Friday, 24 May 2013

NOBEL VĂN CHƯƠNG THẾ KỶ 20

LÊ KÝ THƯƠNG
Biên dịch.
(Theo tài liệu Nobelprize.org)



1901- SULLY PRUDHOMME
(Pháp, 1839 - 1907)

Chân dung nhà thơ
Sully Prudhomme sinh ngày 16 tháng 3 năm 1839. Năm 1865 ông nổi tiếng với tập thơ Stances et Poèmes (Thơ tứ tuyệt) và những bài thơ khác. Lần lượt, ông xuất bản nhiều tác phẩm thơ, triết học và mỹ học. Nếu sự tưởng tượng của những nhà thơ khác chủ yếu hướng ngoại và phản ảnh cuộc sống và thế giới quanh chúng ta, thì Sully Prudhomme lại có cái nhìn hướng nội và nhạy cảm một cách tinh tế. Thơ của ông hiếm khi liên quan đến những hình ảnh và trạng thái bên ngoài được hiểu theo cách thông thường, nhưng chủ yếu là sự cô đọng đầy thi vị trong một chiếc gương soi mà người đọc có thể lặng ngắm mình trong đó. Tình yêu thần thánh, mối hoài nghi, nỗi phiền muộn của ông, không gì có thể xua tan được, đều là những đề tài quen thuộc  trong tác phẩm của ông, bằng hình thức hoàn chỉnh và vẻ đẹp được đẽo gọt hoàn hảo,  không một chữ vô dụng. Thơ của ông đầy màu sắc và hiếm khi mang âm điệu du dương, nhưng tất cả đều đậm nét sáng tạo về mặt hình thức nhằm phù hợp với cách diễn đạt cảm giác và ý tưởng.  Thanh cao, thâm trầm và hướng về nỗi buồn, linh hồn ông tự biểu lộ trong thơ ông, dịu dàng nhưng không ủy mị - một sự phân tích mang vẻ buồn phiền nó truyền cho người đọc sự cảm thương u uất

Qua sự quyến rũ của cách chọn từ thanh nhã và qua nghệ thuật tuyệt vời của ông, Sully Prudhomme là một trong những nhà thơ hàng đầu của thời đại chúng ta, và một số bài thơ của ông là những viên ngọc có giá trị miên viễn. Những bài thơ mang tính mô phạm hay trừu tượng của ông ít hấp dẫn Viện Hàn lâm Thụy Điển hơn những bài thơ trữ tình ngắn. Những bài thơ trữ tình này mang đầy cảm xúc và sâu lắng. Chúng mê hoặc người đọc nhờ vẻ trang nghiêm và thanh nhã và nhờ sự kết hợp độc đáo giữa tư duy tinh tế và tình cảm phong phú.

Tác phẩm của Sully Prudhomme biểu lộ một trí óc quan sát và tìm tòi mà nó không tìm đến một sự  yên nghĩ trong một tình thế gay go và, đối với ông hình như không thể biết nhiều hơn, tìm chứng cứ về số phận siêu nhiên của nhân loại trong lãnh vực đạo đức, trong tiếng nói của lương tâm và trong sự cao quý và những điều qui định không thể phủ nhận của bổn phận. Từ quan điểm này,  Sully Prudhomme đại diện tốt hơn hầu hết những nhà văn nhà thơ mà người ta gọi là ''khuynh hướng duy tâm'' trong văn học. 


1902 - THEODOR MOMMSEN
(Đức, 1817 – 1903)
Chân dung Theodor Mommsen 
 

Một thư mục những tác phẩm đã xuất bản của Mommsen do Zangemeister biên soạn nhân dịp sinh nhật thứ 70 của ông (1887), gồm 920 đề mục. Một trong những công trình quan trọng nhất của Mommsen là bộ Corpus Inscriptionum Latinarum (1867 - 1959) , đây là công trình đồ sộ của một “Vị thần Hercule”, mặc dù có sự trợ giúp của nhiều cộng tác viên uyên bác, vì Mommsen không chỉ đóng góp 15 tập trong bộ sách khổng lồ này mà còn đảm trách vị trí chủ biên toàn bộ tác phẩm. Đây chính là thành tựu vĩnh cửu của ông. Là con chim đầu đàn trong lãnh vực nghiên cứu, Mommsen đã nghiên cứu nguồn gốc và sự ra đời luật La Mã, văn bia, tiền đúc, biên niên sử La Mã, và lịch sử tổng quát La Mã. Ngay cả một nhà phê bình có thành kiến cũng thừa nhận rằng ông có đủ thẩm quyền nói về văn bia Lapygian, một đoạn văn Appius Caecus và nền nông nghiệp ở Carthage. Những người  trí thức đều biết ông qua tác phẩm Lịch sử La Mã  - Romische  Geschichte, (1854-55, 1885), và đặc biệt cùng với tác phẩm đồ sộ này Viện Hàn lâm Thụy Điển tặng giải thưởng Nobel Văn chương cho ông.

Bộ sách bắt đầu xuất hiện vào năm 1854, lúc đó tập IV chưa xuất bản, nhưng vào năm 1885 ông cho xuất bản tập V, một tác phẩm  ưu việt mô tả các chính quyền địa phương  dưới thời Đế chế. Tác phẩm này được đề cập trong qui chế của giải Nobel và người ta có thể sử dụng nó như một khởi điểm để đánh giá toàn bộ tác phẩm của Mommsen. Bộ Lịch sử La Mã của ông, được dịch ra nhiều thứ tiếng, nổi tiếng vì sự uyên bác và tỉ mỉ cũng như văn phong sinh động và hùng hồn. Mommsen đã kết hợp sự tinh thông tài liệu của ông với óc phán đoán sắc bén, phương pháp chuẩn xác, sinh lực trẻ trung và cách trình bày đầy nghệ thuật. Ông biết cách đãi cát tìm vàng, và thật khó để phân định, dù người ta càng tán dương và càng thán phục, vì kiến thức bao la và đầu óc tổ chức siêu việt hay vì khả năng sáng tạo của ông và khả năng biến những sự kiện được điều tra thành một bức tranh sống động. Trực giác và khả năng sáng tạo của ông làm cầu nối giữa nhà sử học và nhà thơ.  Mommsen cảm thấy mối quan hệ này khi trong tập V bộ Lịch sử La Mã, ông nói rằng trí tưởng tượng không chỉ là mẹ của thi ca mà còn là mẹ của lịch sử. Thật vậy, giữa hai lãnh vực này có điểm tương đồng rất lớn.

Nhiều nhà phê bình đã phản đối Mommsen, cho rằng đôi khi ông  bị tài năng cuốn theo những phán đoán chủ quan nông nổi, đặc biệt trong những lời bình phẩm thường thiếu thiện chí liên quan đến những nghĩa quân cuối cùng chết cho tự do và những địch thủ của Caesar, và liên quan đến những vấn đề giữa các đảng phái trong suốt  thời kỳ khắc nghiệt này. Nói một cách khác, phải nhấn mạnh rằng Mommsen không bao giờ ca ngợi quyền lực tàn bạo. Khi đánh giá C. Gracchus, nhà cách mạng gây nhiều cảm hứng cho ông, lúc thì khen, lúc lại chê, ông cho rằng mỗi nhà nước sẽ sụp đổ như lâu đài trên cát trừ khi kẻ thống trị và tầng lớp bị trị có cùng một mối ràng buộc đặt trên nền tảng đạo lý chung. Đối với ông dân giàu là cốt lõi của một quốc gia. Ông nghiêm khắc chê trách hệ thống nô lệ đáng nguyền rủa của đế quốc La Mã.

Qua những khắc họa trên, nhà sử học Treitschke đã tuyên bố rằng bộ Lịch sử La là một tác phẩm lịch sử chính xác nhất của thế kỷ 19 và rằng, Hannibal và Caesar của Mommsen đã đốt lên ngọn lửa  nhiệt tình trong lòng mỗi thanh niên, mỗi người lính trẻ. 
 

Tuy là bộ sách nghiên cứu, nhưng tác phẩm không mất vẻ tươi mát. Nó là một tượng đài, mặc dù không sở hữu vẻ đẹp mềm mại của cẩm thạch, nhưng vĩnh cửu như đồng. Bàn tay của học giả có thể nhìn thấy khắp nơi trong tác phẩm, nhưng chính nó cũng là bàn tay của một nhà thơ. Và, thực vậy, Mommsen đã làm thơ hồi còn trẻ. Tập thơ Ca khúc của ba người bạn - Liederbuch dreier Freunde (1843) là nhân chứng của việc  ông trở thành kẻ tôi tớ của thần Thi ca.
 

Khoa học và nghệ thuật luôn luôn chứng tỏ khả năng gìn giữ tâm hồn tươi trẻ ở những người đang hoạt động trong lãnh vực này, Mommsen vừa là học giả, vừa là nghệ sĩ, nên ở tuổi 85 ông vẫn trẻ trung trong tác phẩm của mình. 



                    1903 - BIORNSTJERNE  BJORNSON

                                             (Na-uy, 1832 – 1910)



                                             Chân dung nhà văn
 
Biornstjerne Bjornson không những là một nhà văn sử thi vĩ đại mà còn là một nhà thơ trữ tình xuất chúng. Những tác phẩm như Synnove Solbakken, Arne (1858) và Cậu bé hạnh phúc - En glad gut (1860) đã đưa ông lên ngôi đầu bảng những họa sĩ vẽ cuộc sống đương thời. Trong những miêu tả mang màu sắc ảm đạm đó, ông đã tự bộc lộ mình như một anh nhà quê và người kể chuyện cổ tích vùng Bắc Âu. Thật vậy, như chúng ta biết, không phải không có lý do rằng ông mô tả đời sống nông dân bằng giọng văn kể chuyện xưa. Và chúng ta cũng biết thêm rằng những nông dân mà ông biết rất rõ khi ông sống ở Romsdal - trong cách đánh giá của những người có đủ thẩm quyền - đã bảo tồn cách nói gọn gàng, súc tích mà nhà thơ đã sao chép lại bằng cách chọn câu chữ diễn đạt cho thích hợp. Mặc dù cách diễn đạt này được lý tưởng hóa và đậm đà chất thơ nhưng  rất trung thực với thiên nhiên.


Bjornson còn là một kịch tác gia, ông thường đề cập đến những đề tài lịch sử, ví dụ như: Kong Sverve (1861),  Sigurd kẻ Thập tự chinh - Sigurd Jorsalafar (1872), tác phẩm nổi tiếng Sigurd Kẻ Bất lương - Sigurd Slembe (1862), trong đó tình yêu của Auhild mang nguồn sáng đến với một hoàn cảnh ảm đạm và ở đó hình bóng của Finnepigen đại diện cho vẻ huy hoàng của ánh bình minh phương Bắc, vở kịch sôi nổi Maria Stuart và Shotland (1864) và những sáng tạo đầy cảm hứng khác. Nhưng ông thường thành công trong việc chọn những đề tài đương đại như trong tác phẩm Viên chủ bút - Redaktoren (1874), Phá sản - En fallit (1874), v.v... Ngay cả lúc về già ông cũng tạo ra một chân dung tình yêu không vụ lợi trong tác phẩm Paul Lange og Tora Parsberg (1898). Trong tác phẩm Laboremus (1901) ông đã tán dương điều thiện của đời sống đạo đức chống lại những sức mạnh tự nhiên của những ham muốn vô độ.  Cuối cùng, trong  Ở Storhove - Pa Storhove (1902) ông tưởng nhớ sâu sắc đến lực lượng bảo vệ quê cha đất tổ mà đại diện là nàng Margareta, một cột trụ trung kiên của gia đình. Nói tóm lại, người ta có thể thấy rằng  những nhân vật của Bjornson đều là viên ngọc quí, tài năng của ông luôn luôn hướng đến mặt tích cực, không có hướng tiêu cực. Tác phẩm của ông không bao giờ giả trá, trái lại là thứ kim loại thuần khiết, và dù cho vật đổi sao dời, thời gian và kinh nghiệm  tác động mạnh lên quan điểm của ông và quan điểm của người khác, ông không bao giờ ngừng tranh đấu được quyền đòi hỏi tri thức để chế ngự con người.



Năng lực sáng tạo của con người 71 tuổi này quá lớn lao đến nỗi năm 1902 ông cho ra đời tác phẩm Ở Storhove  rồi tiếp theo là  nhiều tác phẩm khác cho thấy ông có khả năng duy trì một tinh thần trẻ trung sung sức.



Như một nhà thơ trữ tình, Bjornson là mẫu mực của sự tinh giản và những tình cảm thâm sâu. Thơ của ông là nguồn cảm hứng dồi dào bất tận, và tính chất du dương của câu thơ đã lôi cuốn nhiều nhạc sĩ viết thành nhạc... Không có xứ sở nào có một bài tụng ca hay hơn ''Ja, vi elsker dette Landet'' - Vâng, chúng ta yêu đất nước của Bjornson, và khi người ta nghe bài tuyệt ca ''Arnljot Gelline'' mà nhịp điệu chẳng khác nào sự chuyển động tráng lệ của những cơn sóng. Người ta muốn nghĩ rằng trong tương lai, những cơn sóng kỷ niệm sẽ thì thầm ''i store maaneskinsklare Naetter'' - trong những đêm trăng sáng khi họ chơi một bản nhạc của một nhà thơ quốc gia vĩ đại trên bờ biển Na Uy.

1904.- NOBEL NĂM NAY ĐƯỢC TRAO CHO HAI NGƯỜI:



1. FRÉDÉRIC MISTRAL (Pháp, 1830 - 1914)




                            Chân dung dung nhà thơ do Auguste Clément vẽ



Theo nhận định của Viện Hàn lâm Thụy Điển, thi hứng của bậc trưởng lão Frédéric Mistral còn trẻ trung hơn phần lớn những nhà thơ đương thời. Một trong những tác phẩm chính của ông là Bài ca sông Rhone - Lou pouèmo dóu rose, xuất bản vào năm 1897.



Mistral sinh ngày 8 - 9 - 1830 tại làng Maiano (vùng Maillane, Pháp). Làng này nằm giữa đường đi Avignon và Arles trong thung lũng Rhone. Ông lớn lên giữa thiên nhiên hùng vĩ này cùng với những người nông dân ở đây và sớm làm quen với công việc đồng án của họ. Cha ông, Francois Mistral, là một phú nông, suốt đời tín thành tập tục của tổ tiên mình. Còn mẹ ông thì nuôi dưỡng tâm hồn con mình bằng những bài dân ca và truyền thống văn hóa nơi chôn nhau cắt rốn. Trong suốt thời gian theo học trường College Avignon, ông học những tác phẩm của Homer và Virgil, những tác phẩm này đã gây ấn tượng sâu sắc cho ông, và một trong những vị giáo sư của ông - nhà thơ Roumanille - đã truyền cảm hứng cho ông về tình yêu sâu xa tiếng mẹ đẻ miền Provence.



Theo ước muốn của cha, Frédéric Mistral theo học luật ở Aix-en-Provence, nhưng sau đó, ông bỏ học để chọn nghề theo sở thích của mình. Sự chọn lựa này chẳng bao lâu được thực hiện: ông hiến dâng cuộc đời cho thi ca và mô tả vẻ đẹp của miền Provence bằng ngôn ngữ địa phương, một phương ngữ mà ông là người đầu tiên nâng lên thành ngôn ngữ văn học. Thể nghiệm ban đầu của ông là một trường ca viết về cuộc sống nông thôn, rồi xuất bản tuyển tập thơ Miền Provence - Li Prouvencalo (1852).



Sau đó, ông đã bỏ ra bảy năm liên tục để viết tác phẩm Mirèio (1859) nổi tiếng khắp thế giới. Giá trị tác phẩm này không phải chỉ ở đề tài mà còn ở trí tưởng tượng được diễn đạt trong đó. Hình ảnh của Mirèio đáng quan tâm như thế nào không thành vấn đề, vấn đề là nghệ thuật liên kết giữa những tình tiết của câu chuyện và của sự lột trần trước mắt chúng ta tất cả miền Provence với cảnh quang, kỷ niệm , những tập tục cổ xưa và cuộc sống hàng ngày của dân chúng. Mistral nói rằng ông chỉ cất lời ca cho những người chăn cừu và dân quê, ông làm như thế bằng tâm hồn mộc mạc của Homer. Thật vậy, bằng vào sự thú nhận của chính ông, ông là một học trò của Homer vĩ đại. Nhưng thay vì bắt chước vị thầy một cách mù quáng, ông đã chứng tỏ tính chất sáng tạo riêng bằng kỹ thuật diễn đạt của mình. Một hơi thở của thời hoàng kim đã tạo sinh khí cho nhịp điệu những câu thơ mô tả của ông.



Tập thơ được chào đón nhiệt tình ngay lần đầu xuất hiện. Nhà thơ Lamartine, kiệt sức với những âu lo riêng nhưng luôn luôn say mê những thi phẩm hay, đã viết ''một nhà thơ vĩ đại chào đời!''. Ông so sánh thơ của Mistral là một hòn đảo của một quần đảo, là một Délos (thánh địa của thần Apollon) trôi nổi mà tự nó tách rời khỏi quần đảo Cyclades để gia nhập, trong yên lặng, vào miền Provence thơm ngát.



Bảy năm sau khi xuất bản tác phẩm Mirèio, Mistral cho ra đời tác phẩm thứ hai với tầm cỡ tương đương - Calendau (1867). Người ta cho rằng cảnh tượng của tập thơ này quá dị thường và không có thực. Nhưng nó phù hợp với tập thơ trước về sự quyến rũ trong cách diễn đạt. Người ta có thể nghi ngờ sự cao quý của những ý tưởng về tính thanh cao của của con người, thông qua cuộc thử nghiệm này sao? Trong khi Mirèio ca ngợi cuộc sống nông dân thì Calendau trình bày một hình ảnh hấp dẫn của biển cả và núi rừng. Nó giống như một giọt nước long lanh trong nhiều cảnh quang chính xác đáng nhớ về cuộc sống của ngư dân.



Mistral không chỉ là một nhà thơ sử thi mà còn là một nhà thơ lãng mạn vĩ đại. Tập thơ Đảo vàng của ông  có nhiều bài mang vẻ đẹp bất tử.



Trong những bài thơ lãng mạn khác Mistral với lòng nhiệt tình cố nài những quyền lợi  của ngôn ngữ Provence mới đối với sự tồn tại độc lập và tìm kiếm để bảo vệ nó chống lại mọi  toan tính loại bỏ hay nghi ngờ nó. Nerto (1884), một tập thơ văn xuôi có nhiều trang lôi cuốn người đọc. Nhưng truyện kể mang tính sử thi, Lou pouèmo dóu Rose, thâm thúy hơn. Nói tóm lại, những tác phẩm của Mistral đều là những tượng tài sừng sững mang vẻ huy hoàng của vùng Provence yêu dấu của ông.




                               Trang bìa báo Le Petit Journal
                               vinh danh Frédéric Mistral 
                              được Nobel Văn chương 1904.
 
 Trong quyển tân tự điển đồ sộ về ngôn ngữ vùng Provence, Tresor dóu Félibrige (1879 - 1886), Mistral đã bỏ ra hơn 20 năm ghi chép phương ngữ phong phú của miền Provence và xây dựng một tượng đài bất tử cho vùng đất vàng này.

           

Hội Nhà thơ Provence (Association of Provencial Poets) đã tán dương ông bằng câu: ''Mặt trời khiến tôi cất lời ca''. Đúng vậy, thơ của ông như ánh sáng mặt trời miền Provence chiếu rộng khắp nhiều quốc gia, ngay cả những vùng Nam địa cầu, ở đó chúng đã làm cho nhiều con tim hoan hỉ.



