn bị cho cuộc triển lãm lớn về tác phẩm của mình,
ông tổ chức một phòng tranh ở Bristol, nhưng cuộc triển lãm ấy hoàn toàn thất
bại. Người duy nhất mua tranh của ông là chú ông!
Không
vì thế mà nản lòng, ông lại làm việc bằng những quyết tâm mới. Ông mua một ngôi
nhà ở phố Tinney, Luân Đôn. Đó là căn nhà thực sự đầu tiên của vợ chồng ông.
Nhưng rồi Ann Allston đột ngột bị ốm và chỉ mất ít ngày sau khi họ dời về ngôi
nhà mới, đó là ngày 2.2-1815.
The Flight of Florimell
The Flight of Florimell
Allston rời ngôi nhà bi thương ấy để đến ở trong những
căn phòng ở điện Buckingham. Khung cảnh mới không làm cho ông khuây khỏa nỗi
buồn. Ông thường gặp ác mộng và cảm thấy tinh thần suy nhược. Hội họa là nguồn
an ủi lớn nhất đời ông.
Đầu xuân năm 1817, tinh thần Allston có phần ổn định hơn,
ông bắt đầu vẽ tác phẩm đã ấp ủ từ bấy
lâu nay. Ông đặt vào đó tất cả nỗ lực của mình và hy vọng nhờ nó ông sẽ khẳng
định được vị trí như một họa sĩ lớn. Ý tưởng cho tác phẩm mang tên ''Bữa tiệc
của Belshazzar'' có thể đến từ cùng một chủ đề của họa sĩ Rembrandt nhưng sự
tiếp cận với ý tưởng ấy lại chính là của riêng Allston.
Ông nhanh chóng thực hiện những nghiên cứu đầu tiên và
sau đó hai bức vẽ chi tiết hoàn chỉnh được phác họa với bố cục màu. Tiếp theo
sau là việc thực hiện bức tranh ''Bữa tiệc của Belshazzar'' khổng lồ cao 3,6 m
dài 4,8 m.
Một lần nữa, tương lai tươi sáng lại mở ra trước mắt
Allston. Tháng 5, ông được bầu vào Viện Hàn lâm Mỹ thuật Hoa Kỳ và cả Viện Hàn
lâm Hoàng gia Anh, hai tổ chức quan trọng nhất của các họa sĩ. Vị trí của ông
trong giới hội họa Anh đã được thiết lập vững chãi.
Việc thực hiện tác phẩm lớn đang trôi chảy thì bỗng dưng
ông quyết định về Mỹ, dù bức tranh chỉ còn cần khoảng từ sáu đến tám tháng nữa
là hoàn tất.
Tháng 10.1818, Allston đến Boston. Dường như ước mơ trở
thành một họa sĩ hàng đầu của Mỹ đối với Allston không có gì khó khăn. Stuart
đã già, quốc gia ngày càng thịnh vượng và tương lai của nền hội họa Mỹ thì đầy
hứa hẹn. Nhưng chính tài nghệ của Allston lại trở thành bước cản trên con đường
sự nghiệp của ông.
Một thời gian ngắn sau khi Allston hồi hương, người bạn
cũ là nhà thơ Richard Henry Dana đến thăm Allston. Dana đề nghị Allston viết cho
tờ tạp chí mới của mình. Allston đồng ý, và thế là công việc viết lách đã thay
cho việc hoàn chỉnh bức ''Bữa tiệc của Belshazzar''.
Tiền bạc lần lượt ra đi, ông bắt đầu gặp rắc rối. Ông
phải vẽ một số tranh nhỏ để bán kiếm tiền. Nhưng số tiền kiếm được quá ít mà
Allston lại tốn quá nhiều thời gian cho chúng đến nỗi không còn thì giờ tiếp
tục hoàn thành tác phẩm lớn của mình.
Sau đó, có mười người giàu có ở Boston đồng ý chi mười
ngàn đô-la để mua bức ''Bữa tiệc của Belshazzar'' hoàn chỉnh. Số tiền này dùng
để nuôi sống Allston trong thời gian ông miệt mài với tác phẩm.
Hai năm sau khi trở về Mỹ, Allston mới có đủ điều kiện và
tinh thần trở lại công việc dở dang của mình. Nhưng giờ đây nhìn lại nó, ông
lại thấy không hài lòng. Bố cục và cách dùng ánh sáng trên những gương mặt
trong họa phẩm chưa hợp lý. Tệ hại nhất là ý tưởng ẩn đằng sau tác phẩm dường
như biến mất. Theo lời khuyên của G. Stuart, ông bắt đầu thực hiện những thay
đổi kéo dài nhiều tháng. Để thư giãn, ông vẽ nhiều bức tranh khác xen vào thời
gian này. Những bức tranh màu sắc phong phú này ngày nay nằm trong số những tác
phẩm giá trị nhất của ông.
Allston một lần nữa quay lại với tác phẩm ''Bữa tiệc của
Belshazzar''. Cảm quang chung mách bảo ông tốt hơn là nên dừng lại, nhưng danh
dự và nỗi khát khao danh tiếng lại buộc ông tiếp tục. Ông vẽ lại bức tranh,
thay từng gương mặt nhưng không có gương mặt nào có vẻ hợp lý. Bức tranh lúc ấy
trở thành nổi tiếng. Báo chí thường xuyên đề cập đến tiến triển của bức tranh.
Allston bắt đầu tin rằng hẳn rồi ông sẽ thất bại.
Năm 1827, Allston triển lãm một số tác phẩm của ông ở
Boston nhưng không được thành công lắm. Danh tiếng Allston đã bắt đầu giảm sút
khi ông không hoàn tất nổi tác phẩm vĩ đại nhất của mình, giờ đây lại còn sa
sút hơn.
Vào một ngày mùa đông lạnh lẽo, Allston nhận được tin tòa
cao ốc nơi ông đang làm việc đã được bán. Ông phải tìm một nơi ở mới, nhưng
diện tích của nó lại quá nhỏ nếu phải chứa bức tranh lớn kia!
The Coast Scene on the Mediterranean
Đầu tháng 6-1830, Allston cưới Martha Remington Dana, chị của Richard Henry Dana và là một người bà con của Ann Channing Allston. Họ cư ngụ trong một căn nhà ở Cambridgeport có riêng một phòng vẽ. Bức ''Belshazzar'' vẫn cứ nằm cuộn tròn trong một góc trong khi Allston tiếp tục vẽ những bức khác.
Allston giờ đây đã qua tuổi 50,
những khát khao mơ ước của thời tuổi trẻ cũng đã bay xa. Ông âu sầu với món nợ
10.000 đô la từ mười người bảo trợ. Càng ngày ông càng thấy mình vẽ một cách
khó khăn. Thay vào đó, ông viết một cuốn sách về mối tương quan giữa họa sĩ và
hội họa. Ông cho rằng ''mục đích của họa sĩ là... không phải để mua vui mà là
để được sống thực với cuộc sống nội tâm của mình''. Lời tuyên bố này, rất thích
hợp với nền hội họa hiện đại, rõ ràng là một ý tưởng mới lạ vào thời của ông.
Khi được 60 tuổi, Allston được một người
bạn, Chester Harding, cũng là họa sĩ, giúp thực hiện cuộc triển lãm ở Boston.
Thành công của cuộc triển lãm đối với Allston vẫn dưới mức mà ông mong đợi.
Những lời ngợi khen tác phẩm của ông vẫn chưa đến được New York, trung tâm hội
họa của Mỹ. Nhưng điều quan trọng hơn tất cả là trong tâm trí của Allston vẫn
là việc chưa hoàn tất được tác phẩm lớn của mình. Và bao giờ tác phẩm này chưa
xong thì ông vẫn xem mình là một họa sĩ nửa vời. Nếu tác phẩm thành công, ông
sẽ thành công. Nếu nó thất bại thì chính là ông đã thất bại
Lại một lần nữa, ông tháo bức tranh
ra vẽ tiếp. Lại thay những chân dung mới vào chỗ những chân dung cũ. Toàn cảnh
được thay đổi. Màu sắc thay đổi. Sự hoàn hảo cứ vuột khỏi tay ông. Ông không
muốn trả lời một câu hỏi nào về bức tranh, cũng không muốn nghe ai nhắc nhở đến
nó nữa.
Ngày cuối cùng của đời ông, 9-7-1843,
Allston vẫn làm việc với bức tranh như mọi ngày. Ông vừa mới vẽ xong chân dung
của Belshazzar, tất cả, trừ bàn tay phải, thì bỗng dưng thần chết đã bịt chặc
mắt ông và giải thoát ông khỏi gánh nặng cuộc đời.
Vào thời ấy, cái cảm giác thất bại
của Allston cũng là cảm giác của nhiều người nghĩ về ông. Nhưng thời gian đã
chứng tỏ đó là một sự đánh giá sai lầm. Sau khi chết, Allston lại được nhận
diện như là một trong những họa sĩ giàu tính sáng tạo đầu tiên của Mỹ.
Giấc mơ trở thành ''nhà họa sĩ tiên
phong của Mỹ'' cuối cùng đã trở thành hiện thực. Tiếc thay, nó chỉ đến sau khi
Allston đã yên ngủ giấc ngàn thu.
Chân dung tự họa
Chân dung người vợ đầu Sarah và con trai cả Newton,
3. GEORGE CALEB BINGHAM
(1811 - 1879)
Chân dung tự họa
Hầu hết cuộc đời của George Caleb
Bingham bị lôi cuốn theo hai hướng: ông vừa ao ước được vẽ nhưng lại cũng bị
thôi thúc để trở thành một ''con người hành động''. Cuộc chiến đấu này hẳn sẽ
tàn phá một kẻ yếu đuối nhưng với George Caleb Bingham thì ngược lại, ông thành
công ở cả hai mặt.
Con người họa sĩ trong Bingham đã
vượt lên con người hành động trong giai đoạn đầu của cuộc đời ông, cho đến khi
sự say mê chính trị mang ông đến chiến thắng cuối cùng. Trong 20 năm cuối đời,
ông vẽ một số tranh mới, nhưng không có bức nào gây được sự chú ý của giới
thưởng ngoạn. Chính những tác phẩm của thời trai trẻ mới khẳng định chỗ đứng
của ông trong nền hội họa Mỹ. Ông được xem là họa sĩ lớn đầu tiên của miền Tây,
đã dâng hiến cuộc đời nghệ thuật của mình cho mạch sống dồi dào sinh lực trên dòng sông
Mississippi. Ông sống gần hết đời ở St. Louis, bang Missouri, để ghi chép bằng
cọ và màu như một sử gia về cuộc sống thường nhật và những người lao động bình
thường: nông dân, ngư dân, những người bẫy thú, những người buôn lông thú và
những người chèo bè trên con sông dài nhất nước Mỹ này.
George Caleb Bingham sinh ngày
20.3.1811 ở Virginia,
là con thứ hai trong một gia đình có sáu người con. Thời niên thiếu, ông sống
tại nhà máy và nông trại của cha. Là một cậu bé khôi ngô với cặp mắt xanh, tóc
đen, George học cưỡi ngựa rất sớm và cậu đã sử dụng đa số thời gian trên lưng
ngựa, dong ruỗi khắp vùng Virginia.
Lên 5, cậu bé đã phủ đầy những bức
tường trong nông trại của cha những tranh vẽ về thú vật. Cha cậu bắt cậu phải
xóa sạch. Nhưng sau này, chính ông đã tạo điều kiện tốt cho con mình được học
vẽ.
Anh em Bingham được mẹ dạy tập đọc,
tập viết, lịch sử và khuyến khích con đọc sách trong thư viện khá lớn của gia
đình. George thích nhất là những quyển sách hội họa và lúc nào cậu cũng say mê
nghiên cứu những bức tranh trong đó.
Sau chiến tranh 1812, nước Mỹ nghèo
đi, gia đình Bingham cũng mất hết nông trại của mình. Năm 1819, gia Bingham dời
đến Franklin, bang Missouri. Franklin là một thị trấn mới phát triển, nhộn
nhịp với 1.000 cư dân. Ở đó có một thư viện, một đường phố chính và một tờ nhật
báo đầu tiên của miền Tây sông Mississippi.
Đó cũng là nơi hội tụ những ngư dân thô kệch, mạnh mẽ thường dong thuyền dọc
ngang trên các con sông lớn miền Tây. George bỏ ra hàng giờ nhìn họ lao động,
vui chơi, say sưa quan sát những chi tiết của cuộc sống sinh động mà sau này
trở thành chất liệu chính cho đề tài sáng tác của ông.
Một hôm, có một họa sĩ dừng chân ở Franklin. Trước đó, George
chưa bao giờ gặp một họa sĩ chính danh. Cậu chăm chú nhìn từng động tác vẽ của
họa sĩ, từ cách dùng cọ, trộn màu đến nét vẽ... cố ghi nhớ hết trong đầu. Khi
họa sĩ lên đường, ông ta đã tặng cho cậu bé đã hỏi ông không biết bao nhiêu câu
hỏi những cây cọ của mình.
Năm 1823, cha George mất, để lại người vợ rỗng túi và bầy con. Các anh
lớn của George phải đi tìm việc làm. Cả George lúc ấy chưa đầy mười ba tuổi
cũng phải vào làm việc trong một nhà máy thuốc lá. Sau đó, cậu còn trải qua
nhiều công việc khác. Có lúc, cậu đã ước mơ trở thành bộ trưởng. Nhưng cậu tự
nhận biết rằng tương lai của mình sẽ là
một họa sĩ.
Chàng trai trẻ Bingham quyết định
thử tự trau dồi hội họa để trở thành họa sĩ ở Franklin. Dầu những nỗ lực ban đầu của chàng
còn thô thiển và thiếu sự hướng dẫn của người trong nghề, nhưng những tranh vẽ
đó đã mang tính mạnh mẽ và rất giống người mẫu.
Từ lâu, chàng đã yêu Elizabeth
Hutchison và giờ đây chàng muốn chứng tỏ rằng mình đủ sức nuôi vợ bằng nghề vẽ.
Chàng lang thang sang những thị trấn, thành phố lân cận để kiếm tiền bằng cách
vẽ chân dung. Cuối cùng chàng đến St.
Louis. Nơi ấy chàng nhìn thấy tranh của Stuart và các
họa sĩ Mỹ khác, cũng như bản sao nhiều tác phẩm lớn của châu Âu. Chàng không
mấy tự tin vào tài năng của mình, nhưng cũng không có ý định bỏ cuộc. Việc vẽ
tranh không mang lại nhiều tiền, nhưng Bingham vẫn duy trì quyết tâm của mình.
Chân dung người vợ đầu Sarah và con trai cả Newton,
Tháng 12-1835, cơ may về tiền bạc đã
đến với chàng. Chàng được nhờ vẽ mười bức chân dung và hai bức phong cảnh. Công
việc vừa hoàn thành, chàng vội bay về Franklin
để cưới Elizabeth rồi cả hai cùng về St. Louis. Năm sau, vợ
chàng hạ sinh một con trai đặt tên là Isaac Newton.
Những bức tranh của Bingham đã bớt
vẻ thô thiển và khả năng sử dụng màu sắc của chàng cũng khá hơn, nhưng chàng
biết những tác phẩm của chàng vẫn chưa hoàn mỹ như chàng muốn. Chàng biết mình còn
phải học nhiều hơn nữa.
Chàng ghi danh vào trường mỹ thuật ở
Philadelphia
thuộc bang Pensylvania. Tại đó, chàng gặp những họa phẩm của Stuart, Allston,
West và của nhiều họa sĩ lớn khác của nước Ý. Chàng hăng say nghiên cứu, và còn
mua cả bản sao của những họa phẩm này về để có thể tiếp tục nghiên cứu tại nhà.
Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ở Philadelphia,
Bingham tận dụng từng giây phút để học tập. Phấn khích vì những bức tranh được công
chúng ngợi khen, chàng bắt đầu vẽ tranh về cuộc sống ở miền Tây mà chàng đã từng biết. Từ ký ức về những ngư dân
trước kia, chàng vẽ bức ''Những ngư dân Ashore''. Đó là tác phẩm đầu tiên của
chàng lấy bối cảnh miền Tây và cũng là tác phẩm đầu tiên của chàng về cuộc sống
bình thường của những người bình thường, một đề tài mà trước chàng chưa có họa
sĩ nào quan tâm đến.
Trở về nhà, Bingham tiếp tục vẽ chân
dung. Giờ đây, tài năng của chàng đã phát lộ rõ nét nhờ quá trình học tập
chuyên cần. Màu sắc đẹp hơn, cách sử dụng ánh sáng và bóng tối nhuần nhuyễn
hơn.
Cuối năm 1840, chàng đưa gia đình
chuyển đến Washington D. C. - thủ đô mới của nước Mỹ. Chàng quan tâm đến cuộc
sống chính trị và hy vọng sẽ có cơ hội vẽ chân dung cho các nhà lãnh đạo quốc
gia.
Khi công việc tiến triển không mấy
khả quan, Bingham quyết định dựng lều vẽ gần trụ sở chính phủ để tìm cơ may.
Nhưng chàng chỉ có được một vị khách duy nhất: một ông già phúc hậu thường ghé
vào không phải để vẽ chân dung mà để tranh luận về tôn giáo. Ông già lui tới
nhiều lần thì Bingham mới phát hiện ra đó chính là John Quicy Adams, vị tổng
thống thứ 6 của nước Mỹ. Bingham khẩn nài Adams cho chàng được vẽ chân dung.
Cuối cùng chàng cũng được toại nguyện với điều kiện chàng phải vẽ thật xuất sắc
ngang với khả năng tranh luận của ông.
Thành công của tác phẩm này đã dẫn
dắt công việc đến với chàng, chẳng bao lâu ''chàng họa sĩ miền Missouri'' - như
người ta thường gọi - đã vẽ chân dung cho hầu hết các nhân vật quan trọng ở thủ
đô như Martin Van Buren, tổng thống thứ 8 của Hoa Kỳ, Daniel Webster, Henry
Clay, John Calhoun, Andrew Jackson, James Buchanan và John Howard Payne, tác giả bài hát ''Home, sweet
home''. Nhưng tiền bạc và danh tiếng kiếm được lúc ấy không làm cho chàng hạnh
phúc. Chàng có cảm giác mình phải tiếp tục đi theo con đường đã vạch ra qua tác
phẩm ''Những người đưa đò miền Tây''. Vì thế, mùa hè 1844, Bingham quay về quê
nhà.
Lúc này Bingham đã 33 tuổi và đã là
họa sĩ hàng đầu của miền Tây. Dù có thể sống sung sướng với việc vẽ tranh chân
dung, nhưng ông lại bắt tay vẽ một loạt tranh về những ngư dân đang lao động và
vui chơi. Những tác phẩm này hơn hẳn các tác phẩm trước, và ngày nay chúng được
xếp vào danh sách các họa phẩm vẽ về vẻ đẹp Mỹ có giá trị nhất .
Những bức tranh sông nước của
Bingham trở nên nổi tiếng, nổi bậc nhất là bức ''Những người buôn lông thú xuôi
dòng sông Mississippi''
hoàn tất năm 1845. Tác phẩm đầy ắp chất
thơ này là một trong những tác phẩm độc đáo và sâu sắc nhất của thời đại lúc
bấy giờ. Bingham đã đạt được sự hài hòa tâm trạng qua cách sắp xếp tài tình
đường nét và màu sắc mà ngay cả những
bậc thầy tinh xảo cũng khó đạt tới.
Hiệp
hội Mỹ thuật, một tổ chức chuyên bán những họa phẩm nguyên gốc và các bản sao,
đã mua lại tranh của Bingham và đó chính là cầu nối đưa tranh của ông đến với
công chúng. Bingham giờ đây đã nổi tiếng nhưng vẫn buồn lòng vì một điều: ông
vẫn chưa được thế giới hội họa miền Đông công nhận. Đối với họ, tranh của ông
còn quá cứng và chưa hoàn chỉnh.
Trong thời gian này, những sự kiện
chính trị địa phương đã khiến Bingham bận rộn. Năm 1846, ông được đề nghị ứng
cử vào cơ quan lập pháp của chính quyền bang Missouri. Lần ấy ông thất bại, và tự hứa sẽ
đứng ngoài vòng chính trị suốt đời. Tuy nhiên, đến năm 1848, đảng Whig lại yêu
cầu ông tranh cử và lần này ông đã thành công dễ dàng.
Trong lúc chuẩn bị đưa gia đình
chuyển đến sinh sống ở thành phố Jefferson,
thủ phủ của tiểu bang, thì vợ ông qua
đời. Sau đó ít lâu, cậu con trai mới được 7 tháng tuổi của họ cũng chết. Nỗi
đau đã khiến cho Bingham quên lãng cả sơn, cọ, giá vẽ và công việc chính trị.
Nhưng sau đó ông lại kịp thời quay về với công việc.
Bất ngờ, Bingham sống lại với niềm
say mê hội họa. Ông quyết định từ bỏ chính trị, dời sang New York và những nơi có thị trường tranh to
lớn ở miền Đông. Nhưng tại New York,
ông nhận ra đây không phải là môi trường tốt cho mình, ông vội vã quay về nhà.
Một thời gian ngắn sau đó, ông cưới Elizabeth Thomas, con gái một vị giáo sư
dạy ở đại học Missouri.
Những năm tiếp theo, Bingham vẽ rất
nhiều tranh chân dung và những tác phẩm vẽ người trong bối cảnh miền Tây.
Cuộc bầu cử ở hạt
Chính trị vẫn còn hấp dẫn ông. Nhưng
ông chỉ tham gia vào lãnh vực này với tư cách một họa sĩ. Ông bắt đầu vẽ bức
tranh lớn nhất của mình vào giai đoạn ấy, bức ''Cuộc bầu cử ở Hạt''. Bức tranh
chứa đến 60 chân dung chi tiết. Chẳng bao lâu sau, ông lại vẽ bức tranh lớn
hơn, cũng về chính trị, ''Phán quyết của nhân dân''. Bức tranh vẽ quang cảnh lý
thú của chiến dịch bầu cử vào thời điểm tuyên bố kết quả. Nó đánh dấu tác phẩm
có kích cỡ lớn cuối cùng của ông.
Mặc dầu danh tiếng đã cao, Bingham
vẫn chưa được giới hội họa miền Đông công nhận. Tranh của ông bị xem là loại
''tự học'' và ''thiếu căn bản trường lớp''. Muốn tìm một chỗ đứng ở miền Đông,
Bingham quyết định qua châu Âu học tập. Ông đã bỏ rất nhiều thời gian ở Viện
bảo tàng Louvre thuộc thủ đô nước Pháp, rồi
đến Dusseldorf
(Đức) nơi tập trung nhiều họa sĩ của
nhiều quốc gia.
Năm 1858, Bingham về lại Mỹ. Lúc ấy,
Abraham Lincoln đang mở chiến dịch chạy đua với Stephen Douglas vào Nhà Trắng.
Vấn đề nô lệ được đặt ra. Khắp nơi người ta toàn nhắc đến chiến tranh.
Bingham lại tích cực tham gia vào
chính trị. Hai mươi năm sau đó của ông là những năm sôi nổi trên chính trường, nhưng ông lại
không vẽ được bức tranh nào. Chính trị cuối cùng đã đánh bại nghệ thuật trong
con người Bingham. Năm 1862, ông được chỉ định làm Bộ trưởng Tài chính bang Missouri.
Năm kế tiếp là một năm đáng nhớ
trong cuộc đời chính trị của Bingham. Ngày 25-8-1863, trong một nỗ lực nhằm
chấm dứt những đợt tấn công của các nhóm nhỏ trung thành với cả miền Nam lẫn
miền Bắc ở biên giới Kansas - Missouri,
tướng Thomas Ewing ban hành quân lệnh số 11, theo đó những cộng đồng dân
cư ở biên giới nằm trong vùng tranh chấp nếu không chịu dời đi sẽ bị hủy diệt.
Bingham yêu cầu Ewing thay đổi lệnh này, nhưng Ewing
từ chối. Cỡi ngựa ra tận chiến trường, Bingham chứng kiến tận mắt cảnh dân
chúng bị tàn sát và nhà cửa bị đốt phá sạch. Kết hợp với nhiều người có thế lực
ở Missouri, Bingham đã thành công trong việc
thuyết phục tổng thống Lincoln thuyên chuyển Ewing. Và thế là cuộc chiến giữa cá nhân ông và tướng Ewing bắt đầu.
Chiến tranh chấm dứt, Bingham vẽ tác
phẩm ''Quân lệnh số 11''. Bức tranh hoàn thành năm 1868, miêu tả cảnh một gia
đình đang bị buộc phải rời khỏi nơi sinh sống của họ, người chồng và là người
cha bị bắn chết. Một người nô lệ và một đứa trẻ, cúi gầm mặt với nỗi đau buồn,
xuất hiện phía trước bức tranh. Phía sau, những người đàn ông và phụ nữ khác
hiện lên trước nền trời đỏ rực vì ánh lửa của những căn nhà bị đốt cháy. Trên
lưng ngựa, tướng Ewing đang ngồi bất động và
chẳng lộ tí gì thương xót.
Bingham chu du sang các tiểu bang
khác, bán phiên bản của bức tranh đồng thời tổ chức những buổi nói chuyện chống
lại Ewing. Ông đã tiêu phí hết tài sản, vợ ốm
nặng, sức khỏe của ông cũng sa sút. Vì cần tiền, ông vào làm việc cho Sở Cảnh
sát tiểu bang Misouri. Ông làm việc tích cực, trung thực và không chút sợ hãi.
Một trong những hoạt động cuối cùng của ông là bẻ gãy tổ chức Ku Klu Klan ở
Misouri và nhốt bọn đầu sỏ vào tù.
Mùa thu năm 1876, bà Elizabeth
Thomas Bingham mất, để lại người chồng cô độc ở tuổi 65. Ông từ giả công việc
của một công chức và hầu như gác cọ, chỉ chú tâm đến việc chống lại tướng Ewing. Lúc bấy giờ tướng Ewing
đang tìm mọi cách thắng cử vào bộ máy chính quyền. Mặc dù những người chống đối
Ewing hỗ trợ Bingham, nhưng giờ đây người ta không muốn nghe nhắc đến Quân lệnh
số 11 nữa, và Ewing đã đắc cử dễ dàng. Bingham
thất vọng quay về nhà.
Những người buôn lông thú xuôi dòng Missouri
Tuy nhiên, một vinh dự lớn lại đến
với ông: ông được đề cử làm Hiệu trưởng trường Mỹ thuật mới của đại học Missouri, trường Mỹ thuật đầu tiên ở bờ tây sông Mississippi.
Đầu năm ấy, Bingham gặp Mattle
Lykins, vợ góa của một bác sĩ ở thành phố Kansas. Họ đã tìm thấy ở nhau nguồn an ủi và
cảm thông, đến tháng 6-1878 thì họ kết hôn. Hạnh phúc của Bingham thật ngắn
ngủi. Kẻ thù của ông là Ewing nay đang được
chú ý như một nhân vật có khả năng trở thành Tổng thống. Mặc dầu sức khỏe yếu
đi, nhưng Bingham vẫn thực hiện cuộc công kích mới. Từ lâu, báo chí muốn quên
đi sự kiện Quân lệnh số 11. Bingham bèn viết một bức thư chua cay để trả lời
báo chí, nhưng ông chưa kịp viết xong thì đã lâm bệnh nặng. Chưa đầy một tuần
sau, George Caleb Bingham qua đời. Hôm ấy là ngày 7-7-1879.
Thể xác Bingham đã vùi sâu trong
đất, nhưng tinh thần Bingham đã trỗi dậy, và tinh thần ấy đã thắng ở nơi mà lúc
sinh thời ông không thể thắng được. Vào giữa chiến dịch tranh cử để trở thành
Thống đốc bang Ohio của Ewing,
con trai Bingham - James - đã gởi đến báo chí bức thư dang dở của cha mình. Bức
thư tiết lộ nhiều sự kiện mà trước đó chưa ai biết. Lập tức các đối thủ của Ewing đã lợi dụng sự kiện này để đánh bại ông ta. Cuối
cùng Bingham trở thành người chiến thắng trong cuộc chiến đấu của mình. Hoạt
động chính trị của Ewing vì thế mà đến hồi kết
thúc.
Cũng chính là sau khi chết, Bingham
mới đánh bại được các thế lực bất công và giành được vị trí trong thế giới hội
họa mà khi còn sống, ông không có được. Ngày nay không phải chỉ có miền Tây mà
cả nước Mỹ công nhận ông là một họa sĩ lớn.
Trong số mười ba người con của John William Innes, chỉ có Geroge, người con thứ năm, là không trở thành thương nhân như cha họ. Cậu là một người mơ mộng. Cậu muốn trở thành họa sĩ.
Inness và gia đình quay về Mỹ vào
năm 1852. Chàng bắt đầu thực hiện những ý tưởng đã nảy ra trong chuyền du hành.
Tài năng phát triển, màu sắc trong tranh ấm áp và lấp lánh hơn. Tuy nhiên,
chàng vẫn còn vẽ những bức tranh quá chính xác so với thiên nhiên. Chàng thường
trưng bày tranh ở Viện Hàn lâm Quốc gia và bắt đầu được biết đến như một họa sĩ
phong cảnh đầy triển vọng.
4. GEORGE INNESS
(1825 – 1894)
Trong số mười ba người con của John William Innes, chỉ có Geroge, người con thứ năm, là không trở thành thương nhân như cha họ. Cậu là một người mơ mộng. Cậu muốn trở thành họa sĩ.
Để làm thay đổi ý định của con, cha
cậu đã mua cho cậu một cửa hiệu. Nhưng
Geroge có ý định riêng của mình. Cậu âm thầm mang cọ và sơn đến cửa hiệu, dấu ở
chỗ khuất mắt mọi người. Khi có người vào cửa hiệu, cậu thường lánh mặt cho đến
khi họ đi hết. Một ngày nọ, có một cô bé bước vào cửa hiệu. Cô bé kiên nhẫn hơn
người lớn và cô có cảm tưởng như cửa hiệu không phải trống người. Khi biết chắc
cô bé không chịu bỏ đi, Gerge từ chỗ nấp nhảy ra và quát vào mặt cô bé: ''Mày
muốn thứ quái gì ở đây?''. Cô bé sợ hãi bỏ chạy mất.
Thế là George sắp xếp những vật liệu
vẽ lại, khóa cửa hiệu và ra đi mà không nhìn lại. Chuỗi ngày làm thương nhân
của George đã chấm dứt. Nhận ra quyết tâm của con, cha George đành phải đồng ý.
Ông biết rằng không có gì có thể lay chuyển được ý chí của cậu.
Sự quyết tâm là một phần tính cách
của George Inness. Vào thời mà các họa sĩ như Albert Bierstadt và Frederick
Church thiết lập phong cách phổ biến với những bức họa phong cảnh khổng lồ,
Inness vẫn tiếp tục sáng tác những bức tranh nhỏ. Một Inness không bao giờ chịu
khuất phục cuối cùng đã trở thành họa sĩ tranh phong cảnh đẹp nhất của nước Mỹ.
George
Inness sinh ngày 1-5-1825 trong một nông trại gần Newburgh, NewYork, nơi cha cậu dọn tới sau
nhiều năm hoạt động như một thương nhân. Khi George còn bé, gia đình cậu dời
đến thành phố New York.
Bốn năm sau, họ lại chuyển đến gần Newark, bang New Jersey. Suốt ngày,
cậu mãi mê chơi đùa trên những cánh đồng rộng bao la. Cậu là một đứa bé xanh xao, có phần ốm yếu,
hay căng thẳng và ''khác thường'' so với những thành viên khác trong gia đình.
Cậu đến trường học một thời gian ngắn, nhưng lại tỏ ra là một học sinh tồi,
không mấy chăm chỉ. Thầy giáo tuyên bố cậu không thể tốt nghiệp được. Cha mẹ
cậu chợt nhận ra họ không thể đẩy cậu đến nơi cậu không muốn, vì thế họ phải
mang cậu về nhà. Giờ đây, cậu bé George được tự do lang thang trên những cánh
đồng rộng mênh mông và tha hồ thưởng ngoạn cảnh thiên nhiên.