2. JOSÉ DE ECHEGARAY (Tây-ba-nha, 1833 - 1916)





                                             Chân dung José de Echegaray

José de Echegaray sinh năm 1833 ở Madrid, nhưng thời thơ ấu ông sống ở Murcia, nơi cha ông làm việc ở Viện nghiên cứu về Hy lạp. Nhận bằng tú tài năm 14 tuổi, chẳng bao lâu ông vào học Trường Kỹ sư Dân sự, ở đó ông nổi tiếng chuyên cần và kỹ năng sắc sảo. Năm năm sau, 1853, ông tốt nghiệp bằng kỹ sư với một luận án xuất sắc nhất. Toán và cơ khí vốn là những môn ông ưa thích nghiên cứu. Nhờ những kiến thức sâu rộng về hai môn này nên ông được mời làm giáo sư ở ngay trường mà mới một năm trước đó ông còn là sinh viên. Trong vài năm tiếp theo, cuộc vật lộn vì miếng cơm manh áo có vẻ như vô cùng khắc nghiệt đối với ông, ông phải dạy thêm để kéo dài cuộc sống bình dị nhất. Bất chấp hoàn cảnh, chẳng bao lâu ông trở thành một giáo sư lỗi lạc, nổi tiếng cả về đức hạnh lẫn toán học ứng dụng và trở thành một công trình sư tài ba. Cùng lúc này, ông chuyên tâm nghiên cứu kinh tế chính trị, bao gồm những quan niệm về tự do mậu dịch. Chẳng bao lâu ông vươn đến tột cùng sự nghiệp: ba lần ông làm bộ trưởng trong chính phủ. Ở những cương vị này, những ai quen biết ông, dù đối thủ hay bạn bè, ông đều chứng tỏ tài khôn khéo trong việc điều hành bộ máy mình quản lý.

Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta biết rằng nhà học giả này, người đã xuất bản nhiều giáo trình về hình học giải tích, vật lý và điện , đã cống hiến năng lực bất tận của mình để viết kịch bản sân khấu.  Người ta cho rằng những sáng tạo của ông dành cho sân khấu mang hình thức của những phương trình và những bài toán. Nếu tài năng của ông hiển lộ trên lãnh vực này được tán dương một cách nồng nhiệt bởi nhiều người ngưỡng mộ thì cũng gặp phải những lời phê bình nghiêm khắc. Tuy nhiên, người ta không thể chối cãi rằng những tác phẩm của ông nổi tiếng vì một ý thức đạo đức sâu xa. Một cách nào đó, những nhà phê bình không sai lầm cho rằng trong kịch của ông, theo cách so sánh của những nhà phẫu thuật, ông hiếm khi sử dụng phương pháp nào khác hơn là phương pháp ''cắt bỏ và khâu vá''.

Không màng đến những lời ca ngợi nhất thời mà chỉ lắng nghe nguồn cảm hứng sâu xa trong lòng, Echegaray âm thầm theo đuổi sự nghiệp của mình đến cùng, chứng tỏ khả năng viết kịch phi thường của mình khiến chúng ta  phải nghĩ đến một Lope de Vega hay một Calderon.

Echegary đạt được vinh quang lần đầu vào tháng 11 năm 1874 với vở kịch La esposa del vengador  (Vợ của Người báo thù), trong đó tài năng thực sự của ông được bộc lộ và trong đó, xen kẽ những tình tiết mang tính cường điệu là những vẻ đẹp cao quí nhất  được ngợi ca. Công chúng có thể tưởng tượng rằng nó quay về thời hoàng kim của kịch Tây Ban Nha. Họ chào đón Echegaray như một ''cổ máy'' tái sinh của thời đại huy hoàng nhất trong nền kịch thơ quốc gia. Năm tiếp theo, vở En el puno de la espada (Chuôi gươm) được giới thiệu và cũng nhận được sự tán thưởng. Năng lực sáng tạo siêu phàm và quan niệm về cuộc đời của ông trong vở kịch này này đã khiến cho khán giả phấn khích đến nỗi họ không ngừng vỗ tay suốt buổi biểu diễn, và, sau khi cảnh cuối cùng kết thúc, Echegary phải xuất hiện trên sân khấu đến bảy lần để nhận lời tán dương của họ. Nhưng những cuộc tranh luận lớn lao đã nổ ra vào năm 1878 khi trong vở En el pilar y en la cruz (Chiếc cọc và Cây tháng giá), tác giả đã chứng tỏ mình là người bảo vệ tư tưởng tự do chống lại sự cố chấp, bảo vệ nhân tính chống lại sự cuồng tín. Nét đặc thù của Echegaray mà chính ông tuân thủ được thể hiện trong vở Conflicto entre dos deberes (Sự xung đột của trách nhiệm) giới thiệu vào năm 1882. Sự xung đột của trách nhiệm được nhìn thấy trong hầu hết kịch phẩm của ông, nhưng hiếm khi nó được đẩy lên đến cực điểm như trong vở kịch này. Hai vở kịch khác cũng làm cho tên tuổi của ông nổi tiếng là O locura ó santidad (Người điên hay vị Thánh) trình diễn vào tháng giêng năm 1877 và El gran Galeoto (Galeoto vĩ đại). Trong vở Người điên hay vị Thánh  ý tưởng hết sức phong phú và  nội dung đầy kịch tính. Nó cho ta thấy một người vì lòng trung thực mà hy sinh cả sự thành công và của cải vật chất của mình, vì thế bị bạn bè và người đời coi như một thằng điên.

Vở Galeoto vĩ đại đã tạo nên một ấn tượng mạnh hơn. Trong tháng đầu tiên sau lần ra mắt, có ít nhất là năm bản in được phát hành rộng rãi trong cả nước đã mang vinh dự đến cho tác giả. Vở kịch có giá trị lâu dài vì tác giả đã miêu tả tâm lý các nhân vật một cách tài tình. Nó cho thấy sức mạnh của sự vu khống. Nét ngây thơ trong sáng nhất bị biến dạng và bóp méo một cách đáng kinh tởm bởi những chuyện ngồi lê đôi mách. Chủ nghĩa lãng mạn với vẻ đẹp nên thơ của nó rõ ràng có thể nhận ra trong vở kịch này, những chi tiết trữ tình hết sức lôi cuốn và cấu trúc không một tì vết. Echegaray đã cho một trong những nhân vật trong vở kịch Galeoto vĩ đại thốt ra những lời nói bi quan về thế giới này, thế giới mà ''không bao giờ nhận ra những phẩm chất tinh tế của một thiên tài cho đến ba thế kỷ sau khi ông ta chết''. Điều này có thể xảy ra, nhưng trường hợp của Echegaray thì không đúng.

1905 - HENRYK SIENKIEWICZ

(Ba Lan, 1846 – 1916)



                                               Tượng chân dung nhà văn


Bất cứ khi nào nền văn học của một dân tộc phong phú vô tận thì sự hiện hữu của dân tộc được bảo đảm, vì loài hoa của một nền văn minh không thể lớn lên trên mảnh đất cằn cỗi. Nhưng ở mỗi đất nước chỉ hiếm hoi vài thiên tài mà chính họ là tinh hoa của đất nước đó. Họ đại diện cho đất nước của họ với thế giới. Mặc dù, họ yêu mến những kỷ niệm về quá khứ của dân tộc họ, nhưng chỉ để tăng thêm sức mạnh niềm hy vọng cho tương lai. Cảm hứng của họ được cắm rễ sâu trong quá khứ giống như cây sồi baublis trong sa mạc Lithuania, nhưng những cành cây thì đong đưa theo cơn gió của thời hiện tại. Một người đại diện cho nền văn học và nền văn hóa trí tuệ của một dân tộc như vậy là người được Viện Hàn lâm tặng giải thưởng Nobel Văn chương năm 1905: Henryk Sienkiewicz.



Tài năng đa dạng của Henryk Sienkiewic hiện rõ vào năm 1890 khi ông thay đổi chủ đề sáng tác, từ chân dung những chiến binh trong bộ tiểu thuyết ba tập gồm:  Với Lửa và Gươm - Ogniem i mieczem (1884), Trận đại hồng thủy - Potop (1886 - 87) và Ngài Pan Wolodyjowski - Pan Wolodyjowski (1888 - 89) đến tiểu thuyết tâm lý hiện đại Không giáo điều - Bez domagtu - mà những nhà phê bình xem đây là tác phẩm chính của ông. Tiểu thuyết này mang hình thức một nhật ký, nhưng không giống như nhiều quyển nhật ký khác, người đọc không hề cảm thấy nhàm chán. Với một nghệ thuật viết khó ai có thể vượt qua được, tác giả giới thiệu cho chúng ta khuôn mẫu của một con người trần tục, một kẻ hoài nghi về đạo đức và tôn giáo, trở thành vô sinh vì hoàn cảnh bệnh tật để tự lý giải bản thân mình. Qua những do dự thường xuyên của anh ta, anh ta ngăn cản hạnh phúc riêng của mình, hy sinh hạnh phúc của những người khác, và cuối cùng không chịu nổi....

           

Năm 1892 ông cho in truyện ngắn Chúng ta hãy theo Người - Pojdzmy za nim, một phác thảo đơn sơ được tô vẽ bằng vẻ đẹp hết sức nên thơ về nữ bá tước Antea mang bệnh tật và đau đớn từ những ảo giác nguy hiểm và đau khổ, được chữa trị bởi Đấng Cứu thế phục sinh. Phải thừa nhận Chúng ta hãy theo Người tuy là một bản phác thảo, nhưng lại là một câu chuyện cảm động sâu sắc. Thật vậy, viên phấn ngẫu nhiên trong tay một bậc thầy khi phác họa ra thì thường gần bằng giá trị với những tác phẩm nhiều công phu hơn. Chúng ta hãy theo Người được viết với lòng mộ đạo cao quí, nó là một loài hoa thùy mị lớn lên dưới chân cây thánh giá và trong đóa hoa của nó có một giọt máu của Đấng Cứu thế.



Sienkiewicz theo đuổi đề tài tôn giáo và chẳng bao lâu ông nổi tiếng khắp thế giới với tác phẩm đồ sộ Quo Vadis. Trong những năm 1895-96 ông viết Quo Vadis. Câu chuyện về những cuộc khủng bố đưới thời Nero này là một thành công ngoài sức tưởng tượng. Chỉ trong một năm 800.000 ấn bản tiếng Anh được bán ở Anh và Mỹ. Giáo sư Bruckner chuyên về văn học sử Ba Lan ở Berlin đã ước tính trong năm 1901 khoảng hai triệu ấn bản được bán ra ở hai quốc gia này. Nó được dịch ra hơn ba mươi thứ tiếng. Quo Vadis diễn tả một cách tuyệt vời sự tương phản giữa phe ngoại đạo giả hình thích ngụy biện với niềm tự hào của họ, và tín đồ Cơ đốc giáo trung thành, khiêm tốn, giữa tính ích kỷ và tình yêu, giữa sự xa hoa láo xược của triều đình và sự câm lặng của những người dân thấp cổ bé miệng.



Sau tác phẩm chính này, Henryk Sienkiewicz trở lại đề tài về nước Ba Lan và năm 1901 ông viết tác phẩm Những Hiệp sĩ của Thập tự - Krzyzacy. Lần này, công việc sáng tác của Sienkiewicz không mấy dễ dàng như trường hợp ông viết  tiểu thuyết bộ ba trước kia, vì có ít nguồn tài liệu hơn. Nhưng Sienkiewicz đã vượt qua những khó khăn và tạo cho tác phẩm của mình mang màu sắc đậm đà thời trung cổ. Chủ đề của tiểu thuyết là cuộc chiến đấu của hai dân tộc Ba Lan và Lithuania chống lại Những Hiệp sĩ Teutonic, những người từ xưa đã hoàn thành sứ mệnh ban đầu của họ, đã trở thành một thể chế áp bức, chiếm lĩnh quyền lực và những lợi lộc nhiều hơn từ đất đai bằng cây thập tự may trên chiếc áo choàng là huy hiệu giai cấp của họ....



Rõ ràng Henryk Sienkiewicz là người đầu tiên nhận ra món nợ của mình đối với nền văn học cổ Ba Lan. Nền văn học này quả thực phong phú với những tên tuổi lớn như Adam Mickiewicz (1798 - 1855), Juliusz Slowacki (1809 - 1849), Zygmunt Krasinski (1812 - 1859). Nghệ thuật sử thi đã được thực hiện thành công bởi những nhà văn như Korzeniowski, Kraszewski và Rzewuski. Nhưng với Henryk Sienkiewicz nghệ thuật này đã chín mùi và đạt đến tột đỉnh vinh quang của nó. 

           

1906 - GIOSUÈ CARDUCCI

(1835-1907)


                                            Chân dung nhà thơ



Để đánh giá chính xác sự phát triễn tài năng và trí tuệ của Giosuè Carducci, điều quan trọng là chúng ta nên biết đến cha ông, bác sĩ Michele Carducci, một thành viên của Hội Carboneria (một đoàn thể chính trị bí mật hoạt động vì nước Ý thống nhất) và là nhà hoạt động trong những phong trào chính trị cho một nước Ý tự do. Và chúng ta cũng nên biết đến mẹ ông là một phụ nữ thông minh và hào phóng. Ông Michele hành nghề bác sĩ ở Castagneto, nhờ vậy chàng thi sĩ trẻ tuổi đã trải qua thời thơ ấu ở Tuscan Maremma.



Năm 1849, Carducci theo gia đình đến Florence. Tại đây, lần đầu tiên ông được đọc thơ của Leopardi, Schiller và Byron và chẳng bao lâu, ông bắt đầu làm những bài thơ sonnet (thể thơ 14 câu) châm biếm. Sau đó, ông theo học trường Cao đẳng Scuola (Scuola Normale Superore) ở Pisa, tại đây, năng lực sáng tạo của ông bộc lộ dần. Sau khi tốt nghiệp, ông trở thành giáo viên dạy tu từ ở San Miniato. Vì những biểu hiện ý tưởng cấp tiến ông bị nhà cầm quyền đương thời loại bỏ việc ứng cử một vị trí ở trường tiểu học Arezzo. Tuy nhiên, sau đó, ông dạy tiếng Hy Lạp  tại một trường trung học ở Pistoia. Cuối cùng ông giữ một chân ở Trường đại học Bologna và chính nơi này ông đã thành công trong sự nghiệp dạy học của mình.



Nói tóm lại, có nhiều hoàn cảnh thường tình ảnh hưởng đến đời sống của ông.  Nhiều cuộc đấu tranh trong nghề nghiệp. Chẳng hạn ông bị đình chỉ dạy ở Bologna trong một thời gian và trong nhiều trường hợp ông dính líu đến những cuộc bút chiến nảy lửa  với nhiều tác giả Ý. Ông chịu đựng nhiều bi kịch cá nhân to tát, như chuyện tự tử của người anh trai Dante là nỗi đau khủng khiếp nhất. Nhưng cuộc sống gia đình và tình yêu dành cho vợ con đã cho ông niềm an ủi lớn lao nhất. Chính trong thời gian này, sự nghiệp thi ca của ông nở rộ. Mặc dù ông là tác giả  của những bài phê bình văn học và lịch sử xuất sắc, nhưng chính thi ca đã  đưa ông đến đỉnh vinh quang của sự nghiệp văn chương.



Tập thơ Juvenilia (1863), như tên gọi, là  những bài thơ thời trai trẻ của ông sáng tác trong thập niên 50 (của thế kỷ 19). Tập thơ gồm hai phần. Một phần có ngữ điệu và bố cục cổ điển, phần kia mang âm điệu yêu nước sâu xa đi đôi với lòng căm thù sâu sắc Nhà thờ Công giáo và uy quyền của Giáo hoàng - những trở ngại  kiên cố nhất đối với một nước Ý thống nhất. Tuyển tập thơ Nhẹ nhàng và Nặng nhọc - Levia Gravia (1868) gồm những bài thơ của những năm 60. Một nỗi buồn không tên phảng phất trong nhiều bài của tập thơ. Cuộc chinh phục thành Rome bị trì hoãn lâu dài khiến cho Carducci càng thêm đau khổ, nhưng cũng có quá nhiều điều khác nữa xảy ra trong đời sống chính trị đương thời mà ông hết sức hối tiếc. Carducci đã mong đợi nhiều từ những tình huống chính trị sẽ đến hơn là đang có. Vì vậy, chúng ta có thể gặp một vài bài thơ toàn mỹ trong tuyển tập này. Carducci quen thuộc với nền thi ca thế kỷ 14 nên có nhiều bài mang hơi hướm của thời đại này, chẳng hạn như trong bài Những nhà thơ của Đảng Trắng - Poeti di Parte Bianca và trong bài thơ về lời tuyên bố của Vương quốc Ý.



Chỉ trong tập thơ Những bài thơ mới có vần - Rime nuove (1877) và trong ba tập Tụng ca Người man rợ  - Odi barbare (1877- 89) mới thể hiện đầy đủ vẻ đẹp văn phong và chất trữ tình thuần thục của Carducci. Ở đây, chúng ta  không còn thấy một nhà thơ có thái độ khinh thị, chiến đấu với thanh gươm và ngọn lửa nhiệt tình dưới biệt danh Enotrio Romano nữa. Thay vào đó, tính cách của nhà thơ hình như thay đổi hoàn toàn, chúng ta được nghe những giai điệu êm ái hơn, dịu dàng hơn. Bài thơ mở đầu Về bài thơ có vần - Alla Rima  chẳng khác nào một bản nhạc cực hay, một bài thánh ca đúng nghĩa. Phần cuối bài thơ biểu thị tính cách của Carducci một cách tuyệt vời... Rõ ràng Carducci hiểu được khí chất của ông, cái khí chất mà ông so sánh nó với biển Tyrrhenian (một phần của Địa Trung hải, thuộc Ý). Nhưng sự lo lắng của ông không liên tục, và những âm điệu hân hoan thật sự vang lên trong bài thơ quyến rũ Thơ đồng quê tháng Năm - Idillo de Maggio. Buổi sáng – Mattinata - cũng là một bài thơ dễ thương khiến chúng ta nhớ đến những bài thơ mang tên Mùa Xuân Hy Lạp của Hugo. Sự lớn lao của nhà thơ bộc lộ đầy đủ hơn trong tác phẩm Tụng ca Những người man rợ, tập đầu xuất hiện năm 1877, tập hai năm 1882 và tập ba năm 1889. Tuy nhiên, có vài lời bào chữa cho những phê phán về hình thức tác phẩm.



Mặc dù Carducci thông qua nhịp điệu thơ cổ, nhưng ông đã chuyển hóa chúng một cách trọn vẹn đến nỗi người đọc quen với thể thơ này sẽ không hề nghe những âm điệu cổ điển. Nhiều sự tương phản rõ ràng là được tìm thấy trong một bản chất đầy thi vị và mạnh bạo như bản chất của Carducci. Nhà thơ đã nhận được lòng ngưỡng mộ cũng như sự chê bai từ nhiều phía. Nhưng chắc chắn Carducci là một trong những thiên tài uy thế nhất của nền văn chương thế giới. Và sự chê bai như thế, cũng từ những ngươi đồng hương của ông, không được miễn trừ ngay cả những nhà thơ vĩ đại nhất. Làm người ai mà chẳng có nhược điểm.




 1907.- RUDYARD KIPLING


(1865 – 1936)


Chân dung Kipling do John Collier vẽ năm 1891.



Sáu năm trước khi Rudyard Kipling được trao giải thưởng Nobel Văn chương, một tác giả người Pháp đã dành nhiều thời gian nghiên cứu văn học Anh đã viêt: “Những năm gần đây, trong lãnh vực văn học Anh đã xuất hiện một khuôn mặt sáng giá nhất, đó là Kipling”.



Ở Thụy Điển, cũng như những quốc gia khác, Quyển sách Rừng của Kipling lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1894, được nhiều người ngưỡng mộ và yêu thích. Một kiểu mẫu căn bản của khả năng tưởng tượng đã gây cảm hứng cho người sáng tạo những câu chuyện hoang đường về loài vật như người sói Mowgli, báo đen Bagheera, gấu Baloo, con trăn đá láu cá và mạnh bạo Kaa, rắn mang bành trắng Nag và những con Khỉ ngốc nghếch, nói huyên thuyên. Những truyện kể trong Quyển sách Rừng đã giúp Kipling trở thành tác giả ưa thích nhất đối với trẻ em nhiều nước. Hơn thế nữa, người lớn cũng thích thú đọc nó để sống lại những kỷ niệm thời thơ ấu.



Trong số lớn những tác phẩm giàu tính sáng tạo của Kipling có quyển Kim (1901) đã gây sự chú ý đặc biệt. Tác phẩm mô tả một tu sĩ Phật giáo hành hương dọc theo những bờ con suối mà tín đồ thường tắm tẩy trần. Cách chọn từ cao nhã cũng như sự quyến rủ và thận trọng trong tác phẩm là đặc điểm nổi bật trong phong cách của nhà văn táo bạo này. Nhân vật chú nhãi ranh Kim, một chú tiểu, là mẫu người bao giờ cũng ở trong trạng thái phấn chấn, thích quậy phá.



Thỉnh thoảng có lời kết tội Kipling đôi khi dùng ngôn ngữ có phần thô lỗ và cách sử dụng tiếng lóng của lính tráng trong những bài thơ gần như dung tục của ông. Mặc dù đó là những nhận xét đúng, nhưng bù lại, điều quan trọng trong phong cách của ông là tính nhiệt tình thẳng thắn và là tác nhân của sự kích thích đạo đức. Ông đã chiếm cảm tình của đa số quần chúng độc giả, không chỉ ở các nước Anglo-Indian xem ông như một bậc thầy văn chương vĩ đại, mà còn vượt xa những biên giới của đế quốc Anh rộng lớn.  



Vậy thì nguyên nhân nào khiến cho Kipling được mến mộ khắp nơi trên thế giới? Hay, đúng hơn, bằng cách nào Kipling tự chứng tỏ mình xứng đáng như thế?  Vì sao mà người ta thấy ông xứng đáng được nhận giải thưởng Nobel Văn chương, một giải thưởng mà nhà văn phải đặc biệt chứng tỏ chủ nghĩa lý tưởng trong những quan điểm và nghệ thuật? Câu trả lời như sau:



Về căn bản, Kipling có lẽ không xuất chúng vì tư tưởng uyên thâm hay vì những suy gẫm hơn người. Nhưng ngay cả người quan sát nhanh nhất cũng bất ngờ khi nhận ra tài quan sát độc nhất vô nhị của ông, khả năng tái tạo những chi tiết tỉ mỉ nhất từ hiện thực cuộc sống với độ chính xác đến kinh ngạc. Tuy nhiên, chỉ có tài quan sát, mà nó hết sức trung thực với thiên nhiên, sẽ không đáp ứng trình độ chuyên môn trong trường hợp cá biệt này. Có vài yếu tố khác mà nhờ nó tài năng thi ca của ông được bộc lộ. Khả năng tưởng tượng tuyệt vời của ông không chỉ giúp ông sao chép từ thiên nhiên mà còn cho chúng ta thấy cái nhìn nằm ngoài tiềm thức của ông. Những trang tả phong cảnh của ông hiện ra bất ngờ trước mắt. Ông chỉ cần dùng vài từ đầu tiên là phác thảo rõ ràng tính cách của nhân vật, những đặc điểm tiêu biểu của tính tình và nhân cách của con người đó. Tính sáng tạo không dựa vào nội dung bằng cách chụp ảnh đơn thuần những giai đoạn hiện có của các vấn đề, nhưng nó muốn thâm nhập vào tận cốt tủy và tâm hồn sâu kín nhất của sự vật và con người. Đó là nền tảng của hoạt động văn học.



Nếu Kipling là một người theo chủ nghĩa duy tâm từ một quan điểm mỹ học vì trực giác thi ca, ông cũng là người theo chủ nghĩa duy tâm từ quan điểm tôn giáo trọng luân thường đạo lý, vì ý thức bổn phận của ông, mà nó gây cảm hứng cho một niềm tin ăn sâu trong sự nhận thức tội lỗi. Ông ý thức về sự thực một cách sâu sắc rằng, ngay cả những nhà nước hùng mạnh nhất cũng sẽ diệt vong trừ khi họ đặt nền tảng vững chắc trong lòng công dân biết tuân thủ luật pháp và biết tự kiềm chế hợp lý.



Thế mạnh của Kipling rõ ràng là trí tưởng tượng cũng như sự quan sát do kinh nghiệm. Nó tiềm ẩn trong máu thịt của ông. Mặc dù ông không có được văn phong hoa mỹ gợi cảm và tinh tế của Swinburne, trái lại, ông thoát khỏi mọi khuynh hướng nhằm tôn sùng khoái lạc vì ý thích thấp hèn của một kẻ ngoại đạo. Ông tránh mọi tình cảm ủy mị trong nội dung và hoa hòe hoa sói trong hình thức. Kipling thích cụ thể và tập trung hơn. Trong tác phẩm của ông hoàn toàn không có những miêu tả trừu tượng và uẩn ngữ. Ông có sở trường tìm từ để diễn đạt trong cách kể chuyện, những tên gọi có ý nghĩa mang tính đặc trưng rất chính xác và chắc chắn. Có lúc người ta so sánh ông với Bret Harte, lúc thì với Pierre Loti, lúc thì với Dickens, tuy nhiên ông luôn luôn là chính mình và dường như năng lực sáng tạo của ông thì vô tận.



Nếu Kipling hoàn toàn độc lập như một nhà văn, điều đó không có nghĩa là ông chẳng học được điều gì từ những nhà văn khác, ngay cả những bậc thầy vĩ đại nhất cũng thế thôi. Với Bret Harte, Kipling đã học cách nhìn đời sống sinh động của dân cù bơ cù bất. Với Defoe là sự chính xác trong cách miêu tả từng chi tiết và ý nghĩa của giá trị trong cách dùng thuật ngữ và đoạn văn một cách chính xác. Giống như Dicken, ông có mối thương cảm thấm thiết với những người bần cùng trong xã hội và có thể nắm được tính châm biếm trong những đặc điểm và những hành động tầm thường. Nhưng văn phong của ông rõ ràng là độc đáo, không lẫn lộn với ai. Nó hoàn thành mục đích nhờ gợi ý nhiều hơn là mô tả. Nó không hoàn toàn xuất sắc một cách đồng bộ nhưng nó luôn luôn diễn cảm và sinh động vô cùng.


                        1908 - RUDOLF EUCKEN

                                                 (Đức, 1846 – 1926)




                                                Chân dung triết gia Rudolf Eucken



Viện Hàm lâm Thụy Điển tặng giải thưởng Nobel Văn chương cho triết gia Rudolf Eucken vì “công nhận công lao tìm kiếm sự thực một cách nghiêm túc, khả năng tư duy sâu sắc, có cái nhìn bao quát trong nhiều lãnh vực và cách trình bày vấn đề sôi nổi, có sức thu hút mà ông đã chứng minh và phát triễn triết lý duy tâm của cuộc sống trong nhiều tác phẩm”.   



Giáo sư Eucken đã in nhiều bài viết sâu sắc trong nhiều lãnh vực triết học. Với tư cách là nhà văn, ông đã cho ra đời nhiều quyển sách quan trọng về vấn đề triết học giúp chúng ta hiểu được toàn bộ tư tưởng của ông. Hơn thế nữa, công chúng rộng rãi đã đón nhận những quan điểm sáng suốt và có tính thuyết phục mà ông trình bày để cố gắng  giải quyết những vấn đề cấp bách nhất của nền văn minh đương đại.



Ông xem lịch sử có một ảnh hưởng quyết định đến triết lý của ông, và những nghiên cứu về triết học và lịch sử đã đưa ông đến những vấn đề mà ông quan tâm giải quyết. Từ nhỏ, cuộc sống thực tế của con người và xã hội có ý nghĩa đối với ông nhiều hơn là những khái niệm trừu tượng của sự phân tích tư tưởng đơn thuần.



Ngay từ thời trẻ, Eucken đã làm quen với mọi trường phái triết học ở Đức, nhưng lãnh vực chính của ông là nghiên cứu lịch sử và phê bình về sự nảy sinh và phát triển dòng tư tưởng chính thống liên quan đến sự tiến hóa và đổi thay nền văn hóa chung.



Ông hiểu biết sâu sắc về lịch sử, và những cố gắng đầy ý nghĩa gắn liền với tư tưởng riêng ông về những tác động mạnh mẽ của cuộc sống đối với chứng cứ của lịch sử, đã đặt ông lên trên những quan điểm thiển cận mà chúng muốn cường điệu và hiểu sai ý nghĩa nội tại của lịch sử. Những quan điểm này, phải trả bằng giá  của lòng yêu sự thực khách quan, đã quá phổ biến trong lịch sử của thế kỷ này.



Xa hơn nữa, Eucken nhìn thấy mối đe dọa nền văn minh trong bức tranh biếm họa của chủ nghĩa lịch sử, một phần nó định kéo tất cả mục tiêu vững chắc và mục đích cao cả hơn vào vòng xoáy của một học thuyết tương đối được hiểu sai, một phần cổ vũ những cố gắng thường xuyên để hạn chế và làm tê liệt ý chí con người bằng cách làm cho nhân loại với những phát triễn và thành tựu ăn khớp vào một chủ nghĩa được coi là tự nhiên và quan hệ nhân quả theo thuyết định mệnh.



Nhưng tương phản với Nietzsche, chẳng hạn như ông không tin vào quyền năng của một cá nhân quá tự phụ để duy trì ý chí  của chính mình,  mặc dù có quyền định đoạt bổn phận đối với những qui luật đạo đức bất di bất dịch. Theo quan điểm của Eucken,  không phải là cá nhân hay siêu nhân hiện hữu trong sự chia cắt mà là nhân cách vững mạnh được hình thành trong ý thức của sự hài hòa thanh thoát với những sức mạnh trí thức về vũ trụ, vì vậy con người không phụ thuộc quá sâu, nên nhân cách này được đánh thức để giải phóng chúng ta ra khỏi sự cưỡng bức nông cạn của tạo hóa và sức ép không thể không thoát được một cách hoàn toàn của một chuỗi nguyên nhân và hiệu quả thuộc về lịch sử.



Eucken không loại bỏ thuyết siêu hình nhằm diễn tả những sự kiện dễ ảnh hưởng đến chúng ta trong lãnh vực vô tận của chân lý và đời sống. Nhưng ông cũng không xây dựng một hệ thống vĩnh viễn mà chính ông cũng không muốn. Triết học của ông, mà ông gọi là triết lý hành động, chủ yếu điều khiển những ảnh hưởng của sự tiến hóa loài người và vì vậy nó năng động hơn là tĩnh tại.



Chúng ta có thể xem ông là một triết gia văn hóa (Kulturphilosoph), một người đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn và nhu cầu trong thời đại chúng ta.



                        1909 - SELMA LAGERLOF

                                         (Thụy Điển, 1858 – 1940)




                                              Chân dung Selma Lagerlof

Ngay từ những tác phẩm đầu tay, Selma Lagerlof đã gây sự chú ý trên văn đàn Thụy Điển và trong lòng công chúng. Quyển Truyện kể về giòng họ Gosta Berling - Gosta Berlings Saga - nổi tiếng không chỉ vì nó đánh đổ một cách dứt khoát thuyết duy thực giả dối và không lành mạnh mà còn vì tính chất độc đáo.

Bà sớm bước vào lãnh địa riêng của mình mà đó chính là di sản của tổ tiên: thế giới mầu nhiệm của những truyện thần tiên và cổ tích. Chỉ có một tâm hồn đã được nuôi dưỡng bằng những câu chuyện cổ tích từ thời thơ ấu và tâm hồn đó hết sức giàu tưởng tượng, luôn luôn nhìn thấy xa hay sâu hơn thế giới vô hình, mới dám chuyển dịch những bí mật của thế giới vô hình. Tài tưởng tượng, tính đặc trưng trong những tác phẩm của Lagerlof, thấm đậm trong máu thịt của bà hơn bất cứ ai khác từ thời đại của Nữ thánh Birgitta (*). Giống như những khúc xạ trong hơi nóng của sa mạc tạo nên những ảo tượng sinh động đối với người lạc bước trong đó, trí tưởng tượng đầy màu sắc và ấm áp tình người của bà đã ban cho bà một khả năng tuyệt vời với cái nhìn về ý nghĩa của thực tế sinh động mà bất cứ ai nghe thơ của bà cũng nhớ lại một cách rõ ràng.

Như một họa sĩ chuyên vẽ tranh sinh hoạt nông thôn, bà là người độc nhất vô nhị và có thể tranh đua với những họa sĩ xuất sắc nhất ở các quốc gia khác. Trong tác phẩm Cô gái ở Marsh Croft - Tosen fran Stormytorpet (1908) không ai có thể bắt chước được cách miêu tả hiện thực và trung thực này. Nó chứa đựng một vẻ đẹp mới lạ và thâm sâu mang tính hấp dẫn không thể cưỡng lại được của một tình yêu vị tha làm nền tảng cho toàn bộ tác phẩm. Nhiều tác phẩm của bà cũng mang vẻ đẹp tương tự. Nhưng tài năng của Selma Lagerlof hiển lộ rõ ràng nhất trong tác phẩm nổi tiếng Thánh địa - Jerusalem (1901-02). Những tình cảm thiêng liêng sâu xa thỉnh thoảng khuấy động người dân nông thôn ở đất nước Thụy Điển, hiếm khi được truy nguyên rạch ròi như cách miêu tả cuộc hành hương của người dân Dalekarlia đến thánh địa trong tác phẩm này.

                                        Selma Lagerlof nhận giải Nobel Văn chương 
                                        Tranh minh họa của Svenska Dagbladet

Văn phong của Selma Lagerlof xứng đáng với cách đánh giá Viện Hàn lâm Thụy Điển. Như một người con gái trung nghĩa, bà đã cai quản một di sản ngôn ngữ phong phú mà mẹ bà để lại, từ suối nguồn này đưa đến cách chọn từ trong sáng, cách diễn đạt sáng sủa và nhạc điệu êm ái là nét đặc trưng trong toàn bộ tác phẩm của bà. Cách chọn từ đơn giản và trong sáng, nét đẹp văn phong và tài năng tưởng tượng lại được kèm theo tình cảm tôn giáo sâu xa và mạnh mẽ mang tính đạo đức. Thật vậy, về mặt nào đó, nó không tồn tại với bất cứ ai mà cuộc đời họ là  “sợi chỉ trong khung dệt của Thượng đế”. Điều khiến cho những tác phẩm của Selma Lagerlof quá đáng yêu là hình như chúng ta luôn luôn nghe trong đó có tiếng vọng của những điều tốt đẹp nhất, sôi nổi nhất và kỳ lạ nhất mà chúng luôn luôn lay động tâm hồn người dân Thụy Điển. Ít người hiểu được tâm can của người dân ở xứ sở này bằng một tình yêu như thế. Điều này biểu hiện trong tác phẩm Cô gái ở Marsh Croft  một cách chính xác, nét đặc trưng khốc liệt của nó sáng bùng lên ở cách nhìn về lòng hy sinh của cô gái trẻ, cuối cùng cô nói bằng một tình cảm sâu xa: “Đó là nhân dân tôi. Tôi sẽ không giận họ vì tình yêu và nỗi sợ trong sâu thẳm tâm hồn nhỏ bé của họ dành cho Thượng đế quá nhiều”. Một cái nhìn thân thiết và sâu xa như vậy chỉ có đối với một người mà tâm hồn họ cắm rễ sâu trong lòng đất Thụy Điển và đã hút chất dinh dưỡng của nó từ những câu chuyện thần thoại, lịch sử, dân ca và thiên nhiên. Thật dễ hiểu tại sao sự thần bí, luyến tiếc quá khứ và bóng tối kỳ diệu là tài sản riêng của thiên nhiên Bắc Âu được phản ánh trong toàn bộ tác phẩm của bà. Nghệ thuật vĩ đại của bà chính xác là ở điểm bà biết dùng trái tim cũng như tài năng thiên phú của mình để đưa ra những hình tượng từ nguyên mẫu mà chúng ta tự nhận ra mình trong đó.


(*) Nữ thánh Birgitta : (1303 - 1373), góa phụ của một hoàng tử Thụy Điển, nổi tiếng với tác phẩm Revelations – Mặc khải. Hàng năm được nhân dân làm lễ tưởng niệm vào ngày 8-10.



1910 - PAUL VON HEYSE
(Đức, 1830 –1914)


                                                Chân dung nhà văn

Chúng ta có thể nói một cách chính xác rằng Paul Von Heyse là người sáng tạo ra loại tiểu thuyết ngắn (nouvella) tâm lý hiện đại. Ông ít có dụng ý trong loại tiểu thuyết này, và có lẽ đó là lý do mà chúng ta thích tính khách quan theo quan điểm Goeth của chúng hơn là những truyện dài của ông như Trẻ con Thế giới - Kinder der Welt (1872) và Trên Thiên đàng - Im Paradiese (1875) mà chúng đề cập đến nhiều vấn đề đạo lý. Tác phẩm trước bày tỏ vấn đề đạo lý không lệ thuộc vào những giáo điều hẹp hòi, tác phẩm sau nhằm bảo vệ nghệ thuật chống lại chủ nghĩa đạo đức khắc khổ. Cả hai tác phẩm đều cho chúng ta thấy rõ chủ nghĩa nhân đạo của tác giả. Trong Trên Thiên đàng ông còn miêu tả thế giới nghệ sĩ ở Munich. Với Ngược dòng - Gegen den Strom (1904), Heyse can đảm thách thức những thành kiến cố hữu bằng cách chống lại thông lệ tranh chấp tay đôi. Một năng lực sáng tạo trẻ trung một cách kỳ lạ hiện rõ trong tác phẩm Thần Vệ Nữ chào đời - Geburt der Venus (1909), qua đó ông kiên định và dứt khoát bày tỏ quan niệm thẩm mỹ của mình bằng cách bảo vệ tự do sáng tạo, chống lại chủ nghĩa khổ hạnh bằng cách bút chiến đồng thời chống lại kỹ thuật sao chép tư tưởng nông cạn, tầm thường và ngèo nàn theo chủ nghĩa tự nhiên.

Tuy nhiên, Heyse không chỉ là nhà văn của tiểu thuyết và tiểu thuyết ngắn, ông còn là nhà thơ trữ tình nhất của nước Đức đương thời. Ông đã sáng tác những “tiểu thuyết ngắn” bằng thơ rất thú vị, trong số đó có tập thơ đáng ca ngợi là Salamander (1879). Mặc dù lãnh vực kịch nghệ không phải là tài năng thiên bẩm của ông, nhưng ông cũng viết nhiều vở kịch xuất sắc, có thể chọn hai trong tổng số trên năm mươi vở là: Kolberg (1865) - viết về những người yêu nước và Hadrian (1865) - vở bi kịch hấp dẫn, trong đó sự khôn ngoan và nỗi buồn phiền của nhân vật  Hadrian  trộn lẫn  vào nhau được mô tả bằng một bút pháp cảm động nhất.