Thung lũng Lackawanna, 1855
George rất thích quan sát các họa sĩ
đến nơi này để vẽ phong cảnh. Và sau một thời gian, cậu nhận ra điều mình muốn
là vẽ trời đất, cỏ cây. Điều bận tâm duy nhất của cậu là làm thế nào có một tờ
giấy đủ to có thể chứa hết toàn bộ cảnh vật kéo dài tận chân trời xa tắp! Trong
những năm sau này, cũng chính vấn đề ấy tiếp tục làm cậu đau đầu. Phải mất
nhiều năm, cậu mới tìm ra câu trả lời, và khi tìm ra được, cậu đã tặng cho nước
Mỹ một tác phẩm vàng về xứ sở của mình.
Sau khi đóng cửa hiệu, George được
cha quyết định cho theo học hội họa. George thọ giáo với một thầy dạy vẽ ở Newark trong một thời gian
ngắn. Sau đó thầy giáo tuyên bố George đã học hết những gì mà ông có thể truyền
lại cho cậu. George bèn xin vào làm việc cho công ty của Sherman
và Smith, những người vẽ bản đồ ở thành phố
New York,
nhưng vì sức khỏe quá kém, cậu buộc phải
nghỉ việc. Nghỉ ngơi một thời gian dài, cậu lại quyết định học vẽ với
một họa sĩ người Pháp, Régis Gignoux, ở New York.
Vào thời ấy, cách vẽ theo trường
phái Hudson River rất phổ biến. Những phong
cảnh lớn của nước Mỹ, vẽ với nhiều chi tiết tỉ mỉ, được xem là tư tưởng chủ đạo
về nghệ thuật vẽ tranh phong cảnh. Gignoux thuộc trường phái này và đã truyền
đạt lại phương pháp ấy cho học trò của mình. Sau một tháng theo học, Inness
không mấy hứng thú, bỏ về.
Có một mối tương quan kỳ lạ giữa
điều mà Inness cảm thấy cần phải làm và những gì chàng thực sự làm. Chàng không
thích những bức phong cảnh chi tiết của các họa sĩ thuộc trường phái Hudson
River, nhưng chàng lại nghiên cứu tác phẩm của họ thật kỹ lưỡng, và cũng giống
như họ, chàng đã vẽ những bức phong cảnh chứa đầy những chi tiết không cần
thiết. Có lẽ chàng chưa tự tin vào tài năng của mình để có thể vẽ như ý mình
muốn. Họa hoằn mới thấy trong những bức tranh đầu tiên của chàng dấu ấn ''sự
dịu dàng'' của phong cảnh Mỹ như đã thể hiện rất rõ nét trong những tác phẩm về
sau của chàng.
Trong suốt giai đoạn này, tác phẩm
của chàng không gây được chú ý đáng kể và chỉ bán được ít tiền. Vì thế anh em
chàng phải ra tay giúp đỡ. Họ đã mua tranh của chàng, và ngay khi tìm được
người mua lại, họ bán ngay.
Bão
Ogden Haggerty là người giúp cho
Inness nhiều nhất. Một ngày nọ, khi Inness đi vẽ ngoài trời, có một nhóm người
tụ tập lại xem chàng vẽ. Sau đó tất cả bỏ đi, chỉ còn một người ở lại. Tiến đến
gần Inness, anh ta nói ''Nếu anh mang bức tranh đến nhà tôi sau khi vẽ xong,
tôi sẽ trả anh 100 đô-la''. Sau đó, Ogden
và George trở thành đôi bạn thân.
Năm 1847, Ogden Haggerty đề nghị gởi
Inness sang châu Âu để xem và nghiên cứu những tác phẩm hội họa lớn ở đó.
Inness lưu lại châu Âu hơn một năm, đa số thời gian là ở Rome. Sau khi quay về Mỹ, những tác phẩm mới
của chàng đã chịu ảnh hưởng của các họa sĩ Pháp và Ý. Nét cọ thoáng hơn và bố
cục đơn giản hơn. Quan trọng hơn, chàng đã học được cách ''thấy'' phong cảnh
như một mối tương quan duy nhất giữa trời và đất.
Một sáng chúa nhật tại nhà thờ,
Inness chú ý đến một thiếu nữ xinh đẹp. Vẻ duyên dáng của cô gái khiến chàng có
ý định cưới làm vợ ngay. Mặc dù gia đình nàng phản đối, vì Inness chỉ là một
họa sĩ nghèo, nhưng Elizabeth
- tên cô gái - vẫn kết hôn với Inness vào năm 1850. Cô là một người vợ tốt,
luôn sát cánh bên chồng và không đòi hỏi nhu cầu vật chất. Cô quản lý tiền bạc,
chăm sóc chàng chu đáo từ cái ăn, cái mặc cho đến sức khỏe. Suốt đời, lòng
trung thành của cô dành cho chồng không bao giờ thay đổi.
Một thời gian ngắn sau hôn lễ của
hai người, Ogden
Haggerty lại tạo điều kiện cho họ sang châu Âu. Họ lưu lại Ý mười lăm tháng, và
đứa con đầu lòng của họ sinh ra ở đó. Sau này còn thêm năm người con khác ra
đời nhưng chỉ có một người duy nhất sống được. Inness là một người cha đáng
kính. Con trai chàng từng nhận xét :''Sự dịu dàng và tình yêu của ông dành cho
gia đình thật tuyệt vời. Ông cố gắng tìm hiểu con cái, cùng tham gia vào các
trò chơi và thú vui của chúng tôi...''
Hai chị em trong vườn
Năm 1854, Inness và gia đình lại
quay sang châu Âu. Lần này họ cư trú ở Paris
để Inness có thời gian nghiên cứu những tác phẩm lớn trong Viện Bảo tàng
Louvre. Ở Paris,
chàng cũng khám phá ra tác phẩm của họa
sĩ phong cảnh người Anh, John Constable, người mà cách dùng màu phong phú đã
tạo ảnh hưởng trên sáng tác của chàng.
Cùng năm ấy, họ quay về Mỹ và Inness
bắt đầu làm việc tại New York.
Chàng làm việc cật lực trong vài năm, cố triển khai một phong cách riêng của
mình.
Inness không thể tìm được thị trường
bán tranh vì tác phẩm của chàng không lôi cuốn được sở thích của công chúng.
Gia đình chàng thường sống trong cảnh nghèo túng. Vì thế, khi chủ tịch hãng
đường sắt D. L. & W đề nghị trả cho chàng 75 đô la để vẽ hình những chiếc
xe lửa của công ty thì chàng nhận lời ngay. Khi bức tranh hoàn tất thì người
mua không hài lòng. Họ muốn rằng cả bốn chiếc xe lửa của công ty đều phải có
mặt và rằng chữ D. L. & W. phải được vẽ trên từng chiếc. Inness từ chối, lý
do là chỉ có một chiếc xe lửa hiện diện khi chàng vẽ bức tranh này. Nhưng
Elizabeth khẩn nài và cuối cùng chàng đồng ý vẽ lại. Bức tranh được đặt tên là
''Thung lũng Lackawanna''
đánh dấu sự tiến bộ lớn trong quá trình phát triển sự nghiệp của Inness.
Năm 1859, Ogden
lại đề nghị Inness cùng gia đình dời về sống ở Boston. Ogden
hy vọng rằng ở đây Inness sẽ tìm được thị trường tốt hơn cho tranh ông. Lúc này
Inness đang bắt đầu bước vào tuổi trung niên, giai đoạn mà ông sáng tác được
những tác phẩm giá trị nhất. Ông đã tạo một cảm giác nhẹ nhàng trong những bức
tranh phong cảnh yên tĩnh của mình . Dưới nét cọ của ông, những cánh đồng bình
thường như được tắm nắng vàng. Ông thấy chúng ''đắm mình trong vẻ huyền bí của
thiên nhiên''.
Inness tìm được một căn nhà ở
Medfield, gần Boston.
Đứa con trai nhỏ của ông giúp cha rửa những cây cọ bẩn để đổi lấy việc được phép đứng nhìn cha vẽ. Đôi
khi Inness làm việc đến mười sáu tiếng một ngày. Ông như bị quỷ ám, tóc bay
trong gió, cặp mắt rực cháy. Quần áo dính đầy sơn. Ông không vẽ trực tiếp từ
thiên nhiên mà thích ngồi trầm tư, quan sát hiệu quả của những đám mây, màu sắc
của quang cảnh vào những thời điểm khác nhau. Rồi ông phác thảo bằng bút chì và
sau đó khai triển ý tưởng bằng đường nét và màu sắc. Ông vẽ rất nhanh, thường
hoàn thành bức tranh chỉ trong một ngày. Ông thường vẽ đi, vẽ lại nhiều lần
trên cùng một tác phẩm. Một bức tranh thoạt đầu là vẽ cảnh chiều, cuối cùng lại
thành cảnh ban mai, có khi cảnh băng tuyết chuyển thành cảnh mùa hè. Có bức ông
vẽ đi vẽ lại đến sáu lần.
Khi cuộc nội chiến bắt đầu, Inness
muốn nhập ngũ nhưng sức khỏe quá yếu. Vì thế ông tập trung thời gian làm việc
cật lực, kiếm tiền đóng góp cho việc mua thực phẩm, quần áo cho binh sĩ. Ông
tiếp tục vẽ và cho ra đời nhiều tác phẩm giá trị trong giai đoạn này.
Hồ trong rừng cây
Sau chiến tranh, tiền bạc cạn kiệt,
việc nuôi sống gia đình trở thành quá khó khăn. Có một thời gian Inness sống ở New York, nơi ông có một
căn nhà do một người xây giúp đổi lấy việc ông vẽ cho họ một bức tranh. Cũng có
một ít người mua tranh của Inness nhưng số tiền ấy không đủ chi phí cho gia
đình. Ông phải nhận dạy thêm học trò để tăng thu nhập.
Mùa xuân năm 1867 gia đình Inness
lại dời về Brooklyn, New York.
Những năm kế tiếp là thời gian yên tĩnh. Inness sáng tác nhiều trong giai đoạn
này. Có thể ông bán được nhiều tranh hơn
nếu ông biết cách xử sự tốt hơn với mọi người. Ông cho rằng đối với người mua,
mọi chuyện chấm dứt khi họ trả đủ tiền mua tranh. Nhưng về phần họa sĩ, anh ta
vẫn có quyền trên bức tranh của mình ngay cả sau khi đã bán đi. Nếu họa sĩ
muốn, anh ta có quyền đem bức tranh về
để sửa lại. Đã có lần cực kỳ túng quẫn nhưng Inness vẫn từ chối bán tranh vì người mua cứ kỳ kèo giá
cả. Trong một dịp triển lãm, một người giàu có đến xem hai bức tranh đề giá
5.000 đô la mỗi bức. Ông ta hỏi Inness nếu mua cả hai thì sao? Inness thẳng
thừng trả lời: 10.000 đô la! Một lần khác, một người mua trả giá 1.500 đô-la
cho một bức tranh để giá 2.000 đô-la, Inness gỡ bức tranh xuống và nói: ''Ông
phải xin lỗi tôi. Hôm nay tôi không bán tranh. Tôi rất bận''.
Để tăng giá tranh, những người bán
tranh cho Inness đề nghị ông nên đi châu Âu để vẽ những chủ đề nước ngoài.
Inness nổi giận, trả lời: ''Hễ cứ đồ ngoại là tốt sao? Khi một trong hai nhà
buôn tranh lớn nhất của chúng tôi được yêu cầu kiếm hai bức tranh Mỹ mỗi bức
1.000 đô la, ông ta đã trả lời không có bức tranh Mỹ nào đáng giá 1.000 đô la.
Tại sao? Bởi vì họ có thể sang châu Âu, mua một bức họa rẻ tiền với một cái tên
nước ngoài và sau đó bán lại với một món hời lớn. Thật lạ!''. Nhưng cuối cùng,
nhu cầu tiền bạc đã thắng. Mùa xuân năm 1870, Inness mang cả gia đình sang châu
Âu.
Sau một thời gian ngắn lưu lại Luân Đôn
và Paris, ông
sang Ý. Ông sống ở đó bốn năm. Vốn là
người lãng mạn, Inness thích thú viếng thăm quê hương của các nhà danh
họa, tưởng tượng ra chính ông đang sống vào thời của họ. Việc nghiên cứu những
họa phẩm của họ đã giúp ông làm phong phú thêm những sáng tác của mình.
Một vụ cháy xảy ra ở Boston tại nhà
một trong những nhà buôn tranh của Inness khiến ông phải quay trở về Mỹ. Ông cố
dàn xếp để liên hệ với một nhà buôn tranh khác , nhưng chỉ sau vài tháng, nhà
buôn này tuyên bố rằng ông ta không thể bán được cho ông một bức nào.
Cả gia đình lại theo Inness về lại Boston, sau đó chuyển qua New York,
và cuối cùng là Montclair, gần New Jersey. Trong suốt thời gian thiếu ổn
định này, Inness sáng tác hai bức tranh về phong cảnh được xem như sự khẳng
định cuối cùng của ông về hội họa, đó là bức ''Những cây sồi mùa thu'' và ''Cơn
bão sắp đến''. Nét cọ mềm mại hơn, hình thể thay đổi nhiều hơn so với những tác
phẩm ban đầu, chúng bộc lộ một nhận thức mới của ông về cách sử dụng ánh sáng
trên phong cảnh.
Cảnh mặt trời mọc
Giờ đây Inness đã 53 tuổi, được
trọng vọng nhưng không có nhiều tiền tài lẫn danh tiếng. Cuộc gặp gỡ của ông
với Thomas B. Clarke đã làm thay đổi tất cả. Clarke là một người giàu có và là
người đầu tiên sưu tập họa phẩm của các họa sĩ Mỹ, trong khi tất cả những người
khác đổ xô đi mua những tác phẩm của các họa sĩ châu Âu. Ông đã mua nhiều tranh
của Inness, trở thành bạn thân và giúp
Inness bán được tranh của mình. Quan trọng nhất là ông ta đã kể cho
những người giàu có khác nghe về Inness. Chẳng bao lâu, ông đã đủ tiền để mua
một ngôi nhà lớn. Những ngày đấu tranh kiếm sống đã qua.
Thời gian cuối đời của Inness thư
thả hơn về mặt tiền bạc. Nhưng tình yêu hội họa của ông vẫn mạnh mẽ như bao
giờ. Một thời gian ngắn ông thử vẽ người nhưng sau đó lại quay về với tranh phong
cảnh. Không biết có chủ ý hay không, ông bắt đầu vẽ theo phong cách của trường
phái ấn tượng Pháp, một trường phái đang bắt đầu làm thay đổi quan niệm về hội
họa ở châu Âu. Cũng giống như họ, tranh của ông đã ít giống thiên nhiên hơn và
hình ảnh của sự vật trong tranh đã kém vẻ rõ ràng.
Inness không thích được gọi là một
họa sĩ ấn tượng. Nhưng ông khẳng định
mục đích của họa sĩ đơn giản là tái tạo lại trong trí óc của kẻ khác cái
ấn tượng mà thiên nhiên đã để lại trong trí họ.
Sức khỏe sút kém đã làm cho Inness
không hưởng thụ được sự giàu có và danh tiếng của mình. Bác sĩ buộc ông phải đi
du lịch ở vùng biển. Ông cùng vợ thực hiện chuyến du lịch cuối cùng của đời
mình. Từ nước Anh, họ đi đến Bridge-of-Allan, một làng nhỏ ở Scotland. Vào buổi chiều ngày 3-8-1894,
trong khi vợ ông đang chuẩn bị bữa cơm tối, Inness đi dạo bộ bên ngoài để ngắm
mặt trời lặn. Ít phút sau, ông cảm thấy rất mệt. Ông đã trút hơi thở cuối cùng
chỉ sau khi Elizabeth
kịp chạy đến chỗ ông vài phút.
Thi hài ông được đưa về lại Mỹ. Bạn
bè, đồng nghiệp và những người hâm mộ đã tiễn đưa ông đến nơi an nghỉ cuối
cùng. Tường thuật về cái chết của ông, báo chí đã gọi ông là một họa sĩ lớn. Tờ
New York Times cho rằng danh tiếng của ông thực hơn và lâu dài hơn nhiều họa sĩ
lớn cùng thời khác. Một tờ báo khác cho rằng ông là họa sĩ phong cảnh vĩ đại
nhất của nước Mỹ. Lại có tờ báo nhận định ông là người đã chỉ đường cho các họa
sĩ phong cảnh khác đi theo.
Có lẽ Inness cũng chẳng cần phải
tranh luận với họ.
Chàng lại quay về vẽ minh họa để
kiếm sống. Công việc này không những cần cho các tạp chí mà còn cần cho việc
xuất bản sách. Nhiều minh họa màu và đen trắng trong giai đoạn này là thiếu nữ và trẻ em. Lần đầu tiên, một cô gái
Mỹ được diễn tả đúng thực tế: khỏe mạnh, hấp dẫn và sinh động.
Fox Hunt
Vốn không phải là một người dễ gần
gũi, Homer vẫn thường cố tránh những cuộc tiếp xúc ngoài xã hội. Người ta cho
rằng ông đã từng bị tổn thương vì một mối tình bất hạnh. Ông chưa bao giờ lấy
vợ. Ở độ tuổi 40, ông trở thành một trong những họa sĩ hàng đầu của Mỹ. Nhưng
danh tiếng càng cao, cách sống của ông càng kỳ quặc. Một người bạn của ông kể
lại rằng ông rất ít khi mở cửa lớn và thảng hoặc có mở, ông cũng chỉ hé ra vài
phân, mà cũng chẳng để cho ai vào nhà.
5. WINSLOW HOMER
(1836 – 1910)
Winslow Homer
Ngay từ thời niên thiếu, Winslow
Homer đã từng tuyên bố: ''... tôi không có một ông thầy nào cả, và sẽ không bao
giờ có”.
Niềm tin đó của ông kéo dài cho tới
suốt đời. Ông đi theo con đường riêng do mình vạch ra, không hề muốn bước theo
chân những kẻ khác. Vào thời điểm mà mẫu mực của hội họa là hoành tráng hoặc
quý phái, ông lại vẽ theo phong cách riêng của mình. Ông trở thành họa sĩ về
biển vĩ đại nhất mà nước Mỹ từng biết đến. Và cũng chính ông đã đưa nghệ thuật
sử dụng màu nước từ vị trí thấp kém của lên tới đỉnht cao.
Cha của Winslow Homer, ông Charles
Savage Homer, là một thương gia. Bà Henrietta Maria Benson Homer mẹ ông là một
phụ nữ có học thức, thường vẽ những bức tranh hoa bằng màu nước. Sự say mê nghệ
thuật của bà cứ tiếp tục như thế cho đến cuối đời. Bạn bè của gia đình gây cho
bà sự tin tưởng vào tài năng của cậu con trai. Họ cho rằng cậu thừa hưởng lòng
say mê nghệ thuật từ mẹ. Một người bà con của gia đình Winslow kể: ''Lúc nào bà
ấy cũng vẽ. Tôi đến thăm bà ngay trước
giờ Winslow chào đời, và lúc ấy bà cũng đang đứng vẽ''.
Winslow Homer ra đời ngày 24-2-1836.
Ông là người con thứ hai trong số ba người con trai. Hai người kia là Charles và Arthur.
Khi Winslow lên sáu, cha mẹ cậu
chuyển từ Boston về Cambridge,
bang Massachusetts,
nơi Winslow bắt đầu bước chân đến trường. Sự say mê hội họa bộc lộ ngay khi cậu
vẽ đầy lên những trang sách. Mẹ cậu rất vui vì điều này. Bà đề nghị chồng mua
cho con những bức vẽ về đầu người, cây cối, nhà cửa, thú vật để cậu tập chép
theo. Mặc dù còn rất bé, những bức vẽ của Winslow đã thể hiện một tính cách
mạnh mẽ và khác thường.
Cũng như những họa sĩ phong cảnh
khác, tình yêu thiên nhiên của Winslow cũng không kém gì tình yêu hội họa. Ông
rất say mê câu cá và đi dạo. Khi phải làm những công việc đòi hỏi tám tiếng một
ngày, ông thường thức dậy lúc ba giờ sáng để đi câu trước buổi điểm tâm. Khi về
già, ông sống một mình trên bờ biển Maine,
không phải chỉ vào lúc thời tiết tốt mà cả suốt mùa đông dài lạnh lẽo.
Năm 1849, cha Winslow đi California,
nơi người ta khám phá ra vàng. Hai năm sau, ông trở về, không được gì ngoài một
mớ kinh nghiệm. Trong thời gian ấy, Charles theo học tại trường Cao đẳng
Harvard, trong khi Winslow lại bắt đầu có dấu hiệu chứng tỏ mình không muốn kéo
dài chuyện học hành nữa. Ông chỉ thích vẽ. Ông từ chối không chịu vào trường mỹ
thuật duy nhất ở Boston
mà muốn tự mình tìm đường đi riêng. Cha của Winslow biết là con trai ông không
thích đi theo con đường thương mại của gia đình, vì thế ông tìm cho cậu một
công việc thích hợp hơn.
Artists Sketching in the White Mountains
Khi Winslow 19 tuổi, ông bố kiếm
được cho cậu một công ty đang cần một thợ vẽ. Winslow ghét công việc này vì nó
buồn chán và chẳng mang lợi ích gì cho lý tưởng mà cậu quyết tâm đi đến cùng.
Nhưng cậu cũng cố gắng chờ cho đến khi đủ 21 tuổi để ra đi, tin rằng mình có
thể tự kiếm sống bằng nghề vẽ tranh cho các tạp chí. Khi tạp chí Harper's
Weekly mới ra đời lần đầu tiên, chàng gởi tới ban biên tập một số bức vẽ về
cuộc sống sinh viên ở Harvard. Họ nhận ngay. Những bức vẽ ấy được ấn hành vào
tháng 8-1857. Sau đó, chàng tiếp tục gởi nhiều bức khác về cuộc sống ở thành
phố và nông thôn thời bấy giờ. Tất cả
đều được nhận và sử dụng. Trong vòng hai năm, chàng trở nên nổi tiếng nhờ những
bức vẽ trên tạp chí ấy.
Mùa thu 1859, Homer chuyển từ Boston đến New
York, nơi được xem như trung tâm của thế giới hội họa
và xuất bản. Chàng theo học một số lớp hội họa, nhưng cảm thấy không thích hợp
với lối giáo dục bình thường đó nên bỏ ngang. Chàng cũng từ chối lời đề nghị
làm việc trong văn phòng tạp chí Harper
vì tính chàng không thích bị ràng buộc, nhưng chàng vẫn nhận làm một số việc
khác cho họ.
Cloud Shadows
Tháng 3-1861, tạp chí Harper gởi
Homer đến thủ đô Washington để vẽ những bức
tranh về Lincoln
lúc ấy sắp trở thành Tổng thống Hoa Kỳ. Những bức tranh ấy chiếm hai trang trên
tạp chí. Khi cuộc nội chiến bùng nổ, tạp chí Harper lại yêu cầu chàng vẽ về
chiến cuộc. Để đáp ứng yêu cầu này, chàng đăng ký vào quân đội và trở thành
phóng viên họa báo, tham dự nhiều mặt trận. Mặc dầu tình cảm Homer thiên về
phương Bắc, nhưng chàng lại chẳng hứng thú gì về những vấn đề lớn của chiến
tranh mà chỉ quan tâm đến cuộc sống của binh sĩ, đến những điều thường tình
trong quân ngũ. Đến lúc quay trở lại New
York, chàng đã có một vốn liếng về dữ liệu đủ cho
công việc sáng tác trong nhiều năm sau này.
Homer mất hứng thú trong chuyện vẽ
minh họa cho báo, càng ngày chàng càng ít gởi tranh đến tạp chí. Ngược lại
chàng bận rộn với chuyện sáng tác tranh màu. Nhiều năm sau đó, chàng có theo
học một số bài học với một họa sĩ người Pháp, Frédéric Rondel. Chỉ với những bài
học ít ỏi đó, chàng đã vẽ được hai bức tranh sơn dầu quan trọng ở tuổi 26. Cả
hai đều là tranh phong cảnh. Chàng viết cho anh Charles của chàng rằng đó là hai bức tranh có tính cách thử nghiệm. Nếu bán được, chàng sẽ tiếp tục sáng
tác. Nếu không ai mua chúng, chàng sẽ tiếp tục làm việc cho tạp chí Harper và
quên chuyện hội họa đi. Điều đơn giản ấy đã quyết định tương lai của một trong
những họa sĩ tầm cỡ nhất nước Mỹ! Chẳng có cách gì để biết liệu chàng có tiếp
tục sáng tác nếu hai bức tranh kia không
bán được! Anh Charles của chàng đã bí mật mua chúng mà mãi đến nhiều năm sau
chàng mới phát hiện ra sự thật.
Với niềm tin hai bức tranh đầu tiên
là một thành công, Homer bắt đầu hăng say sáng tác tiếp. Sau khi đã vẽ nhiều
bức tranh về chiến tranh, chàng quay sang tranh phong cảnh. Chàng không hề muốn
bắt chước một họa sĩ nào. Chàng vẽ ra những gì chính mắt mình nhìn thấy và tâm
hồn mình cảm nhận.
Mùa Xuân 1866, Homer tổ chức cuộc
triển lãm tranh lớn nhất và quan trọng nhất của mình. Bức ''Những tù nhân ngoài
mặt trận'' vẽ một sĩ quan miền Bắc ăn mặc lịch sự đang đăm chiêu nhìn một nhóm
binh lính miền Nam
rách rưới. Bức tranh diễn tả sự hiểu
biết và thương cảm của cả người thắng trận lẫn kẻ bại trận. Nó lập tức nhận
được ngay sự thích thú của người thưởng
ngoạn. Có người đã nhận định: ''Trong thời đại này chưa từng có bức tranh nào ở Mỹ đã diễn tả được lời kêu gọi tình cảm
giữa con người một cách sâu sắc như vậy''. Vị trí của Homer giờ đây đã được
khẳng định.
Cuối năm ấy, Homer đi châu Âu. Đến Paris, chàng không theo
một trường lớp nào mà lang thang khắp thành phố để vẽ những ký họa đen trắng.
Mười tháng ở Paris
dường như không gây cho tư tưởng chàng một ảnh hưởng lớn lao nào về nền hội họa
ở đây. Có thể chàng đã thăm Viện Bảo tàng Louvre, nhưng chàng không hề tiết lộ
những tác phẩm hội họa vĩ đại của thời quá khứ có gây cho chàng một hứng thú
nào không. Chàng chỉ thích thú ngắm nhìn cuộc sống muôn màu của Paris, nhưng chàng không
tham gia vào thế giới ấy. Khi không còn đồng xu dính túi, chàng quay về Mỹ.
The Bridle Path, White Mountains
Lẽ ra Homer đã giàu có nếu chàng cứ
tiếp tục vẽ minh họa nhưng chàng lại muốn dành nhiều thì giờ hơn cho sáng tác.
Chàng hăng hái học sáng tác bằng kỹ thuật sử dụng màu nước. Những cố gắng đầu
tiên của chàng không có gì đáng nói ngoại trừ việc sử dụng màu sáng. Từ đó cho
đến cuối đời, Homer thường vẽ cả hai chất liệu sơn dầu và màu nước, mỗi loại
đều để lại một số tác phẩm quan trọng.
Những bức tranh màu nước của chàng
được đón nhận ngay từ đầu. Tác phẩm sơn dầu của chàng, trừ bức ''Những tù nhân
ngoài mặt trận'', gặt hái ít thành công hơn. Đề tài của chàng, chẳng hạn như
người đang tắm biển, thường không đủ vẻ
quý phái hay xinh đẹp để lên tranh. Những tranh sơn dầu của chàng chưa hoàn
chỉnh để trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Dưới con mắt của Henry James, nhà
văn Mỹ đương thời, thì: ''Tranh sơn dầu của Homer có vẻ như chưa hoàn chỉnh và
chưa toát lên vẻ đẹp, dù có muốn sửa chữa cách nào cũng không ổn''.
Nếu muốn, có lẽ Homer đã kiếm được
khối tiền nhờ việc bán những bức tranh màu nước. Nhưng ông không quan tâm
đến tiền, ông chỉ quan tâm đến những ý
tưởng nảy ra trong đầu mình. Ông tiếp tục vẽ, cố tìm cách diễn đạt những ý
nghĩa sâu xa bằng cả hai phương tiện màu nước và sơn dầu. Năm 1876, ông vẽ bức
''Gió lành'', được xem như tác phẩm lớn nhất của ông kể từ sau bức ''Những tù
nhân ngoài mặt trận''. Tên tuổi ông giờ đây thường được nhắc đến trong các tạp
chí hội họa, báo chí.
Fox Hunt
Năm 1881, ở tuổi 45, Homer quay lại
châu Âu lần thứ hai. Lần này, thay vì đặt chân đến nước Pháp như mười lăm năm
trước đó, ông lại đến nước Anh và trải qua hai mùa sống gần ngư cảng Tynemouth ở Bắc Hải. Tại đây, lần đầu tiên ông khám phá
về biển cả và những con người chân chất sống ở đây, những ngư dân cả đàn ông
lẫn đàn bà đã âm thầm đấu tranh với biển cả để kiếm sống. Những người này trở
thành nhân vật trung tân cho một số tác phẩm giá trị nhất của ông.
Những tác phẩm màu nước và đen trắng
ông mang từ nước Anh về lập tức nhận được thành công đáng kể. Tuy nhiên, tranh
sơn dầu thì không đạt bằng. Nhưng Homer quá say sưa với việc sáng tác nên chẳng
mấy quan tâm đến dư luận. Mùa hè năm 1883, tại thành phố Atlantic, ông đã vẽ
hai bức sơn dầu đẹp nhất vào thời ấy, bức ''Ranh giới sự sống'' và ''Mạch nước
ngầm'', cả hai đều là những bức tranh dựa trên sự kiện thực tế: một bức vẽ một
phụ nữ được cứu thoát khỏi biển dữ, bức kia vẽ bốn ngư dân đang chống cự lại
cơn thịnh nộ của thủy triều.
Homer rất yêu biển. Ông dọn đến bán
đảo Prouts Neck, bang Maine,
nơi ông chỉ cần mở cửa ra là gặp biển. Từ đó cho đến cuối đời, bờ biển trần
trụi, lởm chởm đá của Đại Tây dương đã trở thành quê hương của ông. Ông lại dời
về một ngôi nhà rộng lớn mà người anh là Charles đã mua cho bố mẹ ông. Cả người
em trai Arthur và gia đình ông cũng đến ở đây một phần thời gian. Trên tầng hai
có một cửa lớn mở ra cho Homer nhìn thấy quang cảnh đại dương lộng lẫy, và ông
thường ngồi vẽ ở đó mỗi khi thời tiết tốt. Ông còn có cả một ''nhà vẽ'' di
chuyển được bằng các bánh xe phòng hờ những khi thời tiết xấu. Nó có cả một lò
sưởi và một cửa sổ lớn bằng kính mà ông có thể đẩy đi bất cứ nơi nào ông muốn
vẽ.
Dù ở
gần gia đình , Homer vẫn muốn sống cô độc hơn. Người bạn duy nhất của
ông là chú chó nhỏ tên Sam. Homer tự làm bếp, trồng rau và hoa. Có một năm ông
còn thử trồng thuốc lá để hút.
Thời tiết lạnh lẽo của vùng Maine dường như không
gây phiền hà gì cho ông. Ông còn sung sướng khi mùa đông đến, vì như thế có
nghĩa là dân nghỉ mát ở biển sắp bỏ đi. Chính mùa thu và mùa đông mới mang lại
cho ông một đại dương sóng gió, thứ biển cả mà ông say mê nhất.
Dù
Homer nổi tiếng là người khó gần, quan hệ giữa ông với gia đình và láng giềng
lại nhẹ nhàng và đầy thân thiện. Ông yêu trẻ con. Thỉnh thoảng ông cho phép
chúng đứng xem ông vẽ, điều mà với người lớn là không thể được. Ông cũng rất
khoan dung và hay tặng quà cho những người láng giềng nghèo khó.
Một thế giới mới lại mở ra với Homer
khi ông nghỉ đông ở Nassau và Bermuda.
Ánh mặt trời chói chang trên màu nước biển trong xanh và những cơ thể rám nắng
của người dân địa phương trông vô cùng hấp dẫn. Màu nước mà ông sử dụng để vẽ những
quang cảnh này là những màu sắc đẹp nhất mà ông đã từng tạo ra được sắc thái
táo bạo, sinh động và gợi cảm. Chính ông cũng nhận ra giá trị của những bức
tranh này. Ông từng nói với một người bạn: ''Rồi anh sẽ thấy, trong tương lai
tôi sẽ sống nhờ những bức tranh màu nước của mình''. Ông chỉ đúng có một nửa.