Heyse là người có tư tưởng độc lập. Trong khi bạn ông là nhà viết kịch Ibsen ca ngợi hết lời tác phẩm Những người giả vờ và Những tên Viking cướp biển ở Helgeland của ông thì ông chẳng những không thích vở Những con ma mà cả những vở kịch tượng trưng sau đó của ông này. Ông cũng hết sức mê nhạc, nhưng không quá xúc động khi nghe nhạc của Wagner cũng như của Beethoven, Mozart, Schubert, Chopin và Brahms.

Thực sự mà nói rằng nhà văn có sức quyến rủ và  hài hòa này đã được công chúng biết đến rất sơm, nhưng cũng phải công nhận có lúc tình thế thay đổi. Chủ nghĩa tự nhiên, nổ tung về phía trước trong những năm 80 và chiếm ngự quang cảnh văn chương nghệ thuật trong thập niên kế tiếp, nhắm vào sự chối bỏ thần tượng, đã không thương tiếc tấn công chống Heyse bởi những đối thủ sừng sỏ nhất của chủ nghĩa này. Ông cũng là người quá hòa nhã, quá yêu cái đẹp, quá đạo đức và cao thượng đối với những người mà họ phỉ báng ông bằng bất cứ giá nào, những người đòi hỏi cảm giác, ấn tượng, sự phóng túng kỳ quái và những mô phỏng đần độn của những sự thực xấu xa. Heyse không đầu hàng. Thái độ khôn ngoan của ông bị phỉ báng bằng những hành vi thô lỗ của họ. Ông đòi hỏi nhà văn nên nhìn cuộc sống trong một ánh sáng lý tưởng thì văn chương sẽ tôn lên vẻ đẹp thực tế.

Heyse đã đi theo con đường riêng của mình. Về mặt thẩm mỹ ông tôn sùng sự thực, nhưng bằng thái độ đó, ông phản ánh cốt tủy sự thực qua cái nhìn thực tế bên ngoài. Một câu nói nổi tiếng của Schiller: “Cuộc đời thì trang nghiêm mà nghệ thuật thì trầm lặng”. Để hiểu một cách chính xác, nó diễn tả sự thực sâu xa có thể nhìn thấy được trong cuộc đời và tác phẩm của Heyse. Vẻ đẹp cần được phóng thích và tái tạo, nếu không nó không những mô phỏng thực tế một cách mù quáng mà còn bị  kéo xuống bùn đen. Nó mang tính giản dị thanh cao. Heyse biểu lộ vẻ đẹp trong phương diện này. Ông không giảng dạy đạo đức, thứ đạo đức cướp đoạt vẻ đẹp ngay tức thì, nhưng trong tác phẩm của ông chứa nhiều chất thông thái và cao thượng. Ông không thuyết giảng tôn giáo, nhưng người ta không thể tìm thấy bất cứ điều gì làm tổn thương tình cảm tôn giáo một cách nghiêm trọng trong tác phẩm của ông. Mặc dù ông chú trọng đến đạo đức hơn là giáo điều, ông đã diễn tả lòng ngưỡng mộ sâu xa của mình với mọi quan điểm nghiêm túc. Ông là người khoan dung nhưng không lãnh đạm. Ông tán dương tình yêu, nhưng đó là tình yêu thần thánh chứ không phải tình yêu trần tục tô son điểm phấn. Ông thích những ai tin vào bản tánh của mình, nhưng những cá nhân mà Heyse đồng cảm nhất  là những người tôn trọng triệt để bản tánh cao quí của họ nhiều hơn là bản tánh thấp hèn.



1911 – MAURICE MAETERLINCK

(Bỉ, 1862 – Pháp, 1949)



                                            Chân dung tác gi


Tác phẩm đầu tay của Maurice Maeterlinck là tập thơ mỏng mang tên Những móng vuốt nóng bỏng - Serres chaudes (1889). Tập thơ này mang tâm trạng dằn vặt nhiều hơn là điều mà người ta mong đợi từ tính tình trầm tư, điềm đạm của ông. Cùng năm (1889) ông in một vở kịch kinh dị, Công chúa Maleine - La Princesse Maleine. Đây là một vở kịch u sầu, khủng khiếp và đơn điệu vì nhiều cảnh cứ tái diễn nhằm tạo một ấn tượng kéo dài, nhưng nội dung là một câu chuyện thần tiên đầy sức quyến rủ, được viết bằng một sức sống mãnh liệt mà người ta không nghi ngờ ở tác giả Những móng vuốt nóng bỏng. Dù sao đây cũng là một tác phẩm nghệ thuật quan trọng. Vở kịch Công chúa Malein được nhà văn Octave Mirbeau (1848-1917) hết lời ca ngợi trên tờ Le Figaro, và kể từ đó Maurice Maeterlinck bắt đầu nổi tiếng. Sau đó, Maeterlinck viết tiếp một loạt kịch bản. Hầu hết những kịch bản này cho chúng ta thấy những thời đại không thể xác định và những nơi chốn không thể tìm thấy trên bất kỳ tấm bản đồ địa lý nào. Cảnh trí thường là một tòa lâu đài tưởng tượng với những lối đi dưới lòng đất, một công viên với nhiều chỗ có bóng râm dễ thương hay một ngọn đèn biển ngoài khơi xa. Những cảnh tượng u uất này, luôn luôn chuyển dịch mờ ảo như chính ý tưởng trong nhiều tác phẩm sân khấu hoàn hảo nhất của ông. Maurice Maeterlinck là người theo trường phái tượng trưng và thuyết bất khả tri, nhưng không thể kết luận rằng ông là người duy vật. Với bản năng và trí tưởng tượng của nhà thơ, ông cảm thấy rằng con người không chỉ thuộc về thế giới hữu hình, và ông xác quyết rằng thi ca không làm thỏa mãn chúng ta nếu nó không làm cho chúng ta lĩnh hội  được nhiều điều hơn là sự phản ánh thực tế  bí ẩn và sâu thẳm mà đó là suối nguồn của hiện tượng. Chủ đề tư tưởng luôn chiếm lĩnh trong những tác phẩm của ông, đặc biệt những tác phẩm hay nhất, là cuộc đời cao cả, chân chính, tâm phúc và sâu thẳm của con người,  được biểu thị một cách chính xác trong những màn kịch thanh thoát nhất của ông, và xoáy sâu vào những lãnh vực vượt xa hơn ý nghĩ và lý lẽ lan man. Những màn kịch này Maeterlinck thường vượt trội hơn trong cách miêu tả bằng tài năng tưởng tượng hầu như bay bổng và tâm hồn mơ mộng của sức tưởng tượng nhưng với độ chính xác của một nghệ sĩ hoàn hảo. Cùng lúc sự biểu hiện được cách điệu hóa, tính đơn giản hóa của kỹ thuật được đẩy xa như có thể được mà không làm tổn hại đến nội dung của vở kịch.



Vở kịch gây ấn tượng nhất của Maeterlinck là vở Aglavaine và Sélysette (1896), một trong những viên ngọc thuần khiết nhất trong văn chương thế giới.

             

Với năng lực sáng tạo không bao giờ cạn kiệt, năm 1903 Maeterlinck soạn vở kịch kinh dị hấp dẫn Joyzelle. Nó cho chúng ta thấy tình yêu trải qua những thử thách cam go và những thời kỳ u ám là niềm hân hoan chiến thắng, thủy chung với chính bản chất của nó. Marie Magdeleine (1909) mô tả sự thay đổi trong tâm hồn của một người ăn năn tội lỗi và sự chiến thắng vượt qua mọi cám dỗ mà tất cả đều mạnh hơn khi nó chạm đến phần thanh cao nhất trong bản thân nàng một cách chính xác, hối thúc nàng cứu thoát Messiah bằng sự hy sinh của chính mình và của đời sống đạo đức mới mà chính anh ta đã tạo ra cho nàng, nói một cách khác, sự hy sinh hành động sống còn của Messiah. Cuối cùng chúng ta tán dương tác phẩm Con chim xanh -L’Oiseau bleu (1900) , một câu chuyện thần tiên thâm thúy, lấp lánh chất thơ thời thơ ấu, cho dù có nhiều suy nghĩ hoàn toàn thanh thoát ngô nghê. Lạy Chúa ! Con chim xanh hạnh phúc chỉ tồn tại bên kia bờ ranh giới của thế giới có thể bị diệt vong này, nhưng những người có trái tim trong trắng sẽ không bao giờ tìm kiếm nó vô ích, vì đời sống tình cảm và trí tưởng tượng của họ sẽ làm cho họ phong phú và làm cho họ trong sạch trong cuộc hành trình ngang qua những xứ sở cùa vùng đất mộng mơ.



Và vì thế, chúng ta trở lại nơi chốn khởi đầu, vùng đất mộng mơ. Có lẽ chúng ta sẽ không sai lầm nói rằng với Maurice Maeterlinck, mọi sự thực về thời gian và không gian, ngay khi nó không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng, luôn luôn mang tấm mạng của những giấc mơ. Dưới tấm mạng này sự thực của cuộc đời được che dấu, và một ngày nào đó khi tấm mạng được nâng lên, thì bản chất của sự vật sẽ được phát hiện.



1912 - GERHART HAUPTMANN

(Đức, 1862 – 1946)


Chân dung tác giả

 

Người xưa nói rằng thời đại thay đổi thì con người thay đổi theo. Nếu chúng ta nhìn lại quá khứ, chúng ta sẽ phát hiện ra  chân lý này. Chúng ta, những người không còn trẻ nữa, trong cuộc sống hối hả của chúng ta đã có cơ hội để chiêm nghiệm sự thực của lời nói đó, và mỗi ngày chiêm nghiệm nó lại một lần nữa. Nhìn lại chiều dài lịch sử, chúng ta thấy rằng nhiều điều mới mẻ nảy sinh, nhưng trước tiên không được đón nhận mặc dù trong tương lai chúng giữ một vị trí quan trọng. Một hạt giống nẩy mầm và lớn thành một cây đại thụ. Có những tên tuổi trong ngành khoa học đương đại minh họa sự khác biệt giữa những cái khởi đầu khiêm tốn và sau đó thì phát triễn mạnh.



Điều này thật phù hợp với thể loại kịch thơ. Đây không phải là nơi lần ra sự phát triễn của nó qua 25 thế kỷ. Tuy nhiên, có một sự khác biệt ghê gớm giữa dàn đồng ca của buổi lễ tế thần Dionysiac, gọi là bi kịch vì tất cả ca sĩ  đều mặc áo da dê, và những nhu cầu của thời hiện tại tạo nên kịch thơ, và sự khác biệt này tỏ ra tiến bộ đáng kể.



Trong thời đại chúng ta Gerhart Hauptmann đã là một tên tuổi lớn trong lãnh vực kịch nghệ. Trong hầu hết kịch bản của mình, ông đề cập đến tình cảnh của giai cấp hạ lưu mà ông đã hằng tâm nghiên cứu, đặc biệt tại quê nhà Silesia của ông. Những mô tả của ông dựa trên những quan sát sắc bén về con người và môi trường xung quanh. Mỗi một nhân vật đều bộc lộ cá tính đầy đủ - không có dấu vết ước lệ hay rập khuôn. Chẳng một ai mảy may nghi ngờ tính chân thật trong những nhận xét của ông. Họ xác nhận Haupmann là một nhà văn hiện thực vĩ đại.



Hauptmann cũng nổi tiếng về thể loại kịch lịch sử và hài kịch. Ông chưa xuất bản một tập thơ trữ tình nào, nhưng những bài thơ ngẫu hứng trong kịch chứng tỏ tài năng của ông trong lãnh vực này.



Thời kỳ đầu sự nghiệp văn chương, ông đã in một vài truyện ngắn, đến năm 1910, ông cho ra mắt tiểu thuyết Người bị phỉnh vì Chúa: Emanuel Quint - Der Narr in Christo Emanuel Quint. Truyện ngắn Der Apostel trong năm 1892 là phác thảo của tác phẩm này, trong đó chúng ta được biết về đời sống nội tâm của một con người nghèo khổ, anh ta không được hưởng bất cứ nền giáo dục nào khác hơn những điều học được trong Kinh Thánh, và không có bất cứ ý kiến phê bình  nào về những gì anh đã đọc được, cuối cùng đi đến kết luận rằng anh ta là hiện thân của Đấng Cứu thế. Thật không dễ dàng để giải thích đúng về sự phát triễn linh hồn con người mà có thể được xem là bình thường, vì mọi quyền lực và tình huống đều ảnh hưởng đến sự phát triễn của nó. Nhưng quả thật có nhiều khó khăn để đạt được chân lý nếu ta diễn tả sự phát triễn chiều sâu của một linh hồn mà về phương diện nào đó là bất bình thường. Thử nghiệm là táo bạo, thể hiện được điều này phải mất nhiều thập niên làm công việc sáng tạo. Phán xét việc làm này là vô cùng khó khăn. Nhiều ý kiến cho rằng  Emanuel Quint là cách giải quyết bậc thầy của một vấn đề nan giải.



Ưu điểm của Hauptmann là ở cái nhìn sắc sảo và nghiêm khắc đi sâu vào tâm hồn con người. Tài năng này cho phép ông tạo ra những cá nhân có đời sống thật hơn là những mẫu người đại diện cho cách nhìn hay quan điểm cá biệt nào đó trong những kịch phẩm và tiểu thuyết của ông. Tất cả những nhân vật mà chúng ta gặp, ngay cả những nhân vật phụ, cũng có một đời sống trọn vẹn. Trong tiểu thuyết của ông, người ta thán phục những trang mô tả quang cảnh cũng như những phác họa con người có quan hệ ít nhiều với nhân vật chính của câu chuyện. Còn kịch thì chứng tỏ nghệ thuật bậc thầy của ông nhờ sự nội lực cô đọng của chúng, khiến người đọc hay người xem phải theo dõi từ đầu đến cuối. Bất cứ đề tài nào ông đề cập, ngay khi giải quyết mặt trái cuộc đời, ông luôn là người cao thượng. Đức tính cao thượng đó và nghệ thuật được tinh lọc của ông đã tạo cho tác phẩm của ông một sức mạnh tuyệt vời.



1913 - RABINDRANATH TAGORE

(Ấn Độ, 1861 – 1941)



                                            Nhà thơ R. Tagore




Tập thơ tôn giáo Hiến dâng - Song Offerings (1912) của Tagore là một trong những tác phẩm đã gây sự chú ý đặc biệt của những nhà phê bình khó tính khi nó chào đời. Tác phẩm này đã thuộc về tài sản của nền văn học Anh theo đúng nghĩa của nó, vì chính tác giả, người được giáo dục và rèn luyện là một nhà thơ viết bằng tiếng mẹ đẻ Ấn Độ của mình, đã dành cho những bài thơ một vẻ hoàn hảo tân kỳ về hình thức và độc đáo trong cảm hứng.



Người làm vườn, Những bài thơ Trữ tình về Tình yêu và Cuộc sống - The Gardener, Lyrics of Love and Life (1913) tập thơ thứ hai cùng chủ đề cũng được đánh giá như vậy. Tuy nhiên, trong thi phẩm này, như chính tác giả đã cho chúng ta biết, ông đã lập lại nhiều hơn là thăng hoa những cảm hứng ban đầu của mình. Ở đây, chúng ta thấy một giai đoạn khác nữa về tính cách của ông, lúc thì nói về kinh nghiệm hạnh phúc xen lẫn đớn đau của tình yêu thời trẻ, lúc thì day dứt những cảm giác thèm khát và hân hoan mà những thăng trầm của cuộc đời gây ra, tuy nhiên toàn bộ tập thơ thoáng hiện những ý tưởng mơ hồ về một thế giới cao xa hơn.



Trong năm 1913, Tagore xuất bản một tập thơ với tên Trăng lưỡi liềm - The Crescent Moon, mang tính tượng trưng, vẽ ra những bức tranh nên thơ của thời thơ ấu và đời sống quê nhà, và một số bài diển thuyết đọc trước cử tọa là sinh viên Anh và Mỹ mà ông đặt tên chung là Nhận thức cuộc đời - Sâdhanâ: The Realisation of Life. Cả hai tác phẩm này biểu hiện quan điểm của ông về những phương thức con người có thể đạt đến một niềm tin mà dưới ánh sáng của nó có thể thực hiện được để sống. Đây là một tìm kiếm riêng của ông về mối quan hệ đích thực giữa niềm tin và ý tưởng, làm cho ông nổi bật lên như một nhà thơ thiên phú, được biểu thị bằng tư tưởng uyên thâm, nhưng hầu hết những kết quả đạt được là do cảm xúc cao độ và do sức gợi cảm của thứ ngôn ngữ văn hoa mà ông sử dụng.



Tuy nhiên, cũng như bất cứ ai trong chúng ta, ông càng xa lánh tất cả những gì mà chúng ta có thói quen chấp nhận được phân phối và được cung ứng trên những thị trường như thị trường triết học Phương Đông, xa lánh những giấc mơ đau khổ về luân hồi và nghiệp chướng (karma) không dành riêng cho ai, xa lánh thuyết phiếm thần, thực tế là trừu tượng, xa lánh niềm tin luôn luôn được xem như  nét đặc thù của nền văn minh cao ở Ấn Độ. Ngay cả Tagore cũng không chuẩn bị tư tưởng để thừa nhận rằng niềm tin như đã mô tả có thể đòi hỏi bất cứ uy quyền nào từ những lời giáo huấn uyên thâm nhất của những nhà thông thái thời quá khứ. Ông nghiên cứu kỹ Kinh Vệ đà, Upanishads và cả giáo lý của Đức Phật,  trong đó ông đã phát hiện ra cho mình điều mà ông gọi là chân lý không thể bác bỏ được.  Nếu ông tìm kiếm thần linh trong thiên nhiên thì ông thấy ở đó một con người đang tồn tại với những nét đặc trưng của một vị thần có sức mạnh vô hạn, một đấng toàn năng toàn trí mà sức mạnh tinh thần siêu phàm của họ hiện diện khắp thế gian này, đâu đâu cũng có, nhưng đặc biệt trong linh hồn của con người được vĩnh viễn định trước. Tán dương, cầu nguyện và hiến dâng hết mình là những yếu tố tinh thần lan tỏa khắp tập Thơ Hiến Dâng mà ông đặt dưới chân vị thần linh vô danh của mình. Khổ hạnh và ngay cả khắc khổ về mặt đạo đức có vẻ như xa lạ đối với mẫu thần linh mà ông tôn thờ, mẫu thần linh này có thể được đặc trưng hóa như một chủng loài của thuyết hữu thần hợp với nguyên tắc thẩm mỹ. Lòng ngưỡng mộ trong cách mô tả vị thần linh đó thật phù hợp với toàn bộ thi ca của ông, và nó đã ban cho ông sự bình an. Ông tuyên bố sự bình an đó sẽ đến với những linh hồn mệt mỏi và tiều tụy vì lo lắng ngay cả trong linh hồn của những người theo đạo Cơ đốc.