Ông sống nhờ cả hai loại, màu nước và cả sơn dầu.
Khi những tác phẩm sơn dầu của Homer
đã tiến bộ, nó không còn tùy thuộc nhiều
vào hiệu quả mang tính cách kể
chuyện nữa. Giờ đây tranh ông đặt trọng tâm vào mối liên hệ giữa con người và
môi trường chung quanh. Ông vẽ ít hơn, nhưng đơn giản hơn, sâu sắc hơn, và thể
hiện tài năng rõ nét hơn. Như thói quen, sau khi chọn đề tài một cách cẩn thận,
ông vẽ một cách chính xác y như nó hiện ra trước mắt mình.
Khi Homer đến tuổi 60, ông đã nhận được nhiều giải thưởng cao
quí. Có người viết về ông: ''Không có họa sĩ Mỹ nào vượt lên trên Winslow
Homer, và trong số những họa phẩm về biển, chắc chắn không ai có thể qua mặt ông...''
The Gulf Stream
Mùa thu 1899, ở tuổi 63, Homer bắt
tay vào tác phẩm lớn nhất của ông, ''The Gulf Stream'' Bức tranh được vẽ từ
những ghi chú trên một chuyến hải hành của ông đến vùng biển West Indies, miêu
tả một thủy thủ đang nằm trên boong một chiếc tàu trôi nổi không định hướng.
Ông gởi tác phẩm này đến một người buôn tranh ở New York, đề nghị bán gấp. Không ngờ, ''The
Gulf Stream'' không bán được. Năm 1906, một nhóm họa sĩ đã đề nghị Bảo tàng
Metropolitan ở New York mua nó. Vài ngày sau, Bảo tàng
Metropolitan tuyên bố mua bức tranh với gía 4.500 đô la.
Đây là tác phẩm nổi tiếng nhất của
Homer. Nó đã khiến cho nhà phê bình nghệ thuật Sadakichi Hartmann phải viết
trong quyển ''Lịch sử Nghệ thuật Mỹ'' rằng: ''Ngày nay, sức tưởng tượng của ông
vừa phong phú, vừa độc đáo và năng lực cùng cá tính nghệ thuật của ông là không
thể bàn cãi được. Đây là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất chưa từng được vẽ
ở Mỹ.''
Mùa hè năm 1908, Homer ngã bệnh.
Người em Arthur mang ông về nhà săn sóc.
Một bữa sáng nọ, ông bỏ nhà ra đi. Ông trở về nhà mình và làm việc trở lại. Mặc
dầu sức khỏe rất yếu, ông vẫn yêu cầu được sống một mình. Ông chỉ đồng ý thuê
một người dân địa phương để hàng ngày xem chừng ông còn sống hay đã chết.
Ông vẫn làm việc với một năng lực không thay đổi, đôi tay họa sĩ
của ông vẫn cứng cỏi. Tác phẩm cuối cùng của ông vẫn sinh động như bất cứ tác
phẩm nào ông đã vẽ trước khi lâm bệnh.
Cuối mùa hè năm 74 tuổi, Homer yếu
hẳn đi. Ông không nhìn thấy nữa. Đến tháng 9, ông còn hoạch định chương trình
đi câu cá với Charles và dự tính vẽ lại
ngay sau khi ông có thể nhìn thấy. Ông cảm thấy mình khỏe hơn , nhưng cái chết
đã tìn đến ông vào ngày 29-9-1910.
Lễ tang của Winslow Homer diễn ra
vào ngày 3-10 ở Cambridge, Massachusetts. Tất cả chỉ có hai mươi lăm
người. Lời phát biểu cuối cùng trước khi mọi người ra về là của một người láng
giềng của ông ở Maine:
''Chúng ta sẽ còn nhớ tới ông một thời gian rất lâu''.
Dưỡng đường bác sĩ Gross
6. THOMAS EAKINS
(1844-1916)
Chân dung Thomas Eakins
Giá như chấp nhận một chút giả dối
trong cuộc sống cũng như trong hội họa thì có lẽ Thomas Eakins đã tránh được
nhiều đau khổ và thất bại, nhưng ông không thể làm như thế. Sự chân thật và
những nghiên cứu miệt mài để tìm ra chân lý đối với ông cũng quan trọng không
kém gì cuộc sống.
Thực tế, cả tài năng lẫn đức tính
của Thomas Eakins không mang lại cho ông niềm vinh dự nào với tư cách là một
họa sĩ. Suốt đời mình, ông không có chỗ đứng trong thế giới hội họa. Mãi đến
sau khi ông qua đời, người ta mới xem ông như là một trong những họa sĩ lớn
nhất của thế kỷ!
Thomas Cowperthwait Eakins là con
trai đầu tiên và duy nhất của ông Benjamin và bà Caroline Cowperthwait Eakins,
ra đời ngày 5-7-1844 tại Philadelphia.
Năm cậu bé lên hai, gia đình dời về một ngôi nhà cổ trên đường Mount Vernon yên tĩnh,
sang trọng. Cậu hầu như sống gần hết đời tại đây, ngoại trừ bốn năm theo học
hội họa ở Paris.
Ba cô em gái của cậu lần lượt chào đời: Frances, Margaret, và Caroline. Bọn trẻ
được giáo dục để tuân thủ một nền đạo đức có tiêu chuẩn cao.
Từ bé, Thomas đã chứng tỏ năng khiếu
không chỉ trong hội họa mà còn cả về khoa học. Là một đứa trẻ dễ thương, vui vẻ
và cũng say mê thể thao như cha, hai cha con cậu thường cùng đi săn bắn, chèo
thuyền hoặc câu cá.
Chân dung Eakins Cook
Năm 13 tuổi, Thomas vào học trường Central High School. Tuy học sớm hơn hai năm so
với độ tuổi trung bình của các học sinh cùng lớp, nhưng cậu vẫn là một học sinh
giỏi và học hành rất nghiêm túc. Cậu là một trong những học sinh xuất sắc nhất
của lớp vẽ. Tốt nghiệp trung học năm 17 tuổi, cậu làm việc cho cha trong một
thời gian ngắn. Lúc rảnh, cậu đi vẽ với bạn bè hoặc đi săn hay câu cá với cha
mình. Cậu còn thích cả chèo thuyền và bơi lội. Cậu say mê nhiều thứ ngoại trừ
sự nhàn rỗi. Cậu thích đọc những tạp chí khoa học và tự học tiếng Pháp và tiếng
Ý.
Cao lớn, tráng kiện, Eakins thừa
hưởng dáng vẻ Ái Nhĩ Lan của cha và cặp mắt nâu đen, làn da sẫm cùng màu tóc
đen của mẹ. Trông cậu nghiêm túc và điềm đạm, luôn luôn thể hiện tinh thần tự
lập rất cao.
Năm 1861, vừa tốt nghiệp trung học,
Eakins ghi danh vào học Trường Mỹ thuật Pensylvania, một trường mỹ thuật lâu
đời nhất ở Mỹ. Ngay từ đầu, Thomas đã tỏ ra rất thích thú đề tài vẽ người.
Chàng ghi danh học thêm ở trường Y khoa Jefferson
để nắm vững hình thể con người. Chàng học hành tích cực không khác gì các sinh
viên y khoa khác, cũng theo lớp, cũng mổ xẻ tử thi, học tất cả những gì mà chàng
có thể học được đồng thời với việc học chính thức ở trường mỹ thuật.
Trong năm năm ở trường mỹ thuật,
Eakins không được dạy gì về kỹ thuật vẽ sơn dầu. Chàng quyết định phải sang
châu Âu để hoàn thiện việc học của mình. Cha chàng không những đồng ý mà còn
hứa chu cấp chi học phí cho chàng. Tháng
9-1866, Eakins sang Pháp.
Đến Paris, Eakins nhanh chóng ghi danh vào Ecole
des Beaux-Arts. Hiệu trưởng của trường là ông Jean Léon Gérome, một họa sĩ nổi
tiếng và là giáo viên giỏi nhất của trường thời bấy giờ. Eakins bắt đầu học về
sơn dầu. Gérome áp dụng phương pháp phổ biến để dạy học trò. Trước tiên là vẽ
một bức chi tiết về cơ thể con người rồi sau đó đi màu. Trong thời gian này,
Eakins vẫn tiếp tục nghiên cứu về cơ thể người ở các bệnh viện Paris.
Hai năm sống ở Pháp, Eakins học hành
rất chăm chỉ nhưng cũng không quên tận hưởng cuộc sống sinh viên đầy sôi động ở
Paris. Chàng có
nhiều bạn bè, thường cùng họ đi xem hát hoặc tham dự những cuộc đua ngựa ở
Long-Champs.
Mùa thu 1869, Eakins cảm thấy mình
đã học đủ những gì cần học ở thầy. Chàng viết: ''Tôi không kém bất cứ người học
trò nào của Gérome, giờ đây tôi chẳng còn gì để học nữa''. Lúc này, hậu quả của
sự làm việc cật lực đã bắt đầu gây tác dụng: chàng không thể nào ngủ được vào
buổi tối mà chỉ mơ về màu sắc và các hình thể. Sức khỏe của chàng ngày càng tồi
tệ. Chàng vội bay sang Tây Ban Nha để hưởng chút nắng ấm, hy vọng rằng sự thay
đổi khí hậu sẽ giúp chàng sớm phục hồi sức khỏe.
Ở Madrid, Eakins đi thăm Viện Bảo tàng Prado,
nơi chàng thấy chẳng có gì nhiều để đáng chiêm ngưỡng. Ngoại trừ Rembrandt,
chàng không thích các họa sĩ thuộc trường phái Đức. Nhưng Velázquez và Ribera
thì lại hấp dẫn chàng, đặc biệt là tài nghệ tuyệt vời và cách dùng màu của
Vélazquez, nhất là sự thấu hiểu của ông về tính cách nhân vật. Lần đầu tiên,
chàng biết mình sẽ vẽ cái gì. Chàng tỏ lộ sự hưng phấn của mình trong một bức
thư gởi cho cha: ''Trong một bức tranh khổ lớn của con, ba sẽ thấy thời gian,
sáng hay chiều, mùa đông hay mùa hạ, loại người nào ở đó, họ đang làm gì và tại
sao họ lại làm như vậy''. Chính niềm tin
đó đã chi phối những tác phẩm của chàng sau này.
Sau khi dời đến Seville,
chàng bắt đầu vẽ bức ''Cảnh phố Seville''.
Chàng phác họa hàng trăm gương mặt và những chi tiết khác trong tranh. Người
mẫu của chàng phải ngồi trên mái nhà để chàng có thể nghiên cứu ánh sáng trên
gương mặt. Chàng đã vẽ trong nhiều tháng để thử nghiệm và làm giàu thêm kiến
thức hội họa của mình. Chàng cho rằng đây là là một tác phẩm bình thường thấp
thoáng nhiều điều tốt lành, và chàng đã hoàn toàn có lý. Khi bức tranh hoàn
tất, chàng thấy mình đã hoàn thành việc học tập và đã đến lúc trở về quê nhà.
Max Schmitt chèo thuyền trên sông.
Nước Mỹ vào thời điểm Eakins trở về,
tháng 7-1870, đang trên đà phát triển nhảy vọt. Nhiều tay nhà giàu mới nổi mua
các tác phẩm nghệ thuật không phải dựa trên chất lượng mà dựa trên kích cỡ của
nó. Những họa sĩ hàng đầu trong thế giới hội họa đang vẽ những bức tranh nhẹ
nhàng, vui tươi. Trong một môi trường
như vậy, Eakins ở tuổi 26, lại vẽ cuộc sống theo cái nhìn của chàng. Cái quan
trọng nhất trong tác phẩm của chàng là các mặt người. Chàng vẽ nhiều chân dung
của những người trong gia đình và bạn bè, những cảnh chơi thể thao ngoài trời ở
Schuylkill và Delaware
theo trường phái hiện thực, nhưng với một kỹ thuật bậc thầy. Sự say mê thể thao
của chàng cũng được biểu lộ trong những bức tranh vẽ những người đi thuyền mà
hiện giờ nổi tiếng. Ngay trong những bức này, những mặt người cũng được xem như
những chân dung.
Mặc dù chàng thực hiện tác phẩm của
mình trong xưởng vẽ, nhưng những bức phác thảo của chàng lại được vẽ rất kỹ tại
hiện trường. Chúng được vẽ theo một logic và sự chính xác bằng kiến thức khoa
học của chàng. Những phác họa phối cảnh chẳng khác nào một họa đồ kiến trúc.
Chàng sử dụng những màu tối sậm để xây dựng hình dạng, và thường những tác phẩm
của chàng bộc lộ tình cảm và cá tính của từng nhân vật.
Một trong những bức chân dung được
xem có bút pháp nhẹ nhàng, tinh tế nhất của Eakins vẽ một thiếu nữ đang đùa
nghịch với con mèo trên ghế. Thiếu nữ ấy là Katherine Crowell, người mà Eakins
dự định sẽ kết hôn ít lâu sau khi chàng từ châu Âu trở về. Nhưng, oái oăm thay!
Katherine đã chết trước tuổi hai mươi. Không lâu sau đó, mẹ của Eakins cũng qua
đời. Hai cái chết đã để lại trong lòng
chàng một vết thương khó lành.
Ngoài niềm say mê hội họa, Eakins
còn say mê khoa học, nhưng sự say mê này chỉ đứng hàng thứ hai. Chàng vẫn tiếp
tục nghiên cứu về những động tác của người và loài vật. Kết quả nghiên cứu của
chàng về xương và cơ bắp được đăng tải trên một tạp chí khoa học nhưng Eakins chưa
bao giờ để cho kiến thức khoa học hủy hoại tác phẩm hội họa của mình. Đối với
chàng, khoa học chỉ là một phương tiện để hiểu biết bản chất của sự vật chứ
không phải để cưỡng ép nghệ thuật.
Dưỡng đường bác sĩ Gross
Tại trường y khoa mà Eakins lui tới
để nghiên cứu về cơ thể con người, chàng quen biết nhiều bác sĩ nổi tiếng thời
bấy giờ. Một số người ngồi cho chàng vẽ chân dung và sau đó chàng tặng lại cho
họ. Thời gian này, chàng không có cơ hội trưng bày các tác phẩm của mình trước
công chúng. Viện Hàn lâm Quốc gia ở New York, một tổ chức nghệ thuật quan trọng
nhất, nơi mà một kẻ vô danh cũng có thể trở thành một người nổi tiếng thì không
chào đón ''người ngoại đạo'', nhất là khi người ấy không đi theo những chuẩn
mực của họ.
Tuy nhiên, Eakins không phải vẽ cho
công chúng, cũng không vẽ cho tương lai, mà vẽ cho chính mình. Ở tuổi 31, chàng
đã hoàn thành một tác phẩm quan trọng nhất từ khi bắt đầu theo đuổi con đường
hội họa, tác phẩm đã giúp chàng nổi tiếng. Đó là bức ''Dưỡng đường Gross''.
Trong những năm theo học khoa giải phẫu
cơ thể ở trường Y khoa Jefferson, chàng quen
biết với nhiều bác sĩ hàng đầu của thành phố. Vào thời điểm này, một khuôn mặt
nổi bật nhất là bác sĩ Samuel D. Gross. Eakins đã gặp bác sĩ Gross nhiều lần trong phòng mổ và
chính tư thái cùng nhân cách của ông đã gây ấn tượng cho chàng. Bức tranh mô tả
cảnh vị bác sĩ nổi tiếng ở Philadelphia
đang mổ cho một người đàn ông. Ông đứng ở trung tâm bức tranh, là gương mặt
chính, bao quanh bởi những người phụ tá, đang khom mình trên cơ thể bệnh nhân.
Chếch về bên trái ở phía sau là mẹ của người bệnh đang ngồi và đưa tay che mắt,
tương phản với cảnh khách quan mang tính khoa học của những người khác trong
phòng. Trong nửa phần trên màu sẫm tối
của bức tranh, một dãy sinh viên đang ngồi chăm chú theo dõi. Một làn ánh sáng
mạnh chiếu trên đầu và đôi tay đẫm máu của vị bác sĩ. Ánh sáng cũng rọi lên
gương mặt của những người phụ tá và một phần cơ thể của người bệnh. Ngoại trừ
gương mặt quá bi thảm của người mẹ, đó là một bức tranh sống động như thật về
một cuộc giải phẫu.
Để có được tác phẩm này, Eakins đã
phải làm việc lâu dài khó nhọc. Bạn bè, các bác sĩ, các sinh viên và chính bác
sĩ Gross cũng phải ngồi làm mẫu. Với hy vọng tràn trề, Eakins gởi bức tranh đến
Philadelphia để
triển lãm tại Haseltine Galleries nằm trên đường Chestnut. Có lẽ đây là lần đầu
tiên tranh sơn dầu của Eakins được trưng bày trước công chúng. Dân chúng ào ạt
đến để nhìn tận mắt bức tranh về một cuộc giải phẫu thật sự mà trong đó họa sĩ
đã dám vẽ máu me trên đôi tay vị bác sĩ. Họ đến không phải để chiêm ngưỡng mà
để bị sốc. Người thì yêu cầu xóa bỏ máu
me, kẻ lại phê bình bút pháp và màu sắc
''giống như Tây'', có người lại chê ''sự rối rắm'' của cơ thể bệnh nhân, ngay
cả phối cảnh.
Những người đang tắm hồ
Sau đó Eakins gởi bức tranh đến Hiệp
hội các họa sĩ Mỹ ở New York.
Ông hy vọng nhận được một sự đánh giá dễ chịu hơn, nhưng vô ích. Một lần nữa,
công chúng lại bị sốc vì bức tranh và từ chối xem đó là một tác phẩm nghệ
thuật. Rồi Viện Hàn lâm Pensylvania yêu cầu được nhìn bức tranh, có lẽ vì một
quan điểm hội họa phóng khoáng hơn. Thoạt đầu, họ không muốn treo nó, sau thì
nó được treo ở một vị trí hết sức khiêm tốn: trong một góc tối. Ba năm sau, bức
tranh được trường đại học y khoa Jefferson mua
lại để với giá 200 đô-la để treo vào một chỗ ít người trông thấy!
Nhưng chính qua kỷ niệm đau buồn này
mà Eakins gặp được người vợ tương lai của mình. Bản thân cũng là họa sĩ, Susan
Hannah Macdowell đã thấy được giá trị của bức ''Dưỡng đường Gross''. Sau này
khi Eakins trở thành giáo viên của Học viện Mỹ thuật Pensylvania, cô đã theo
học lớp của ông. Hai người kết hôn vào tháng 1-1884 và dọn đến ở tại căn nhà cũ
đường Mount Vermon. Susan là người bạn đồng hành đã
an ủi chồng rất nhiều trong những năm đầy gian khó sau này. Một thời gian ngắn
sau ngày kết hôn, Eakins đã vẽ một bức chân dung tuyệt đẹp cho vợ, bức tranh
mang tên:''Chân dung Thiếu nữ với con chó săn''.
Một thiếu nữ ngồi thư thái trên
chiếc ghế trong xưởng vẽ, hai tay cầm một quyển sách ảnh của Nhật để trên đùi,
đang nhìn họa sĩ. Bên cạnh nàng là Harry - chú chó cưng của Eakins - đang nằm
ườn ra với hai mắt mở thao láo. Trong những mảng màu tối bên cạnh tấm màn treo
phía sau nàng là chiếc bàn làm việc, lờ mờ những bức tranh, và bên phải là bức
phù điêu Arcadia mà họa sĩ vừa hoàn thành. Hình dáng mảnh khảnh của nàng trong
chiếc váy dài màu ngọc lam chính là nét đặc tả tuyệt vời, hình thể học chính
xác và cách thể hiện đúng qui tắc của họa sĩ. Đây là một trong những tác phẩm
có màu sắc đạt nhất của Eakins.
Năm 1876, Học Viện Pensylvania mở
một trường mỹ thuật mới. Ngôi trường được trang trí rất hiện đại, nhưng phương
pháp giảng dạy thì lại rất cổ lỗ. Năm 1879, Eakins được chỉ định dạy hình họa
và sơn dầu. Ông nhanh chóng nhận ra điều này và thay đổi phương pháp ngay. Một
trong những sự thay đổi đó là ông mở một lớp học về cơ thể con người sử dụng cả
người mẫu lẫn những cơ thể đã chết dưới
sự hướng dẫn của vị bác sĩ danh tiếng William W. Keen. Nhờ thế mà có
nhiều sinh viên mới đăng ký vào học. Robert Henri, sau này cũng dạy học và là
một họa sĩ nổi tiếng, đã nói: ''Thật thú vị khi nghe học trò bàn tán về ông. Họ
tin rằng ông là một người thầy vĩ đại''. Eakins giảng dạy từ chính kiến thức
của mình. Với sinh viên, ông không bao giờ hà khắc nhưng cũng ít khi khen ngợi.
Ông ghét ''loại tác phẩm trung bình'' và luôn nhắc nhở các sinh viên cần phải
nắm bắt được cốt lõi của sự việc.
Đô vật
Năm 1882 Eakins được đề cử làm Hiệu
trưởng của trường Mỹ thuật mặc dù có một số thành viên trong ban lãnh đạo học
viện phản đối. Họ phản đối khi Eakins chủ trương sử dụng người mẫu khỏa thân để
dạy vẽ người. Ban lãnh đạo viện yêu cầu ông hoặc thay đổi phương pháp giảng dạy
hoặc phải rời trường. Ông đã quyết định chọn yêu cầu thứ hai.
Sinh viên ào ạt phản đối quyết định
này. Họ gởi thư kiến nghị có chữ ký của tất cả các sinh viên, trừ mười hai người
nữ, yêu cầu Eakins phải được trở lại nhiệm sở ngay, đồng thời tổ chức một một cuộc diễu hành trong trường,
trong đó mỗi sinh viên đều mang một chữ E lớn trên mũ. Nhưng các giới chức thẩm
quyền vẫn từ chối nhận lại ông.
Thế là hầu hết các sinh viên mỹ thuật
cũng ra đi và thành lập Liên đoàn Sinh viên Mỹ thuật Philadelphia, mời Eakins giảng dạy. Cảm động
sâu sắc vì sự kiện này, Eakins dành phần lớn thời gian cho việc giảng dạy. Ông
từ chối nhận học phí, mặc dù ông không
đủ khả năng tài chánh để làm như vậy. Trong suốt mười năm vẽ tranh, lợi tức ông
thu được từ tiền bán tranh không vượt quá con số 2.000 đô la. Với số tiền ít ỏi
mà gia đình để lại cho ông, cả Eakins lẫn Liên đoàn không thể tồn tại lâu được,
vì thế nó chấm dứt sau sáu năm hoạt động.
Lúc này, Eakins đã qua tuổi 40, hầu
như ông chỉ còn vẽ chân dung, nhưng chẳng còn ai thuê vẽ, ông đành nhờ bạn bè
và người trong gia đình ngồi làm mẫu cho mình. Một trong những tác phẩm đẹp
nhất của ông là bức vẽ chân dung nhà thơ Walt Whitman. Hai người trở thành bạn
thân nhau.
Eakins cũng đã vẽ rất nhiều chân
dung của các bác sĩ và các nhà khoa học mà ông quen biết. Người mẫu của ông
thuộc đủ mọi thành phần xã hội. Đối với Eakins, nhân cách của họ mới là quan
trọng. Tranh chân dung của ông bao giờ cũng thể hiện thật sinh động tính cách
của người mẫu. Ông luôn luôn tìm kiếm sự thật trần trụi, con người đích thực ẩn
dấu trong họ. Một người bạn họa sĩ của Eakins đã từ chối ngồi cho ông vẽ đã
giải thích rằng ông không muốn Eakins phơi bày ra trước công chúng những tính
cách mà từ bao lâu nay ông vẫn cố tình che dấu.
Mặc dù hiện hữu ngoài thế giới nghệ
thuật hàn lâm Eakins vẫn có rất nhiều bạn và luôn luôn thù tạc cùng họ. Tính
vốn thích trò chuyện, nhưng ông lại thường làm người nghe hơn là diễn giả. Còn
khi nói, lời lẽ của ông thường mạch lạc, chân thật và đượm tính hài hước. Mặc
dù nói lưu loát được năm thứ tiếng, nhưng ông không bao giờ dùng tiếng nước
ngoài thay cho tiếng Anh. Quần áo ông mặc không trịnh trọng như những người
cùng trang lứa. Ông thường ăn mặc tuềnh toàng, thoải mái. Ông cũng từng gây cho
dân Philadelphia
những cú sốc khi mặc chiếc áo may-ô và chiếc quần tây cũ kỹ để đi làm, hoặc khi
đi bơi không có mảnh vải che thân. Cuộc sống gia đình của ông rất ấm cúng, thân
ái vì hai vợ chồng có thể chia sẻ với nhau nhiều sở thích gồm cả sự say mê âm
nhạc.
Khi Bác sĩ D. Hayes Agnew sắp rời
khỏi trường đại học Y khoa Pennsylvania
vào năm 1880, sinh viên của ông đã nhờ Eakins vẽ cho họ bức chân dung về người
thầy. Ông đồng ý vẽ một bức chân dung cao bằng người thật với giá 750 đô la.
Tuy nhiên, Eakins lại vẽ bức tranh theo kiểu ''Dưỡng đường Gross'' với tên là
''Dưỡng đường Agnew'' nhưng sinh động hơn. Đây là một trong những nỗ lực lớn
nhất của Eakins, nhưng lại một lần nữa tranh ông lại được treo trong phòng mổ.
Ông đã vẽ bức tranh này cật lực trong ba tháng. Đã có lúc ngã bệnh, nhưng ông
không cho phép mình trì hoãn công việc. Khi bác sĩ Agnew thấy bức tranh đã hoàn
chỉnh, ông yêu cầu Eakins xóa vết máu trên tay mình. Eakins từ chối. Ông vẽ sự
thật và thực tế là bàn tay của bác sĩ Agnew đã dính máu trong suốt cuộc giải
phẫu.
Portrait Miss Amelia van Buren
Lại một cú sốc theo kiểu ''Dưỡng
đường Gross''. Vết thương cũ lại toác miệng. Không những dân chúng Philadelphia bị kích động
mà ngay cả Hội Họa sĩ Mỹ, tổ chức duy nhất mà Eakins còn giữ mối liên hệ, cũng
từ chối không chịu treo bức tranh. Eakins giận dữ viết cho Hội một lá thư,
trong đó có đoạn nói rằng tranh của ông ''quan trọng hơn bất cứ bức tranh nào
mà tôi đã từng thấy trên tường của các anh''.
Dù sao, Eakins vẫn không thay đổi
nguyên tắc. Ông quay lại làm việc và sáng tác còn nhiều gấp đôi trước kia. Vào
giai đoạn cuối những năm 1890, ông trở lại với đề tài những sự kiện thể thao. Đề
tài này lúc bấy giờ không được xem như chủ đề đích thực trong hội họa, nhưng nó
có ý nghĩa đặc biệt đối với Eakins. Theo ông, thế giới thể thao là một lãnh vực
của đời sống cũng có thực như tất cả các lãnh vực khác, và ông vẽ tranh không
phải để làm vui lòng công chúng.
Eakins không ngừng cố gắng vẽ cho
tranh mình càng thật càng tốt. Trong bức ''Ca sĩ thính phòng'', người mẫu của
ông là ca sĩ Weda Cook. Ông yêu cầu cô ngồi
hát với nhiều tư thế để ông có thể quan sát được cử động các cơ trong
vòm họng của cô. Bức tranh có thần đến nỗi người xem tưởng như nghe được tiếng
hát của cô. Khi vẽ bức ''Thập tự giá'', Eakins đã yêu cầu một người bạn làm mẫu
cho gương mặt của Chúa Giê-su. Để có thể nhìn thấy sự chuyển động của các cơ
bắp, ông đã cột bạn mình vào một cây thánh giá! Nhưng tất cả tình yêu sự thật
ấy đã đem đến cho Eakins rất ít tác phẩm. Người ta ít khi nhờ ông vẽ chân dung,
và rồi nếu có một bức chân dung được hoàn thành, người ta lại từ chối không
nhận hoặc lịch sự nhận rồi hủy nó đi vì bức tranh quá thật. Nhưng ông thì không
thể vẽ cách nào khác và cũng chẳng muốn vẽ cách nào khác.
Vào khoảng cuối thế kỷ hai mươi, nền
hội họa Mỹ có khuynh hướng hướng đến chủ nghĩa hiện thực. Nhờ thế, cuối cùng
Eakins cũng được thừa nhận, Ở tuổi 60, ông được Viện Hàn lâm Pensylvania công
nhận là một họa sĩ thực thụ bằng một giải thưởng. Eakins đi nhận giải trong bộ
quần áo củ kỹ. Buổi sáng hôm sau, như để kết thúc phần trình diễn đắng cay của
mình, ông đem bán giải thưởng với giá 75 đô la. Thực ra, ông cũng đã từng nhận
một số danh hiệu, nhưng ông không xem trọng nó. Danh hiệu đối với ông là quá ít
và quá trễ tràng.
Năm 1902, Eakins vẽ bức chân dung tự
họa. Bức chân dung cũng rất thật như những bức chân dung ông đã vẽ về người
khác. Ông có vẻ chậm chạp vì tuổi tác, tóc bạc hơn. Sự buồn bả lộ rõ trong đôi
mắt. Bức tranh là chân dung của một kẻ thất bại nhưng không hề chứa đựng nỗi
xót thương. Cặp mắt trong tranh vẫn là cặp mắt của một con người can đảm.
Khi Eakins được 66 tuổi, sức khỏe
của ông xuống hẳn. Mùa hè năm 1916, ông
bệnh nặng đến nỗi không thể ra khỏi giường. Sáng ngày 25-6, đúng một tháng
trước lần sinh nhật thứ 72 của ông, ông rơi vào giấc ngủ không bao giờ trở dậy
nữa. Đám tang đơn sơ cử hành tại ngôi nhà nơi ông đã sống suốt đời mình, với sự
tham dự của gia đình và vài người bạn chí thân.
Gần một năm sau, Bảo tàng Nghệ thuật
Metropolitan ở New York tổ chức triển lãm các tác phẩm của Eakins, sau đó đến
lượt Viện Hàn lâm Pensylvania với một qui mô đồ sộ hơn. Tiếng tăm nối tiếp
tiếng tăm. Cuối cùng Eakins cũng đã được đặt vào đúng vị trí xứng đáng của
mình: 'một trong những họa sĩ vĩ đại nhất của nước Mỹ.
The lover's boat
7.- ALBERT PINKHAM RYDER
(1847-1917)
Chân dung họa sĩ
Năm Albert Pinkham Ryder được 16
tuổi, cha cậu tặng cho cậu một bộ bút vẽ và một hộp màu. Sau này Ryder nói rằng
khi được cha tặng cho những thứ này, ông cảm thấy mình đã có đủ mọi thứ cần
thiết để tạo ra một tác phẩm sống mãi với thời gian. Ryder hiểu rằng có nhiều
bậc thầy hội họa có tài năng bẩm sinh, và ông cũng có thứ tài năng như thế.
Trong những năm dài buồn bã kế tiếp, ông vẫn luôn luôn tin vào quan điểm chính đáng
của mình, mặc dù vinh quang chỉ đến sau khi ông đã lìa đời. Giá như vinh quang
ấy đến sớm hơn, khi ông còn sống, có lẽ sẽ làm ông vui thích nhưng không làm
ông ngạc nhiên.
''Pinkie'', tên gọi thời trẻ Albert,
sinh ngày 19-3-1847 tại New Bedford, bang Massachusetts. Cậu là
con út trong gia đình có bốn người con trai của ông Alexander Gage Ryder và bà
Elizabeth Cobb Ryder. Họ là những con người nho nhã, tốt bụng, đơn giản từ cách
ăn mặc đến cách hành xử với mọi người.
New Bedford là một khu vực đánh cá lớn của
nước Mỹ và là cảng quan trọng nhất trên biển Đại Tây dương. Albert lớn lên
trong bầu không khí đầy mùi vị, âm thanh và sắc màu của biển cả. Cậu học nhận
biết và thưởng thức sự thay đổi muôn màu muôn vẻ của biển. Chính ở đây, cậu
khám phá ra vẻ đẹp lãng mạn của ánh trăng lấp lánh trên sóng nước mà sau này
chiếm một vị trí đáng kể trong những tác phẩm của cậu.
Thời thơ ấu của Albert trôi qua
trong hạnh phúc tĩnh lặng. Thích vẽ từ bé, nhưng say mê lớn nhất của Albert là
được vẽ bằng màu. Mỗi khi dán mắt vào những quyển sách tranh màu thì Albert hầu
như chẳng còn biết gì về thế giới quanh mình. Thậm chí cậu không nghe cả tiếng
chuông báo hiệu giờ ăn tối của gia đình.
Một thời gian ngắn sau khi vừa tốt
nghiệp trung học, Albert bị bệnh, khiến thị lực bị ảnh hưởng. Việc đọc sách trở
nên khó khăn, ánh sáng chói chang lại làm cho mắt cậu đau nhức, và cậu phải
chấp nhận bất hạnh này cho tới cuối đời. Chính vì vậy mà việc học của Albert bị
gián đoạn, nhưng cậu vẫn còn được chút an ủi là mình vẫn nhìn thấy được chút
màu sắc và hình thể.
The lone scout
Ông Alexander Ryder thì không bao
giờ hiểu hết được cậu con trai út của mình. Cậu rất khác biệt với các anh. Anh
cậu là những chàng trai cứng cáp, tỉnh táo, ngược với đầu óc mơ mộng của
Albert, lúc nào cũng chỉ muốn trở thành họa sĩ. Đồng cảm với ước mơ của con,
ông mua sơn và cọ cho cậu, tìm thầy dạy cho cậu cách pha sơn và sử dụng màu.
Nhưng Albert cho rằng cậu có thể học được nhiều từ việc nghiên cứu cẩn thận những bức tranh hơn
là từ một thầy giáo. Cậu khám phá ra phong cảnh trong tranh của Albert
Bierstadt, người đã từng sống ở New
Bedford và gia đình vẫn đang sống gần nhà của Albert.
Albert Bierstadt lúc bấy giờ đã là một trong những họa sĩ giàu có và nổi tiếng
nhất nước Mỹ. Albert bèn quyết định thử vẽ tranh phong cảnh. Cậu hăng hái chạy
ra các cánh đồng để vẽ, nhưng sau những
cố gắng đầu tiên, cậu cảm thấy thật đau khổ: cậu chẳng thể nào diễn tả được hết
vẻ hoàn mỹ của thiên nhiên!
Một ngày nọ, bỗng nhiên cậu thấy
khung cảnh cũ hiện ra trước mắt mình, được sắp xếp giữa khoảng trống của hai
thân cây y như một bức tranh với ba khối hình thể và màu sắc - trời đất và cây
cối - tất cả tắm trong làn ánh sáng vàng rực. Cậu vội vàng ném ngay cây cọ, vớ
lấy dao vẽ phết lên vải vẽ những nhát màu mạnh bạo: xanh da trời, xanh lá cây,
trắng và nâu. Cậu thấy như thiên nhiên nhảy nhót sống động trong tranh của
mình. Niềm vui khiến cậu say sưa vẽ mãi tới chiều tà không biết mệt. Sau đó,
cậu lại còn nhào ra giữa đồng, la hét nhảy nhót như một chú ngựa non tràn đầy
hạnh phúc.
Số phận đã không để cho Albert sống
yên ổn ở vùng New Bedford.
Kỹ nghệ đánh cá suy sụp. Cùng với nhiều người khác, ông Alexandre Ryder bị mất
công ăn việc làm, gia đình Ryder phải dọn đến New York vào năm 1870.
Ryder lúc này đã 23 tuổi, là một
chàng trai cao lớn bảnh bao và có vẻ trầm tĩnh. Chàng không kết bạn nhiều, nhưng
những ai đã là bạn chàng thì thường trở thành bạn thân lâu dài.
Ryder cố gắng xin vào học ở Học viện
Thiết kế Quốc gia (Mỹ) nhưng không được chấp nhận. Học viện này thời bấy giờ có
nhiều ảnh hưởng nhất trên khắp nước Mỹ, những triển lãm của tổ chức này được
xem là những triển lãm quan trọng nhất. Nhưng Ryder không mất hy vọng. Chàng bỏ
thời gian học vẽ với họa sĩ vẽ chân dung William E. Marshall, sau đó lại thử
xin vào Học viện một lần nữa. Lần này thì chàng được thu nhận. Tuy nhiên, sau
đó chàng không thích phương pháp giảng dạy của Viện nên đã bỏ ngang nửa chừng
và tiếp tục tự học.
Trong suốt thời gian này, Ryder vẽ
rất nhiều tranh phong cảnh, thường thêm vào một người hay vật. Đa số các bức
tranh đó đượm màu vàng rực rỡ của buổi chiều tà hoặc bàng bạc ánh trăng. Không
giống như những tranh vẽ phong cảnh rộng lớn mà chúng ta thường thấy lúc bấy
giờ, tranh của Ryder rất nhỏ.
Năm 26 tuổi, Ryder có một bức tranh
treo ở Viện Hàn lâm Quốc gia. Khoảng một năm sau, chàng gởi thêm một bức nữa
nhưng bị từ chối. May mắn thay, nhà buôn tranh nghệ thuật người Anh Daniel
Cottier nhìn thấy tác phẩm này và đề nghị triển lãm tranh của Ryder. Cuộc triển
lãm thành công lớn, Cottier bán được một số tranh của Ryder và trở thành người
bán tranh cho Ryder. Bắt đầu từ đó, hai
người trở thành đôi bạn thân.
Trong giai đoạn này, nhiều họa sĩ đã
chống lại Viện Hàn lâm Quốc gia mà nổi bật nhất là William Merritt Chase. Ông
cùng gia nhập nhóm The New Movement với Thomas Eakins của những năm bảy mươi,
và là người lãnh đạo tinh thần trong tổ chức Hội Họa sĩ Mỹ được thành lập vào
năm 1877. Tổ chức này khởi xướng giải phóng họa sĩ khỏi thái độ bảo thủ chủ
trương triển lãm hạn chế của Viện Hàn lâm Quốc gia. Ryder là một trong số 22
thành viên của Hội cho đến cuối đời và thường triển lãm tranh của mình thông
qua Hội.
Sự quan tâm ít ỏi của công chúng đối
với tác phẩm nghệ thuật của Ryder thường khá tàn nhẫn. Người ta cho rằng tranh
của chàng nghèo nàn. Điều này có thể đúng nhưng không phải là quan trọng so với
những phẩm chất khác trong tác phẩm của ông. Nghệ thuật của ông là sản phẩm của
đời sống nội tâm phong phú, không bị ảnh hưởng bởi thế giới xung quanh và bởi
người khác.
Spirit of Autumn
Ryder âm thầm tiếp tục lối đi riêng
của mình. Ông tin tưởng mãnh liệt rằng họa sĩ phải ''sống để vẽ chứ không phải
vẽ để sống''. Ông làm việc rất chậm, thường phải mất vài năm để hoàn thành một
tác phẩm, vẽ đi vẽ lại nhiều lần mãi cho tới khi bức tranh đạt được tiêu chuẩn
tự đề ra. Thỉnh thoảng, Cottier cũng bán cho ông được một hai bức, nhưng số
tiền kiếm được chẳng là bao. Nhu cầu của Ryder thì không nhiều. Ông chỉ cần một
mái nhà che mưa nắng, một ít thực phẩm sống qua ngày. Chỉ có điều ông không thể
nào chịu đựng nỗi chuyện không có vật liệu để sáng tác. Có lần ông đã phải lôi
cả những tấm ván giường ra để vẽ!
Ryder có lẽ là người hiểu biết rất
ít về phương pháp sáng tác hơn bất kỳ một họa sĩ lớn nào thời bấy giờ. Chàng hoàn toàn mù tịt về
những chất liệu mình đang dùng và đối với chàng những vấn đề này cũng chẳng
quan trọng gì. Chàng hăm hở làm việc đến nỗi không kịp chờ cho tranh khô. Vì
thế hiện nay, tranh của Ryder đang trong tình trạng khá xuống cấp. Phần lớn đã
bị hư hại. Một số khác bị ố đen, lại có những bức mà người ta không thể nào
nhìn thấy vẻ đẹp của màu sắc đích thực nữa. Nhưng lúc ấy Ryder chẳng quan tâm
gì đến điều này. Chàng cho rằng nếu mỹ thuật Hy Lạp vẫn được bảo tồn qua nhiều
thế kỷ thì tranh của mình cũng sẽ như thế.
Ryder thực hiện chuyến du lịch đầu
tiên sang châu Âu năm 33 tuổi. Ông lưu lại Luân Đôn một tháng tại nhà Daniel
Cottier. Mùa hè năm 1882, Ryder cùng Cottier và họa sĩ Olin L. Warner du lịch
sang Pháp, Hòa Lan, Ý, Tây Ban Nha và Tangier - một hải cảng của Ma-rốc. Năm
1887 và 1896, ông lại bước lên tàu của một người bạn và cũng là họa sĩ, thuyền
trưởng John Robinson, để ngao du sơn thủy. Trong cả hai lần, ông dành hầu hết
thời gian đứng trên boong tàu, say sưa ngắm dòng nước lấp lánh của đại dương.
Sau khi về lại Mỹ, ông đời về xưởng
vẽ riêng của mình ở New York,
bắt đầu mở rộng đề tài sáng tác. Khác với những năm ở tuổi 30, tranh của ông
luôn mang chủ đề chính là phong cảnh và những cảnh đồng quê giàu chất sáng tạo,
có kích thước nhỏ và bút pháp tương đối mang phong cách tự nhiên chủ nghĩa, thì
từ thời điểm này, ông đưa vào tranh những cảnh sắc từ các tác phẩm văn chương nổi tiếng của thế giới nói tiếng Anh, những
khúc ba-lát của Chaucer, Shakespeare - nhà thơ mà ông ngưỡng mộ nhất, thơ văn
của các tác giả thế kỷ 19 như Coleridge, Byron, Campbell, Moore, Poe,
Tennyson.. , từ truyện cổ tích và cả Kinh Thánh. Hai vở nhạc kịch của Wagner là
Siegfried và Người Đức bay đã gây ấn tượng cho ông sáng tác hai tác phẩm đẹp
nhất. Ông đã kể cho một người bạn nghe chuyện sau khi xem xong vở nhạc kịch
Siegfried, ông phấn kích đến độ trở về nhà đã quá nửa đêm, vội cởi áo khoác ra
và ngồi vào giá vẽ ngay. Ông vẽ liên tục trong suốt bốn mươi tám giờ liền,
không ăn không ngủ, cố diễn đạt nguồn cảm hứng dạt dào từ vở diễn. Bức tranh
cho ta thấy Siegfried mặc áo giáp đang cỡi ngựa đi trên con đường tràn ngập ánh
trăng, trong khi những nàng trinh nữ sông Rhine từ dòng sông màu lưu huỳnh đang
vẫy tay xin người anh hùng chiếc nhẫn ma thuật của chàng.
The dead bird
Những tác phẩm của Albert mang chủ
đề này không hề có ''tính văn chương''. Chúng không phải là những minh họa cho
tác phẩm gốc mà là những bi kịch sáng tạo. Thường thường đề tài chỉ là điểm
khởi đầu cho một khám phá hình tượng. Sự cân đối giữa các mảng sáng tối, những
màu sắc lấp lánh như trang sức gây cho tác phẩm của ông những vẻ đẹp hiếm có.
Người ta đánh giá tranh ông trong giai đoạn này đẹp hơn trước kia. Những lời
khen ngợi ít ỏi kia cũng đủ làm ông phấn khởi và lao vào làm việc với một nỗ
lực lớn hơn.
Về già, Ryder dường như quay lưng
hẳn với thế giới chung quanh. Ông không quan tâm gì ngoài chuyện sáng tác. Hầu
như ông không bao giờ đi đến các cuộc triển lãm hội họa hoặc bình luận về hội
họa với các họa sĩ khác, và cũng không
hào hứng gì nghĩ đến chuyện triển lãm tranh của chính mình.
Năm 1902, Ryder dời về căn hộ cuối
cùng của mình ở đường West Fifteenth, một căn hộ gồm hai phòng nằm trên tầng chót.
Chưa bao giờ là một con người của tập thể, giờ đây hầu như ông không gặp gỡ một
ai. Chỗ ở của ông thật dơ bẩn. Hai căn phòng chất đầy những rương hòm, báo chí.
Chén đĩa bẩn thỉu nằm vung vãi khắp nơi. Những hộp trống chất thành một chồng
cao tới tận trần. Ông thì ngủ trên sàn.
Nhưng dù sao, Ryder cũng có một hai
người bạn trong gia đình Fitzpatrick, một gia đình sống ngay dưới căn hộ của
ông. Khi ông bệnh, chính bà Fitzpatrick săn sóc cho tới lúc ông khỏe lại. Bà
còn giúp ông lau chùi nhà cửa, nhưng không tài nào làm cho sạch hoàn toàn. Gia
đình Fitzpatrick là những người bạn thân thiết cuối cùng đã chăm lo cho ông cho
tới những ngày cuối đời.
Bản tính dịu dàng của Ryder thì
không bao giờ thay đổi. Ông rất tốt với
mọi người, và rất hào hiệp với những người tốt ít oi mà ông có được. Vào dịp
lễ, ông thường gởi cho bạn những món quà nhỏ, những bài thơ hoặc thư từ.
Khi bước vào tuổi 50, Ryder bắt đầu
vẽ lại những bức tranh cũ. Ông không chấp nhận việc mình không được quyền sở
hữu tác phẩm của mình, ngay cả khi bán nó và đã nhận đủ tiền. Ông thường đòi
lại các bức tranh từ người chủ mới để vẽ lại chúng.
Đường đua
Năm 1913, một nhóm họa sĩ trẻ đề
nghị treo sáu bức tranh của Ryder trong cuộc triển lãm Armory (*) - một cuộc
triển lãm giới thiệu nghệ thuật hiện đại với công chúng Mỹ. Nhiều năm sau khi
ông mất, Ryder mới được các hoạ sĩ hiện đại nhất trong giới họa sĩ hiện đại
phát hiện tài năng của ông: họ nhận thấy cảm quan mạnh mẽ của ông về cách bài
trí và vận dụng các hình thể rất gần gũi với các tác phẩm của họ. Thực thế, một
trong những tác phẩm tiêu biểu của Ryder - bức ''Đường đua'' - có thể được
xem như sản phẩm sớm nhất của trường phái Biểu Tượng (Expressionism). Ryder
từng nói: ''Hội họa hiện đại phải thoát ra khỏi cái cổ lỗ... Kẻ tôn thờ cái cũ
thì không thể phát hiện ra điều gì mới mẻ''.
Năm 1915, Ryder bệnh nặng. Gia đình
Fitzpatricks hết lòng săn sóc ông cho tới khi họ thấy tình trạng của ông không thể tự điều trị tại nhà. Họ đưa ông đến
Bệnh viện St. Vincent ở Greenwich Village. Ông
phải nằm điều trị tại đó nhiều tháng. Sau khi rời bệnh viện, gia đình
Fitzpatricks đưa ông về nơi họ đang sống ở Elmhurst,
Long Island.
Ryder
đã ngụ lại đó trong hai năm cuối đời. Ngày 28-3-1917, chín ngày sau lần sinh
nhật thứ 70, ông qua đời.
Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại ở New York đã tổ chức một
cuộc triển lãm tác phẩm của Ryder để tưởng nhớ ông vào đúng năm ông mất. Và khi Viện Bảo
tàng Hội họa Hiện đại khai trương vào năm 1927, Ryder được đánh giá là một
trong những họa sĩ lớn của Mỹ. Trong Viện Bảo tàng, người ta thấy tranh của ông
xuất hiện cùng với tác phẩm của các họa sĩ bậc thầy khác như Thomas Eakins và Winslow Homer.
(*) The Armory Show: tên cuộc triển lãm quốc tế đầu tiên của Mỹ về nghệ
thuật hiện đại tổ chức tại Xưởng đúc Vũ khí của trung đoàn 69 (The Sixty-Ninth
Regiment Armory) nằm trên đường 26, thành phố New York từ ngày 17-2 đến
15-3-1913. Sau đó, nó cũng được tổ chức tại Chicago và Boston. Theo ý định ban
đầu của ban tổ chức thì đây là một cuộc triển lãm ''độc lập'' qui mô của những
nghệ sĩ tạo hình cùng trong một tổ chức riêng của họ được gọi là Hội Họa sĩ và Điêu
khắc gia Mỹ, gồm 25 thành viên. Nhưng khi thực hiện, tính chất của nó lại hoàn
toàn thay đổi dưới sự lãnh đạo của họa sĩ Arthur B. Davis (1862 - 1928), chủ
tịch Hội. Có khoảng 1.600 tác phẩm của các họa sĩ châu Âu từ Ingres và
Delacroix đến các họa sĩ Lập thể và bộ sưu tập nghệ thuật đương đại Mỹ được
trưng bày.
8.- JOHN SINGER SARGENT
(1858-1925)
Có lần, John Singer Sargent nói với người ngồi mẫu của
mình: ''Tôi vẽ cái tôi thấy... Tôi không đào bới tìm kiếm những gì không hiện
ra trước mắt tôi''.
Giữa Sargent và
Thomas Eakins có một sự khác biệt rất lớn. Trong khi Sargent, với lối vẽ những
''phần nổi'' đáng yêu của ông, sống như một người giàu có, được cả thế giới
nghệ thuật lẫn công chúng khen ngợi thì cách thể hiện nghệ thuật của Eakins là
đào sâu vào cái ''phần chìm'' và phải vất vả để kiếm sống. Trong khi Sargent
phải xua bớt khách hàng ra khỏi cửa thì Eakins phải nài nỉ bạn bè và thân nhân
ngồi làm mẫu cho ông. Sargent có thể đòi hỏi bất cứ giá cả nào cho tranh của
mình còn Eakins thì họa hoằn mới bán được một bức. Nhưng thật ngược ngạo,
Eakins lại luôn luôn tin vào đường lối mình đã chọn lựa trong khi Sargent, ở
đỉnh cao của danh vọng lại tỏ ra nghi ngờ chính mình. Tuy khá muộn màng nhưng
cuối cùng ông cũng nhận ra ông đã không sử dụng tốt tài năng của mình.
Paul Helleu Sketching with his wife
Tuy rằng Sargent chưa hề với được tới đỉnh cao mà đáng lẽ
tài năng của ông phải dẫn dắt ông tới, nhưng nhiều tác phẩm của Sargent, đặc
biệt là những bức tranh sơn dầu và màu nước, vẫn được đánh giá là những tác
phẩm nghệ thuật quan trọng. Cũng như phần lớn các tranh chân dung của ông,
những tác phẩm ấy đã khiến cho cả thế giới ngạc nhiên và thán phục
Mary Newbold Singer, mẹ ông, là con gái một thương gia
giàu có ở Philadelphia, đã đem lòng yêu mến nước Ý trong một chuyến du lịch
sang châu Âu thời trẻ tuổi. Sau đó bà kết hôn với bác sĩ Fitzwilliam Sargent,
một bác sĩ danh tiếng ở Philadelphia và thuyết phục được chồng dời sang sinh
sống ở Florence, Ý. Thành phố xinh đẹp này có nhiều người Mỹ định cư và từ
nhiều thế kỷ nay đã trở thành nơi tập trung của các họa sĩ và nhà văn trên thế
giới
The Daughters of Edward Darley Boit
Đứa con đầu lòng của họ, John Singer Sargent, ra đời ngày
12-1-1856, ở Casa Arretini, nhìn qua con sông Arno gần Cầu Vecchio. Trong sáu
người con của ông bà Sargent, chỉ có ba người sống, ngoài John còn có hai em
gái là Emily và Violet.
Gia đình Sargent thường du lịch vòng quanh châu Âu, nên
con cái họ sinh ra ở nhiều nơi khác nhau trên lục địa. John sinh ra ở đất Ý và
quen thuộc nhiều xứ sở, nhưng ông luôn
cảm thấy nước Mỹ gắn bó chặc chẽ với cuộc sống của mình hơn.
John trải qua phần lớn thời niên thiếu ở Florence và một
cậu bé bình thường, linh hoạt, rất thích quan sát thiên nhiên. Trong những
chuyến du lịch thuở thiếu thời, cậu học nói tiếng Ý, Pháp, Đức và Anh. Bà
Sargent yêu thích âm nhạc và những bức tranh màu nước, chính bà đã dạy cho John
cả hai loại hình nghệ thuật này. Tài năng khác thường của cậu bé trong hội họa
bộc lộ sớm. Cậu rất mê vẽ tranh. Khi nào không cùng đi vẽ ngoài trời với mẹ,
lại thấy cậu hý hoáy vẽ trên cuốn sổ tay mà cậu luôn luôn mang theo mình. Cậu
được ngắm những tác phẩm của các bậc thầy từ
nhỏ, và có lẽ cậu cũng đã học được rất nhiều từ những tác phẩm ấy.
Lên 12 tuổi, cậu bé John đã rất cao lớn. Gương mặt đỏ,
tóc đen và những bước chân vững chải của một chàng trai đã trưởng thành. Bản
tính cậu rất vui vẻ, hòa nhã nhưng lại dễ nổi giận mỗi khi cậu thấy mình bị đối
xử một cách bất công.
Tương lai của John là vấn đề gây ra tranh cãi giữa cha mẹ
cậu. Cha John muốn cậu trở thành viên chức trong hải quân Hoa Kỳ, nhưng cả cậu
lẫn mẹ đều phản đối. Bà Sargent quyết tâm cho John đi theo con đường hội họa và
ông Sargent đành phải nhượng bộ ý chí sắt đá của vợ.
Frederick Law Olmsted
Mùa thu năm 1870,
John vào học Trường hội họa Dell Bell Arti. Cuối năm ấy cậu nhận được phần
thưởng dành cho học sinh xuất sắc nhất. Điều này chẳng làm ai ngạc nhiên.
John còn tiếp tục học ở đó thêm vài
năm nữa. Từ lâu, John nhận thấy chương trình giảng dạy của nhà trường quá buồn
tẻ nhưng cậu biết rằng mình đang học những kiến thức cơ bản. Ngay từ lúc ấy,
cậu cũng đã chỉ vẽ những gì mình thấy chứ không tìm kiếm những gì ẩn sau bề mặt
vấn đề hoặc vẽ theo trí tưởng tượng bay bổng.
Đầu xuân 1874, gia đình Sargent chuyển
đến Venice.
Chính tại đó, sau này, họ gặp họa sĩ Mỹ danh tiếng Whistler. Bà Sargent tìm cơ
hội giới thiệu với Whistler những bức tranh màu nước và những phác thảo chì của
con trai mình. Whistler tỏ ra ngưỡng mộ chúng và đề nghị John tiếp tục. Sau này,
Whistler lại thay đổi ý kiến, cho rằng John chỉ là một tay thợ vẽ thời thượng.
Giờ đây gia đình Sargent lại phân
vân trong việc chọn lựa nơi để John có thể tiếp tục chương trình học vấn một
cách tốt nhất. Họ cho rằng những trường ở Anh không tốt bằng những trường ở
Pháp, nhưng Paris
lại không phải là nơi ''an toàn'' cho một chàng trai trẻ phơi phới như John.
Cuối cùng nghệ thuật đã thắng, và tháng 5-1874, cả gia đình dời sang Paris.
Sargent được mười tám tuổi khi cậu
dự kỳ thi vào trường Mỹ thuật. Cậu mô tả kỳ thi vừa dài vừa khó, nhưng sau đó
cậu có tên trong danh sách các sinh viên được họa sĩ chân dung hàng đầu của Paris, Carolus-Duran, chọn
lựa. Mặc dầu tuyên bố rằng Sargent còn biết ít quá nhưng Carolus-Duran sớm phát
hiện ra cậu học trò của mình ''trên mức trung bình''.
Sargent học hành rất chăm chỉ. Cậu
đến lớp cả sáng lẫn chiều. Từ 5 giờ chiều đến 7 giờ tối, cậu làm thêm việc ở
trường Mỹ thuật. Sau bữa cơm tối, cậu lại theo học một lớp đêm do Léon Bonnat
giảng dạy. Chủ nhật, cậu vẽ tại nhà. Sự miệt mài đó đã khiến cho Sargent nhanh
chóng trở thành học sinh giỏi nhất lớp. Chàng trai ấy thường có thái độ trầm
tĩnh, hơi bẽn lẽn một chút nhưng rất dễ gần. Giờ đây Sargent đã là một thanh
niên đẹp trai, cao nhưng gầy với dáng đi hơi cúi về đằng trước để... cho thấp
bớt. Cậu ít khi tham gia vào sinh hoạt vui chơi của sinh viên. Thường Sargent
dành thì giờ nghỉ cho gia đình và một vài người bạn thân mà cậu thường thích
đánh đàn cho họ nghe.
Morning Walk
Đầu năm 1877, Sargent gởi một bức
tranh chân dung đến cuộc triển lãm mỹ thuật hàng năm ở trường. Sự kiện này đánh
dấu giai đoạn cuối thời sinh viên của Sargent. Cũng trong năm ấy, Carolus-Duran
nhờ Sargent và một sinh viên mỹ thuật mỹ khác giúp ông trong công việc ở Cung
điện Luxembourg.
Ông còn đồng ý ngồi làm mẫu cho Sargent, kết quả là bức chân dung tuyệt đẹp đã
hoàn tất. Sargent gởi bức chân dung đến Salon và gây được ấn tượng tốt đẹp
ngay. Khi một tạp chí mỹ thuật in hình bức tranh lên trang bìa thì
Carolus-Duran nổi giận: học trò của ông đã qua mặt ông!
Thành công nhỏ ấy đã mang đến cho
Sargent một số công việc: chàng phải vẽ những bức chân dung, một số để bán, một
số để nhận giải thưởng. Tên tuổi của chàng bắt đầu được biết đến. Nhưng Sargent
vẫn còn ham muốn được học hỏi nên đã qua Tây Ban Nha để nghiên cứu tác phẩm của
những bậc thầy trong Bảo tàng Prado rồi lại đi Hà Lan để nhìn tận mắt tác phẩm
của Franz Hals. Đặc biệt tranh của họa sĩ Tây Ban Nha Velázquez khiến chàng rất
xúc động. Chàng cố tìm cho ra bí quyết sự vĩ đại của Velázquez bằng cách bỏ ra
một tháng trời thử sao chép tranh của ông.
Quay trở về Paris, Sargent bắt đầu vẽ rất nhiều tranh.
Một trong số những bức tranh ấy, bức ''El Jaleo'', bắt nguồn từ phác thảo của chàng ở Tây Ban Nha. Tác
phẩm thể hiện về ánh sáng và bóng tối một cách mới mẻ và cách sử dụng màu tài
tình. Những nét cọ mạnh mẽ, chắc chắn, tài hoa. ''El Jaleo'' được trưng bày ở
Salon năm 1882 và nhận được sự tán thưởng nồng nhiệt. Sargent đã diễn tả được
một cách hoàn hảo động tác của một vũ công Tây Ban Nha và ánh mắt cảm xúc của
người theo dõi. Sau đó, một tác phẩm khác, bức ''Chân dung những đứa trẻ'' cũng
được ca ngợi nhiệt liệt. Đó là một trong những tác phẩm đẹp nhất của Sargent.
Ở tuổi 26, Sargent là một trong hai
tác giả quan trong nhất của Salon. Chàng đang đứng ở ngưỡng cửa danh vọng.
Những thành công ấy khiến cho Sargent giờ đây không ngớt việc để làm.
Trong một cuộc hội hè thời thượng,
Sargent gặp gỡ bà Gautreau, một thành viên trong thế giới ăn chơi của Paris hoa lệ, vợ một nhà
ngân hàng người Pháp. Đẹp mỹ miều trong
bộ y phục táo bạo, làn da trắng xanh dưới lớp phấn màu tím nhẹ đã khiến cho
Sargent náo nức được vẽ chân dung nàng. Không phải chỉ vì vẻ đẹp lạ thường của
nàng thu hút chàng, mà còn vì Sargent nhận biết rằng một bức chân dung đầy
thành công với người đẹp sẽ mở ra cho chàng cánh cửa bước vào thế giới giàu có
thời thượng của Paris.
Spanish Dancer
Năm 1883, Bà Gautreau đồng ý cho
chàng vẽ chân dung toàn thân. Tác phẩm hoàn thành năm 1884, và Sargent gởi bức
tranh đến Salon. Hy vọng công việc làm ăn sẽ tiến triển tốt đẹp, chàng dời chỗ
ở đến một nơi rộng rãi hơn và thuê thêm nhiều người phụ việc.
Buổi khai trương triển lãm thực sự
là một sự kiện xã hội lớn với sự tham gia đông đảo của những người trong giới
thời thượng giàu có của Paris.
Chân dung bà Gautreau được treo ở một nơi mà ai cũng có thể nhìn thấy được.
Sargent vẽ nàng trong chiếc váy buổi tối màu đen, vầng trán thấp, đầu nghiêng
qua một bên. Làn da xanh xao với màu phấn tím nhẹ đã tạo cho nàng một vẻ đẹp
thật huyền ảo.
Nhưng bức tranh đã được chào đón với
sự giận dữ trừ một số ít người cho rằng đây là một tác phẩm bậc thầy tuyệt hảo.
Công chúng bị shock vì màu sắc mà
Sargent dùng cho làn da, mặc dù màu sắc ấy và cả chiếc áo hoàn toàn đúng với sự
thật. Bà Gautreau và người mẹ nài nỉ Sargent chuyển bức tranh khỏi nơi triển
lãm. Tất cả những sự kiện ấy khiến cho Sargent bị shock. Cho đến khi Bảo tàng Metropolitan mua lại bức tranh vào năm
1916, Sargent vẫn như chưa hồi tỉnh vì sự kiện này và yêu cầu thay đổi tên bức
tranh. Giờ đây, tác phẩm được mang tên ''Chân dung Bà X.''
Những kế hoạch tương lai đầy hy vọng
mà Sargent hoạch định ra đã bị phá hủy. Những kẻ mua tranh đe dọa bỏ đi. Tác
phẩm của chàng, vừa mới được tán thưởng đó, nay lại bị chê cười. Chàng bỏ Luân
Đôn ra đi, hy vọng rằng cơn bão sẽ lắng dịu và đi vào quên lãng.
Trong thế giới hội họa nước Anh,
chàng đã nhận được sự chào đón thiếu nồng nhiệt. Một người Mỹ với nền giáo dục
của Pháp thì thật không đáng tin cậy! Bức tranh đầu tiên mà chàng trình làng bị
đánh giá là khô khan, màu sắc thô và không có cái đẹp. Một bức khác thì
''giật'' được giải... tranh xấu nhất trong năm.
Portrait of Madam X.
Vào khoảng đầu năm 1885, Sargent
kiếm được nhiều việc hơn, tuy thế mãi cho đến cuối năm tiếp theo chàng mới thực
sự từ bỏ ý nghĩ quay trở về Paris.
Vụ tai tiếng Gautreau đã làm tổn thương đến tên tuổi của chàng mà không có cách
gì hồi phục được. Chàng quyết định ở lại nước Anh.
Người bạn thân của Sargent lúc bấy
giờ là Henry James đã giới thiệu chàng với xã hội Luân Đôn bằng những lời ca
ngợi. Nhưng tác phẩm của chàng vẫn chưa được thế giới hội họa của Luân Đôn đón
nhận. Phong cách của chàng vẫn còn hơi hướng Pháp nhiều quá.
Nhưng đến năm 1887 thì Sargent đã
thay đổi được sự đánh giá của xã hội về mình khi chàng gởi tác phẩm mới ''Hoa
cẩm chướng, lily, lily, hoa hồng'' (tên của một bài hát phổ biến) đến cuộc
triển lãm Hàn lâm Hoàng Gia mang ít nhiều ảnh hưởng ông bạn họa sĩ Claude
Monet. Sargent thử nghiệm cách sử dụng
màu và ánh sáng. Bức tranh vẽ hai bé gái đang cầm cây đèn trong một khu vườn mở
cổng. Mỗi biổi tối, trong khoảng thời gian hai mươi phút, khi ánh đèn đã được
đặt đúng vị trí, Sargent lại vẽ một chút, ngày này qua ngày khác cho tới khi
bức tranh hoàn tất.