                                 Ngoài tài thi ca, R. Tagore còn có tài hội họa



Đây là chủ nghĩa  thần bí, nếu chúng ta thích gọi như thế, nhưng không phải là chủ nghĩa thần bí chối bỏ nhân cách, tìm kiếm để mải mê trong cái Toàn thể tiếp cận cái Hư vô, mà là thứ chủ nghĩa thần bí, với tất cả tài năng và năng lực của con người được tôi luyện đến mức độ cao nhất, háo hức tiến về phía trước để gặp Đấng Sáng tạo của muôn loài đang tại thế. Nhiều hạng người nhiệt tình theo chủ nghĩa thần bí này không phải hoàn toàn không được biết đến tại Ấn Độ trước thời Tagore,  thật vậy trong số những triết gia và những nhà tu khổ hạnh thời xa xưa còn khắc khổ hơn nhiều dưới nhiều hình thức của bhakti (*), lòng sùng đạo của họ mà cốt lõi là tình yêu thâm sâu và tin tưởng vào Thượng đế. Ngay từ thời Trung cổ, những tu sĩ Du già chịu ảnh hưởng trong một chừng mực nào đó bởi tín đồ Ki-tô giáo và những tôn giáo xa lạ khác, đã tìm kiếm những lý tưởng của niềm tin trong những thời kỳ khác nhau của Ấn giáo, đặc điểm không giống nhau nhưng xét tổng quát đều mang khái niệm của thuyết nhất thần. Tất cả những dạng thức cao hơn của niềm tin này đã biến mất hay bị quá khứ đào thải, bị chết tức tưởi bởi sự phát triển quá sức dồi dào của sự pha trộn  thờ cúng mà đã lôi cuốn tất cả người dân Ấn Độ thiếu khả năng tương xứng để đối kháng lại những lời tán tỉnh của nó. Ngay cả Tagore cũng phải vay mượn một hay nhiều âm điệu khác từ những dàn nhạc giao hưởng của các bậc tiền bối trên quê hương ông, thật vậy ông đã đặt chân lên mặt đất vững chắc hơn trong thời đại này, thời đại mà những cư dân trên trái đất cùng sát cánh bên nhau đi trên con đường hòa bình, mà cũng là con đường tranh chấp, để liên kết và chịu trách nhiệm chung, thơi đại tiêu phí những năng lực riêng của nó để gửi đi lời chúc mừng và thiện ý ra khỏi đất liền và biển cả. Thế nhưng, Tagore, bằng những hình ảnh mang tư tưởng tiên phong, đã cho chúng ta thấy những gì là trần tục bị nuốt chửng như thế nào trong thế giới vĩnh hằng...



 (*) Con đường tu hành bằng từ ái của các Du- già



1919 - CARL SPITTELER

(Thụy Sĩ, 1845 – 1924)






                                         Chân dung tác giả - ảnh chụp 1905.



Tác phẩm Mùa Xuân Olympic - Olympischer Fruhling của Spitteler chỉ được dân chúng Thụy sĩ và Đức biết đến khi tái bản vào năm 1909. Nhưng mỗi năm và đặc biệt từ khi kết thúc chiến tranh (lần thứ I), nó càng lúc càng được mọi người chú ý và số lượng phát hành càng tăng không ngừng. Đây là một con số đáng lưu ý đối với một thiên sử thi 600 trang, được viết bằng thể loại thơ, nói về những vị thần ở Olympus, người đọc phải đọc hết tập và cũng gây sự nhàm chán lẫn tập trung cho họ. Nhà văn này, trong nhiều thập kỷ đã hiến dâng tất cả năng lực của mình cho một công trình đồ sộ như vậy, quả thực đã cố ý và luôn luôn tách biệt mình khỏi cuộc sống đương đại cuồng nhiệt và đã ban tặng một ít tư tưởng cho nhu cầu hiện đại với sự đền bù vật chất tương xứng.



Ông đã không làm điều gì để làm suy yếu những tương phản này. Trái lại, ông đã cố tình chọn một đề tài và cách tiếp cận chắc chắn để gây hoang mang và gây cảm giác khó chịu cho những độc giả có thiên hướng khác nhau hay nền giáo dục và sở thích khác nhau, khi họ cố gắng hiểu được một thế giới đầy thi vị mà ông đã mở ra trước mắt họ. Từ đầu, ông đủ táo bạo để kêu gọi đức tính kiên trì của người đọc phải đi theo ông đến cuối những con đường kỳ lạ của ông, những con đường không chỉ được soi sáng bằng chuỗi hành động liên tục và rõ ràng mà cả những độc thoại lẫn đối thoại của những vị anh hùng, tất cả đều mang kịch tính cao mặc dù cốt truyện là sử thi. Người đọc thành thạo nhận ra những dấu vết của Homer, nhưng điều bất ngờ là ông dẫn người đọc đến một mục tiêu không được biết trước và không bao giờ đoán được.



Nhưng suy cho cùng thì giữa Olympus của Homer và thần thoại mang phong cách riêng của Spitteler có sự tương phản gay gắt và nổi bật! Không gì có thể bất công hơn là lời chỉ trích rằng ông thích lôi cuốn những nhà ngữ văn và những môn đồ uyên thâm khác bằng những ẩn dụ bí hiểm và những biểu tượng thâm thúy vay mượn từ tư tưởng và sự hiểu biết của họ. Cách mô tả những vị thần Olympic và những anh hùng, những huyền thoại và sấm truyền của ông họa hoằm lắm mới làm chúng ta nhớ lại một trong những văn phong hay lối diễn đạt của thi sĩ triết gia Hy Lạp lão luyện này. Có thể  chúng không những được bắt nguồn từ những tìm tòi mới nhất bằng sự uyên thâm về kinh điển, mà còn bằng cách trích dẫn những chứng cứ đáng tin cậy của nhà thơ vào bất cứ hình thức thể hiện nào mang tính phúng dụ. Spitteler không bắt chước bất cứ ai, không bắt chước ngay cả Goethe khi nhà thơ này cố gắng hóa giải sự đam mê của người theo chủ nghĩa lãng mạn và sự cân bằng kinh điển trong những chiếc mặt nạ của Faust và Helen trong tác phẩm Faust. Thần thoại của Spitteler là hình thức biểu hiện hoàn toàn cá nhân, nó phát triển một cách tự nhiên nằm ngoài sở học của ông và nó diễn đạt tình trạng lộn xộn đang tồn tại của những nhân vật sống chật vật mà ông gợi lên để miêu tả chúng theo mức độ của khả năng sáng tạo lý tưởng, miêu tả những nỗi thống khổ, những hy vọng, và những ảo tưởng tan vỡ của con người, những thăng trầm của từng vận mệnh khác nhau trong cuộc đấu tranh tự nguyện chống lại  cảnh nghèo túng đã được an bài.



Thật đầy đủ để nói rằng cuộc đời lỗi lạc của các vị thần Olympic và các thần vũ trụ, tự biểu thị niềm hoan lạc và những thử thách về sức mạnh, kết thúc trong nỗi tuyệt vọng mang khuôn mặt của kẻ vong ân bạc nghĩa, dâm loạn, ác đức và khốn khổ. Herakles, con trai của thần Zeus, được cha, người thân và bè bạn trang bị cho tất cả tài năng toàn hảo, nhưng cùng lúc mang gánh nặng bị Hera, hoàng hậu của các vị thần, nguyền rủa và ghen ghét, phải rời ngọn Olympic để hoàn thành nghĩa vụ bạc bẽo của lòng thương hại và can đảm trên mặt đất.



Những vị thần Olympic, với những kỳ công và những cuộc phiêu lưu của họ, những cuộc chiến đấu thắng lợi và những cuộc cãi vả lẫn nhau, thực tế là những siêu nhân mà nhà thơ quí trọng vì họ có khả năng chế ngự những ý thích chớm nở và lòng khát khao của họ...



1920 - KNUT HAMSUN

(Na-uy, 1859 – 1952)





                                                 Chân dung nhà văn



Mặc dầu trong thời đại chúng ta, có nhiều quan điểm đang thịnh hành muốn tìm kiếm một nền văn học vượt qua bản sao trung thực của thực tế, nhưng vẫn phải đón nhận tác phẩm Sự phát triển của đất - Markens Grode (1917) của Knut Hamsun. Tác phẩm này tiêu biểu cho một cuộc sống mà nó thiết lập cơ sở của sự sống, và cho sự phát triển những xã hội ở bất cứ nơi nào mà con người đang sống và xây dựng. Những mô tả này không bị bóp méo bởi bất cứ ký ức nào của một quá khứ lâu dài, có nền văn minh cao. Nó tạo hiệu quả trực tiếp vì gợi lên sự đấu tranh khắc nghiệt mà tất cả những con người tích cực trong buổi ban đầu phải chịu đựng (trong những điều kiện ngoại giới khác nhau, dĩ nhiên) chống lại một thiên nhiên khó khuất phục. Thật khó diễn đạt về một tương phản nổi bật hơn với những tác phẩm thường được gọi là “kinh điển”.



Tuy nhiên, tác phẩm này xứng đáng được gọi là kinh điển, nhưng trong một ý nghĩa thâm sâu hơn thì tên gọi này dùng để diễn tả một điều gì khác và nhiều hơn là lời ca tụng mơ hồ. Kinh điển, tài sản văn hóa mà chúng ta được thừa hưởng từ thời xa xưa, nó ít mang ý nghĩa mô phỏng thời quá khứ đã hoàn thành hơn là ý ngĩa có được trực tiếp từ cuộc sống, và được mô tả dưới hình thức có giá trị lâu dài, ngay cả trong những thời đại tương lai. Sự tầm thường, ngay bản thân nó không có gì quan trọng, trong khái niệm này không thể hiểu theo nghĩa khác hơn là chính thức hiểu theo nghĩa nhất thời hay khiếm khuyết. Nhưng ngoài cái đó ra, bất cứ điều gì được quí trọng trong đời sống con người, mặc dù nó có vẻ bình thường, có thể được đặt trong cùng phạm trù như khác thường và lỗi lạc, với ý nghĩa và hình thức có giá trị bằng nhau, khi mà lần đầu tiên nó hiện ra trong trạng thái chính xác của nó. Trong ý nghĩa này chẳng có sự cường điệu nào để xác nhận rằng qua tác phẩm Sự Phát triển của đất, Hamsun đã trao cho thời đại chúng ta một tác phẩm kinh điển, nó có thể đọ sức với những tác phẩm xuất sắc nhất mà chúng ta đã có. Chỉ riêng về khía cạnh này, những thế hệ tương lai khó mà hiểu được nó, bởi vì cuộc đời luôn luôn mới và bất tận nên nó luôn luôn được biểu thị trong những hình thái mới được sáng tạo bởi những tài năng mới.



Tác phẩm của Humsun là một bản anh hùng ca lao động, mà tác giả đã cho chúng ta thấy những đường nét vĩ đại. Nó không phải là vấn đề lao động bình thường, mạnh ai lo thân người đó, mà là vấn về lao động cực nhọc tập trung, dưới hình thức thuần túy nhất nó định hướng phát triển con người một cách toàn diện, nó xoa dịu và mang tinh thần chia xẻ với nhau, nó bảo vệ và làm tăng lợi tức của họ bằng sự phát triển thường xuyên và liên tục. Lao động của người tiên phong và người nông dân đầu tiên với muôn vàn khó khăn, dưới ngòi bút của một nhà thơ, theo đó đảm nhiệm vai trò đấu tranh quả cảm mà không khuất phục điều gì, bằng đức tính hy sinh cao cả cho xứ sở và bạn bè cùng hội cùng thuyền với họ. Cũng giống như nhà thơ nông dân Hesiod (*) mô tả những người lao động trên đồng ruộng, Hamsun đã làm nổi bật hình ảnh người lao động lý tưởng cống hiến cả cuộc đời và sức lực của mình để khai khẩn đất đai và chiến thắng những trở ngại mà con người và sức mạnh của thiên nhiên cản phá. Nếu Hamsun đã bỏ lại sau lưng tất cả những ký ức nặng nề của nền văn minh, bằng tác phẩm của mình, ông đã góp phần cho việc hiểu biết chính xác về nền văn hóa mới, mà thời đại chúng ta mong đợi, phát sinh do sự phát triển của lao động vật chất như một tiếp diễn của nền văn minh cổ.



Những dự tính này nọ của con người, thay vì suy giảm lại tăng cường cảm giác cho người đọc nhờ nội dung kinh điển của câu chuyện. Chúng xua tan nỗi e sợ mà người đọc cảm thấy ánh sáng của lý tưởng phải trả giá bằng sự thật, chúng bảo đảm tính chân thật ý đồ của tác giả, sự chính xác của những hình ảnh và nhân vật. Tính nhân đạo thông thường của chúng dành cho mọi người. Bằng chứng là những người có tâm tính, ngôn ngữ và phong tục khác nhau đều đón nhận tác phẩm này. Hơn nữa, qua lối hành văn hóm hỉnh, tác giả đã đề cập đến cả những điều buồn bả nhất mà ông đã trải qua , ông đã chứng tỏ lòng trắc ẩn của mình đối với số mệnh và bản chất con người. Nhưng trong truyện, ông luôn luôn giữ phong thái thâm trầm của một nghệ sĩ hoàn thiện nhất. Văn phong của ông không cầu kỳ hoa mỹ. Ông diễn tả thực tế sự việc chính xác và trong sáng.  Người đọc có thể tìm gặp trong tác phẩm này màu sắc phong phú tiếng mẹ đẻ của tác giả...



(*) Hesiod: nhà thơ Hy lạp, sinh ở Ascra (miền Trung tâm Cổ Hy lạp) khoảng giữa thế kỷ VIII trước Tây lịch.
 



1921 - ANATOLE FRANCE
(Pháp, 1844 – 1924)

Anatole France thời trẻ

Chỉ một vài tác phẩm của Anatole France đã xuất bản cũng đủ cho tên tuổi ông nổi tiếng khắp thế giới, điều mà ông chẳng ao ước nhưng không thể tránh khỏi. Ông được công nhận là bậc thầy kể chuyện nhờ ở sự uyên bác, trí tưởng tượng, văn phong trong sáng mà quyến rũ, và tính châm biếm thâm trầm cùng tình cảm nồng nàn kết hợp lại để tạo ra những hiệu quả kỳ diệu.

Có lúc, France mở ra trước mắt chúng ta một hộp khảm ngọc trai đựng đầy nữ trang vô giá được chạm trổ bởi bàn tay của bậc thầy thời xa xưa. Chúng ta tìm thấy trong đó những truyền thuyết mang tính châm biếm nhẹ nhàng nhưng hết sức quyến rũ, của Cêlestin và d’Amyers – một nhà tu khổ hạnh già và vị thần Đồng án trẻ - cùng hát   bài  Ngợi ca lễ Phục sinh, một người tán dương sự trở về của Chúa còn người kia thì tán dương mặt trời lại mọc lên, những tín đồ có chung lòng mộ đạo vô nhiễm, cuối cùng tập hợp lại - dưới con mắt hoảng hốt của nhà viết sử - trong cùng một ngôi mộ thiêng. Câu chuyện này cho chúng ta thấy France sống trong một vương quốc mà ông say mê, một vương quốc giữa người ngoại đạo và tín đồ của Chúa Ki-tô, nơi vàng thau lẫn lộn, nơi những người cuồng dâm gặp những tông đồ của Chúa, nơi những con vật trần tục và linh thiêng đi lang thang, nơi những chất liệu phong phú được tìm thấy để thực hiện khả năng tưởng tượng của ông, dự tính của ông và tính châm biếm đầy trí tuệ của ông bằng mọi sắc thái của nó. Người ta thường không biết nên gọi nó là hư cấu hay hiện thực.

Chúng ta hãy cùng ông tản bộ một cách thản nhiên, không chút sợ hãi, trong khu vườn của Epicurus. Ông sẽ dạy chúng ta tính khiêm tốn. Ông sẽ nói với chúng ta: thế giới thì vô cùng rộng lớn còn con người thì vô cùng nhỏ bé. Các bạn tưởng tượng ra điều gì? Lý tưởng của chúng ta là những chiếc bóng dễ nhận ra nhưng đi theo chúng, chúng ta sẽ tìm thấy niềm hạnh phúc đích thực duy nhất của chúng ta. Ông sẽ nói rằng tính chất tầm thường của con người là phổ biến, nhưng ông sẽ không loại trừ nó. Chúng ta có thể trách cứ ông về thú nhục dục chiếm ngự một vị trí quá lớn trong vài tác phẩm và về quan điểm mang chủ nghĩa khoái lạc, chẳng hạn, được ông mô tả bằng dấu hiệu hoa huệ đỏ của miền Florence nước Pháp, mà không được thực hiện bằng những ý tưởng nghiêm túc. Ông sẽ trả lời, theo những câu châm ngôn của người cha tinh thần của ông, rằng những khoái lạc của tinh thần vượt trội hẳn những khoái lạc của thể xác, và sự thanh thản của tâm hồn là nơi ẩn náu cho người khôn ngoan lái chiếc thuyền của mình để trốn thoát những cơn bão của đời sống nhục dục.

Theo khuynh hướng này, Anatole France từ bỏ tư tưởng ẩn dật mang tính thẩm mỹ của mình, cái “tháp ngà” của ông,  để lao vào cuộc xung đột xã hội trong thời đại ông, hò hét như Voltaire để khôi phục quyền con người bị lên án một cách bất công cũng như khôi phục chủ nghĩa yêu nước bị thương tổn của ông. Và ông đã đi vào những khu nhà ở của công nhân tìm kiếm biện pháp hòa giải giữa giai cấp và quốc gia. Kết cuộc có hậu cho ông. Sau khi được hưởng nhiều năm vui vẻ ở cung điện của ba chị em nữ thần Graces, ông vẫn ném tia sáng kiến thức vào cuộc đấu tranh cho chủ nghĩa duy tâm, vào một thời đại tiến bộ, ông tiến hành chống lại thời kỳ suy đồi của những tầng lớp thượng lưu và chống lại chủ nghĩa duy vật cùng quyền lực của đồng tiền. Ông chẳng phải là người tham danh vọng. Tác phẩm của ông được bàn luận nhiều là tác phẩm viết về Jean d’Arc. Nó đã làm ông hao tốn không biết bao nhiêu công sức, với ý định xé tan màn bí mật của vị nữ anh hùng gây nhiều cảm hứng của nước Pháp để khôi phục nàng lại đúng với bản chất, với đời sống thực. Đó là việc làm khó khăn vô vụ lợi trong kỷ nguyên chuẩn bị phong thánh cho nàng.

Những vị Thần khát nước - Les Dieux ont soif (1912)  là vở kịch nổi tiếng về cuộc Cách mạng Pháp, giống như mặt trận  tư tưởng,  nó phơi bày những số phận tầm thường của con người được phản chiếu trong máu. Một thế kỷ là khoảng thời gian quá ngắn cho phép phác họa một cách rõ ràng bước đi của con người tiến đến lòng khoan dung và nhân đạo hơn. Nhiều sự kiện diễn ra thật ứng với những lời tiên đoán của ông làm sao! Nhiều năm sau khi tác phẩm này có mặt một tai ương khủng khiếp xảy ra. Hiện giờ biết bao vũ đài xinh đẹp đã được chuẩn bị cho những trò chơi của những kẻ hiếu chiến! Khói của những trận đánh vẫn còn lơ lửng trên mặt đất. Và hiện lên khỏi làn khói mờ là những nhà tài phiệt, những vị thần nham hiểm của quả đất. Phải chăng họ là kẻ trở về từ cõi chết? Nhà tiên tri u sầu thông báo một mặc khải mới. Một làn sóng dị đoan đe dọa cuốn trôi nền văn minh. Anatole France vận dụng vũ khí tinh vi và có khả năng phá hủy từ từ để truy đuổi những hồn ma và những ông thánh giả mạo. Trong thời đại chúng ta, niềm tin là vô cùng cần thiết, nhưng niềm tin đó phải được thanh lọc bởi sự ngờ vực lành mạnh, bởi tinh thần minh mẫn, một chủ nghĩa nhân đạo mới, một chủ nghĩa Phục hưng mới, một Phong trào Cẩi cách mới...



1922 - JACINTO BENAVENTE

(Tây Ban Nha, 1866 – 1954)




Chân dung tác giả



Jacinto Benavente đã cống hiến phần lớn tài năng sáng tạo của mình cho sân khấu, và có thể nói ông đã phát triển tài năng một cách có hệ thống thông qua nhiều trạng thái khác nhau của kinh nghiệm. Nhưng với nhà nghệ sĩ giàu sáng tạo này, phương pháp hình như là cách biểu hiện trực tiếp và phóng túng của con người ông. Chúng ta có thể nói rằng  không ai có thể đạt đến mục đích bằng ít nỗ lực và suy ngẫm so với giá trị thành đạt của ông.



Cảm xúc điều khiển ông cũng là cảm xúc của một bản chất cực kỳ hài hòa và trọn vẹn: nó không chỉ là nghệ thuật kịch và không khí sân khấu mà ông yêu mến. Ông cũng yêu thương cuộc sống xã hội bằng một tình cảm nồng ấm, yêu thương thế giới thực tế mà nhiệm vụ của ông là đưa nó lên sân khấu. Nó không phải là vấn đề chỉ tôn thờ cuộc sống một cách thiển cận và thiếu suy xét. Ông đã quan sát thế giới của mình bằng đôi mắt cực kỳ sắc bén và sáng suốt, ông đã cân đo nó bằng một trí óc linh hoạt và tỉnh táo. Ông không cho phép mình bị lừa bịp không những bởi con người mà còn bởi những quan niệm, không những ngay cả quan niệm riêng mà còn cảm hứng chủ đạo riêng của ông nữa.



Vì thế, văn phong của ông mang tính đặc trưng dễ phân biệt nhất - uyển chuyển. Văn phong như thế có một giá trị rất hiếm, đặc biệt trong thời đại chúng ta, mà trên thị trường thì nhu cầu quá ít còn mọi người thì hầu hết không nhận ra.



Hoạt động của ông đặc biệt nằm trong lãnh vực hài kịch, nhưng đối với chúng ta thuật ngữ này ở Tây Ban Nha mang tính toàn bộ nhiều hơn, nó bao gồm điều mà chúng ta thường gọi là kịch dành cho giai cấp trung lưu, kết thúc không bi lụy. Nếu có một kết thúc bi lụy thì gọi là bi kịch và Benavante cũng viết nhiều vở kịch như thế, trong đó có vở Yêu lầm - La Malquerida (1913) xuất sắc và gây xúc động. Ông cũng soạn nhiều vở kịch lãng mạn và kinh dị đầy chất thơ.



Nhưng sở trường của ông nằm trong những hài kịch, mà, như chúng ta đã biết, chúng đều nghiêm túc và đều gây cười cho khán giả, đồng thời ông cũng soạn những hài kịch ngắn, mà trong văn học Tây Ban Nha được phát triển thành một loại kịch đặc biệt với truyền thống cổ và hết sức thú vị. Với thể loại kịch ngắn này, Benavente là một bậc thầy làm say mê lòng người nhờ tính dí dỏm tự nhiên và cảm hứng tươi vui cũng như vẻ tao nhã mà ông tạo ra. Nói chung, Benavente không có ý định làm cho khán giả đau khổ, mục đích của ông là giải quyết những xung đột giữa u sầu và thất vọng một cách hài hòa. Sự hài hòa này thường đạt được bằng nhẫn nhục, không buồn chán mà cũng chẳng lâm ly bi đát và không có những hành động để tỏ thiện ý gì lớn lao.



Những vở bi kịch khác lạ, đơn giản và trầm lắng tiêu biểu của ông như: Chinh phục linh hồn - Alma triumfante (1902), Lòng tự trọng - La propria estimacion (1915) và Tấm bảng tên màu trắng - Campo de armino (1916) đều mang đậm lòng nhân đạo thuần túy lạ thường .

Những truyền thống thi ca Tây Ban Nha bao gồm chủ nghĩa hiện thực kiên quyết, táo bạo, và hoàn chỉnh, phát triển khả năng sáng tác nhiều cùng sự quyến rũ không thể bắt chước được theo tinh thần giải trí cốt để vui và  dựa vào thực tế, không dựa vào lời đàm thoại dí dỏm. Benavente đã chứng tỏ mình thuộc trường phái này, và theo cách riêng của mình, ông đã cho chúng ta thấy hài kịch hiện đại mang nhiều đặc điểm tinh thần cổ điển. Ông đã chứng tỏ mình là người trung thành đáng kính của nền thi ca cổ điển và có văn phong cao nhã.




1923 - WILLIAM BUTLER YEATS

(Ireland, 1839 1922)



                                             Chân dung nhà thơ



Ngay từ thời niên thiếu, William Butler Yeats đã nổi tiếng là một nhà thơ. Tự truyện của ông cho chúng ta biết rằng những thôi thúc nội tâm đã định đoạt mối quan hệ của ông với thế giới thi ca khi còn bé...



Khi sân khấu kịch Ireland ra đời, Yeats đã tích cực tuyên truyền làm náo động cả sân khấu lẫn công chúng, và buổi trình diễn đầu tiên dành cho vở kịch Nữ Bá tước Cathleen - The Countess Cathleen (1892) của ông. Tiếp theo kịch phẩm hết sức giàu chất thơ này là một loạt kịch thơ, tất cả đều lấy chủ đề Ireland rút ra từ những truyện kể chiến công của các vị anh hùng thời xa xưa. Trong số này, có những vở  nổi tiếng như: Deirdre (1907) - một bi kịch về số phận của nàng Helen, người con gái Ireland; Mũ sắt xanh - The Green Helmet (1910) - một thần thoại vui về những vị anh hùng thời sơ khai hoang dã; và nổi bật hơn cả là vở Ngưỡng cửa của nhà Vua - The King’s Threshold (1904), ở đây tính thâm trầm và vẻ trang nghiêm hiếm có của tư tưởng  đã lan tỏa trong chất liệu đơn sơ của vở kịch. Cuộc tranh chấp về vị trí và đẳng cấp của nhà thơ ở cung đình đã gây ra vấn đề luôn cấp bách cũng như gây ra bao nhiêu vấn đề tinh thần được cho là đúng trong thế giới chúng ta, và không biết những vấn đề đó có được đón nhận bằng niềm tin đích thực hay giả dối. Với những yêu sách mà nhân vật chính trong vở kịch đánh cược cuộc đời mình lên đó, anh ta bảo vệ uy thế của thi ca mà chính nó làm cho đời người tốt đẹp và đáng trọng. Không phải nhà thơ nào cũng đề xuất những yêu sách như thế, nhưng Yeats thì có thể làm được: chủ nghĩa duy tâm của ông không bao giờ bị phai mờ mà cũng chẳng nghiêm khắc với nghệ thuật của ông. Trong những kịch phẩm này thơ của ông đạt đến vẻ đẹp hiếm có văn phong vững vàng.



Tuy nhiên, điều làm cho người ta say mê nhất là nghệ thuật mà ông thể hiện trong tác phẩm Xứ sở Dục vọng - The Land of Heart’s Desire (1894). Nó có cả sức lôi cuốn của loại thơ mang chất thần kỳ và cả sự tươi mát của mùa xuân, sự trong sáng cũng như giai điệu kỳ ảo. Thật thú vị, tác phẩm này cũng là một trong những tác phẩm tinh tế nhất của ông. Nó có thể được xem như một đóa hoa trong vườn thi ca của ông khi ông chưa viết vở kịch thơ ngắn Cathleen ni Hoolihan (1902) - một vở kịch dân gian giản dị nhất và là một tác phẩm cổ điển hoàn hảo nhất của ông.



Tác phẩm này có tác động mạnh hơn bất cứ tác phẩm nào khác khi ông chạm vào sợi dây của lòng yêu nước. Chủ đề là cuộc đấu tranh cho tự do của người Ireland qua nhiều thời đại, và nhân vật chính là người Ireland cải trang thành một người đàn bà ăn xin đây đó. Nhưng chúng ta không chỉ nghe tiếng nói của lòng căm thù, và tính chất cảm động sâu sắc của vở kịch được kiềm chế nhiều hơn bất cứ bài thơ nào có thể so sánh được. Chúng ta chỉ nghe phần cao cả nhất và trong sáng nhất của lòng tự ái  dân tộc, lời thoại thì ít và diễn biến kịch thì đơn giản đến mức cao nhất có thể được. Toàn bộ vở kịch thật lớn lao không có một chi tiết màu mè. Chủ đề, đến với Yeats trong một giấc mơ, đã giữ lại tính chất huyền ảo của nó dấu hiệu đặc trưng của một tài năng từ quan điểm nói trên mà không xa lạ với triết lý thẩm mỹ của Yeats.




                                              Chân dung nhà thơ

                                             do John Singer Sargent vẽ năm 1908

 

Những năm đầu thập niên 20, kịch của Yeats luôn luôn mang tính lãng mạn vì chất liệu khác thường của chúng, nhưng về mặt hình thức ông cố gắng cho chúng đạt tới sự giản dị kinh điển. Chủ nghĩa kinh điển này dần dần phát triển đến việc bắt chước dùng những từ cổ. Nhà thơ đã tìm tòi để đạt đến cách tạo hình nguyên thủy xuất hiện trong buổi ban đầu của nghệ thuật bi kịch. Ông đã dồn hết tâm trí vào công việc tự giải phóng mình khỏi sân khấu hiện đại, với cảnh phông sân khấu làm nhiễu loạn hình ảnh được đánh thức bởi khả năng sáng tạo, với những phạm vi diễn mà động tác của diễn viên cần được khuếch đại bằng đèn chiếu trước sân khấu, với yêu cầu của khán giả về ảo giác hiện thực. Yeats muốn làm nổi bật chất thơ như nó được sinh ra bằng trí tưởng tượng của nhà thơ, ông đã tạo ra hình thể cho trí tưởng tượng này theo mô hình kịch của Hy Lạp và Nhật Bản. Vì vậy ông đã làm sống lại cách sử dụng mặt nạ và đã tạo ra  một khoảng rộng thích hợp cho những động tác của diễn viên đi đôi với nền nhạc bình dị…



1924 - WLADYSLAV REYMONT

(Ba Lan, 1867 - 1925)

  


                                           Chân dung tác giả




Những người nông dân Úchlopi - (1904 - 09) là tác phẩm của trí tưởng tượng viết bằng tiếng Ba Lan, khởi đầu từ một cuốn tiểu thuyết theo trường phái tự nhiên, đặc biệt về hình thức mà thể loại đó tiếp nhận là từ nhà văn Zola của Pháp. Reymond đã thừa nhận rằng ý tưởng về tác phẩm của ông được gợi lên nhờ quyển tiểu thuyết La Terre của Emile Zola, không phải do lòng ngưỡng mộ của ông đối với cuốn sách mà do sự phẫn nộ và đối kháng kích động. Trong cuốn sách đó, ông nhận ra tính cách của tầng lớp xã hội mà ông lớn lên và yêu mến với tất cả tâm hồn, được nuôi dưỡng bằng những hồi ức tuổi thơ, được mô tả theo qui ước, bị bóp méo và thô lỗ. Ông từng có nhiều kinh nghiệm phong phú về tầng lớp này, ngay trong lòng nó, và với một sự hiểu biết đầy đủ về nó chứ không phải như Zola, chỉ đơn thuần thông qua những bài báo điều tra vội vàng cho phù hợp với một chủ đề được định trước và những kết quả sắp sẵn. Ông muốn mô tả tầng lớp này một cách trung thực, không vì một lý do gì mà làm sai lệch nó. Nhưng Zola lại có một ảnh hưởng quyết định đến tác phẩm theo một kiểu cách hoàn toàn khác và tích cực hơn. Tác phẩm Những người nông dân - Chlopi (1904 - 09), mà chúng ta biết dưới hình thức cuối cùng của nó,  khó có thể hiểu được nếu không có những bài học mà Reymont rút ra được từ tác phẩm của Zola như một tổng thể - sự mô tả tinh tế về môi trường, tính chân thực không nhân nhượng của nó, và những hoạt động hài hòa với thiên nhiên bên ngoài và đời sống con người. Mặc dù, Những người nông dân, có khuynh hướng là một tiểu thuyết theo chủ nghĩa tự nhiên nhiều hơn về mặt phương pháp, nhưng lại là thiên anh hùng ca về mặt tầm vóc.

 

Tác phẩm đạt được thành quả của nó chính là từ thực tế mà tất cả yếu tố xung đột và tình trạng náo động dần dần được giải quyết trước mắt chúng ta, giống như nhiều cơn sóng chống lại một con sóng; những vòng tròn không bao giờ trải dài tới tận chân trời bình lặng tiếp giáp với thi ca; tình trạng náo động không đặt câu hỏi và không còn gởi lời than van vượt qua giới hạn đó. Thế giới mà chúng ta có trước mặt chúng ta là một thế giới hữu hạn và những nền tảng của nó không thể lay chuyển; nhưng nó không phải là thế giới của sự cưỡng bách và giam hãm. Nó rộng lớn đủ cho con người có thể biểu lộ chính mình bằng hành động theo thước đo năng lực của họ. Đó chính là sự hài hòa của một vẻ đẹp nên thơ. Bất kể niềm hạnh phúc nào được ghi nhận, điều khổ đau nhất không thể chữa lành - sự khác biệt giữa thực tế đã qui định  và những đòi hỏi lý tưởng - là không được tìm thấy ở đó, hoặc ít nhất nó cũng không đạt đến sự hiểu biết. Bi kịch cay đắng thường xuyên nhất, là bi kịch từ bên trong làm tiêu tan một sinh vật thành từng  mảnh , vẫn chưa được tái tạo; những hình thù mà chúng ta thấy là toàn vẹn và vừa bình dị vừa chuyển động trong một bộ phận. Dù cho những hình thù này lớn hay nhỏ, dù diện mạo chúng đẹp hay xấu, chúng vẫn khoác một vẻ đẹp tạo hình và một thứ  tượng đài bằng chất dẽo. Đó chính là điều mà nhà văn Ba Lan này muốn đạt tới trong tác phẩm Những người nông dân, và ông đã thành công.   



Tóm lại, quyển tiểu thuyết có tầm vóc sử thi này được viết  bằng một nghệ thuật thật cừ khôi, xác thực, có sức hấp dẫn đầy ma lực, mà chúng ta có thể tiên đoán rằng nó sẽ có giá trị và thứ hạng trường cửu, không phải chỉ trong nền văn học Ba Lan mà còn trong dòng văn học giàu tính sáng tạo.



1925 - GEORGE BERNARD SHAW

(Anh, 1856 –1950)




George Bernard Shaw, ảnh chụp năm 1925

khi tác giả nhận giải Nobel Văn chương. 



Những tiểu thuyết mà Bernard Shaw viết từ thời trẻ cho chúng ta thấy ông có cùng một quan niệm về thế giới và cùng một thái độ về những vấn đề xã hội mà ông đã bảo vệ lâu nay. Chính điều này đã giúp ông hơn bất cứ thứ gì khác chống lại những lời buộc tội dai dẩng rằng ông thiếu chân thành và hành động như một diễn viên kịch vui chuyên nghiệp trước tòa án dân chủ. Những tư tưởng của ông là những tư tưởng cấp tiến có phần thiếu thực tế; vì thế chúng xa rời cái mới, nhưng chúng nhận từ ông một cái mới khác - rõ ràng và sáng chói. Trong ông, những tư tưởng này kết hợp với sự hóm hỉnh sẵn có, coi thường các qui ước xã hội, và óc hài hước cao độ - tất cả cùng tập hợp trong một hành động ngông cuồng mà trước kia hiếm khi thấy xuất hiện trong văn chương.



  Điều khiến cho người ta khó xử nhất là sự vui đùa thái quá của ông: họ sẵn sàng tin rằng những điều ông bày ra chỉ là một trò chơi và một ước muốn làm giật mình thiên hạ. Điều này không giống với sự thực mà chính Shaw đã từng tuyên bố rằng thái độ bất cần của ông thực ra chỉ là một mưu mẹo: ông phải chọc cho người ta cười để họ không thể tìm ra ý tưởng chết tiệt của ông. Nhưng chúng ta biết rất rõ rằng, khó có điều gì buộc ông phải từ bỏ tính bộc trực, và biết rằng ông chọn thứ vũ khí đó vì nó thích hợp với ông cũng như nó có hiệu quả nhất. Ông vận dụng nó với ngòi bút thiên tài, dựa trên một ý thức tuyệt đối trầm tĩnh và tự tin.



Ban đầu ông trở thành một nhà tiên tri về những học thuyết cách mạng, hoàn toàn khác nhau về những giá trị, trên những lãnh vực mỹ học và xã hội học, và chẳng bao lâu ông nổi tiếng như một người giỏi tranh luận, một nhà hùng biện tiếng tăm, và là một nhà báo. Ông đã đặt dấu ấn của mình trên sân khấu Anh như một chiến sĩ của Ibsen, và là đối thủ của truyền thống thiển cận, cả người Anh lẫn người Paris. Lúc 36 tuổi ông mới bắt đầu viết kịch nhằm thỏa mãn nhu cầu nội tâm thôi thúc. Ông viết theo bản năng, tin chắc rằng mình có nhiều điều để nói.



Bằng cách ngẫu nhiên này, ông đã tạo ra một loại hình nghệ thuật kịch mới mà nó cần được đánh giá theo những nguyên tắc đặc biệt của nó. Tính mới lạ của loại kịch này không nằm trong cấu trúc và hình thức. Nhờ có kiến thức uyên bác về kịch nghệ, ông dễ dàng đạt được hiệu quả sân khấu mà ông cảm thấy cần thiết cho mục đích của mình.



Nhìn lại những tác phẩm hay nhất của Shaw, chúng ta sẽ dễ dàng tìm thấy ở nhiều đoạn, bên dưới tính hài hước và bất chấp của ông, là  một điều gì đó giống như chủ nghĩa duy tâm mà nó được biểu hiện trong nhân vật anh hùng Thánh Joan. Sự phê phán của ông về xã hội và cái nhìn của ông về quá trình phát triển có lẽ biểu lộ quá máy móc, những suy nghĩ quá vội vàng, quá đơn giản một cách vô tổ chức; nhưng cuộc chiến đấu của ông chống lại những khái niệm truyền thống mà nó không dựa trên một cơ sở vững chải nào và chống lại những  cảm xúc truyền thống mà nó hoặc giả tạo hoặc chỉ chân thật nửa vời, làm bằng chứng cho tính kiêu ngạo là những mục tiêu của ông. Trong tác phẩm của ông nổi bật nhất vẫn là tính nhân bản, và những đức tính mà  ông tỏ lòng  kính trọng - sự tự do tinh thần, tính trung thực, lòng can đảm, và tư tưởng trong sáng - rất hiếm có những người theo đến cùng trong thời đại của chúng ta.





                                      Tượng của Shaw do Peter Beens tạc



  Những nhận định trên đây chỉ là một góc nhìn nhỏ bé đối với toàn bộ sự nghiêp của Shaw. Chúng ta chưa nhắc đến những lời nói đầu nổi tiếng của ông - hay đúng hơn là những chuyên luận - mà ông viết cho hầu hết các kịch phẩm của mình. Chính những kịch phẩm đã làm cho ông trở thành một trong những kịch tác gia lôi cuốn nhất của thời đại, trong khi những lời nói đầu của ông lại đưa ông lên đẳng cấp một Voltaire - nếu chúng ta chỉ nghĩ đến phần tốt đẹp nhất của Voltaire. 



1926 - GRAZIA DELEDDA

(Ý, 1871 – 1936)




Chân dung tác giả, 1926



Grazia Deledda sống suốt thời thơ ấu và thanh niên ở Nuoro, một thị trấn của Sardinia, nơi chôn nhau cắt rún của bà. Khung cảnh thiên nhiên và cuộc sống của người dân ở đó đã trở thành nguồn cảm hứng và là linh hồn cho những tác phẩm văn học của bà sau này. Trong một ngôi nhà đơn sơ mang vẻ cổ kính, xung quanh là thiên nhiên hoang dã xinh đẹp và những con người có dáng vẻ oai vệ sơ khai, ''các cô gái chúng tôi'', Grazia Delleda viết ''không bao giờ được phép đi ra ngoài trừ dịp đi dự lễ Tro hay dịp đặc biệt dạo chơi miền quê''. Bà không có cơ hội để tiếp thụ một nền học vấn tiên tiến, và giống như những đứa trẻ thuộc tầng lớp trung lưu trong vùng, bà chỉ học ở trường địa phương. Sau này bà theo học một số lớp dạy tư về tiếng Pháp và tiếng Ý vì gia đình bà chỉ giao tiếp bằng thổ ngữ Sardinian. Vì thế nền giáo dục mà bà hấp thụ không rộng. Tuy nhiên bà làm quen và say mê những bài dân ca địa phương như những bài thánh ca, những khúc ballad, những bài hát ru. Bà cũng rất quen thuộc những truyền thuyết và truyền thống của Nuoro.