Thành công vang dội của tác phẩm
khiến cho Sargent vừa ngạc nhiên vừa phấn khởi. Viện Hàn Lâm Hoàng gia đã chọn
mua bức tranh với giá cao. Cùng trong năm ấy, Henry G. Marquand, một người Mỹ
giàu có, yêu cầu Sargent định giá cho bức chân dung mà Sargent sẽ vẽ cho ông
ta. Vì chưa muốn rời nước Anh, Sargent đã đưa ra một cái giá mà chàng nghĩ là
khó có thể chấp nhận được: 3.000 đô la. Nhưng Marquand đã vui vẻ đồng ý và vì
thế chàng phải dong thuyền sang Mỹ
Sargent không ngờ rằng chính bức
chân dung bà Gautreau lại đem đến tiếng tăm cho chàng tại Mỹ. Thông qua
Marquand, chàng đã gặp nhiều người trong giới thượng lưu thời ấy. Cuộc triển lãm
đầu tiên của chàng ở Boston
đã lôi kéo được sự tham dự của những thành phần danh giá nhất trong xã hội. Sáu
bức chân dung, nhiều bức tranh về thành phố Venice, một số bức phong cảnh và tác phẩm
''El Jaleo'' được bày trong cuộc triển lãm. Bức tranh người vũ công Tây Ban Nha
được một người Mỹ mua và Viện Hàn Lâm Quốc gia Mỹ cho rằng đây là một trong
những tác phẩm vĩ đại nhất trong kho tàng hội họa Mỹ.
Hầu như ngay lập tức, Sargent trở
thành kẻ đi đầu trong thể loại tranh chân dung. Khách đặt tranh tới tấp. Khi
ông trở về Luân #ôn, ông mới biết rằng danh tiếng của mình đã lan tới đấy,
không những thế, ông còn nổi tiếng cả ở đấtmười năm ông mới hoàn thành tác phẩm
đồ sộ này. Năm 1903, lúc này Sargent đã 47 tuổi, ông đến Mỹ để thăm nơi đặt bức
tranh tường của mình, ông mới nhận ra rằng bộ tranh tường này không đẹp bằng
những tác phẩm đẹp nhất của ông và nó nghèo nàn hơn nhiều bức chân dung mà ông
vẽ khi không hứng thú cho lắm.
Trong
vài năm tiếp theo, Sargent sử dụng hầu hết thời gian của mình để vẽ tranh tường
và màu nước. #ề nghị đặt hàng vẫn còn nhiều, nhưng giờ đây ông đã biết cách nói
lời từ chối.
Khi Chiến tranh Thế giới nổ ra vào
năm 1914, Sargent tỏ ra chẳng quan tâm mấy đến sự kiện này, mãi cho đến năm
1916, khi ông trở lại Boston để đặt nốt phần còn lại của bức tranh tường, ông
mới nhận ra sự hiện hữu của chiến tranh. Ông nhận lời vẽ chân dung cho nhà tư
bản nổi tíếng John D. Rockefeller và
dành tất cả số tiền thù lao nhận được cho hội Chữ Thập #ỏ. Chính quyền Anh yêu
cầu ông quay lại nước Anh vẽ một vài bức
chân dung để lấy phúc lợi cho Chữ Thập #ỏ ở Anh, ông còn được mời sang Pháp để
vẽ những bức tranh về chiến tranh. Tháng 6. 1918, Sargent sang Pháp để tìm tư
liệu cho tác phẩm về chiến tranh của mình. Ông đã vẽ một loạt những bức tranh
màu nước và nhiều bức sơn dầu khác.
Tháng 10 năm ấy, chính quyền Anh với
ông về Luân #ôn và các thành viên trong Viện Hàn Lâm Hoàng Gia đề nghị ông giữ
chức Chủ tịch Viện. Ông đã từ chối vinh dự ấy bằng câu trả lời: ''Tôi có thể
làm bất cứ điều gì cho Viện, trừ chuyện này''. Ông vẫn là nhà họa sĩ Mỹ được
ngưỡng mộ nhất của thế kỷ .
The Sulphur Match
Lúc này Sargent đã tìm ra lỗi lầm
của mình trong tác phẩm. Ông suy nghĩ đến việc phát triển thêm bức danh họa ''El
Jaleo'' bằng cách thêm cho nó một gương mặt khác nữa. Năm 1923, khi tranh của
ông được triển lãm chung với tranh của Winslow Homer ở Paris, ông từ chối không đến xem. Ông cũng
vắng mặt trong buổi trưng bày tác phẩm của mình tại New York năm 1924. Khi những tác phẩm ấy
được đánh giá cao, ông cũng không lấy làm thích thú. Ông cho rằng ông đã tiêu
phí tài năng của mình vào việc vẽ những bức tranh đã mang lại cho ông rất ít
hoặc chẳng chút vui thú nào.
Vào giữa tháng 4. 1925, Sargent sắp
xếp để về Mỹ. Phần cuối cùng của bức tranh tường đã được vẽ xong và ông phát
biểu một cách cay đắng: ''Tôi cho rằng e đến chết tôi cũng chẳng thích được
nó''. Ông cảm thấy đã đến lúc kết cuộc. Nhiều ngày trước lúc lên đường, ông
tham gia một buổi tiệc do cô em gái Emily tổ chức với sự tham dự của vài người
bạn thân trong gia đình. Buổi tiệc chấm dứt sau mười giờ đêm. Sargent đi ngựa
về nhà cùng với một người bạn. Khi họ chia tay, Sargent chào tạm biệt và hẹn
gặp lại trong sáu tháng nữa. Sáng sớm hôm sau, ngày 15-4-1925, người giúp việc
của Sargent tìm thấy ông nằm bất động trên giường. Ông đã ra đi trong lúc ngủ.
Trong suốt đời mình, Sargent không
hề thiếu tiền bạc hay danh tiếng. Ông nhận được nhiều học vị danh dự từ những
trường đại học lớn ở cả Anh và Mỹ. Tác phẩm của ông được hầu hết các nhà bảo
tàng nghệ thuật lớn mua lại. Nhưng khi ông mất đi, tiếng tăm của ông cũng lụi
tàn dần. Đối với những họa sĩ trẻ sau này chịu ảnh hưởng của trường phái hội
họa Pháp, Sargent có nhiều khiếm khuyết hơn là ưu điểm. Nhưng thời gian qua đi,
danh tiếng của Sargent một lần nữa lại được tái xác nhận và phẩm chất khác
thường trong nét cọ của ông lại được đề cao.
Self Portrait
Portrait of Whistler with Hat (1858)
Symphony in White no 1 (The White Girl) 1862
Arrangement in Pink Red and Purple
James Abbott McNeill Whistler đã
vĩnh viễn ra đi.
Miss Mary Ellison
Khi đã đạt gần tới đỉnh cao của vinh
quang, John Sloan đã nói một cách cay đắng rằng ông sẵn sàng bỏ hết những tác
phẩm trong phần đời còn lại của mình để đánh đổi lấy một trăm đô la mỗi tuần..
Trong suốt những năm theo học trường Trung học Trung tâm ở Philadelphia, John đã gặp William J. Glackens, sau này trở thành người bạn thân và là đồng nghiệp của cậu, và Albert C. Barnes. Sau này Barnes rất giàu có, nổi tiếng là một người sưu tập nghệ thuật và là người đầu tiên mua tranh của Sloan. Việc học của John nữa chừng bị gián đoạn khi công việc làm ăn của cha cậu thất bại. Ở tuổi 16, cậu phải rời bỏ mái trường để kiếm sống giúp cha và các em gái
Sự phát minh ra những kỷ thuật in ảnh báo đã chấm dứt nhu cầu cần một bộ phận mỹ thuật lớn trong tòa soạn. Tháng 11-1903, Sloan bị cho thôi việc. Bạn bè của chàng: Henry, Luks, Glackens và Shinn đã đi New York để phấn đấu trở thành họa sĩ. Họ đề nghị Sloan cùng đi, nhưng chàng cho rằng mình phải kiếm sống trước đã. Nhiều tháng sau, sau khi đã dàn xếp để được nhận làm minh họa cho nhiều tạp chí, vợ chồng Sloan mới bỏ Philadelphia và dời đến sống ở New York. Họ trú ngụ trong một ngôi nhà cổ ở đường Số 23 West, gần nơi Henry đang sống.
9.- JAMES ABBOTT McNEILL WHISTLER
(1834 – 1903)
Self Portrait
Trong hơn bốn mươi năm, Abbott
McNeill Whistler đã biến Luân Đôn thành sân khấu để ông trình diễn trước công
chúng. Ông tấn công vào nền đạo đức của xã hội, xác định tư tưởng ''nghệ thuật
vị nghệ thuật'' và tấn công những tư tưởng lỗi thời của thế giới hội họa Luân Đôn
thời ấy. Whistler là một gương mặt đầy màu sắc nổi tiếng của thời đại ông.
Tình yêu của ông đối với công việc
rõ ràng là rất nghiêm túc. Động cơ làm việc của ông là giải phóng hội họa khỏi
nhà tù của những tư tưởng cổ hủ. Ông sinh ra ở Mỹ, học hành ở Pháp và chọn nước
Anh làm nơi sinh sống. Vì thế, nghệ thuật của ông không thuộc về một biên giới
nào và trường lớp nào. Nó là của riêng ông cũng như nhân cách có phần hoang dã
của ông.
Whistler sinh ra ở Lowell,
bang Massachusetts,
ngày 10-6-1834. Cha ông là thiếu tá George Washington Whistler và mẹ là bà Anna
Mathilda Mc Neill Whistler. Khi lớn lên, ông bỏ bớt tên Abbott (for his
mother's Scottish name). James, - hay Jimmy, Jemmie như mọi người thường gọi -
là một cậu bé mảnh mai, thường bệnh hoạn.
Người mẹ yêu quý chăm sóc sức khỏe của cậu một cách cẩn thận, và luôn
giữ cậu ở gần bà. Khi James lên ba, gia đình cậu dọn tới Stonington,
bang Connecticut.
Thiếu tá Whistler, đã rời khỏi quân đội, trở thành kỹ sư của tuyến đường sắt
phía Tây của Massachusetts.
Whistler in his studio
Năm 1841, Nga hoàng Nicholas I của
nước Nga gởi người đến Mỹ để thuê một kỹ sư xây dựng tuyến đường sắt từ St. Petersburg đến Moscow.
Người được chọn là thiếu tá Whistler, với số lương rất lớn lúc ấy là 12.000 đô-la
mỗi năm.
Cậu bé James chín tuổi lúc ấy rất
phấn khởi với cuộc sống mới ở Petersburg.
Những binh lính của Nga hoàng, trong bộ quân phục hào nhoáng, vẻ đẹp của thành
phố tuyết với những tòa cao ốc kỳ lạ - tất cả những thứ ấy khuấy động trí tưởng
tượng của tuổi niên thiếu. Cậu chộp lấy mọi cơ hội để vẽ, diễn tả tất cả những
ấn tượng của cuộc sống chung quanh mình với một tài năng thật sự. Sau đó, cậu
theo học trường Hàn lâm Mỹ thuật Hoàng gia Nga. Trong kỳ thi tốt nghiệp sau bốn
năm học, cậu đỗ đầu.
Mùa hè năm 1848, bà Whistler và các
con du lịch sang Anh quốc, ở đó, chị Deborah của James gặp và kết hôn với
Seymour Haden, một bác sĩ trẻ. Trong thời gian lưu lại Anh, ông Whistler - vừa
đến dự đám cưới con gái - đã nhờ Sir William Boxall vẽ chân dung con trai mình.
Bức tranh diễn tả một chàng trai trẻ tóc đen tươi cười đã tỏ lộ phần nào một
con người sinh động trong tương lai.
Sự lan tràn của một chứng bệnh
nghiêm trọng ở Nga đã khiến cho bà Whistler cùng các con phải lưu lại Anh quốc
trong khi ông Major phải một mình quay về Nga để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ.
Ông đã bị mắc bệnh và qua đời tháng 4-1849. Một thời gian ngắn sau lễ tang, bà
Whistler thực hiện chuyến hành trình dài đưa các con trai về lại Stonington.
Một cuộc đời mới ít hào hứng hơn bắt
đầu khi họ quay về lại Mỹ. Cả gia đình dọn đến Pomfret, thuộc bang Connecticut, trong trong
một ngôi nhà có nhiều phòng ởnông trại. Bọn trẻ được theo học ở một trường
dòng. Sự thay đổi hoàn toàn môi trường chung quanh đã gây khó khăn cho James.
Cậu nhớ về quá khứ vui thú và thoải mái trước đây. Cậu khôngcó chút hứng thú
trong việc học hành mà giờ đây cậu thấy quá buồn chán. Cậu tỏ ra cứng cỏi và
thiếu tôn trọng những người nắm quyền hành khiến cho cuối cùng vị hiệu trưởng
đã buộc cậu phải chuyển trường
Theo con đường mà mẹ mong muốn là
nối gót cha mình, chàng trai trẻ Whistler đã đăng ký vào trường võ bị West Point tháng 6-1851. Việc học hành của cậu trong
trường này không được khả quan, ngược lại điều mà cậu làm được tốt nhất là vẽ!
Mặc dù là một học sinh tồi, James lại nhanh chóng nổi tiếng trong trường vì sự
thông minh, nét tuấn tú, và sự coi thường kỷ luật. Vì thế chẳng có gì đáng ngạc
nhiên khi đến năm học thứ ba trong trường, chàng trai trẻ bị đuổi học.
Để làm vui lòng mẹ, Whistler đồng ý
đi Baltimore để
xem anh trai của chàng, George, có kiếm được cho chàng một việc làm không. Và
chàng đã rất sung sướng khi bị anh trai từ chối. Thế là sau đó Whistler đến Washington, nơi chàng gặp và xin vị Bộ trưởng Chiến tranh
là Jefferson Davis cho chàng quay lại trường West Point.
Ông Bộ trưởng gửi Whistler đến gặp đại úy Benham, trưởng nhóm làm bản đồ của
chính quyền. Viên đại úy thấy ngay Whistler có tài vẽ và đã đồng ý nhận chàng
từ tháng 11-1854.
Whistler đã học tập công việc mới
một cách nhanh chóng đến độ chàng cũng nhanh chóng thấy đó là một công việc
nhàm chán. Những bức vẽ về bãi biển cũng không làm thỏa mãn trí tưởng tượng dồi
dào của chàng trai trẻ. Chàng quay qua vẽ những cái đầu và những gương mặt kỳ
dị giữa những khoảng không gian trống. Suốt trong hai tháng đầu năm 1885, tổng
thời gian chàng làm việc đúng với nhiệm vụ chỉ... hơn mười hai tiếng đồng hồ! Whistler
rất thích thú với cuộc sống vui nhộn của giới họa sĩ Paris, như vẫn được mô tả trong nhiều cuốn
sách chàng từng đọc, vì thế chàng nảy ra ý nghĩ nghiên cứu về hội họa ở thủ đô
của nước Pháp. Mùa hè năm 1885, chàng xuống tàu đi Paris, sau khi nhận được lời chúc lành của mẹ
và lời hứa sẽ được cung cấp mỗi năm 350 đô la từ anh trai George. Kể từ đó,
chàng không bao giờ quay trở về quê nhà nữa.
Tại Paris, Whistler theo học với họa sư Marc
Gabriel Charles Geyre. Gleyre đã gây một ấn tượng lâu dài đối với Whistler khi
chàng cho rằng mọi màu sắc đều dựa trên căn bản là màu đen. Whistler thường
vắng mặt trong các buổi học nhiều hơn là đến lớp. Người ta thường bắt gặp chàng
lang thang trên những đường phố Paris
với mái tóc quăn đen, dài, dày và chiếc mũ lớn với dãi ruy-băng rộng màu
đen.
Whistler thường đến Viện bảo tàng
Louvre để chép lại những bức tranh cổ và thỉnh thoảng cũng để bán những bản sao
chép của mình cho các du khách Mỹ. Buổi tối chàng trò chuyện với bạn bè hay đi khiêu vũ cho tới
tận mờ sáng, vì thế chàng thường thức giấc khi mặt trời đã đúng ngọ. Số tiền
anh trai gởi không đủ cho Whistler chi dùng với một lối sống như thế nên chàng
thường xuyên làm một con nợ.
La Princesse du pays de la porcelaine
Mùa hè 1885, Whistler du lịch vòng
quanh nước Pháp, rồi mang về một số bản khắc axít. Với kỹ năng sử dụng ánh sáng
và bóng tối và những nét vẽ nhuần nhuyễn, Whistler nhanh chóng trở thành một
thợ khắc bậc thầy. Mùa thu năm ấy, Whistler cùng với một sinh viên người Pháp
khác là Henri Fantin - Latour, kết hợp với một nhóm nhỏ thanh niên trẻ cùng làm
việc dưới sự hướng dẫn của giáo sư Gustave Courbet. Những cuộc sống đời thường,
dưới nét cọ của Courbet, thường được vẽ bằng những nhát cọ dày, màu sắc tối
tăm, khác hẳn với phong cách hội họa của nền hội họa Pháp lúc ấy. Một trong
những bức vẽ đẹp đầu tiên của Whistler lúc ấy, bức ''Bên đàn dương cầm'' mang
dấu ấn rõ rệt của Courbet. Trong bức tranh, hình ảnh to lớn của một phụ nữ mặc
áo đen ngồi trước cây dương cầm được cân
đối một cách tuyệt hảo bởi gương mặt của một đứa trẻ mặc toàn trắng đang cúi
người trên cây đàn. Bức tranh đánh dấu giai đoạn cuối cùng của cuộc đời sinh
viên. Nó được gởi đến phòng triển lãm vào năm 1859. Những người chủ trì cuộc
triển lãm đã từ chối không nhận nó cùng với một số tác phẩm của nhiều họa sĩ
khác không đi cùng đường hướng với phong cách hội họa của Hàn lâm Pháp. Thế là
một cuộc triền lãm những tác phẩm bị từ chối được tổ chức, ''Bên đàn dương
cầm'' nhận được sự tán thưởng của giới họa sĩ trẻ và cả chính Courbet.
Whistler nghe nói thị trường tranh ở
Anh rất thuận lợi cho giới họa sĩ, vì thế chàng hoạch định chương trình đi Luân
Đôn. Trong thời gian đầu, chàng cùng hai người bạn sống chung với chị gái
Deborah, sau đó Whistler dời về Lindsey Row, một nơi chốn lý tưởng cho các họa
sĩ và nhà văn
Năm 1860, tác phẩm ''Bên đàn dương
cầm'' được tham gia một cuộc triển lãm của Viện Hàn lâm Hoàng gia. Nơi đây,
Whistler, vui mừng tìm ra được người chịu mua tranh chàng. Hai năm sau,
Whistler gởi đến một tác phẩm khác, ''Người đàn bà mặc đồ trắng'', nhưng bức
này bị từ chối vì ''quá kì lạ''. ''Người đàn bà mặc đồ trắng'' du hành sang
cuộc Triển lãm Salon ở Paris
năm 1863, nhưng lại bị khước từ. Nhưng cuối cùng tác phẩm đã được treo tại
Salon Của Những Người bị Từ Chối, một cuộc trưng bày những tác phẩm bị Viện Hàn
Lâm từ khước của các họa sĩ ngày nay rất nổi tiếng như Monet, Degas, Pissarro
và Manet. ''Người đàn bà mặc đồ trắng'' là một trong những tác phẩm được bàn
tán nhiều nhất trong cuộc triển lãm bất thường này. Người này thì bảo ''xấu xí
một cách lạ kỳ'', kẻ khác lại cho đó là tác phẩm đáng giá nhất trong cuộc trưng
bày.
Hội họa của Whistler giờ đây theo
một đường hướng mới. Để chủ nghĩa hiện thực của Courbet lại phía sau, chàng
quay sang một phong cách trừu tượng hơn, và chàng biểu lộ phong cách này qua sự
chọn lựa chủ đề trong lãnh vực âm nhạc, là lãnh vực trừu tượng nhất trong các
lãnh vực nghệ thuật. Mặc dầu những tác phẩm của chàng dựa trên cơ sở thực tế,
cái quan trọng trong tranh chàng không phải là sự vật mà là đường nét và màu
sắc. Chàng đã tìm thấy trong nền hội họa Nhật Bản tất cả những gì mà chàng đang
cố trình bày. Chàng sử dụng cấu trúc đơn giản, đường nét mảnh mai, và những sắc
độ nhẹ nhàng của nền nghệ thuật Nhật Bản cho tác phẩm của mình.
Arrangement in Grey and Black No. 1 (Chân dung Mẹ họa sĩ)
Arrangement in Grey and Black No. 1 (Chân dung Mẹ họa sĩ)
Những năm đầu thập niên 1870 là thời
kỳ tốt đẹp nhất của Whistler. Chàng được xem là một họa sĩ sáng giá và nhận
được nhiều công việc lớn. Một số những bức tranh đẹp nhất của chàng được hoàn
thành trong giai đoạn này, trong số đó có bức ''Chân dung Mẹ của họa sĩ, trong
màu xám và đen'', một bức chân dung đẹp của Thomas Carlyle, và nhiều bức chân
dung khác của những người nổi tiếng.
Tính kỳ cục của Whistler gia tăng
cùng với tiếng tăm của chàng. Khắp Luân Đôn biết đến nhân cách khác thường của
chàng. Chàng thiết kế quần áo riêng cho mình và có hai cây gậy dài đi đường,
một cây màu nhạt cho ban ngày và một cây màu tối cho buổi tối, mà chàng thường
cầm vung vẩy khắp nơi... Sự sắp xếp bàn ăn và thức ăn được chọn lọc cẩn thận
sao cho phù hợp với màu của căn phòng. Căn nhà của chàng được tô màu xanh nhạt
để tạo được hiệu quả của ánh mặt trời. Chàng có rất ít đồ gỗ, và khách mời của
chàng chỉ có cách hoặc đứng hoặc ngồi trên sàn nhà!
Khi vẽ, chàng là một hoạ sĩ rất
nghiêm túc. Chàng làm việc miệt mài, cần mẫn để tạo cho được những tác phẩm
thanh thoát không chút gò bó. Nếu có chỗ nào không vừa ý, chàng thường xóa đi
tất cả để lại bắt đầu lại từ đầu. Bất kể phải mất bao nhiêu thời gian, một bức
tranh sẽ không bao giờ được xem là hoàn thành nếu như chàng chưa hoàn toàn hài
lòng về kết quả.
Chân dung Thomas Carlyle
Chân dung Thomas Carlyle
Năm 1872, Whistler được thuê vẽ chân
dung cho nhà Frederick Leyland, gia đình một chủ hãng tàu giàu có ở Liverpool. Khi những bức chân dung hoàn thành, Whistler
yêu cầu Leyland cho phép chàng được vẽ những
bức tranh tường cho căn phòng ăn của ngôi nhà mới xây của họ. Công việc tiến
hành một cách chậm chạp bắt đầu từ mùa xuân 1876, mãi đến hai năm sau vẫn chưa
được hoàn tất. Giá cả đã được trả gấp đôi, và giờ đây Whistler lại đòi thêm
nữa. Cuộc cãi vã giữa Whistler và Leyland lan
truyền khắp giới thời thượng Luân Đôn. Từng từ, từng hành động của Whistler là
đề tài cho câu chuyện. Thiên hạ chẳng quan tâm đến dư luận của công chúng về
công việc của ông mà chỉ muốn nghe xem miệng lưỡi chua cay của ông sẽ tấn công
kẻ thù như thế nào.
Năm 1875, hai nhân vật quan trọng
của Đại học Oxford
là Oscar Wilde và John Ruskin đã tham dự một cuộc triển lãm quan trọng của
Whistler. Đa số các tác phẩm của Whistler không được ưa thích, và Ruskin, người
đặc biệt giận dữ với bức ''Tên lửa rơi: Bình minh trong màu đen và vàng'', viết
báo để công kích ông. Ông ta cho rằng Whistler đã ném cả bình sơn vào mặt công
chúng…
Nocturne in Black and Gold: The Falling Rocket
Nocturne in Black and Gold: The Falling Rocket
Whistler đã đâm đơn kiện Ruskin vì
cho rằng ông ta đã hại đến thanh danh của mình. Phiên tòa mở ra vào ngày 26-3-1878
và lôi kéo cả đám đông cứ như đêm khai mạc của một nhà hát. Phiên tòa hứa hẹn
một cuộc trình diễn hay ho nhất của thế kỷ. Trong phiên tòa, Whistler đã bị gạn
hỏi và đã nhận rằng ông chỉ vẽ bức tranh trong hai ngày. Nhưng ông tuyên bố
rằng cái giá của nó không phải chỉ có bốn mươi tám tiếng đồng hồ mà là ''kiến
thức của cả một đời người''.
Khi được hỏi ông có thích nghe ý
kiến của người khác về nghệ thuật của mình, ông trả lời rằng ông chỉ tôn trọng
ý kiến của những người đã dành suốt đời mình để sống chết cho nghệ thuật. Những
câu nói của Whistler đã khiến cho cả phòng xử cười vang và căn phòng nhanh
chóng biến thành một thính phòng âm nhạc. Sau khi Whistler ngưng nói, chỉ có
một số ít họa sĩ bảo vệ chàng, nhưng những họa sĩ hàng đầu của nước Anh thì
đồng ý với ý kiến của Ruskin, cho rằng những
tác phẩm của Whistler là ''chưa hoàn chỉnh'', hoặc giá quá cao, hoặc cả hai.
Tòa đã xử Ruskin có tội và phải bồi
thường cho Whistler một đồng danh dự, không có giá trị gì về vật chất trong khi
án phí được chia đều cho cả hai. Công chúng thưởng thức sự khôi hài trong vụ kiện cáo, nhưng họ vẫn
không nghiêm túc xem Whistler như một họa sĩ.
Án phí của vụ kiện đã làm cho
Whistler trắng tay, mất cả nhà và đồ đạc. Người ta vẫn chú ý đến ông, nhưng
không ai có đủ can đảm thuê ông vẽ tranh vì tính khí kì quái của ông.
Giờ đây thì Hội Mỹ thuật, nơi đã
từng trưng bày tranh của Whistler, đã đứng ra giúp ông. Họ thuê ông vẽ một loạt 12 tranh khắc về Venice, và ứng trước cho ông một số tiền. Mùa
thu năm 1879, Whistler lên đường sang Ý. Ở đây, ông nhanh chóng trở thành trung
tâm của nhóm họa sĩ trẻ nước ngoài. Hàng ngày ông xuất hiện ở quảng trường St.
Mark, với nhóm bạn bè bao quanh.
Whistler, kẻ yêu thứ ánh sáng lờ mờ
của Luân Đôn, cho rằng mặt trời ở Ý quá sáng, đường phố quá ''xinh đẹp''. Khi
quay về Luân Đôn tháng mười một năm sau, ông mang về theo mình bốn mươi bức
tranh khắc, một số tranh màu nước và ít
bức sơn dầu.
Trong thời gian Whistler vắng mặt,
thái độ của giới hội họa đối với ông lại chuyển hướng. Tại Viện Hàn lâm, giờ
đây một nhóm mới các họa sĩ hiện đại hơn thay thế các thành phần già cỗi trước
kia. Nhóm này lại tập hợp chung quanh Whistler, xem ông như bậc thầy của mình. Đồng
thời, ông cũng bắt đầu nổi tiếng tại Mỹ. Tuy thế, tiếng xấu về ông vẫn chưa
thật xóa nhòa và chỉ một số ít người muốn ông vẽ tranh cho họ.
Tranh khắc chì của McNeill Whistler
Tranh khắc chì của McNeill Whistler
Cuộc triển lãm đầu tiên những bức
tranh khắc về Thụy Sĩ của Whistler không mấy thành công, nhưng đã mang lại danh
tiếng cho Hội Mỹ thuật, và họ đã tiếp tục theo đuổi bằng một cuộc triển lãm
khác nhiều thành công hơn của Whistler. Với số tiền kiếm được qua cuộc triển
lãm, Whistler dời về lại đường Tite, nơi rất gần ngôi nhà trước kia của ông.
Cuộc triển lãm tranh khắc lần thứ hai được tổ chức năm 1883 gặt hái được ít
nhiều lời ngợi khen.
Quan điểm nghệ thuật của Whistler đã
gây sự chú ý của bà Richard D'Oyly Carte, vợ của vị giám đốc một nhà hát nổi tiếng, và bà đã sắp xếp cho
Whistlwe một buổi nói chuyện vào tối 20-2-1885 tại nhà hát Prince's Hall ở Luân
Đôn. Thính phòng đầy người. Whistler mặc lễ phục, bước ra sân khấu và bắt đầu:
''Hãy nghe đây! Chưa có một đất nước nào yêu nghệ thuật'' và cứ thế
, ông tiếp
tục khẳng định niềm tin tưởng rằng chỉ có người họa sĩ mới quyết định được hội
họa là gì, chứ không phải bất kỳ ai khác. Cử tọa đến là để nghe Whistler đùa
vui, nhưng ông lại nói những điều hoàn toàn nghiêm túc. Những họa sĩ trẻ đồng ý
với ông, nhưng hầu hết những người khác thì phản đối. Oscar Wilde, bản thân là
một thi sĩ, tuyên bố rằng chỉ có nhà thơ mới là người nghệ sĩ cao quý nhất.
Whistler không bỏ phí một giây để tấn công Wilde. Ông nói ''Oscar đã có can đảm
nói lên ý kiến... của kẻ khác''.
Lúc bấy giờ Whistler đã năm mươi
tuổi. Số phận, trước nay vốn không tử tế gì lắm với ông, nay đã bắt đầu mang
tặng ông một vài sự đánh giá tốt đẹp. Trong một cuộc triển lãm lớn ở Munich, tranh ông đoạt
được giải nhì. Ông còn đoạt được một số giải thưởng trong những cuộc triển lãm ở
Paris và Amsterdam.
Trong thời kỳ may mắn này, ông cưới bà vợ goá của người đã xây nhà cho ông
trước kia, Beatrix Godwin. Bà vợ đã cố hết sức để James được hài lòng. Ảnh
hưởng sự hướng dẫn nhẹ nhàng nhưng cương quyết của vợ, ông đã bắt đầu ít gây gỗ
hơn và ít kẻ thù hơn trước.
Portrait the Lady Meux
Portrait the Lady Meux
Mùa xuân 1890, gia đình Whistler dời
đến Cheyne Walk. Mùa hè năm ấy, một bộ sưu tập những bức thư của Whistler, đồng
tiền danh dự trong vụ kiện cáo Ruskin, và những vật dụng khác được xuất bản
dưới dạng sách với nhan đề ''Nghệ thuật nhẹ nhàng để tạo kẻ thù''.
Năm sau, danh tiếng của Whistler
tăng lên. Những tác phẩm của ông được trưng bày một cách rộng rãi ở châu Âu và
Mỹ. Năm 1891, chính phủ Pháp mua lại bức chân dung mẹ ông cho viện bảo tàng Luxembourg.
Cuộc triển lãm bốn mươi ba tác phẩm của Whistler ở Luân Đôn cũng gây được tiếng
vang lớn. Những bức tranh của ông gởi đến cuộc triển lãm ở Chicago đã mang về cho ông giải thưởng đầu
tiên đầy vẻ vang từ quê hương.
Năm 1892, gia đình Whistler chuyển
về Paris, sống ở đường Rue du Bac ở Montparnasse. Whistler muốn sinh sống ở ngay thành phố mà
nền hội họa ''mới'' đang phát triển, nhưng giới họa sĩ hàng đầu của Pháp không
mấy chú ý tới ông. Họ cho rằng ông có hơi ồn ào và phô trương.
Bà Whistler bệnh hoạn nhiều năm
liền, đến cuối năm 1894 thì sức khỏe của bà trở nên tồi tệ, vì thế họ phải quay
về Luân Đôn để tìm cách chữa trị nhưng vô hiệu. Ngày 10-5-1896, bà Whistler qua
đời.
Những năm sau đó, Whistler thường đi
du lịch giữa Paris
và nhà bạn thân của ông ở Luân Đôn, nhà xuất bảnsách William Heinemann. Ông đã
qua tuổi 60 và già đi một cách nhanh chóng. Năm 1902, ông mua một ngôi nhà ở
Cheyne Walk. Ông thường mặc bộ quần áo cũ kỹ, nhàu nát, đi loanh quanh các căn
phòng, mệt mỏi, bệnh hoạn. Những lúc khỏe, ông làm việc. Ông ít khi đi ra ngoài
và thường ngủ mệt mề bất kể ngày đêm trên một chiếc ghế dài.