Để đánh giá giá trị nghệ thuật về văn phong của bà,  một trong những nhà phê bình nổi tiếng của Ý đã viết: ''Văn phong của bà là văn phong của những bậc thầy vĩ đại về thể loại truyện kể, mang dấu ấn đặc biệt của tất cả những nhà văn lớn. Ngày nay không ai ở Ý có thể viết những cuốn tiểu thuyết với văn phong có khí lực, điêu luyện hay những sự hiểu biết về xã hội mà tôi đọc được trong một số tác phẩm, nhất là những tác phẩm mới nhất của Grazia Delleda như Người mẹ - La Madre (1920) và Bí mật của người đàn ông độc thân - Il Segreto dell'uomo solitario (1921)”.



Người ta chỉ chú ý đến bố cục trong những tác phẩm của bà  không chặt chẽ, có những đoạn chuyển tiếp bất ngờ khiến người đọc có cảm giác hụt hẩng. Nhưng nhược điểm này lại được đền bù nhờ nhiều tính năng khác của bà. Như một họa sĩ của thiên nhiên, bà ít có điểm tương đồng trong nền văn học châu Âu. Bà không tiêu phí một cách vô ích những màu sắc sinh động của mình. Thiên nhiên mà bà mô tả có những đường nét phóng khoáng, bình dị như những bức tranh phong cảnh cổ, đúng với vẻ uy nghi, hoang dại của nó. Đó là một thiên nhiên sống động một cách kỳ diệu, có sự  giao hòa tuyệt đối với đời sống tâm lý của các nhân vật của bà. Như một nghệ sĩ tài ba thật sự, bà đã thành công trong việc kết hợp chặt chẽ cách diễn tả tình cảm và thói quen của con người với cách mô tả thiên nhiên .



Trong những tiểu thuyết của Grazia Delleda con người và thiên nhiên hòa hợp làm  một. Người ta có thể nói rằng con người là cây cối nẩy mầm trên chính mảnh đất Sadinia. Đa số họ là những nông dân chân chất, với tính nhạy cảm và kiểu suy nghĩ đơn sơ, nhưng lại có một cái gì đó lớn lao trong bản chất tự nhiên của người Sardinia. Một số người mang vóc dáng của những nhân vật lạ thường trong Cựu Ước. Và bất kể họ khác nhau như thế nào, họ vẫn cho chúng ta cái cảm giác hiển nhiên của những con người có thực trong đời sống thực. Họ không giống chút gì gọi là những con búp bê trên sân khấu. Grazia Delleda là bậc thầy của nghệ thuật vừa theo khuynh hướng hiện thực vừa theo khuynh hướng duy tâm . Bà không thuộc về nhóm nhà văn làm việc theo một chủ đề và tranh luận nhiều vấn đề. Bà luôn luôn giữ mình tránh xa các trận bút chiến của thời đại.




                                Tác giả với chồng và con trai, 1905



Mặc dù bà ít quan tâm đến lý thuyết, nhưng bà lại rất quan tâm đến mọi mặt của đời sống con người. Bà viết trong một bức thư: ''Nỗi lo lắng lớn của chúng ta cuộc đời đi quá nhanh. Đó là lý do tại sao chúng ta phải cố gắng làm cho cuộc sống chậm lại, làm cho nó mãnh liệt hơn, làm cho nó có ý nghĩa phong phú nhất. Người này phải cố gắng sống trên cuộc sống của người kia, như mây ở trên biển''. Chắc chắn là vì cuộc đời phong phú và đáng yêu đối với bà, bà không bao giờ muốn tham gia vào các cuộc tranh luận văn chương, xã hội hay chính trị của thời đại. Bà yêu con người hơn các lý thuyết và sống cuộc đời yên tĩnh cách xa những náo động của cuộc sống. Trong một bức thư khác, bà viết: ''Số phận đã xui khiến tôi sinh ra  trong lòng xứ Sardinia cô độc. Nhưng dù cho tôi có sinh ra ở Rome hay ở Stockholm, tôi cũng sẽ chẳng khác đi. Tôi vẫn sẽ luôn luôn là tôi - một tâm hồn say sưa với những vấn đề của cuộc sống, nhận thức rõ ràng về con người đúng với tư cách người của họ,  đồng thời vẫn tin rằng họ có thể tốt hơn và chính họ chứ không ai khác ngăn cản họ giành được sự thống trị của Đức Chúa Trời trên cõi đời này. Lòng căm ghét, sự tàn ác và nỗi đau có lẽ một ngày nào đó, người ta có thể chinh phục nó bằng tình yêu và thiện chí''.



Những lời cuối cùng này diễn tả cách nhìn của bà về cuộc sống, một cách nhìn nghiêm túc và sâu sắc mang màu sắc tôn giáo. Đó thường là một cái nhìn buồn nhưng không bao giờ bi quan. Bà tin tưởng rằng cuối cùng cái tốt sẽ chiến thắng. 



1927 - HENRI BERGSON

(Pháp, 1859 – 1941)




 Chân dung tác giả

                         

Trong cuốn Thuyết tiến hóa sáng tạo - L'évolution créatrice (1907), Henri Bergson đã tuyên bố rằng những hệ thống triết học thành công và trường cửu nhất đều bắt nguồn từ trực giác. Phát hiện này được trình bày trong luận án tiến sĩ của ông: Essai sur les données immédiates de la conscience (1889), trong đó thời gian được nhận thức không phải là một cái gì trừu tượng hay hình thức mà như là một thực tại, không thể tách khỏi cuộc sống và tự thân con người. Ông đặt cho thời gian cái tên là ''sự kéo dài'', một khái niệm có thể được diễn dịch là ''thời gian sống'', tương tự với sức mạnh cuộc sống. Đó là một dòng chảy năng động, với sự biến đổi liên tục về chất lượng và không ngừng tăng trưởng. Nó vượt quá sự suy nghĩ. Nó không thể nối liền với bất kỳ một định kiến nào, vì như thế nó sẽ bị giới hạn và không còn tồn tại lâu dài nữa. Nó chỉ có thể được nhận biết và cảm thấy bởi một ý thức tập trung và phản tỉnh để quay về nguồn gốc của nó.



Điều mà chúng ta thường gọi là thời gian, loại thời gian đo được bằng sự chuyển động của đồng hồ hay sự xoay quanh mặt trời, là một điều hoàn toàn khác. Đó chỉ là một hình thức được tạo ra bởi trí óc và hành động của con người. Tận cùng của sự phân tích hết sức tinh tế, Bergson kết luận rằng nó chẳng là gì ngoài việc ứng dụng của hình thái không gian. Sự chính xác, chắc chắn, và hạn chế của toán học thịnh hành trong phạm vi của nó. Nguyên nhân được nhận ra từ hậu quả và vì thế nó mọc lên tòa lâu đài đó, một sáng tạo của trí óc, mà sự thông minh của nó bao trùm thế giới, dựng lên một bức tường bao quanh nỗi khao khát thân thiết nhất của tâm trí chúng ta hướng về tự do. Những khát vọng đó tìm thấy sự thỏa mãn trong ''thời gian sống'', ở đó, nguyên nhân và hậu quả được hợp nhất; không có điều gì được tiên đoán một cách chắc chắn, vì sự chắc chắn nằm trong hành động, tự thân nó đơn giản, và chỉ có thể được thiết lập bởi chính hành động đó. Thời gian sống là vương quốc của sự chọn lựa tự do và những sáng tạo mới, một vương quốc mà trong đó mọi điều chỉ được tạo ra một lần duy nhất và không bao giờ có sự lập lại y hệt. Lịch sử của nhân cách hình thành trong đó.



Học thuyết tiến hóa trong tác phẩm L'Évolution créatrice của Bergson là một bài thơ hùng vĩ đầy ấn tượng. Bài thơ, nếu muốn nhìn theo cách đó, trình bày một loại sự việc có kịch tính. Thế giới được tạo ra bởi hai khuynh hướng đối lập nhau. Một khuynh hướng đưa ra vấn đề mà trong ý thức riêng của nó, có chiều hướng bi quan; khuynh hướng thứ hai là cuộc sống có tư do tình cảm bẩm sinh và sức mạnh sáng tạo thường hằng, càng lúc càng  hướng về ánh sáng tri thức và những chân trời vô hạn. Hai yếu tố này trộn lẫn vào nhau, cái này là tù nhân của cái kia, và sản phẩm của sự kết hợp này đươc phân nhánh thành nhiều cấp độ khác nhau.



Sự khác biệt nguồn gốc cơ bản đầu tiên được phát hiện giữa thế giới thực vật và thế giới động vật, giữa những hoạt động cơ học chuyển động và bất động. Nhờ mặt trời, thế giới thực vật vẫn bảo lưu được năng lượng mà nó rút ra được từ vật chất trơ; động vật thì được miễn trừ nhiệm vụ cơ bản này vì nó có thể thu hút năng lượng đã dự trữ trong thực vật mà từ đó nó giải phóng năng lượng xảy ra cùng lúc và tương ứng với nhu cầu của nó. Ở một mức độ cao hơn trong chuỗi sự kiện này, thế giới động vật sống bám vào thế giới thực vật, nhờ có sự tập trung năng lượng này, để làm nổi bật sự phát triển của nó. Vì thế những đường lối tiến hóa ngày càng đổi khác và sự chọn lựa của chúng là đi vào ngõ cụt: bản năng được sinh ra cùng lúc như cơ quan mà nó sử dụng. Khả năng hiểu biết cũng hiện hữu trong giai đoạn trứng nước, nhưng trí tuệ vẫn còn ở mức thấp hơn bản năng.



Nếu những phác thảo tư tưởng của Bergson chứng tỏ hợp lý đủ để làm chỉ nam cho tinh thần nhân loại, trong tương lai, chắc chắn rằng ông có một ảnh hưởng lớn hơn ảnh hưởng mà ông đã có lúc này. Là một người viết chú trọng đến văn phong và là một nhà thơ, ông không nhường bước cho ai trong số những người cùng thời với ông. Trong việc tìm kiếm sự thật khách quan một cách nghiêm túc của họ, tất cả những khát vọng của ông được xáo động lên bởi tinh thần yêu chuộng tự do, phá vỡ tình trạng nô lệ mà vật chất qui phục vào, tạo chỗ trống cho chủ nghĩa duy tâm.



1928 - SIGRID UNDSET

(Na-uy, 1882 – 1949)




Chân dung tác giả thời trẻ

 

Trong những cuốn truyện dài hay tiểu thuyết ngắn (novella) đầu tiên đáng chú ý của Gigrid Undset, đã vẽ nên một thế giới hiện tại của những thiếu nữ trong vùng Christiania. Đó là một thế hệ không biết mệt mỏi, sẵn sàng có những quyết định can đảm ngay khi những khát vọng hạnh phúc đứng bên bờ vực thẳm, sẵn sàng nhận lấy những hậu quả tình cảm và lý trí cuối cùng của bản chất thôi thúc, và say mê sự thật. Thế hệ đó phải trả giá đắt cho ý nghĩa của thực tại mà nó đòi hỏi. Nó phải trải qua nhiều cuộc thử nghiệm trước khi thu phục được sự thống nhất tinh thần, và một vài đại diện của nó đã phải chết trong cuộc tranh đấu. Những người phụ nữ của thế hệ này bị cô lập một cách kỳ quặc trong thế giới hỗn độn này. Họ không được bảo vệ theo luật lệ xã hội được thiết lập một cách vững chắc, họ được xem như là một gánh nặng vô dụng, họ chỉ dựa trên chính mình để tạo ra một xã hội mới, có sức thuyết phục, hết sức ngay thật, nhưng cũng dễ nhầm lẫn.



Cha bà là một nhà sử học tài năng, từ thời bé bà đã sống trong không khí đầy truyền thuyết lich sử và văn học dân gian. Ở đó bà tìm thấy chất liệu thật sự thích hợp với bản chất của bà, và trí tưởng tượng của bà tương xứng với tầm vóc của nó. Những nhân vật từ quá khứ mà bà mô tả là một thể thống nhất hoàn chỉnh hơn và là một khuôn mẫu vững chắc hơn là các nhân vật đương thời. Thay vì bị giam hãm trong sự cô lập cùng quẩn, họ tham gia vào khối đoàn kết của những thế hệ đã qua. Đám đông vĩ đại này tồn tại trong tác phẩm của bà với một hình thù sống động, kiên định hơn là cái xã hội bất định trong thời đại chúng ta. Đây là thách thức lớn đối với một nhà văn cảm thấy trach nhiệm nặng nề mà mình phải mang.



Cuộc sống tính dục, vấn đề chung cho cả hai phái, là trung tâm cho những phân tích tâm lý của Sigrid Undset, lại được tìm thấy, hầu như không thay đổi, trong các tiểu thuyết lịch sử của bà. Về mặt này, sự chống đối về mặt tinh thần đến một cách tự nhiên. Trong các tài liệu thời trung cổ, vấn đề nữ giới không được biết đến; người ta không hề tìm thấy những dấu vết về cuộc sống nội tâm cá nhân mà sau này là vấn đề được gợi lên. Nhà sử học, đòi hỏi các bằng chứng, có quyền chú ý đến sự không nhất quán này. Nhưng, lời tuyên bố của nhà sử học không phải là tuyệt đối; ít nhất nhà thơ cũng có quyền bình đẳng để biểu lộ chính mình khi anh ta tin tưởng vào kiến thức trực giác và vững chắc về tâm hồn con người. Nhà thơ có quyền giả định rằng bản chất con người thật khó thay đổi qua các thời đại, ngay cả khi biên niên sử của quá khứ  im lặng về một số vấn đề.




                                 Tác giả trong phòng làm việc



Thể văn kể chuyện của bà mạnh mẽ, chảy xiết và đôi khi nặng nề. Nó cuồn cuộn như một dòng sông, không ngừng nhận những nhánh sông mới mà dòng chảy của nó cũng được tác giả mô tả, nó liều mạng bắt trí nhớ người đọc phải làm việc quá sức. Điều này một phần xuất phát từ  chính bản chất của vấn đề. Trong một chuỗi thế hệ, những xung đột và những số phận mang một hình thái tập trung, đấy là những đám mây va chạm nhau khi các ánh chớp sáng lóe lên. Tuy nhiên, sự nặng nề này cũng là kết quả của lòng nhiệt tình và trí tưởng tượng tức thời của tác giả, tạo nên một cảnh tượng và một cuộc đối thoại của mỗi tình tiết trong cách kể chuyện mà không cần quay lại nhìn toàn cảnh. Và dòng sông rộng lớn, mà dòng chảy của nó khó mà ôm lấy một cách toàn diện, trôi cuồn cuộn những làn sóng mạnh mẽ mang theo người đọc, lao vào với một trạng thái đờ đẫn. Nhưng tiếng gầm của nước lại mang vẻ tươi mát bất tận của thiên nhiên. Trong những ghềnh thác, suối nguồn, độc giả tìm thấy sự vui thích bắt nguồn từ sức hấp dẫn của sức mạnh thiên nhiên, như những mặt hồ rộng lớn trong suốt như gương mà họ cho là phản ánh của cái bao la, họ nhìn thấy tất cả sự vĩ đại của bản chất con người. Rồi, khi dòng sông ra tới biển, khi nàng Kristin Lavrandastter trong tác phẩm Kristin Lavrandastter (1920 - 22) chiến đấu cho đến phút cuối cùng của trận chiến đời nàng, không ai phàn nàn về chiều dài của dòng sông cứ chồng chất lên trên số phận nàng. Trong thi ca của mọi thời đại, những cảnh tượng tuyệt mỹ như thế không nhiều…



1929 - THOMAS MANN

(Đức, 1875 – 1955)

                           


Chân dung tác giả, ảnh chụp năm 1937.



Tiểu thuyết hiện thực - người ta có thể gọi nó là một thiên sử thi hiện đại ảnh hưởng bởi chủ nghĩa lịch sử và khoa học - là sáng tạo của người Anh, Pháp và Nga, với những tên tuổi như Dickens và Thackeray, Balzac và Flaubert, Gogol và Tolstoy. Không có đóng góp đáng kể nào từ nước Đức trong một thời gian dài. Đến cuối thế kỷ thứ 19, khi một nhà văn trẻ 27 tuổi, con trai một thương gia từ thành phố Hanse cổ xưa của xứ Lubeck, phát hành cuốn  tiểu thuyết Buddenbrooks (1901) thì hai mươi bảy năm sau, kể từ ngày, ấy đã chứng minh rằng Buddenbrooks chính là tác phẩm lấp đầy khoảng trống đó. Đây chính là cuốn tiểu thuyết hiện thực đầu tiên của nước Đức và vẫn chưa có ai vượt qua được về mặt văn phong kỳ vĩ của nó. Chính nó đã tạo ra một chỗ đứng bình đẳng và không thể chối cãi trong dòng văn học châu Âu.



Buddenbrooks là một cuốn tiểu thuyết viết về giai cấp tư sản, vì thế kỷ mà nó mô tả là thời đại của giai cấp tư sản. Nó mô tả một xã hội không quá lớn khiến người đọc phải bối rối nhưng cũng không quá hạn hẹp làm cho người ta phải ngạt thở. Một cấp độ vừa phải thích hợp cho một nhà phân tích thông minh, sâu sắc, tinh tế và một  phản ảnh phức tạp. Chúng ta bắt gặp một nền văn minh tư sản với tất cả những sắc thái của nó, những chân trời lịch sử, những sự thay đổi thời đại, thay đổi thế hệ, sự chuyển đổi dần dần từ  những nhân vật độc lập, mạnh mẽ, không e thẹn đến những loại nhân vật đầy suy tư với tính đa cảm yếu đuối. Cách trình bày rõ ràng nhưng đi sâu vào phần chìm để che dấu quá trình phát triển của cuộc sống; nó đầy uy lực nhưng không thô bạo, và chạm nhẹ nhàng vào những điều tế nhị, nó buồn và nghiêm túc nhưng không bao giờ là tuyệt vọng vì nó tràn đầy tâm trạng trầm tĩnh, sâu lắng được phản chiếu một cách đa dạng màu sắc trong lăng kính của một trí thông minh châm biếm.



Trong một truyện ngắn sâu sắc nhất của Thomas Mann, Tonio Kroger (1903), ông đã tìm ra những từ ngữ xúc động đơn giản nhất để diễn tả tình yêu cuộc đời. Nó biểu hiện óc phê phán, tự  quan sát, tinh tế về mặt tâm lý, sâu sắc về mặt triết lý và cảm quan mỹ học đối với chàng trai Thomas Mann như những sức mạnh tàn phá và phân hủy. Vì ông đứng ngoài thế giới tư bản mà ông mô tả, ông có cái nhìn tự do, nhưng ông có cảm giác luyến tiếc quá khứ vì đánh mất tính ngây thơ trong sáng, một cảm giác cho ông am hiểu, đồng cảm và kính trọng.