Đầu năm 1903, tim Whistler bắt đầu
yếu dần. Bác sĩ buộc ông phải nằm nghỉ, nhưng ông không nghe theo. Ông phải bút
đàm vì giọng nói đã quá yếu. Sáng ngày 17 tháng 7, ông đi quanh phòng tranh để
nhìn lại các tác phẩm của mình và sau đó, người ta phát hiện ra ông đã tắt thở
ở đó.
Đám tang của Whistler được cử hành
năm hôm sau, vào một trong những ngày mùa hè gay gắt nhất của Luân Đôn. Một lực
lượng cảnh sát được tăng cường để kiểm soát những đám đông mà người ta dự phòng
có thể tập trung trong buổi đưa tang, nhưng cuối cùng chỉ có một số ít là thân
nhân và bạn bè của Whistler có mặt.
10. MARY CASSATT
(1844 – 1926)
Self-Portait
Khi cô con gái hai mươi mốt tuổi
Mary của ông Robert S. Cassatt tuyên bố cô có ý định trở thành một họa sĩ, ông
đã la lên: ''Thà mày chết đi còn hơn!''. Vào thế kỷ 19 ấy, chuyện vẽ tranh màu
nước hay trang trí chén đĩa là chuyện bình thường với một quý cô, nhưng trở
thành một họa sĩ nghiêm túc thì hoàn toàn không hợp chút nào.Thậm chí đối với
một gia đình được xếp vào hạng thượng lưu như gia đình của Mary thì chỉ nghĩ
đến thôi cũng không thể được.
Mary không nao núng trước sự giận dữ
của cha cô. Thay vào đó, cô đã can đảm đối đầu với cha và cuối cùng đã khiến ông
phải thay đổi quyết định của mình. Thế là Mary Cassatt từ bỏ địa vị xã hội của
mình cũng như những ý nghĩ về một cuộc sống bình thường để dấn thân vào con
đường chông gai nhưng sau này đã khiến cô trở thành một trong nữ họa sĩ hàng
đầu của Mỹ.
Mary Stevenson Cassatt, trưởng nữ
của ông Robert S. Cassatt, một chủ nhà băng giàu có, và bà Katherine Kelso
Johnston, sinh ngày 22-5-1844 ở thành phố Allegheny, bang Pensylvania. Ông bà
Cassatt còn có ba người con khác nữa là Alexander J., Gardner, và Lydia.
Cả hai ông bà đều ngưỡng mộ nước Pháp. Khi còn nhỏ, bà Katherine đã được học
đọc, viết và nói tiếng Pháp một cách lưu loát nên giờ đây bà muốn con cái mình
cũng được hấp thụ một nền giáo dục như thế. Đối với ông Robert, điều này cũng
rất quan trọng nên khi Mary lên bảy, gia đình Cassattdời qua sống tại Pháp.
Lilacs in a Window - 1880
Cả gia đình sống trong khách sạn
Continental trên đường Rivoli ở Paris.
Đó là thời kỳ thú vị trong thời gian Mary sống ở Pháp. Đứng từ phòng mình nhìn
qua con sông Seine, Mary có thể nhìn thấy nơi
Napoléon III lên ngôi hoàng đế. Mỗi lần được đi dạo, Mary lại say sưa ngắm
phong cảnh đầy màu sắc và tiếng động của Paris.
Thủ đô hoa lệ đã để lại trong trí cô những ấn tượng sâu sắc suốt đời.
Sau năm năm lưu lại để học về phong
tục, ngôn ngữ và nghệ thuật của Pháp, gia đình Cassatt trở về lại Mỹ. Họ dọn
đến bang Philadelphia, nơi được xem như chốn định cư của những gia đình hàng
đầu nước Mỹ. Mary tiếp tục đến trường. Cô bé ít thích tham gia những cuộc vui
tập thể. Cô chỉ thích dùng phần lớn thời giờ của mình để vẽ.
Năm được hai mươi tuổi, cái tuổi mà
những người con gái khác tích cực chuẩn bị để hội nhập xã hội thì Mary Cassatt
lại tích cực vận động để cha mẹ cho phép cô theo đuổi môn hội họa. Mái tóc đen,
dáng dấp cao, gầy và cái nhìn thẳng thắn, trông cô rất chững chạc. Mary còn
nhạy bén, đối đáp lanh lợi và nhất là một ý chí mạnh mẽ. Cô đã vận dụng tất cả
những thứ ấy để thuyết phục cha để cuối cùng ông phải đồng ý cho cô theo học
trường Mỹ thuật Pensylvania. Sau một thời gian, Mary cho rằng trường không đủ
tốt và cô nài nỉ cha cho phép mình theo đuổi việc học ở châu Âu. Một lần nữa,
cô lại thắng. Thế là cô từ bỏ cuộc sống giàu sang, dễ chịu cùng địa vị xã hội
để bắt đầu một cuộc đời mới mà đối với phái nam cũng đã đầy khó khăn, còn đối
với nữ giới thì hầu như chẳng thể nào chịu đựng nỗi.
Năm 1866, ở tuổi 22, Mary cùng với
mẹ sang châu Âu. Thay vì vào học trường Mỹ thuật ở Paris như đa số các sinh viên trẻ khác, cô đi
thẳng sang Ý để nghiên cứu những tác phẩm của các bậc thầy. Mary dừng chân ở Parma, bắt đầu nghiên cứu
tác phẩm của Correggio - đến trường
Correggio - như cô vẫn thường gọi đùa. Từ Parma, cô sang Tây Ban Nha để
tiếp tục nghiên cứu các bậc thầy Vélazquez và Rubens.
In the Box
In the Box
Sau nhiều năm làm việc miệt mài,
Mary cảm thấy mình đã đủ sức để trình làng tác phẩm đầu tiên. Năm 1872, cô
triển lãm bức ''Trên bao lơn'' tại Salon Paris, một tác phẩm chịu nhiều ảnh
hưởng của Velazquez và Rubens, chưa thể hiện được tài năng khác thường của cô.
Tác phẩm được đón nhận, đối với một nữ họa sĩ trẻ thì quả là một vinh dự lớn.
Hai năm tiếp theo, cô tiếp tục trưng bày tranh tại Salon Paris. Mỗi bức mang
một phong cách độc đáo mà sau này ngày càng phát triển đầy đủ.
Cuối cùng, sau nhiều năm làm việc,
Mary thấy mình đã sẵn sàng để hội nhập vào thế giới hội họa ở Paris. Cô đến đó vào năm 1873, thuê một căn
hộ rộng rãi, và theo học Charles Chaplin, một họa sĩ đương thời. Dù rằng
Chaplin nhanh chóng nhận ra tài năng của Mary, cô rời bỏ ông không lâu sau đó
vì cho rằng ông không có gì nhiều cho cô học tập. Cô không chịu học ở trường Mỹ
thuật Paris hay
một số trường danh tiếng khác, cho rằng họ không có hướng đi mà cô đang tìm
kiếm. Thay vào đó, cô quay về nghiên cứu từ những sưu tập nghệ thuật của mình.
Edgar Degas, Portrait of Miss Cassatt, Seated, Holding Cards.
Năm 1874, một năm sau khi Mary đến Paris, một cuộc triển lãm
những tác phẩm của một nhóm các họa sĩ mà sau này những nguyên tắc hội họa của
họ đã làm thay đổi cả nền hội họa của toàn thế giới. Edgar Degas, một họa sĩ Pháp,
đã tổ chức lần đầu tiên cuộc triển lãm của các họa sĩ thuộc trường phái Ân
tượng Pháp, gồm những người sau này rất nổi tiếng như Degas, Monet, Pissaro,
Renoir, Sisley, Cézanne, và Morisot. Họ đã sử dụng một phương pháp mới là dùng
những khối lượng sơn ít với màu sắc thuần khiết hơn để gợi cho người xem cảm
tưởng về ánh sáng và diễn đạt những điều quan sát được. Điều này đã làm cho các
họa sĩ đàn anh nổi giận. Thay vì các tác phẩm có màu tối, hoàn chỉnh, đầy đủ
chi tiết đừng được ưa chuộng, các họa sĩ trẻ đã trình bày những tác phẩm về
những cái nhìn thoáng qua, một ''ấn tượng'' đầy tính riêng tư. Những màu sắc
sáng, ánh sáng mềm mại, và những chi tiết không hoàn chỉnh là một sự đe doạ
những nguyên tắc chuẩn mực của nền hội họa cũ. Mary đi theo đường hướng mới mẻ này.
Một ngày nọ, lang thang qua những
đường phố Paris,
Mary nhìn thấy vài bức tranh treo trong nhà một người buôn tranh. Đó là lần đầu
tiên cô nhìn thấy tranh của Edgar Degas. Cô đã quay lại đó nhiều lần. Lần cuối
cùng, cô bước vào, mua một số những bức về treo trong phòng mình. Lúc ấy, cô
đang bắt đầu vẽ bức chân dung em gái Lydia của mình theo một phong cách
mới. Không sử dụng màu tối như các bậc thầy, cô bắt chước theo Degas và các họa
sĩ Ấn tượng. Như cô đã lường trước, tác phẩm đã không được Salon Paris chấp
nhận trong cuộc triển lãm năm 1876.
Mary lần đầu tiên gặp Edgas Degas
khi cô ở tuổi 33. Cô vui mừng vô hạn khi ông mời cô tham gia cuộc triển lãm của
nhóm Ấn tượng. Năm 1882, Mary Cassatt trưng bày tác phẩm của mình cùng với các
họa sĩ Ấn tượng cho đến cuộc -triển lãm cuối cùng của họ vào năm 1886. Đó là
một cột mốc quan trọng trong cuộc đời của cô. Lẽ ra cô có thể có được một tương
lai dễ chịu hơn nếu chấp nhận nền nghệ thuật cũ, nhưng cô đã chọn lối đi chung
cùng nhóm Ấn tượng - những kẻ đứng bên
ngoài thế giới hội họa. Dư luận quần chúng chẳng có mấy ý nghĩa đối với cô.
Lần đầu tiên Edgas Degas nhìn thấy
tranh của Mary, ông tuyên bố: ''Thế là đã có người cảm thấy như tôi thấy''. Và
ông cho rằng quả thật cô là một tài năng lớn. Ông rất ngưỡng mộ bức tranh
''Chiếc ghế trường kỷ màu xanh'' của cô đến nỗi đòi đổi lấy nó bằng một bức
tranh do chính ông vẽ, điều mà hiếm thấy.
Từ đó bắt đầu mối quan hệ bạn bè lâu
dài khắng khít giữa Mary và Edgas Degas, một mối quan hệ hoàn toàn dựa trên
tình yêu nghệ thuật và sự kính trọng nghề nghiệp lẫn nhau. Giữa họ, hoàn toàn
không có tình yêu mà chỉ là hai người bạn thân thiết cùng chí hướng. Họ cùng
triển lãm chung, cùng ăn tối, cùng vẽ. Khi Mary Cassatt đi mua một chiếc mũ,
Degas cũng đi theo và vẽ bà. Ông vẽ chân dung cô và nhiều lần nhờ cô làm người
mẫu.
Quan hệ giữa hai người không phải
lúc nào cũng trơn tru. Miệng lưỡi cay chua của Degas lắm lúc gây phiền phức. Họ
thường cãi nhau gay gắt đến nỗi bạn bè phải cố hết sức mới khiến cho họ giải
hòa được. Chỉ cần cho rằng tranh của Mary có nét ''dịu dàng'' là Degas đã đủ
làm cho cô nổi cáu vì đó là một từ mà cả hai đều rất ghét. Tuy thế Mary vẫn
trân trọng tình bạn giữa hai người. Cô tin tưởng Degas và sẵn sàng quên đi tính
nết cay chua của Degas vì những phẩm chất lớn của ông trong tư cách một họa sĩ.
Cup of Tea
Năm 1879, khi Mary triển lãm chung
với nhóm Ấn tượng, cô trưng bày hai bức tranh ''Tách trà'', vẽ chân dung em gái
Lydia của mình, và bức ''Trong lô rạp hát'' vẽ chân dung một phụ nữ trẻ ở rạp
hát. ''Trong lô rạp hát'' là một trong những bức tranh đẹp nhất của Mary, tươi
sáng và sống động.
Emile Zola ca ngợi tác phẩm của cô,
nhưng một số người khác thì chẳng thấy thích thú gì với những họa phẩm của các
tác giả Ấn tượng. Cái nhìn của nhóm này, lúc ấy, còn quá táo bạo, tư tưởng của
họ còn quá khác lạ. Mary không quan tâm đến dư luận. Cô chỉ kính trọng những
họa sĩ mà cô đang giao kết. Ngược lại, cũng chỉ có những Cézane, Monet, Renoir,
và những gương mặt lớn khác trong trường phái hội họa mới mẻ này là chấp nhận cô.
Cô thân thiết với những họa sĩ Ấn tượng Pháp đến nỗi chỉ sau khi bà mất vài năm, nhiều người mới biết rõ bà
là người Mỹ.
Lúc này Mary bắt đầu vẽ những tác
phẩm sau này đã khiến cho bà nổi tiếng - những bức tranh về những người phụ nữ
đang làm những công việc bình thường mà cô biết rất rõ, chẳng hạn như đi xem
hát, dọn bữa uống trà, hay đang đội mũ. Cô cũng bắt đầu những bức tranh đầu
tiên về đề tài người mẹ và đứa con. Cô không bao giờ bước qua giới hạn của thực
tế, không bao giờ sử dụng những cảm xúc giả tạo. Cũng như Degas, cô thấy được
cái đẹp trong những điều rất bình thường, phổ biến. Mặc dù chịu ảnh hưởng của
phái Ấn tượng, tác phẩm của cô vẫn có phong cách riêng, gam màu tươi tắn như
cuộc sống, những động tác tự nhiên của đứa trẻ hết sức chân thật và được thể
hiện lại một cách rất thật và đẹp.
The Child's Bath by Mary Cassatt 1893
The Child's Bath by Mary Cassatt 1893
Cô lại thể nghiệm tranh khắc không
phải vì thích mà vì ''nó dạy tôi cách vẽ'' theo lời cô. Cô tự đặt cho mình một
tiêu chuẩn hoàn hảo nhất trong việc sáng tác. Trước đó đã lâu, cô đã từng khắc
những bức tranh tuyệt đẹp. Cô cố học tập mọi thứ từ nền hội họa Nhật Bản. Sử
dụng một số kỹ thuật của nền hội họa ấy. Ngày nay, cô được đặt ở một vị trí cao
nhất trong cả lãnh vực tranh khắc màu cũng như đen trắng.
Có lần, Mary Cassatt nói ''có hai
con đường dành cho một họa sĩ, một con đường rộng rãi và dễ dàng, còn con đường
kia thì hẹp và đầy khó khăn''. Đối với cô, luôn luôn là con đường thứ hai. Buổi
sáng cô dậy sớm, làm việc miệt mài từ tám giờ cho đến khi trời sụp tối. Sau bữa
ăn tối, cô lại bắt đầu công việc khắc tranh. Những mối quan hệ xã hội cũng bị
hạn chế vì giờ giấc làm việc và bản chất trầm lặng của cô. Nhưng cô cũng còn
những người bạn rất nổi tiếng như nhà
văn George Moore, nhà thơ Mallarmé, Clémenceau và nhiều người khác.
Jules Being Dried by His Mother -1900
Jules Being Dried by His Mother -1900
Đến năm bốn mươi tuổi, Mary mới tự
cho rằng mình đã sẵn sàng cho một cuộc triển lãm hoàn chỉnh đầu tiên của bà.
Năm 1891, bà triển lãm bốn bức tranh sơn dầu và mười bức tranh khắc về chủ đề
mẹ con. Tranh của cô mang vẽ tươi tắn, không còn mang ảnh hưởng Degas. Những
nét vẽ thanh tú, nhẹ nhàng và sự vững chải bậc thầy trong hình thể và màu sắc.
Tác phẩm được đón nhận nồng nhiệt, đặc biệt là đối với giới hội họa hiện đại.
Degas và nhóm Ấn tượng không tiếc lời ngợi khen cô. Cô được xem là một trong
những họa sĩ hàng đầu của Pháp. Tuy nhiên, công chúng thì vẫn cứ lạnh lùng. Chủ
đề mẹ con được thể hiện quá hiện thực nên còn quá xa lạ với quần chúng.
Vào giai đoạn cuối thế kỷ 19, Mary
đã nổi tiếng tại Pháp, và tranh của bà được giữ ở nhiều bộ sưu tập nghệ thuật châu
Âu, cả tư nhân lẫn nhà nước. Nhưng nước Mỹ vẫn còn chậm chạp trong việc ghi
nhận tài năng của cô. Khởi đầu là năm 1904, khi Học viện Nghệ thuật Chicago mời cô, nhân một
chuyến về thăm nước Mỹ, làm khách mời
danh dự cho cuộc triển lãm hàng năm của họ. Năm 1914, khi cô đã được 70 tuổi,
Viện Hàn Lâm Mỹ Thuật Pensylvania tặng một giải thưởng cho tác phẩm của cô.
Nhưng phải nhiều năm sau đó tên tuổi của Mary Cassatt mới thực sự nổi tiếng
trên chính quê hương của mình.
Vào những năm 60 tuổi của mình, Mary
phải ngừng việc khắc tranh vì mắt kém. Mắc dù thế, cô vẫn tiếp tục sáng tác
những bức tranh và những phác thảo về chủ đề mẹ con. Cô chỉ ngưng hẳn công việc
khi bà thực sự bị mù. Cô dự định về Mỹ để tìm thầy thuốc giỏi có thể chữa mắt
cho bà, nhưng khi Chiến tranh Thế giới I bùng nổ, cô quyết định hủy bỏ chuyến
đi. Sau nhiều năm tháng sinh sống ở Pháp như thế, cô cảm thấy mình đã thuộc về
đất nước này.
The Boating Party
The Boating Party
Ngôi nhà nơi cô thường đến nghỉ vào
mùa hè ở gần trận chiến và đã bị quân đội chiếm đóng. Người giúp việc cho cô đã
bị buộc quay về nhà ở khu vực người Đức sống ở miền Alsace. Mặc dù hầu như đã hoàn toàn mù hẳn,
Mary vẫn lên đường đi đến Grasse ở miền Nam
của nước Pháp. Tình yêu cuộc sống, nghệ thuật của cô không còn có thể tiếp tục
lâu hơn nữa. Giờ đây cô chỉ có thể nhìn thấy mọi thứ qua tâm tưởng của mình. Cô
càng cay đắng hơn khi nghe tin người bạn chí cốt của mình, Degas, cũng đã mù từ
nhiều năm trước, đã qua đời vào năm 1917. Dù những năm sau này, họ ít có dịp
gặp nhau, bà vẫn rất đau đớn vì cái chết của ông. Đến cuối cuộc Chiến tranh Thế
giới lần I, Mary quay về quê nhà ở Mesnil-Beaufresne. Sức khỏe cô vẫn tốt, trí
óc vẫn minh mẫn như xưa. Nhưng cặp mắt không còn nhìn thấy vẫn là một gánh nặng
đối với tất cả những ai còn thích vẽ.
Thỉnh thoảng cuộc sống của cô lại
bừng lên với những cuộc thăm viếng của bạn cũ, hoặc, ít thường xuyên hơn, của
một họa sĩ Mỹ. Họ vẫn nhìn thấy một bà lão gầy ốm nhưng dáng dấp còn cứng cáp,
vẻ dịu dàng của bà biến mất khi bà bắt đầu nói. Bà có những tư tưởng mạnh mẽ trong
nhiều chủ đề và thẳng thắn phát biểu ý mình. Bà cho rằng bà đã không phải là
phụ nữ vì không có gia đình con cái như những phụ nữ bình thường khác. Bà cho
rằng đám sinh viên Mỹ không còn cần đến một nền giáo dục hội họa từ châu Âu mà
phải phát triển quan điểm của người Mỹ. Tinh thần thì vẫn có đó, chỉ có điều nó
thiếu một hướng đi.
Vào ngày 14-6-1926, ở tuổi 81, Mary
qua đời tại nhà riêng ở Mesnil-Beaufreshne. Bà đã được giải thoát khỏi nỗi đau
khổ không được làm cái điều mà bà hằng mong muốn là sáng tác tranh.
Mãi đến năm 1947, tranh của Mary
Cassatt mới được trưng bày trong một cuộc triển lãm lớn ở Mỹ, và cuối cùng bà
cũng đã được xem là một trog những nữ họa sĩ hàng đầu của Mỹ.
Mary Cassatt đã thất bại trong việc
làm một phụ nữ bình thường nhưng bà đã thành công lớn trong tư cách một nghệ
sĩ.
Kể từ khi ông bắt đầu sự nghiệp hội
họa một cách nghiêm chỉnh khoảng nửa thế kỷ trước đó, John Sloan chỉ hy vọng
tác phẩm của mình bán được đủ để ông dành tất cả thời gian cho việc sáng tác.
Thế nhưng mãi đến gần cuối đời ông mới đạt được ước mơ ấy: tranh của ông đã
mang lại cho ông những khoản tiền đủ để giúp ông trở thành một họa sĩ toàn thời
gian. Là một nhà quan sát sắc bén vào thời đại của mình, ngày nay John Sloan đã
được công nhận là một trong những họa sĩ hàng đầu của trường phái Hiện thực Mỹ.
John Sloan sinh ngày 2-8-1871 tại một
thị trấn nhỏ ở Lock Haven thuộc bang Pensylvania. Ông là con trai lớn và duy
nhất trong số ba người con của ông James Dixon Sloan và bà Henrietta Ireland
Sloan. Cha ông, một người chế tạo đồ gỗ, là là một người hiền lành, tốt bụng,
có tài bắt chước các bức tranh và vẽ trên đĩa, nhưng lại không có tài kiếm sống
cho gia đình. Năm John lên 6, gia đình John phải đời lên Philadelphia để làm ăn.
Bởi vì người cha phải di chuyển
nhiều trong công việc mới, mọi sự nuôi dạy con cái, ông phó mặc vào tay vợ. Bà
Sloan, trước kia từng là giáo viên và là một phụ nữ có tính cách mạnh mẽ, đã
dạy cho các con tập đọc, viết. John họchành rất giỏi. Mười hai tuổi, cậu đã
thưởng thức được kịch của Shakespeare và tiểu thuyết của Charles Dickens. Cậu
hát cho nhà thờ, bày ra các trò chơi đố và diễn các trò ảo thuật cho bạn bè
xem. Cậu thích vẽ, và đã vẽ một loạt tranh cho quyển truyện mà cậu mê nhất ''Kho báu
Island''
Chân dung tự họa
Chân dung tự họa
Trong suốt những năm theo học trường Trung học Trung tâm ở Philadelphia, John đã gặp William J. Glackens, sau này trở thành người bạn thân và là đồng nghiệp của cậu, và Albert C. Barnes. Sau này Barnes rất giàu có, nổi tiếng là một người sưu tập nghệ thuật và là người đầu tiên mua tranh của Sloan. Việc học của John nữa chừng bị gián đoạn khi công việc làm ăn của cha cậu thất bại. Ở tuổi 16, cậu phải rời bỏ mái trường để kiếm sống giúp cha và các em gái
John lúc này là một chàng trai cao
lớn, khỏe mạnh với mái tóc mướt đen. Cặp mắt xám sáng lên sau đôi kính mát mà
cậu đeo suốt cả đời. Vẻ nghiêm trang, hiền lành khiến cho cậu có nét già trước
tuổi. Công việc đầu tiên mà cậu nhận là với công ty buôn bán các ấn phẩm Porter
and Coates với mức lương sáu đô la một tuần. Lúc rảnh, cậu đọc sách và nghiên
cứu những bức tranh chụp lại của Rubens và Rembrandt. Cậu mua sách tự học khắc
tranh và chẳng bao lâu đã có được những bản khắc của riêng mình. Để kiếm thêm
thu nhập, cậu mô phỏng những bức tranh nổi tiếng bằng mực và bút máy rồi bán
với giá năm đô la mỗi bức.
Khi A. Edward Newton, một thành viên
của công ty Porter and Coates, tách ra làm ăn riêng, ông đã mới chàng trai trẻ
Sloan làm việc cho ông. Trong khoảng hai năm trời, chàng trai trẻ mười tám tuổi
làm công việc vẽ những chiếchộp nhỏ và nhiều đồ vật khác. Để phát triển kiến
thức và kỹ thuật, cậu theo học những lớp vẽ ban đêm tại trường Spring Garden.
Sau một thời gian, cậu rời bỏ Newton để bắt đầu sự nghiệp riêng của mình, bước
đầu là một người vẽ minh họa. Sloan vẫn tiếp tục sống chung và giúp đỡ cho gia
đình, nhưng cậu thuê riêng một căn phòng nhỏ để làm phòng vẽ riêng. Cậu nhận
làm một số công việc, nhưng công việc chắc chắn nhất của câu là tại một công ty
than, nơi đó mỗi tháng cậu phải vẽ một bảng quảng cáo. Người ta trả cho cậu bốn
đô la và cung cấp đủ than cho cậu sưởi ấm phòng tranh của mình.
Chân dung biếm họa của John Sloan
Chân dung biếm họa của John Sloan
Tháng 2.1892, Sloan tập hợp những
tác phẩm của mình lại để đi xin việc ở tờ nhật báo Inquirer của Philadelphia.
Tờ bào sử dụng nhiều họa sĩ để vẽ tranh cho những sự kiện mới và phụ tráchnhững
mảng mỹ thuật khác. Sloan được nhận vào làm ở một bộ phận tin tức, nhưng cậu
xin chuyển sang bộ phận mỹ thuật. Trong suốt ba năm, cậu chuyên vẽ chân dung và
minh họa cho trang phụ nữ và tờ báo ngày chủ nhật.
Chính tại trong thời gian làm việc
cho tờ Inquirer mà Sloan quen biết nhiều họa sĩ sau này có ảnh hưởng rất lớn
đến cuộc đời của chàng. Người bạn cũ William Glackens đã làm việc ở đây từ
trước khi Sloan được nhận vào. Chẳng bao lâu sau có thêm Everette Shinn và cả
ba thường kết hợp cùng đi vẽ tranh vào những ngày Chủ nhật. Lúc ấy, Sloan không
có ước mơ trở thành họa sĩ mà chỉ muốn làm thế nào để trở thành một người vẽ
minh họa đẹp.
Để học cách vẽ mặt người tốt hơn,
Sloan theo học lớp đêm ở trường Mỹ thuật Philadelphia. Chẳng có người mẫu, cũng
chẳng ai hướng dẫn cách vẽ. Một đêm nọ, Sloan vẽmột sinh viên trong lớp. Khi
thầy giáo yêu cầu chàng ngừng tay, chàng liền đứng lên, bước ra khỏi lớp và
không bao giờ quay trở lại. Cùng với bốn mươi họa sĩ khác, chàng tổ chức một
câu lạc bộ nơi mỗi tuần hai lần các thành viên tập trung để vẽ các người mẫu.
Năm 1895, Sloan bỏ Inquirer qua làm
việc cho tờ Press, một tờ báo buổi sáng. Bộ phận mỹ thuật của tờ báo do Edward
Davis, cha của họa sĩ sau này rất nổi tiếng là Stuard Davis, quản lý. Những
đồng nghiệp của Sloan trong bộ phận đều
là những chàng trai hăn vẽ: George Luks, Everett Shinn và Glackens. Sloan chẳng
bao lâu đã trở thành thành viên của nhóm này. Sự thay đổi công việc đã mang lại
nhiều điều tốt đẹp. Sloan được tăng lương, công việc hấp dẫn hơn, phạm vi sáng
tác rộng hơn và nhiều thời gian rãnh hơn. Chàng nhanh chóng trở thành họa sĩ
chính của tờ báo.
McSorley's Bar -1912

Ở câu lạc bộ vẽ tranh, Robert Henri
trở thành ''người cha trong nghệ thuật'' và là bạn chí thiết của Sloan. Hai
người cùng chung một phòng sáng tác ở Philadelphia, nơi trở thành chốn tụ tập
của những họa sĩ trẻ có đầu óc độc lập. Mỗi tối thứ ba, một nhóm đặc biệt gồm
Shinn, Luks, Glackens, Sloan và Henri lại gặp nhau, cùng vẽ với, bàn luận
chuyện nghệ thuật hay chính trị hoặc mở những bữa tiệc vui. Đó là những bộ mặt
trung tâm của nhóm và sau này là bộ mặt của hội họa Mỹ.
Mặc dầu được đào tạo trong các
trường Mỹ thuật ở Paris, Henri không mấy cảm tình với những ý tưởng của các họa
sĩ Pháp như Cézane, Matisse, và Picasso. Thay vào đó, chàng thích Franz Hals và
Edouard Manet. Henri tin rằng chính ''những bức tranh từ cuộc sống'' là sự diễn
đạt chân thật duy nhất của hội họa.
Henri yêu cầu học trò của mình phải biết suy nghĩ độc lập và diễn tả cảm xúc
bằng những nét cọ nhanh. Ông muốn tác phẩm phải dựa trên thực tế, dù nó có xấu
xí như thế nào.
Cho đến năm 26 tuổi, Sloan mới nghĩ
đến chuyện trở thành họa sĩ một cách nghiêm túc. Và cũng cho đến khi hoàn thành
xong một loạt tranh khắc thật đẹp cho một số tiểu thuyết, chàng mới bắt tay vào
loại tranh sơn dầu, phần lớn là tranh chân dung. Những bức tranh này đầy vẻ
mạnh mẽ, nhanh nhẹn và chịu ảnh hưởng của Henry trong việc làm nổi rõ những nét
cọ. Chàng chỉ dùng một phần thời gian để vẽ vì không muốn ảnh hưởng đến công
việc kiếm sống.
Ngày 5.8.1901, Sloan cưới Anna M. Wall, người
mà chàng gặp trong một bữa tiệc của nhóm. Đó là một cô gái nhỏ bé, thường được
Sloan gọi là Dolly, sinh động, duyên dáng, dễ mến nhưng cũng rất dễ nổi giận.
Bộ ba Shinn, Henr, Sloan (từ trái sang phải)
Bộ ba Shinn, Henr, Sloan (từ trái sang phải)
Sự phát minh ra những kỷ thuật in ảnh báo đã chấm dứt nhu cầu cần một bộ phận mỹ thuật lớn trong tòa soạn. Tháng 11-1903, Sloan bị cho thôi việc. Bạn bè của chàng: Henry, Luks, Glackens và Shinn đã đi New York để phấn đấu trở thành họa sĩ. Họ đề nghị Sloan cùng đi, nhưng chàng cho rằng mình phải kiếm sống trước đã. Nhiều tháng sau, sau khi đã dàn xếp để được nhận làm minh họa cho nhiều tạp chí, vợ chồng Sloan mới bỏ Philadelphia và dời đến sống ở New York. Họ trú ngụ trong một ngôi nhà cổ ở đường Số 23 West, gần nơi Henry đang sống.
New York đã hấp dẫn được Sloan.
Chàng thích nó như một họa sĩ phong cảnh thích đồng quê. Các hoạt động, cuộc
sống, những đám đông, màu sắc đập vào mắt, ghi dấutrong tim chàng. Sloan thích
nhìn những con người bình dị trong cuộc sống đời thường. Mỗi tác phẩm của chàng
đều dựa trên thực tế thường ngày ấy. Một trong những tác phẩm giá trị nhất của
Sloan ''Wake of the Ferry'' là dựa vào một cuộc dạo chơi trên thuyền. Tranh của
chàng thường có màu tối với những nét cọ mạnh mẽ trong một phong cách thoải mái và tuôn trào. Đó là những tác phẩm sống động với những nỗi đau và niềm vui rất thật.
Lúc này, tình bạn giữa Henry và
Sloan gắn bó hơn bao giờ. Nhóm bạn cũ vẫn thường liên lạc với nhau để cùng vui
đùa, tranh luận hoặc trò chuyện về hội họa. Sloan vẫn có thể tiếp tục công việc
cần phải làm khi có bạn bè đến chơi. Chàng thường vẽ cảnh chàng và bạn bè đang
ngồi quanh bàn chuyện trò, chẳng hạn như trong một bức tranh khắc có tên ''Ký
ức''.
Những tác phẩm của Sloan thường bị
từ chối trong các cuộc triển lãm vì thiếu vẻ chững chạc. Một tác phẩm về cuộc sống
đời thường thì không hợp với tiêu chuẩn trơn tru và ''cái đẹp'' hoàn chỉnh.
John Sloan và bạn bè trong xưởng vẽ của Sloan
John Sloan và bạn bè trong xưởng vẽ của Sloan
Năm 1904, Sloan, Henry, Luks,
Glackens và hai thành viên mới của nhóm là Arthur B. Davis và Maurice
Prendergast - đã bày tranh của họ tại Câu lạc bộ Hội họa Quốc gia. Cuộc
triển lãm đã vấp phải những phản đối dữ dội. Cuộc sống, ngoài cạnh đẹp, còn tất cả không được xem là đề tài của nghệ thuật.
Trận chiến chống lại nền tảng hội
họa đã được thiết lập ở Mỹ bắt đầu. Tức giận vì Viện Hàn lâm Quốc gia từ chối
treo tranh của bạn mình, Henri đã tổ chức một cuộc triển lãm khác. Mỗi thành
viên của nhóm, giờ đây thêm Robert Lawson, đóng 50 đô la. Mỗi người được yêu
cầu gởi từ bốn đến mười tác phẩm. Sloan gởi đến bảy bức
Cuộc triển lãm của ''Tám họa sĩ độc
lập'', hay gọi tắt là ''nhóm tám người'' bắt đầu từ ngày 3-2-1908. Cũng như ở
cuộc triển lãm trước, các tác phẩm được trưng bày đều bị cho là xấu xí và gây sốc. Nhưng những tiếng xấu lại gây ra một hiệu quả thành công lớn đối với
cuộc triển lãm. Công chúng ùn ùn kéo tới để xem tranh. Số tiền bán được lên tới
bốn ngàn đô la. Thích thú khi những tác
phẩm đã gây ra nhiều "bão táp" như thế,
Nhiều trường mỹ thuật của tám thành phố
khác và Viện Hàn lâm Pensylvania đã mời nhóm
trưng bày tranh. Sau này cái tên ''Trường phái Ashcan'' được dùng để chỉ
thể loại hiện thực đặc biệt của họ. Hành động của Nhóm Tám Người đã thiết lập
nên một chỗ đứng cho người họa sĩ độc lập và tạo cho nước Mỹ một cái nhìn chân
thực đầu tiên về chính mình.
Sau thành công bất ngờ của cuộc
triển lãm năm 1908, cả Henri lẫn Sloan đều cảm thấy như có một luồng sinh khí
mới mạnh mẽ hơn để khuyến khích những họa sĩ độc lập. Những căn phòng rộng ở Đường thứ 35 West được thuê để triển lãm
tranh của ''các họa sĩ độc lập''. Mỗi người phải đóng góp mười đô la cho mỗi
tác phẩm được treo, hoặc ba mươi đô la cho bốn tác phẩm. Ngày 1-4-1910, cuộc
triển lãm được khai mạc với những đám đông khổng lồ đứng sẵn ở cửa. Đó là một
bước ngoặt nữa hướng đến sự thay đổi bộ mặt của nền hội họa Mỹ.
Ảnh hưởng của Viện Hàn lâm Quốc gia
cuối cùng đã hoàn toàn đổ vỡ với cuộc triển lãm nổi tiếng Armory được khai mạc vào ngày 17-2-1913. Cuộc triển lãm trưng
bày các tác phẩm hiện đại của châu Âu. Henri không thích các tác phẩm của các
họa sĩ hiện đại Pháp, và vì thế, chàng đã không gởi tranh đến tham dự. Vì tình
bạn với Henri, Sloan đã từ chối không giúp tổ chức cuộc triển lãm nhưng đã giúp
họ treo tranh và gởi một số tác phẩm của mình đến tham dự.
Lần đầu tiên, tác phẩm của các họa
sĩ châu Âu hiện đại như Cézane, Matisse, Picasso, Duchamp, và nhiều người khác,
đã gây được sự chú ý lớn ở Mỹ. Người thưởng ngoạn rất đông. Mọi người đến để
cười cợt, hoặc để chiêm ngưỡng tranh của ''những kẻ điên rồ''. Còn các họa sĩ
thì chia làm hai phái chống đối nhau. Nhưng không ai có thể chối cãi rằng một
luồng tư tưởng hội họa mới đã bắt đầu
Tư tưởng mới mẻ của châu Âu đã gây
một ấn tượng mạnh cho Sloan. Giờ đây, chàng sử dụng màu sáng hơn và đường nét
của chàng sâu lắng hơn. Chàng quay về nghiên cứu những bậc thầy cũ, và buồn bã
phát biểu: ''Tôi chưa bao giờ học được nghề của mình''. Mặc dù tranh của ông lúc
này đã ít quan tâm đến cuộc sống của những con người bình thường, và tập trung
hơn vào hiệu quả của ánh sáng trên màu sắc và hình thể, ông vẫn không từ bỏ chủ
nghĩa hình thức bằng bất cứ giá nào.
Hình bìa tạp chi The Masses do John Sloan chủ trương
Năm 1914. gia đình Sloan rời New
York để đi nghỉ kỳ hè đầu tiên trong số năm kỳ nghỉ hè ở Gloucester, bang
Massachusettes. Ở đây, ông bắt đầu vẽ phong cảnh, tuy nhiên tranh của ông thiếu
mất cá tính và vẻ sinh động như khi ông
vẽ cảnh thành phố.
Lúc này, ông đã có được ít nhiều
tiếng tăm. Năm 1913, bác sĩ Barnes mua một bức tranh cho bộ sưu tập của
mình, và đó là bức tranh đầu tiên mà Sloan bán được, khi mà ông đã quá bốn mươi
tuổi đầu. Ba năm sau, lần đầu tiên ông triển lãm cá nhân. Tiếp theo lại là một
cuộc triển lãm khác lớn hơn. Số tranh bán được vẫn chưa nhiều, vì đối với tư
tưởng của những người Mỹ, Sloan vẫn quá tầm thường. Không mấy ai lại thích bỏ
tiền ra để rước về những bức tranh ''xấu xí''.
Năm 1916, Sloan được mời giảng
dạy tại Hội Sinh viên Mỹ thuật ở New York với đồng
lương đủ để cho ông có thể tập trung thì giờ hơn cho việc sáng tác so với trước kia. Bắt đầu từ tuổi 45, ông tiếp tục công việc giảng dạy suốt gần một phần tư thế kỷ.
lương đủ để cho ông có thể tập trung thì giờ hơn cho việc sáng tác so với trước kia. Bắt đầu từ tuổi 45, ông tiếp tục công việc giảng dạy suốt gần một phần tư thế kỷ.
Vào giai đoạn sắp qua tuổi 60, việc sáng tác của Sloan
đột ngột thay đổi. Ông bắt đầu thể nghiệm một bút pháp mới, với phương pháp mới
và chủ đề cũng khác trước. Ông giải thích: ''Việc dạy dỗ đã khuấy động lên
trong tôi sự thích thú trong việc vẽ những gương mặt. Trừ một bức tranh bất thường
về phố, phần lớn tranh ông mô tả những gương mặt người trần trụi. Những bức
tranh này thiếu sự nhạy cảm về cuộc sống như những tác phẩm trước kia của ông
và chúng không được đón nhận nồng nhiệt.
Áp-phích triển lãm của nhóm Armory Show
Áp-phích triển lãm của nhóm Armory Show
Năm1935, gia đình Sloan lại dời đến khách sạn Chelsea cũng
trên Đường thứ 23 West, nơi ông sống qua những mùa đông cho đến cuối đời. Sức
khoẻ của ông xuống hẳn, và ông phải trải qua nhiều cuộc đại phẫu thuật. Sau một
thời gian hồi sức lâu dài, ông lại trở về với công việc với tất cả nguồn hào
hứng mới. Ông vẫn còn tiếp tục thể nghiệm phương pháp mới, và rất ít khi quay
về với phong cách của mình trước kia.
Cuối cùng thì tiếng tăm cũng đã thực sự đến với lão họa
sĩ đã hơn 70 tuổi. Sau gần suốt một đời phải chia đôi thời gian cho việc kiếm
sống và sáng tác, giờ đây ông đã có tiền bán tranh đủ để có thể hoàn toàn từ bỏ
công việc minh họa mà từ lâu nay ông vẫn phải đeo đuổi.
Lúc này Sloan đã được xem như họa sĩ hàng đầu của trường
phái hiện thực Mỹ, và là nhân vật quan trọng nhất trong Nhóm Tám Người. Những
tác phẩm ''xấu xí'' của ông trước kia, giờ đây đã được công nhận, trong khi
những tác phẩm mới sau này của ông lại không được ghi nhận là đủ ''hiện đại''
và đủ... ''xấu xí'' đối với hiện tại.
Tháng 5.1943, bà Dolly qua đời. Một năm sau, ở tuổi 73,
Sloan kết hôn với Helen Farr, một sinh viên cũ đã từng làm việc chung với ông
trong nhiều năm về cuốn sách những nguyên tắc về hội họa và đời sống của ông.
Cuốn sách có nhan đề ''Thực chất của hội họa'', được xuất bản năm 1938.
Mặc dù sức khỏe không được tốt, Sloan vẫn còn hoạt động.
Thân thể cường tráng của ông trước kia giờ đây gầy gộc và mái tóc bạc trắng.
Ông vẽ chậm chạp, chỉ buông cọ khi không còn ánh sáng. Dường như ông không thấy
mệt mỏi và ông tuyên bố rằng mình rất khỏe. Ở tuổi 80, tinh thần ông vẫn minh
mẫn và còn vạch ra một kế hoạch tương lai đầy bận rộn.
Vào mùa thu năm 1951, ông lâm bệnh nặng và chuẩn bị được
phẫu thuật. Vào ngày phải nhập viện, ông vẽ nhiều giờ liền buổi sáng, ăn trưa,
rồi giao phó thân mình cho bác sĩ. Ông không bao giờ còn dịp cầm cọ trở lại.
Ngày 7-9-1951, chỉ ít ngày sau phẫu thuật, ông qua đời.
Viện Bảo tàng Whitney đã tổ chức một cuộc triển lãm lớn
để tưởng niệm ông, ghi nhớ công ơn của người đã cống hiến đời mình để mang cái
thật đến với hội họa.
Các họa sĩ ở trong rừng Mount Kisco 1912 - ảnh phục hồi.
12. JOHN MARIN
(1870 - 1953)
Chân dung John Marin do Alfred Stieglitz vẽ năm 1922
Khi John Marin được 37 tuổi, ông đã đi từ Paris đến
Venice để hỏi xin tiền cha ông. Cha ông đáp: ''Anh đã gần bốn chục tuổi đầu.
Anh làm được những gì trong từng ấy năm?''. Marin trả lời: ''Thưa cha, không
nhiều lắm''.
Ông không có tiền, không có việc làm, cũng không có gia
đình. Hầu như ông không bao giờ giữ được một công việc gì quá vài tháng. Nếu
xét theo những tiêu chuẩn bình thường thì ông là một kẻ thất bại. Nhưng ông lại
có những tiêu chuẩn của riêng mình. Ông chẳng quan tâm gì đến tiền bạc, địa vị,
hoặc những tiện nghi đơn giản nhất. Ông chỉ quan tâm duy nhất đến một điều là
hội họa.
Tác phẩm của ông phần lớn là những bức tranh màu nước,
một loại hình nghệ thuật vẫn không được coi trọng như tranh sơn dầu. Chính
Marin, một trong những họa sĩ hiện đại hàng đầu đầu tiên của Mỹ, là người đã
làm cho tranh màu nước có một giá trị ngang hàng với tranh sơn dầu.
John Chéri Marin III, con trai duy nhất của John Chéri
Marin II và bà Louis Currey Marin, sinh ra ở Rutherford, New Jersey, vào ngày
23.12.1870. Mẹ ông mất đi chỉ chín ngày sau khi sinh ra ông, cha ông đã giao
đứa con trai mình lại cho bà mẹ vợ ở Weehawken chăm nuôi. Cậu bé John tội
nghiệp nhanh chónh trở thành trung tâm cưng chiều của bà ngoại, cậu Richard, và
hai dì Jenny và Lelia. Tất cả những
người ấy cùng chăm lo nuôi dạy John, một cậu bé mà chiếc mũi dài và làn da xanh
xao chứng tỏ cậu đích thị là một người dòng họ Currey. Cha John bận bôn ba làm
ăn nên có rất ít thời gian dành cho con trai mình.
John theo học ở một trường địa
phương. Cậu học hành chẳng giỏi giang gì, nên nhà trường chẳng mấy chú ý đến
cậu. Cậu thích đi dạo, câu cá và vẽ vời hơn. Vào những ngày mùa hè ấm áp, cậu
đặc biệt thích thú khi được lẽ đẽo theo cậu Richard đi săn. Trong khi ông cậu
săn thỏ thì John ngồi hí hoáy vẽ những
bức tranh về những con vật đang chạy.
Sau khi tốt nghiệp trung học, John
ghi tên vào trường cơ khí. Cậu đánh vật với năm đầu một cách khó khăn và cuối
cùng phải chấm dứt khi hiểu ra những công việc máy móc không phải dành cho cậụ.
Hai dì Jenny và Lelia giờ đây phải
trông nom căn nhà đơn sơ sau khi bà cậu qua đời. Họ tuyên bố cậu cần phải đi
kiếm một việc làm để tự kiếm sống. John đi New York, và sau đó quay về báo cho hai dì
biết là cậu đã được thuê làm việc ở một văn phòng thương mãi thuộc khu hạ
Broadway trước sự vui mừng lẫn ngạc nhiên của họ. Nhưng niềm vui kéo dài không
được bao lâu. Trong thương mãi, John cũng chẳng có chút kiến thức nào nhiều hơn
trong công việc máy móc. Cậu lẫn lộn những đơn đặt hàng, gởi hàng sai địa chỉ
và không thể tiếp thu được những hướng dẫn đơn giản nhất. Và thế là mất việc.
Bốn năm kế tiếp, John làm việc cho
một số người làm dịch vụ thiết kế nhà cửa. Đến năm 1893, chàng quyết định mở
một văn phòng riêng. Cậu thiết kế và xây dựng được 6 căn nhà, trong số đó có
một căn cho hai bà dì ở thành phố Union, bang New Jersey. Không thể nói rằng chàng đã
thành công rực rỡ trong công việc xây dựng này, nhưng ít ra hai bà dì cũng hiểu
rằng chàng đang cố gắng để làm một cái gìđó.
Một buổi tối nọ, John tuyên bố bỏ
nghề, mặc cho hai dì cố khuyên nhủ. Cuối cùng tình yêu cháu đã khiến cho họ mềm
lòng. John lại được tự do đi theo con đường của mình.
Trong suốt thời kỳ này, John vẫn vẽ.
Khi rãnh rỗi, nhất là vào các buổi tối mùa hè hoặc ngày chủ nhật, chàng thường
đi ra ngoài để vẽ phong cảnh thiên nhiên. Giờ đây, một nửa thời gian chàng dùng
để vẽ và nửa còn lại chẳng để làm gì cả.
Nhưng chính trong lúc hai bà dì thất
vọng vì sự lười biếng của cháu mình thì John đang bắt đầu phát triển một phong
cách rất riêng trong nghệ thuật của mình, một phong cách khác thường đến độ
nhìn từ xa người ta đã dễ dàng nhận ra tranh của Marin!
Một số họa sĩ trẻ của Mỹ ở Trường TheModern School năm1911
Khi Marin được 28 tuổi, hai dì
thuyết phục cha chàng cho chàng theo học một trường hội họa. Cha John mới tục
huyền và dù phải nuôi thêm một bà vợ, ông cũng đồng ý trả học phí cho chàng
theo học tại Trường Mỹ thuật Pensylvania.
Ngay từ ngay đầu, Marin đã không
thích nhà trường lẫn sinh viên và cả phương pháp giảng dạy. Hai năm sau, chàng
bỏ trường quya về nhà. Cái mà chàng chú tâm đến là ''thế giới'' và chàng ''muốn
đặt nó vào tranh của mình, tất cả những gì thuộc về nó''. Chàng lại quay về với
việc đi lang thang để tìm đề tài. Chàng vẽ phong cảnh bất kể thời tiết nào.
Chàng vẽ vội vàng như thể ghi nhận lại những gì diễn ra trước mắt mình trước
khi nó kịp biến mất.
Hai dì Jenny và Lelia của John vẫn
đang còn thất vọng vì đứa cháu yêu quý của mình có vẻ như sống không có mục
đích. Họ nói với Charles Bittinger, con trai bà mẹ kế của John về tình yêu hội
họa của chàng. Lúc ấy, Bittinger đang chuẩn bị sang châu Âu và đã hào phóng đề
nghị đưa chàng đi cùng vì cho rằng việc nghiên cứu hội họa châu Âu có thể có
lợi cho John. Cha John cuối cùng cũng đồng ý gởi chàng sang Paris một thời gian ''để sống cùng bọn nhàn
rỗi bên ấy''.
Thế là mùa hè 1905, John xuống tàu
sang châu Âu. Bittinger đã giới thiệu với John cuộc sống của các họa sĩ ở Paris và sắp xếp cho chàng
học hành.
Nhưng bổn cũ soạn lại chẳng bao lâu
sau đó: John không thích các giáo viên cùng cách giảng dạy của họ và chàng
thường xuyên đổi trường cho tới khi nhận ra rằng Paris
cũng không khác gì Philadelphia hoặc New York.
Một trong những biến cố quan trọng
của thời kỳ này là John khám phá ra tranh khắc. Ông sản xuất ra một loạt tranh
khắc đường nét thật sắc sảo, rõ ràng và cố bán chúng để kiếm tiền. Nhưng người
ta lại thích mua loại tranh khắc có
đường nét mềm mại của Whitsler hơn. Mặc dù ông vẫn tiếp tục khắc tranh và thỉnh
thoảng lại vẽ một bức màu nước nhưng phần lớn thời gian của ông đã trôi qua một
cách hoang phí.
Năm 1907, sau hai năm tiêu phí thời
gian ''với đám người nhàn rỗi'' ở Paris, Marin
du lịch sang Venice
để xin tiền cha. Có tiền, Marin quay trở lại Paris để tiếp tục thêm sống thêm năm năm nữa.
Đây là một trong những thời kỳ lý
thú nhất của lịch sử hội họa hiện đại. Ở Paris, nơi mà hội họa không phải chỉ
dành riêng cho giới họa sĩ mà còn là của quần chúng, đã có rất nhiều những thông
cáo chung, những diễn văn, tranh luận và đấu đá giữa các trường mỹ thuật. Vậy
mà Marin, sống ngay chính giữa trung tâm của giới hội họa, lại có vẻ như không
hề biết những gì đang xảy ra .
Edward Steichen, lúc này đang ở châu
Âu, trông thấy một số tranh màu nước của Marin tại Câu lạc bộ Mỹ, và tỏ ra rất
thán phục những sáng tác ấy của ông. Ông đề nghị Marin gửi một số tranh của
mình sang Mỹ để tham dự cuộc triển lãm ở New
York do ông kết hợp với Alfred Stieglitz tổ chức.
Steichen và Stieglitz rất sẵn lòng triển lãm những sáng tác của những họa sĩ Mỹ
cũng như châu Âu chưa được biết đến nhưng đầy triển vọng. Chính sự gặp gỡ với
Steichen đã dẫn đến bước ngoặt trong cuộc đời của Marin. Nó đã tạo ra một quan
hệ lâu dài và tình bạn tri kỷ giữa Marin và Alfred Stieglitz, người được xem là
gương mặt quan trọng duy nhất trong sự phát triển nền hội họa hiện đại ở Mỹ.
Ông đã giúp cho Marin trở thành một trong những họa sĩ sáng giá nhất của thời
đại ông.
Mùa xuân năm 1910, Marin trở về quê
nhà. Một thời gian ngắn sau đó, ông gặp Stieglitz lần đầu tiên. Stieglitz mời
ông gia nhập nhóm họa sĩ mới của mình, gồm có Arthur Dove, Alfred Maurer,
Marsden Hartley và Max Weber, và Marin đã hăng hái nhận lời. Con người vốn xưa
nay lười nhác giờ đây lại trở thành một họa sĩ nghiêm túc, tận dụng tất cả thời
giờ và sức lực cho công việc.
Stieglitz tìm nhiều cách giúp Marin.
Không những chỉ cho ông mượn tiền mà còn hướng những quan tâm của ông về phía
những phong cách mới của nền hội họa Pháp.
Vào lúc này, Marin ''khám phá'' ra New York như một sức
mạnh quan trọng. Tất cả những tiếng ồn ào, những chuyển động, những tòa cao ốc,
ông như mới trông thấy chúng lần đầu tiên. Trong cơn cuồng say, ông đã vẽ một
loạt tranh màu nước. Những tòa cao ốc trong tranh của ông như đang xô đẩy, chen
lấn nhau. Tranh ông không phải là một sự tái tạo lại quang cảnh thành phố mà là
sự diễn tả cái cảm xúc đang trào dâng trong ông chỉ qua vài nét cọ.
Tháng 12-1914, Marin kết hôn với
Marie Jane Hughes. Họ cùng đi Washington, D.
C., và khi trở về, họ sống chung với chị gái của Marie ở Brooklyn.
Marin tiếp tục chăm chỉ làm việc. Cuộc triển lãm Armory năm 1913 đã tạo cho
Marin một mục đích, một ''sự liên hệ''. Ông không còn cảm thấy lẻ loi như trước
kia nữa.
Cũng như lúc ''khám phá'' ra New
York, mùa hè năm 1914, Marin khám phá ra Maine. Giống như Winslow Homer, Marin thực
sự cảm thấy mình như một phần tử không thể tách rời khỏi thiên nhiên ở đó. Từ
ấy cho đến cuối đời, ông luôn luôn trải qua mùa hè ở Maine. Ông chuyển từ nơi này sang nơi khác
và bao giờ cũng theo một hướng cố định: tiến về phía biển.
Trong niềm ao ước tái tạo lại những
cảm giác thật về thiên nhiên, Marin phát minh ra những ''biểu tượng'' hay dấu
hiệu nhỏ để mô tả những điều mà ông nhìn thấy. Chẳng hạn như những chấm màu
xanh có hình thù như cái nêm là cây, những hình khối nho nhỏ là nhà cửa, những
đường cong là sóng biển, vòng tròn là đá. Một yếu tố quan trọng trong tranh của
ông là sự chuyển động được mô tả bằng
những nhát cọ thẳng hoặc cong đưa cái nhìn của ta từ mặt phẳng này sang
mặt phẳng khác. Càng lớn tuổi nét vẽ của Marin càng đi xa hiện thực, mặc dù
vậy, ''vẫn chưa bao giờ thấy được cái tươi mát của thiên nhiên'' như ông nói.
Qua những cuộc triển lãm do
Steiglitz tổ chức, Marin đã tập hợp được một nhóm nhỏ những người hâm mộ, nhưng
chỉ có một số ít mua tranh của ông. Trước đó, Steiglitz đã buộc lòng phải đóng
cửa nhà kho nhỏ chứa tranh của các họa sĩ vì thiếu tiền và thiếu người mua
tranh. Mặc dầu hội họa hiện đại đã tạo một ấn tượng lâu dài trên các họa sĩ
nhưng phần lớn công chúng vẫn còn cho rằng những tác phẩm mới mẻ ấy là sản phẩm
của những kẻ điên! Thiếu sự hỗ trợ của Steiglitz, gia đình Marin chẳng biết
phải làm gì. Để tiết kiệm chi phí, họ ở lại Maine
cho đến khi những cơn gió rét của mùa đông buộc họ phải quay về New York. Để có tiền
nuôi sống gia đình, Marin đã bán một nhóm tranh khắc cho khách sạn Biltmore ở Maine với giá mỗi bức
một đô la.
No4 Cover
Năm kế tiếp, họ buộc phải ở lại Maine cho đến tháng 12.
Khi trở về, họ sung sướng nhận lời mời của dì Lelia đến ở tại nhà bà. Dì Jenny
đã qua đời ba năm trước và giờ đây dì Lelia sẵn sàng chào đón họ. Gia đình
Marin dọn tới Cliffside, bang New jersey và Marin đã ở đây cho đến cuối đời trừ
những mùa hè đi Maine..
Trong suốt bốn năm tiếp theo, nhờ
những nỗ lực của Stieglitz, người không bao giờ mất lòng tin vào tài năng của
Marin, ông đã bán được 32 bức tranh màu nước. Nhờ thế kinh tến gia đình có phần
đỡ hơn đôi chút nhưng ông vẫn còn quá nghéo.
Một thời gian ngắn sau, Marin bắt
đầu sử dụng những đường nét mạnh mẽ, linh hoạt làm ''cái sườn'' cho những chủ
đề của mình. ''Cái sườn'' này có tác dụng tập trung toàn bộ bức tranh lại với
nhau theo một cách đặc biệt. Các nhà buôn nghệ thuật bắt đầu quan tâm tới những
tác phẩm mới mẻ này, và lần đầu tiên trong đời, Marin đã có đủ tiền để sống. Anh
chàng ''lười biếng'' ngày xưa giờ đây phải làm việc luôn tay.
Năm 1925, Stieglitz mở một gallery
hội họa mới, và cuộc triển lãm đầu tiên của ông dành cho những tác phẩm mới
sáng tác của Marin. Lần này thì Marin đã được xem là người đi đầu trong lãnh vực hội họa Mỹ
hiện đại. Có người lại còn quá đà cho rằng Marin là ''một trong những họa sĩ vĩ
đại nhất của thế giới''. Kết quả của những lời ca tụng ấy là số lượng tranh
được bán và giá tranh của Marin tăng vọt lên.
Những năm tiếp theo sau đó, khi tên
tuổi họa sĩ Marin vang dội, ông lại chỉ cảm thấy một niềm thất vọng. Suốt thập
niên 1940, ông quay về với tranh sơn dầu và cố gắng áp dụng những nguyên tắc mà
ông đã dùng với tranh màu nước, nhưng tranh sơn dầu của ông không được công
chúng đón nhận. Các nhà phê bình cho rằng tranh sơn dầu của ông thiếu vẻ đẹp và
nét duyên dáng như ông đã từng thể hiện trong những bức màu nước.
Vinh quang cuối cùng đã đến với
Marin khi ông được 63 tuổi: một cuộc triển lãm có tên ''hai mươi lăm năm của
Marin'' được thực hiện, gồm tất cả những tác phẩm của ông kể từ những bức tranh
màu nước đầu tiên ở Paris cho đến những tác phẩm mới nhất của ông. Cuộc triển
lãm thành công vang dội. Ba năm sau, Nhà Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại đã dành
riêng hai tầng lầu để trưng bày toàn bộ tác phẩm của Marin trong cuộc triển lãm
khổng lồ. Đây là một vinh dự lớn dành cho một họa sĩ đương thời.
Lower Mahattan
Trong cuốn sách nhỏ mô tả cuộc triển
lãm có hơn hai trăm tác phẩm này, tác giả Marsden Hartley, bản thân cũnglà một
họa sĩ tiếng tăm, đã viết: ''Các bạn sẽ không bao giờ thấy lại được những bức tranh màu nước đẹp
như những tác phẩm của Marin, vì vậy hãy đến thưởng ngoạn để nhớ một phong
cách, trong trường hợp này, là của một con người say mê cuộc sống, say mê công
việc và say mê thiên nhiên.''
Càng về già phong cách của Marin
càng mang tính trừu tượng hơn. Không giống những hoạ sĩ trừu tượng khác, ông
luôn luôn sáng tác từ một chủ đề, đặc biệt là chủ đề thiên nhiên. Ông nói:
''Biển mà tôi vẽ, không phải là một đại dương cụ thể nào, nhưng nó là biển chứ
không phải là một cái gì trừu tượng'' .
Vợ ông, bà Marie Marin qua đời vào
ngày 1-3-1945. Cái chết của bà đã để lại trong lòng ông một khoảng trống to lớn
không gì thay thế được. Bà là người từng chia sẻ cuộc đời cùng ông cả thuở hàn
vi cũng như khi thành đạt, lo cho ông từng miếng ăn giấc ngủ, bà còn là người
đóng góp ý kiến cho những tác phẩm của ông. Dù bà thú nhận rằng mình không hoàn
toàn hiểu hết những gì ông muốn điễn đạt, nhưng bà lại có một cặp mắt tinh
tường về sự cân đối. Mỗi khi bà phát biểu: ''Em thấy dường như bức tranh không
được cân đối cho lắm, John ạ'', thì hầu như luôn luôn bà có lý.
Một năm sau, Alfred Stieglitz cũng
ra đi, và một thời gian ngắn sau đó, Marin bị cơn đau tim nặng. Ông bình phục
được nhờ sự trở về của đứa con trai sau chiến tranh. Những năm còn lại, hai cha
con Marin đã có được mối quan hệ gắn bó ấm áp lạ thường. Con trai Marin rất
quan tâm đến sức khỏe của cha đến độ anh đã mang John theo trong tuần trăng mật
của mình khi anh lấy vợ vào mùa hè năm 1948.
Marin tiếp tục nghỉ đông trong ngôi
nhà của mình ở Cliffside và nghỉ hè ở Vịnh Split, bang Maine. Không mấy ai trong số những người
láng giềng của Marin ở Maine
biết rằng ông lão thanh nhã thường cùng họ đi câu hoặc vẽ những bức tranh mà họ
không hiểu được bao nhiêu là một họa sĩ nổi tiếng thế giới. Họ chỉ biết đơn
giản ông là một người láng giềng tốt, một ông già hơi bất thường, nhỏ nhắn và
tinh tế, ăn mặc những bộ quần áo lỗi thời kỳ lạ.
Từ lâu trước khi ông qua đời vào
ngày 1-10-1953, Marin đã được xem là một người đã mang đến cho chúng ta một cái
nhìn đúng đắn và không thể thay đổi được về đồi núi, đồng bằng, về đá và biển
cả, cũng như về những thành phố nhộn
nhịp của Mỹ..
Chàng sinh viên khốn khổ, con người
không thể kiếm được một chỗ làm, kẻ nhàn rỗi - chính con người đã quyết định
phải trở thành một họa sĩ lớn ấy - cuối cùng cũng đã đạt được ước mơ trước mắt
toàn thể thế giới.
Garage No 1
13. STUART DAVIS
(1894 – 1964)
Chân dung họa sĩ.
Vào thời điểm mà cuộc triển lãm
Armory ở New York
làm thay đổi mọi tiêu chuẩn đương thời về hội họa, Stuart Davis được 19 tuổi.
Cuộc triển lãm đã chia thế giới hội họa ra làm hai phe: phe này chống và phe
kia ủng hộ nền hội họa hiện đại.
Đối với Davis, cuộc triển lãm đã giúp cậu sáng mắt
sáng lòng. Cậu muốn trở thành một họa sĩ hiện đại. Đó là mục tiêu duy nhất của
đời cậu và cậu đã trung thành theo đuổi nó cho tới khi cậu được xem là họa sĩ
thuần trừu tượng đầu tiên của Mỹ.
Stuart Davis sinh ngày 7-12-1894 ở Philadelphia trong một gia
đình mà cha mẹ đều là họa sĩ. Mẹ cậu, bà Helen Stuart Foulke, đã từng học hội họa
ở trường Mỹ thuật Pensylvania, và cũng chính tại nơi đó bà gặp ông, một bạn
đồng song. Vào thời điểm sinh ra cậu, cha cậu, ông Edward Wyatt Davis, đang là
người phụ trách mỹ thuật của nhật báo Press của Philadelphia, tờ báo mà Nhóm
Tám Người tương lai trong đó có John Sloan, George Luks, William Glackens, và
Everett Shinn đang cộng tác. Năm 1901, gia đình cậu dời đến East
Orange, bang New Jersey và ông
Edward Davis làm việc cho tờ Evening News ở Newark.
Khi học xong năm đầu tiên của trường
trung học ở East Orange,
Stuart quyết định trở thành họa sĩ. Cha mẹ cậu rất vui vì quyết định này và cho
phép cậu bỏ trường để theo học với họa sĩ Robert Henri.
Lucky Strike, 1921
Trường của Henri, được mở vào năm
1909, có một phương pháp giảng dạy hoàn toàn khác lạ. Ông buộc họa trò mình
phải phát triển tính cách riêng của mình và sáng tác bằng trí tưởng tượng.
Không có một quy luật nào. Tất cả điều mà Henri đòi hỏ là học trò ông phải tìm
kiếm chủ đề từ cuộc sống đời thường hơn là từ những vẻ đẹp hoàn hảo. Ông yêu
cầu họ xuống đường để vẽ về cuộc sống…
Mặc dù lúc ấy Davis mới 16 tuổi, nhưng tài năng và kiến
thức phong phú về hội họa của cậu đã khiến cho các bạn trong lớp nể phục. Tính
tình dễ thương, thẳng thắn đã mang lại cho cậu nhiều bạn bè, trong số đó có
Glenn O. Coleman và Henry Glintenkamp, cả hai sau này đều trở thành những họa
sĩ tiếng tăm. Coleman và Davis thường lang thang khắp thành phố, bao lần đi
trên - và cả dưới - cây cầu Brooklyn, qua những phố Tàu nhỏ hẹp, viếng những
phòng hòa nhạc, và chèo thuyền dọc theo bờ biển New Jersey. Chính ở New Jersey, Coleman và Davis
đã khám phá ra nhạc jazz mới, loại nhạc mà Davis yêu thích cho đến lúc nhắm mắt và có
một chỗ đứng lớn lao trong sự nghiệp của ông. Từ trước 1913, Davis đã cảm thấy đó là loại âm nhạc thể
nghiệm hiện đại duy nhất ở Mỹ.
Tree and Urn, 1921
Đối với Davis, không có chuyện phải tranh đấu thường
xuyên để có một chỗ treo tranh như đối với đa số các họa sĩ trẻ tuổi khác.
Chàng trưng bày tác phẩm đầu tiên của mình ngay từ năm đầu tiên vào học trường
mỹ thuật. Sau đó chàng thường triển lãm chung với các họa sĩ như Sloan, Luks,
Glackens và Bellows. Năm 1912, tranh của Davis
đươc trưng bày tại Câu lạc bộ Tranh màu nước New York
và năm 1913 tại Câu lạc bộ MacDowell ở New
York.
Dần dần, Davis cảm thấy thiếu một cái gì đó trong tác
phẩm của mình. Phương pháp giảng dạy của Henri không còn làm cho chàng hài
lòng. Chàng bắt đầu tìm kiếm một con đường mới mẻ hơn. Chính trong cuộc triển
lãm Armory, nơi chàng đang trưng bày năm tác phẩm của mình, Davis đã tìm thấy cái mà chàng muốn tìm. Tác
phẩm của các họa sĩ châu Âu mới đã kích thích Davis hơn bất kỳ những gì chàng nhìn thấy
trước kia. Đặc biệt là những tác phẩm của Van Gogh, Gauguin, Matisse. Cách sử
dụng màu và xử lý chủ đề của họ mở ra trước mắt chàng những hứa hẹn mới.
Chàng rời trường của họa sĩ Henri để
đến Provincetown
thuộc bang Massachussetts. Ở đây chàng tìm ra rằng ánh sáng rõ ràng là thứ cần
cho đường hướng đến với hội họa mới và đơn giản hơn của chàng. Dưới ảnh hưởng
của Van Gogh, nét cọ của chàng trở nên nặng nề hơn, ánh sáng tươi tắn hơn.
Chàng bắt đầu xây dựng những bức tranh phẳng mặt. Chàng nghĩ cách sơn cây xanh
thành màu đỏ.
Nhiều mùa hè sau đó, theo lời khuyên
của John Sloan, David đi Gloucester,
Massachusetts. Chàng không vẽ
trực tiếp từ thực tế nữa mà chỉ phác thảo và ghi chú màu sắc, rồi quay về xưởng
vẽ sáng tác. Mặc dù những bức tranh của chàng vẫn bắt nguồn từ thiên nhiên
nhưng chàng phát triển nó theo những
hình thù trừu tượng và theo một lý thuyết sắp xếp mới trải dài trung tâm của sự
chú ý từ bờ này tới bờ kia, một tư tưởng ''đi dạo khắp nơi''.
Trong suốt cuộc Chiến tranh Thế giới
I, một phần lớn các họa sĩ hiện đại đã dời đến New York, và họ đã gặt hái được
nhiều sự chú ý. Những họa sĩ hiện đại này coi thường tất cả những quy tắc hội
họa. Họ cho rằng nghệ thuật cần phải được hoàn toàn tự do để diễn đạt bất cứ
điều gì.
Brooklyn Museum-The Mellow Pad.
Davis, vốn luôn quan tâm đến cái hiện đại,
bắt đầu thực hiện loại tranh dán lập thể, một phương pháp dùng những hình thể
trừu tượng đã được sơn kết hợp với những mảnh vật liệu kỳ lạ để tạo thành một
tác phẩm nghệ thuật. Các họa sĩ lập thể sử dụng những “mặt phẳng” và cách nhìn
từ nhiều phía của một vật, cho người xem cái cảm tưởng rằng người ta đang nhìn
được mọi khía cạnh của một sự vật cùng một lúc. Sau khi nhìn thấy tác phẩm của
nhiều họa sĩ Pháp, Davis
tự cảm thấy mình được tự do thể nghiệm bất kỳ thể loại nào mà ''không cảm thấy
tội lỗi''. Chàng thực hiện rất nhiều tranh dán lập thể. Lần đầu tiên, chàng đưa
những từ và chữ cái vào tranh, cho rằng các ký hiệu là một phần của cảnh quang
Mỹ. Mặc dù đường hướng là hiện đại, nhưng Davis vẫn chưa khai triển được phong
cách riêng của mình.
Năm 1927, sau 14 năm, chàng tuyên bố
rằng ''vẫn còn tiếp tục làm việc về một vấn đề không có gì to tát'' trên đường
trở thành một nghệ sĩ hiện đại. Tuy nhiên, chàng cảm thấy mình đã khám phá ra
cách sử dụng màu sắc. Điều quan trọng còn lại là hình thù và không gian. Hội
họa hiện đại chỉ có thể thành công khi nào tất cả các vấn đề trên được giải
quyết rõ ràng. Vì thế Davis
tăng cường nỗ lực tìm kiếm câu trả lời.
Một ngày kia, chàng đóng đinh một
cái máy đánh trứng lên mặt bàn và trong suốt một năm trời, đó là chủ đề duy
nhất của chàng. Nhìn cái máy đánh trứng thành một loạt những hình thù khác nhau
thay vì một đồ vật, chàng khám phá ra những hình thể xuất phát từ tư tưởng của
mình thay vì chính từ sự vật. Chàng bắt đầu vẽ một loạt tranh về ''máy đánh
trứng''. Chúng gồm những hình thể trừu tượng màu sáng đang chập chờn khắp bề
mặt của bức tranh. Đến cuối năm ấy Davis
cảm thấy mình đã thành công. Tác phẩm của chàng giờ đây đã thật sự trừu tượng.
Chàng đã có thể tự gọi mình là họa sĩ hiện đại. Tuy nhiên những hình thù trong
tác phẩm của chàng vẫn còn gốc rễ từ những hình thù trong thiên nhiên.
Tháng 5-1928, Davis đi Paris, trung
tâm của nền hội họa hiện đại. Chàng nói: ''Tôi thích Paris ngay từ phút đầu tiên tôi đặt chân đến
đấy''. Chàng sung sướng thấy người Pháp đón nhận giới họa sĩ như một thành phần
đáng kính của xã hội. Chàng đâm ra say mê Paris
như nhiều họa sĩ trước chàng đã từng say mê. Và chàng bộc lộ sự say mê của mình
trong một loạt tranh về những đường phố đầy thân thiện đáng yêu.
Sau một thời kỳ chẳng làm gì khác
ngoài việc đi bộ trên các con đường và sáng tác, Davis
lại nhớ đến sự hào hứng của cuộc sống Mỹ. Sau Paris, nhịp độ và kích cỡ của New York là cái khiến chàng
bận tâm. Đó là khoảng thời gian ngắn trước khi chàng có thể trở lại với những
thói quen làm việc bình thường.
Chưa đầy hai tháng sau khi Davis quay về nhà, đất
nước Mỹ bắt đầu những thời kỳ khó khăn. Mặc dầu đã bán được một vài bức tranh, Davis, cũng như nhiều họa sĩ Mỹ khác, còn rất nghèo. Cuối mùa
hè năm ấy, Davis đi Gloucester, nơi cha chàng còn một ngôi nhà nhỏ. Chàng tiếp
tục vẽ, cho ra đời một loạt tranh theo phong cách của ''máy đánh trứng''. Năm
1931, chàng được mời giảng dạy tại Học viện Mỹ thuật ở New York và đã theo đuổi công việc này trong
một năm. Năm 1932, khi Phòng Âm nhạc Truyền thanh Thành phố mới hoàn tất, Davis được mời đến vẽ một
bức tranh tường. Số tiền kiếm được đủ cho Davis
lưu lại Gloucester
để vẽ thêm một năm nữa. Tháng 12-1933, Davis
quay về New York.
Ông nói: ''Tôi hiếm khi có được một xu dính túi''. Ông kiếm được một việc làm
trong Dự án Tác phẩm Nghệ thuật của chính quyền và dạy tư cho vài học sinh. Ông
gia nhập Hiệp hội các Họa sĩ và làm việc cho tờ tạp chí của hội The Art Front.
Ngày 12.10.1936, Stuard Savis kết
hôn với Roselle Springer. Roselle là sinh viên
mỹ thuật và bà có nhiều điểm chung với Davis,
kể cả sự say mê nhạc jazz. Gia đình Davis xây
một ngôi nhà ở trung tâm Manhattan,
gần chỗ có một hộp đêm nhỏ thường chơi nhạc jazz. Họ có một con trai là Earl,
sinh năm 1952.
Steeple street
Phần lớn thời gian suốt thập niên
1930, Davis quá
quan tâm đến chính trị nên không sáng tác được nhiều. Trong thời gian làm việc
cho chính quyền, ông hoàn thành được hai bức tranh tường, một cho Phòng Truyền
thanh thành phố WNYC, và một cho sự phát triển nhà ở nhưng sau này không được
xây dựng.
Năm 1939, Davis
lại được thuê vẽ tranh tường cho Hội chợ Thế giới ở New York. Trên một bức tường ngoài cao 15 m,
dài 44 m, tác phẩm là sự bài trí của sơn trắng trên một nền đen. Davis cũng thực hiên một
bức vẽ màu rộng hai trang báo về Hội chợ Thế giới cho tạp chí Harper's Bazaar.
Trong cùng năm ấy, ông đã từ bỏ dự án nghệ thuật của chính quyền, chấm dứt
nhiệm kỳ 6 năm theo quy định. Lại một lần nữa thất nghiệp, Davis lo chú tâm đến việc sáng tác. Thời kỳ
tiếp theo, ông không gây được tiếng vang nào lớn. Không có ai mời vẽ tranh
tường hay tham gia triển lãm. Ông cay đắng cho rằng công chúng không thể nào
hiểu được những ý tưởng mới.
Phong cách của ông ngày càng trừu
tượng. Những hình thể, màu sắc cứ chuyển động một cách vui tươi khắp mặt tranh.
Những chữ cái, những từ và cả những câu hoàn chỉnh cũng chuyển động trong sáng
tác của ông. Tên tranh ông, thường không ăn nhập đến nội dung tác phẩm, nghe
rất vui tai: ''Ô! Ở San Pao'', ''Một cái gì đó trên trái banh tám múi'' hay “Tĩnh
vật nóng cho lục sắc''…
Sau tuổi 40, danh tiếng bắt đầu đến
với Davis. Năm
1940, ông trở thành giáo viên mỹ thuật Trường Nghiên cứu Xã hội, một vị trí mà
ông giữ suốt mười năm. Năm 1943, Ông thực hiện cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên
của mình trong vòng 9 năm ở New York.
Đó là một cuộc triển lãm sống động trong nhiều chiều hướng. Hai người bạn của Davis đã bí mật sắp xếp
cho nhạc jazz được chơi trong lúc công chúng đến thưởng lãm nghệ thuật của ông.
Bỗng dưng ông được công nhận. Năm
1941, ông lại được tổ chức triển lãm ở Đại học Indiana và năm 1945 lại một cuộc triển lãm
khác nữa tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại. Một cuộc triển lãm cá nhân dành cho
ông trong khu vực hội họa Mỹ tại Venice Biennale năm 1952; tiếp theo là một loạt
các cuộc triển lãm cá nhân do Trung tâm Hội họa Walker ở Minneapolis, bang
Minnesota, Trung tâm Hội họa Des Moines ở Iowa, Bảo tàng Hội họa San Francisco,
và Bảo tàng Whitney của New York - tất cả đều tổ chức trong năm 1957. Ông được
nhiều nơi trao tặng thưởng: Viện Carnegie, Học viện Nghệ thuật Chicago, Trường Mỹ thuật Pensylvania. Bản
thiết kế tranh tường cho Liên Hiệp Quốc ở New York của ông được trao giải nhất.
Hot Still Scape for Six Colors - 7th Avenue Style
Davis làm việc trong một xưởng vẽ lớn sạch
sẽ, gọn gàng mặc dù chứa đầy những vật liệu để làm việc. Ông thường nghe nhạc
jazz trong lúc trong làm việc. Ông ngưỡng mộ nhạc của Earl Hines, Art Tatum,
Oscar Peterson, và những nghệ sĩ hàng đầu khác trong lãnh vực này. Mỗi khi có
họ biểu diễn trong các hộp đêm gần nhà, ông và vợ không bao giờ bỏ qua buổi
tham dự. Ông là kẻ sống trong thế kỷ hai mươi, sáng tác cho nó và thuộc về nó.
Davis làm việc rất chậm. Mỗi năm ông chỉ sáng
tác nhiều nhất là tám hoặc mười bức. Có tác phẩm ông phải vẽ trong 6 năm trời
mới hoàn thành. Tác phẩm của ông là những trừu tượng sống động, với cách trình
bày, màu sắc và hình thể bậc thầy, nhảy nhót theo nguồn năng lực của nhạc Jazz.
Ông được xem như một trong những họa sĩ trừu tượng hàng đầu của thế kỷ. Ông đặc
biệt được các họa sĩ trẻ kính trọng mặc dầu cách làm việc chậm rãi đầy trăn trở
của ông rất khác biệt với lối tấn công nhanh của họ.
Ông cho rằng hội họa trừu tượng thì
cũng giống như mọi nền nghệ thuật khác, cũng là cách diễn đạt cảm giác về một ý
nghĩa hay tính chất nào đó trong thiên nhiên. Theo ông, hội họa của một người
cần phản ánh thời điểm và nơi chốn mà họ sống. Niềm tin này đối với ông còn
quan trọng hơn cả danh xưng ''nhà họa sĩ hiện đại'' mà ông đã khó nhọc lâu dài
mới gặt hái được..
Cuối cùng Davis kết luận: ''Tôi vẽ cái gì mà tôi thấy ở
nước Mỹ''. Ông qua đời ngày 24-6-1964, ở tuổi 69. Trong một bài báo viết về
ông, mục bình luận hội họa của tờ New York Herald Tribune đã viết: ''Nước Mỹ đã
mất đi nhà họa sĩ trẻ trung nhất của mình''.
Xưởng vẽ của Pollock ở Spring, Long Island.
Giai điệu Mùa thu
Mộ của Pollock.
14. JACKSON POLLOCK
(1912 – 1956)
Pollock đang sáng tác.
Thật thú vị biết bao nếu chúng ta
tưởng tượng ra cảnh Gilbert Stuart nghĩ gì khi nhìn Jackson Pollock vẽ! Đầu
tiên, có lẽ ông sẽ quan sát thấy rằng trong xưởng vẽ rộng lớn của Pollock không
có một hộp sơn dầu nào, cũng không có cọ chỉ trừ một vài cây cọ cũ đã hư. Ông
sẽ thấy trên sàn nhà có một bức tranh khổng lồ, to cỡ gấp ba lần bức tranh lớn
nhất của ông, và chừng hơn một tá những bức nhỏ hơn. Còn phụ gia để pha sơn
đâu? Thay vào đó, ông lại thấy những thùng sắt lớn đựng sơn nhà. Và Stuart sẽ
nghĩ gì khi thấy một chồng đồ vật đang nằm lung tung - những mảnh gỗ, con dao,
những đống cát nhỏ, những mảnh thủy tinh bể, một đoạn dây (?)… Chắc hẳn nhà họa
sĩ vĩ đại nhất của nước Mỹ sẽ bị sốc khi nhìn Pollock làm việc. Ông sẽ thấy anh
chàng nhảy quanh bức vẽ, giống như những động tác khiêu vũ, Pollock ném màu,
vẫy sơn hoặc đơn giản hơn, nâng cả thùng sơn lên rồi rót sơn xuống từ cạnh này
sang cạnh kia của bức vẽ. Sau đó anh có thể thêm vào vài mảnh thủy tinh màu,
cát hay bất kỳ một vật nào khác đang có trong tay.
Có cố gắng lắm, Gilbert Stuart cũng
không thể tìm thấy trong tranh một gương mặt nào, cũng không có quang cảnh hay
một hình thù nào mà ông có thể nhận ra, không có gì ngoại trừ những đường nét
được sắp xếp trong một mẫu màu. Stuart hẳn sẽ bị lạc hướng hoàn toàn khi nghĩ
rằng đây chính là một họa sĩ! Nhưng nếu ông có tức giận và kinh hoảng thì cũng
chẳng khác gì với ý nghĩ của những ngườisống cùng thời với Pollock!
Trong cuộc đời ngắn ngủi của ông,
Pollock có lẽ là họa sĩ được biết đến nhiều nhất của thời đại mình. Người ta
hoặc là cười nhạo ông hoặc là thán phục ông. Đến lúc qua đời, ông được xem là
người đi đầu trong việc thay đổi hoàn toàn nền lịch sử hội họa Mỹ.
Paul Jackson Pollock sinh ở Cody,
bang Wyoming,
ngày 28-1-1912. Cha cậu, Le Roy Pollock một người hiền lành, điềm đạm. Với sự
giúp sức của năm đứa con trai, ông làm việc chính ở nông trại. Mẹ cậu, bà
Stella Pollock lại là người đàn bà đảm đang. Bà chỉ đạo mọi công việc của nông
trại, theo dõi việc học hành của con cái, và quản lí nhà cửa. Khi công việc của
nông trại thất bại, bà thuyết phục chồng tìm đến một vùng đất tốt đẹp hơn. Năm
1915, họ dời sang bang Arizona.
Ba năm sau, họ lại phải dời nhà sang phía đông California một lần nữa. Năm năm sau, cả gia
đìng lại phải chuyển sang miền Nam California, nơi ông Le Roy cố thử lại công
việc đồng áng một lần cuối cùng. Ông lại thất bại. Vài năm sau, Le Roy Pollock
chết, cũng im lìm như khi ông sống.
Paul Jackson được 13 tuổi khi cậu
bước vào trường trung học ở Los
Angeles. Đó là một thiếu niên cao lớn đẹp người với
mái tóc dài màu nâu ôm lấy cái đầu mạnh mẽ, thường thích cưỡi ngựa và sưu tập
thực vật và động vật. Cậu thích đọc tất cả các loại sách văn học, kể cả triết Ấn
Độ. Vì là người mới trong vùng, cậu không có bạn và sống rất cô độc. Những đứa
trẻ khác cho cậu là thằng bé khác thường và lánh xa cậu. Cậu là thằng bé đau
khổ, cảm thấy mọi người không hiểu mình.
Sự yêu thích hội họa có thể bắt
nguồn từ ước muốn chứng tỏ cho kẻ khác thấy mình là nhân vật quan trọng. Nhưng
bên cạnh đó, còn là nhu cầu muốn làm một cái gì đó bằng chính đôi tay của mình.
Ngay từ tuổi ấy, cậu đã làm việc bằng trí tưởng tượng nhiều hơn là từ chính
thiên nhiên.
Từ những năm trung học, cậu đã tỏ ra
thiếu tôn trọng quyền uy. Cậu đã phụ in một tờ báo chống đối thể thao, việc
huấn luyện quân sự và các bài tập thể dục… Thái độ của cậu đã khiến cho ban
giám hiệu nhà trường nổi giận và cậu bị đuổi học. Hai năm tiếp theo, Paul
Jackson làm công việc đo đạc và vẽ bản đồ đất đai. Công việc thì nặng nhọc mà
những người làm chung với cậu thì lớn tuổi, thô lỗ cộc cằn. Cậu quyết định phải
chứng tỏ cho họ thấy rằng cậu bình đẳng với họ.
Niềm say mê hội họa xuất hiện từ
thời trung học đi kèm nỗi ao ước học tập một cách nghiêm túc. Anh lớn Charles
của cậu, đã là viên giáo hội họa ở đại học Western, gởi em mình lên thọ giáo
chính thầy giáo cũ của anh là Thomas Benton. Năm 1929, khi đến New York, Pollock không sử dụng tên riêng của mình và
được vào thẳng lớp của thầy Benton
ở Trường Nghệ thuật Hội Sinh viên. Trong hai năm, chàng nghiên cứu những họa sĩ
cổ điển bậc thầy và học hình họa. Chàng vẽ theo họa pháp của thầy mình. Benton và Pollock cùng san
sẻ nỗi đam mê nghệ thuật và lòng ngưỡng mộ sâu xa nền hội họa miền Tây. Vợ
chồng Benton
coi ông như con đẻ.
Nhưng Pollock không thể chấp nhận mãi
quyền hành hay quan điểm của những người lớn tuổi. Trong tác phầm của hai họa
sĩ Mexico
nổi tiếng, Siqueiros và Orozco, chàng phát hiện ra niềm hưng phấn mới cho mình.
Bốn năm kế tiếp, Pollock dần dần rời bỏ chủ nghĩa hiện thực để chuyển sang hình
thức trừu tượng hóa với những bức tranh màu sắc tối tăm, được vẽ bằng những
nhát cọ nặng nề đầy những chuyển động man dại.
Từ 1930 đến 1935, Pollock du hành về
miền Tây nhiều lần , nhưng chàng luôn luôn quay về miền Đông, trung tâm nghệ
thuật của nước Mỹ. Chàng chịu ảnh hưởng của trường mỹ thuật này rồi lại một
trường mỹ thuật khác, sử dụng những gì chàng cần và bỏ những gì không nằm trong
nhu cầu của chàng. Bắt đầu từ chỗ Picasso dừng lại, Pollock đi theo hướng riêng
của mình. Những bức tranh của chàng đầy dẫy hình thù súc vật, con người và chim chóc không nguyên
vẹn, giống như một giấc mơ tồi tệ.
Trong số những người thoát khỏi bàn
tay của Hitler trong giai đoạn đầu của Chiến tranh thế giới thứ II, có một số
họa sĩ châu Âu nổi tiếng. Lần đầu tiên kể từ cuộc triển lãm Armory, New York trở thành trung
tâm của hoạt động nghệ thuật thế giới. Địa điểm triển lãm quan trọng nhất cho
loại hình hội họa mới này do Peggy Guggenheim điều hành, tổ chức giới thiệu tác
phẩm của các họa sĩ siêu thực. Các họa sĩ siêu thực cố nắm bắt những ý tưởng
trong trí não hoặc trong những giấc mơ của họ. Lý thuyết của họ là một sự
chuyển dịch từ chủ nghĩa Ấn-tượng-Trừu -tượng, một nền hội họa chú ý tới cách
vẽ hơn là ý tưởng hay chủ đề của tác phẩm. Pollock chịu ảnh hưởng bởi sự tiếp
cận với chủ nghĩa siêu thực và họa sĩ hiện đại người Đức Hans Hofmann, một
trong những người dẫn đầu của trường phái Ấn tượng và là thầy dạy của nhiều họa
sĩ trừu tượng bậc thầy hiện nay.
Mặc dù Pollock đã từng tham gia
nhiều cuộc triển lãm, nhưng cho tới năm 1942 chàng mới có cuộc triển lãm đầu
tiên ở New York, cùng với John Graham, Lee Krasner và Wilem de Kooning. Hai năm
sau, chàng kết hôn với cô Krassner, người sau này tận tụy chia sẻ cùng chàng
những năm tháng khốn khó. Nhiều tác phẩm giá trị của Pollock đã được vẽ sau
ngày chàng lập gia đình. Năm 1946, gia đình Pollock dời đến làng Spring, gần
East Hamton, Long Island. Chàng đã dành phần
lớn thời gian sống và làm việc ở đây.
Bức số 5.
Năm 1942, Pollock được giới thiệu
với Peggy Gugenheim. Bà Gugenheim thán phục tài năng của chàng đến độ đã thuê
chàng vẽ tranh tường cho căn hộ của mình ở New York. Bà còn ký với chàng một hợp đồng
cung cấp cho chàng đủ tiền sống vài năm tới. Lần đầu tiên trong đời, Pollock
không phải bận tâm gì đến chuyện tiền bạc.
Bà Gugenheim đã tổ chức cho Pollock
cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên năm chàng vừa tròn 31 tuổi. Phần lớn ý kiến cho
rằng tranh của Pollock chẳng có gì đáng giá. Có người phát biểu tác phẩm của
Pollock giống như một ''bãi chiến trường'' phủ đầy những mảnh miếng của Picasso,
chủ nghĩa Siêu thực, và hội họa Indian. Tuy nhiên cũng có một số ít không đồng
ý, cho rằng Pollock hứa hẹn một tài năng khác thường. Các họa sĩ trẻ thì khuyến
khích chàng.
Trong mười hai năm tiếp theo,
Pollock đã tổ chức mười một cuộc triển lãm cá nhân. Đến năm 1946, chàng hoàn
toàn rời bỏ chủ nghĩa hiện thực. Tác phẩm của chàng là một sự diễn đạt cảm xúc
trào dâng một cách mạnh mẽ, đầy những đường cong và những mảng màu sắc. Đó là
những tác phẩm không phải sinh ra từ những giây phút suy tư về chủ đề, không
phải được vẽ từ sự quan sát. Tranh của Pollock phát sinh từ chính hành động vẽ,
từ những cảm xúc tràn trề trong đầu. Nói như Pollock: ''Tác phẩm có một đời
sống riêng của nó. Tôi cố gắng để cho nó tự phát triển''. Giải thích về việc
tại sao ông để bố vẽ trên sàn nhà khi vẽ và xoay quanh nó theo ''vũ điệu'' kỳ
lạ của mình, ông nói: ''Tôi có thể cảm thấy gần gũi hơn, như mình là một phần
của tác phẩm... tôi có thể vẽ từ bốn phía và thấy mình ở trong chính bức
tranh''.
Kỹ thuật rót sơn qua kẽ tay nổi tiếng
của ông có thể bắt nguồn từ nghệ thật của những người Da đỏ châu Mỹ. Trước kia
ông đã từng chú ý đặc biệt đến những tác phẩm bằng cát của bộ lạc Navajo. Nghệ
thuật này được thực hiện bằng cách cho cát màu rơi từ những kẽ ngón tay xuống
đất trong một bảng màu sặc sỡ. Phản ứng đối với nghệ thuật mới của ông là một
sự giận dữ, nhưng ngược lại, đối với một thiểu số khác, ông lại là một người
anh hùng của của nổi loạn mới trong hội họa.. Một trong những người ngưỡng mộ
ông nói về tác phẩm của ông như một cuốc phiêu lưu của đôi mắt, nó đưa đến ngạc
nhiên và thích thú. Một người khác thì nói: ''Xem tác phẩm của Pollock tức là
thâm nhập vào chúng''.
Kể từ cuộc triển lãm Armory cho tới
lúc ấy, chưa hề có một hoạt động nghệ thuật nào lại làm nảy sinh sự giận dữ của
công chúng Mỹ đến như vậy. Nhưng trước kia thì cả một trường phái bị tấn công,
còn nay, mặc dù còn có những họa sĩ Biểu-tượng-Trừu-tượng khác, nhưng cuộc tấn
công chỉ nhắm vào một mình Pollock. Các bài viết trong các tạp chí và nhật báo
hàng đầu đã mang lại tiếng tăm cho Pollock, ông trở thành nhân vật được biết
đến nhiều nhất trong giới hội họa Mỹ. Những kẻ không hiểu được tác phẩm của ông
thì nhạo báng ông về những gì được xem là ''sai lầm'' và ''điên loạn'' trong
hội họa hiện đại.
Pollock khốn khổ vì dư luận và thứ
tiếng tăm đến với ông. Nhưng ông hầu như không đếm xỉa đến thái độ của công chúng.
Ông tiếp tục sáng tác như một kẻ bị quỷ dữ ám ảnh. Các bức tranh có kích cỡ đồ
sộ gần bằng tranh tường, phủ đầy những đường nét thanh tú, nhiều màu sắc. Ông
không còn đặt tên cho tác phẩm nữa, mà chỉ cho mỗi bức tranh một con số khi
hoàn thành. Ảnh hưởng của ông đối với giới họa sĩ trẻ rất lớn. Với họ, ông là
một vị anh hùng.
Năm 1948, Pollock lần đầu tiên triển
lãm tranh mình ở châu Âu. Công chúng và giới họa sĩ lớn tuổi bị sốc vì cách thể
hiện của ông, nhưng các họa sĩ trẻ tuổi thì lại bị khuấy động. Họ không những
chỉ hiểu được tác phẩm của ông mà nhiều
người trong số đó lại còn bắt chước ông nữa. Cơn thủy triều đã đảo ngược.
Sự kính trọng tác phẩm hội họa của
Pollock bắt đầu lớn mạnh trong mười năm cuối đời ông. Năm 1950, Bảo tàng Nghệ
thuật Hiện đại đã tổ chức một cuộc triển lãm đặc biệt tác phẩm của ông cho Venice Biennale, bao gồm
những tác phẩm của Arshile Gorky
và Willem de Kooning. Hầu như tất cả những cuộc triển lãm quan trọng về hội họa
Mỹ đều có một vài tác phẩm của Pollock. Tranh của ông giờ đây có mặt trong
nhiều bộ sưu tập cá nhân cũng như các
bảo tàng nghệ thuật khắp thế giới. Ông
đang ở trên đỉnh cao của danh vọng.
Bỗng nhiên, năm 1951, Pollock bắt
đầu thay đổi. Những tác phẩm mới của ông chỉ còn lại hai màu đen và trắng. Ông
bắt đầu sử dụng sơn dầu và cọ. Người ta đã thấy được những hình thù và nhân vật
trong tranh ông, và chúng cũng có chủ đề đang hoàng chứ không phải chỉ được
đánh số như trước.
Cuộc chiến trong tư tưởng đã gây
phiền muộn cho Pollock từ nhiều năm giờ đây trở nên nghiêm trọng. Ông không còn
tự tin về tác phẩm của mình, và ông ngưng vẽ hoàn toàn. Ngoại trừ một bức tranh
mà ông vẽ vào năm 1955, ông không còn là
họa sĩ nữa.
Trong tuyệt vọng, ông uống rượu để
tìm quên. Mặc dầu mới ở độ tuổi bốn mươi, ông đã già đi một cách nhanh chóng.
Ông thường đọc sách hàng giờ hoặc thả hồn theo tiếng ngâm của nhà thơ Dylan
Thomas. Hoặc ông ngồi lặng ngắm cảnh biển gần nhà, có thể vì nó gợi nhớ lại
phong cảng bát ngát của phương Tây trong thời tuổi trẻ của ông.
Vào đêm 11-8-1956, chiếc xe hơi thể
thao do Pollock lái đâm vào một gốc cây. Ông chết ngay tức thì. Ông được an
táng ở Spring, Long Island, gần căn nhà nơi
ông đã sống và làm việc.
Cuộc triển lãm lớn tác phẩm của
Pollock mà Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại dự định tổ chức vào năm 1956 trở thành
cuộc triển lãm để tưởng niệm ông. Giờ đây, tuy ông đã qua đời, nhưng giá trị
tác phẩm của ông vẫn tăng lên.
Điều lý thú là từ sau khi chết,
Pollock đã trở thành “bậc thầy” của Trường phái Biểu tượng Trừu tương không
những chỉ đối với những người đầu tiên chống đối ông mà còn đối với cả công
chúng.
Tiếp theo sau, Pollock đã trở thành
nổi tiếng như một vị anh hùng của cuộc nổi loạn trong hội họa cuối cùng đã làm
cho nền hội họa Mỹ thoát khỏi những chuẩn mực của châu Âu, và thành lập một nền
hội họa mới là Trường phái Hành đông, làm lực lượng hàng đầu trong thế giới hội
họa.
No comments:
Post a Comment