Các truyện ngắn trong Tonio KrogerTristan (1903) mô tả về những cuộc sống đày đọa, những kẻ say mê nghệ thuật, tri thức, và cái chết, thú nhận niềm ao ước của họ về một cuộc sống đơn giản và lành mạnh, về ''cuộc sống vô vị đầy sức cám dỗ của nó''. Chỉ có tình yêu nghịch lý của riêng Mann dành cho bản chất hạnh phúc và đơn giản mới có thể nói lên được những điều đó.



Trong tiểu thuyết Vị Hoàng tử - Konigliche Hoheit (1909), hình thức hiện thực của nó ngụy trang bằng một câu chuyện tượng trưng, ông đã hòa hợp cuộc sống của một nghệ sĩ với cuộc sống của một con người hành động, và ông đã đề ra phương châm cho lý tưởng con người đó: ''sự cao quý và tình yêu - một niềm hạnh phúc đơn sơ''. Nhưng sự tổng hợp này không thuyết phục cũng không sâu sắc như phản đề trong Buddenbrooks và ở các truyện ngắn khác. Trong vở kịch Fiorenza (1906), nhà đạo đức học Savonarola và nhà mỹ học Lorenzo di Medici như những kẻ thù không đội trời chung, hố ngăn cách giữa con người với con người lại lộ ra lần nữa. Trong tác phẩm Cái chết ở thành Venice - Der Tod in Venedig - (1913) nó lại chạm vào ý nghĩa bi kịch.



Chiến tranh Thế giới Thứ nhất và hậu quả của nó buộc Mann phải từ bỏ thế giới của lòng ngưỡng mộ, sự phân tích tài tình và cách nhìn tinh tế về cái đẹp, để quay lại với thế giới của hành động thực tiễn. Ông đi theo lời chỉ bảo của riêng mình, hàm ý trong cuốn tiểu thuyết Vị Hoàng tử của ông, rằng hãy cảnh giác với cái dễ dãi và tiện nghi, và tự buông mình vào một nhận định mới đầy đau đớn về vấn đề đất nước của ông đang đối diện với thời kỳ tai họa. Đặc biệt cuốn tiểu thuyết Ngọn núi kỳ bí - Der Zauberberg (1924), minh họa cuộc đấu tranh tư tưởng mà bản chất biện chứng của ông chiến đấu đến phút cuối và nó báo trước những tuyên ngôn về quan điểm của ông.



1931 - ERIK AXEL KARLFELDT

(Thụy Điển, 1864 – 1931)






Chân dung tác giả, 1937



Nếu nhìn lại chặng đường văn học đáng nể của Karlfeldt từ lúc khởi đầu vào 1895 và tiếp tục suốt ba thập niên sau, mặc dù có hạn chế về số lượng do những tiêu chuẩn nghiêm khắc của ông, chúng ta sẽ thấy rất rõ rằng làm thế nào mà tác giả có thể sử dụng tài năng của mình với bản năng hiếm có cho sự thành đạt, vững chắc và xác thực đến thế! Ông khởi đầu như một người hát rong hay một ca sĩ ca ngợi thiên nhiên, ý thức được tài năng của mình nhưng vẫn còn hồ nghi về tiếng gọi của nghề nghiệp. Có ích gì cho những ước mơ chất đầy trong lồng ngực mình? Liệu nó có thể có ý nghĩa gì cho toàn thể loài người? Lúc khởi đầu sự nghiệp, nhà thơ tìm kiếm một kẻ đại diện, một cái tôi biến đổi, một nhân vật độc lập thích hợp để diễn tả những cảm xúc, đau khổ và lòng khao khát cũng như tài châm chọc của ông.



Thơ của Fridolin - Fridolins visor (1898) nổi tiếng trước tiên là một tác phẩm nói về tính nhút nhút, vì nhà thơ miễn cưỡng phải hiện nguyên hình con người thật của mình và phơi bày tâm tư thầm kín của mình ra. Chẳng bao lâu Fridolin đã trở thành tác phẩm kinh điển, và ông đã có một vị trí trong buổi dạ hội lớn của miền Bắc Bacchus, người anh em họ quê mùa của những nhân vật của Bellman, với một dáng đi vững chải hơn, nhưng có những bông hoa trên mũ từ lễ hội mùa màng ở Pungmakerebo.



Căn nhà của Karlfeldt ngày càng trở thành một thế giới văn nghệ thu nhỏ, trong đó vũ trụ được phản ánh giống như những quang cảnh trong sách Thánh kinh phản ánh trên các bức bích họa kỳ dị thời kỳ Baroque trong các ngôi nhà nông trại ở Dalekarlia. Với khiếu hài hước thường được ngụy trang dưới lớp vỏ tôn kính, ông giữ cho con người của mình không vẩn đục, và tạo được sự hài hòa cân đối. Nhưng sự phát triển có vẻ như yên ả đó đã chứa đựng nhiều đấu tranh và căng thẳng, đủ để tạo nên một áp lực cần thiết cho sức bật sáng tạo. Đối với Karlfelt, thi ca là một cuộc thử nghiệm sức mạnh và bản chất con người ông. Vì thế, ông đã cho thi ca của mình có một kết cục đầy năng lực trong tập thơ Tiếng tù và Mùa thu - Hosthorn (1927), lời bạt của ông được chơi trên cây đàn organ mùa đông, với tiếng nhạc vút lên tận trời cao nhưng cùng lúc người ta lại nghe tiếng vọng của thời thơ ấu từ những ngôi giáo đường sơn trắng nhỏ bé ở Dalarna.



Sự nhất quán trong tác phẩm của ông là một điều hiếm có trong thời đại chúng ta. Nếu có ai hỏi về vấn đề chính của Karlfeldt là gì, người ta có thể nghe được câu trả lời: tính kỷ luật tự giác. Tính sáng tạo của ông phát triển trên đất đai của một kẻ ngoại giáo và vùng hoang dã rộng lớn, thường thì ông không bị lôi cuốn vào những chủ đề làm mê hoặc lòng người và loại bia đen của vùng Uriel, nếu như ông không cảm thấy có sự hiện diện của quỷ dữ. Thiên nhiên náo động bị bóp nghẹt dưới ánh trăng của những lễ hội ngoại giáo là một trong những cảnh mà ông gợi lên cho người đọc. Sự tương phản giữa tật nghiên rượu nặng từ trong máu và nỗi khao khát trong sáng của linh hồn tái diễn thường xuyên trong thơ ông. Nhưng những yếu tố khác nhau ấy không bao giờ tiêu diệt lẫn nhau. Như một nghệ sĩ ông đã thuần hóa chúng bằng cách duy trì lòng thành thật với chính mình và cho nó một bút pháp rất riêng ngay đến những chi tiết nhỏ nhất.



  Thi ca của Karlfeldt rõ ràng là mang dấu ấn của một sự hoàn hảo kỳ lạ. Làm sao chúng ta quên được những bài thơ tứ tuyệt vang lên như tiếng chuông hay rung lên như những sợi dây đàn, nhưng trên tất cả là chúng được hát với một giọng hát đặc biệt rền vang khác tất cả những giọng hát khác.




Trong tất cả các tác phẩm thi ca lớn đều có mối tương quan hỗ tương giữa truyền thống và kinh nghiệm, và những nguyên tắc của sự tân tạo và bảo tồn được chứa đựng trong đó. Truyền thống quốc gia tồn tại trong thơ Karlfeldtvì nó đã được hồi phục với tư cách cá nhân và có đặc tính của một cuộc xâm chiếm hầu như đã giành được. Chúng ta có thể vui mừng rằng nhà thơ này, với những cảm hứng có được từ một quá khứ đang biến mất hay đã biến mất dần, đã sử dụng những phương tiện diễn đạt hoàn toàn không theo những qui ước cũ kỹ và trình bày những cách tân táo bạo, trong khi những người theo cái mới thường tự hài lòng bước theo sau những khuynh hướng mới nhất hay những mốt nhất thời. Chẳng hồ nghi gì nữa, mặc dù chủ đề có tính cách địa phương của mình, nhà thơ xứ Dalarna là một trong những nhà thơ đương đại đã chắp đôi cánh táo bạo cho trí tưởng tượng và thể nghiệm khả năng của những loại hình thi ca...




1932 - JOHN GALSWORTHY


(Anh, 1867 – 1933)







Chân dung tác giả





Trực giác của ông chính xác đến độ ông có thể tự hài lòng với một lời bóng gió nhẹ nhàng. Nhưng ở nhà văn này cũng có sự châm biếm, một vũ khí đặc thù mà ngay cả giọng điệu là đã phân biệt ông với các nhà văn khác. Có nhiều loại châm biếm khác nhau. Một loại là kiểu châm biếm tiêu cực và có thể so sánh nó như sương muối trên cánh cửa sổ của một căn nhà không có lửa, nơi bếp lò đã lạnh cóng từ lâu. Nhưng cũng có kiểu châm biếm thân ái với cuộc sống, bật ra từ nhiệt tình, sự quan tâm, và tình nhân loại, đó là kiểu châm biếm của Galsworthy. Đối diện với cái xấu vừa bi vừa hài, lối văn châm biếm của ông như là cách đặt vấn đề tại sao nó phải là như thế, tại sao nó lại cần thiết, và phải chăng không có gì có thể sửa chữa được. Đôi khi Galsworthy đã để cho thiên nhiên tham dự một phần vào trò chơi châm biếm đó về con người, để nhấn mạnh những cay đắng ngọt bùi của những biến cố với sự trợ giúp của gió, mây, mùi hương thơm ngát hay tiếng chim kêu. Với sự tham gia của lối văn châm biếm này, ông đã thành công khi gợi lên những hình ảnh tâm lý,  luôn luôn là bạn đồng hành tốt nhất của hiểu biết và cảm thông nhau.

                                                  

                   Bury House, nơi chôn nhau cắt rốn của nhà văn


Có lần Galsworthy đã tuyên bố phương châm nghệ thuật của ông bằng những từ như sự hài hòa, cân xứng. Chúng biểu lộ thiên hướng của ông, một lý tưởng tinh thần mà giờ đây thường đáng ngờ, có lẽ vì nó quá khó để có thể đạt được. Chẳng bao lâu, chúng ta khám phá ra rằng nhà văn đã thật nghiêm túc và kiên trì tấn công vào hạng người quý phái có tính tự mãn điển hình, bản thân ông đã thành công trong việc đưa cuộc sống mới vào những quan điểm xưa, và như thế nó có thể giữ gìn được mối tương quan cả con người lẫn bản năng mỹ học vô hạn. Trong con người nghệ sĩ của Galsworthy, những phẩm chất kia được gọi một cách hoa mỹ trong tiếng Anh là tính hòa nhã. Những phẩm chất này thể hiện trong những tác phẩm của ông, và theo cách này chúng đã trở thành một đóng góp văn hóa cho chính thời đại của chúng ta. 



1934 – LUIGI PIRADELLO

(Ý, 1867 – 1936)





                                              Chân dung tác giả.

Tác phẩm của Luigi Piradello bao quát mọi thể loại. Ông đã sáng tác một số lớn truyện vừa, in chung thành một tuyển tập đồ sộ mang tên Novelle per un anno (15 tập, 1922 – 1937). Bộ sách này đa dạng về chủ đề cũng như tính cách nhân vật. Bằng lối viết vừa khôi hài vừa châm biếm, ông mô tả cuộc đời không những hoàn toàn hiện thực mà còn mang tính triết lý sâu xa và cả nghịch lý nữa. Cũng có những sáng tác của trí tưởng tượng nên thơ, vui nhộn mà trong đó những nhu cầu thực tế nhường chỗ cho một lý tưởng  và chân lý sáng tạo.



Nhưng thành công lớn lao nhất của Luigi Piradello là kịch. Kịch của ông hầu hết đều đặt ra những vấn đề triết lý. Nỗi cay đắng trong thời đại hiện nay của chúng ta đã ảnh hưởng nhiều đến những vở kịch mang tính triết lý bi quan, cho dù triết lý này dựa trên bản chất của tác giả. Tập kịch Maschere Nude [bản dịch tiếng Anh: Naked Masks] (1918-1921) khó dịch sang một ngôn ngữ khác vì tính phức tạp của nó. Theo nghĩa đen, tên tập kịch có nghĩa là “những cái mặt nạ không che đậy”, nhưng “mặt nạ” thường biểu thị cái mặt ngoài trần trụi. Tuy nhiên, đối với Piradello, “mặt nạ” như là một cương lĩnh về vấn đề cá tính mà ông luôn luôn ám ảnh. Theo ông, cái tôi chỉ tồn tại trong mối tương quan với người khác, nó bao gồm những khía cạnh thường biến đổi được giấu kín trong một vực thẳm bí hiểm.



Nét đặc trưng nổi bật nhất trong nghệ thuật kịch của Piradello là phân tích tâm lý nhân vật bằng tài năng ma thuật của mình. Ông  không từ bỏ những khuynh hướng văn chương phổ quát. Ông đề cập đến những vấn đề xã hội và đạo đức, những xung đột giữa các bậc cha mẹ và cấu trúc xã hội với những quan điểm cứng nhắc của nó về danh dự và khuôn phép lễ nghi, và những khó khăn mà lương tâm con người nhận biết được để tự bảo vệ, chống lại những kẻ thù giống hệt nhau. Về mặt đạo đức cũng như lý luận, tất cả đều được nêu ra trong những tình huống phức tạp và kết thúc hoặc là chiến thắng hoặc là thất bại. Những vấn đề này có bản sao tự nhiên của chúng để phân tích nhân xưng “tôi” của các nhân vật, những người có liên quan cũng như có ý tưởng chống lại cái mà họ đang chiến đấu.



Nói chung, kịch của Piradello đều đặt vấn đề chính là phân tích về “tôi” – sự phân hủy trái với nguyên lý cơ bản của nó, sự phủ định tính đồng nhất và không thực tế của nó và những mô tả mang tính tượng trưng của Maschere Nude. Nhờ hiệu suất vô tận của trí tuệ, ông tấn công vấn đề từ nhiều mặt khác nhau.



Bằng cách thăm dò chiều sâu của chứng điên rồ, ông đã phát hiện ra nhiều điều quan trọng. Chẳng hạn trong vở bi kịch Vua Henry IV [Enrico IV] (1922), ấn tượng mạnh nhất đến từ cuộc đấu tranh của cá nhân để khẳng định mình trong dòng thác vô tận của thời gian. Luật chơi [Il giuoco delle parti] (1919) là vở kịch trừu tượng hoàn toàn. Ông sử dụng những khái niệm giả tạo của bổn phận để tạo cho người xem nhớ rằng xã hội có thể bị khuất phục bởi sức mạnh của truyền thống hết sức hợp lý cho một hành động hoàn toàn trái với sự mong đợi. Bằng một nhát gậy thần, trò chơi trừu tượng đầy cảnh đời cực kỳ quyến rũ.



Sáu nhân vật đi tìm tác giả [Sei Personaggi in cerca d’autore] (1921) cũng là một trò chơi hết sức nghiêm túc và đầy những ý tưởng. Ở đây, óc tưởng tượng sáng tạo đi quá đà hơn là khái niệm trừu tượng. Nó thực sự là một vở kịch giàu chất thơ, cũng là cách bài trí những miêu tả giữa sân khấu và chân lý, giữa thể diện và thực tế. Hơn thế nữa, đây là một thông điệp nghệ thuật gần như tuyệt vọng gởi đến linh hồn của một thời đại tàn phá, của những cảnh chấp vá tung tóe lửa đạn. Sức truyền cảm mãnh liệt tuôn tràn này và tầm hiểu biết vượt bậc, giàu chất thơ, thật sự là nguồn cảm hứng của một thiên tài. 




                              Tượng đài tác giả ở công viên Palermo
 

Như một nhà đạo đức học, Piradello không phải là kẻ ngược đời mà cũng không là người phá hoại. Thiện vẫn là thiện và ác vẫn ác. Một lòng nhân đạo cao thượng về thế giới loài người đã lỗi thời ngự trị trong tư tưởng của ông. Chủ nghĩa bi quan chua xót của ông không dập tắt được chủ nghĩa lý tưởng của ông, lý trí phân tích sắc bén của ông không xa rời cội rễ của cuộc sống. Hạnh phúc không chiếm một vị trị rộng lớn trong thế giới tưởng tượng của ông, nhưng điều mà tạo ra chân giá trị của cuộc sống vẫn tìm thấy đủ không khí để thở ở đó.


Luigi Piradello được tặng thưởng Nobel Văn chương “vì ông đã khéo léo và táo bạo phục hồi nghệ thuật kịch và sân khấu”.
    




                          1935 - KHÔNG PHÁT GIẢI


1936 – EUGENE GLADSTONE O’NEILL

(Mỹ, 1888 – 1953)




Chân dung tác giả



Kịch của Eugene O’neill là kịch của một người lúc nào cũng u sầu và đối với ông toàn bộ cuộc đời là một bi kịch ngay từ phút đầu tiên. Khuynh hướng này được hình thành do những kinh nghiệm đắng cay mà ông nếm trải trong thời trẻ tuổi và đặc biệt hơn là trong thời gian làm thủy thủ. Tư tưởng bi quan của ông có lẽ một mặt là do tính bẩm sinh, mặt khác là do một phần của dòng văn học thời đại, nhưng đúng hơn có thể được lý giải như một phản ứng sâu xa của cá nhân đối với truyền thống lạc quan cố cựu của Mỹ. Cho dù nguồn gốc bi quan đó bất kể từ đâu mà ra, nhưng ông đã vạch sẵn từ đầu phương châm phát triển nó và dần dần ông trở thành nhà viết bi kịch khốc liệt và độc nhất vô nhị mà cả thế giới đều biết đến.



Những vở kịch đầu tiên của O’Neill phần lớn là kịch một màn, viết theo lối hiện thực, hơi khô khan, dựa trên vốn sống những năm ông đi biển. Tiêu biểu trong loạt kịch này là vở Trăng trên biển Caribbe [The Moon of the Caribbees] (1918), mang đầy chất thơ, một phần nhờ mô tả cuộc sống khốn khổ của một  thủy thủ với những ảo tưởng rồ dại về niềm vui, một phần nhờ bối cảnh của vở kịch: những bài hát buồn giống như những bài ca truy điệu của người Da đen cất lên từ rặng san hô nằm dưới những cây cọ lấp lánh như kim loại và mặt trăng khổng lồ của vùng biển Caribbe. Tất cả đều mang vẻ u sầu, hoang dại, khát khao, ngời sáng và tiêu điều ngột ngạt.



Năm 1922 O’Neill ra mắt vở kịch Con Dã nhân lông rậm [The hairy Ape]. Ông muốn giới thiệu một tượng đài người nô lệ nổi loạn trên một chiếc tàu chạy bằng hơi nước, Anh ta say sưa với sức mạnh và những ý tưởng siêu nhân của mình. Bề ngoài anh mang hình dáng của con người sơ khai và tự ví mình là một loài dã thú. Vở kịch miêu tả sự thất bại và sụp đổ một cách thảm hại của con người muốn đứng lên chống lại xã hội tàn bạo.



O’Neill cũng đã bỏ ra nhiều năm dồn tâm sức nghiên cứu những tư tưởng mang tính biểu hiện táo bạo và những vấn đề xã hội. Kết quả là sau đó ông cho ra đời nhiều vở kịch có chút ít liên quan đến đời sống thực tế. Hoàng đế Jones [The Emperor Jones] (1920) là vở kịch đầu tiên trong chủ đề này đã tạo danh tiếng cho ông. Chủ đề bám sát sự sụp đổ tinh thần của một bạo chúa người Da đen cai trị một quần đảo toàn cư dân da đen ở Tây An. Vở kịch gây ảnh hưởng mạnh lên thần kinh và cảm giác người xem đến nỗi họ không thể rời mắt được từ màn đầu đến màn cuối.



Năm 1928, vở Một vở kịch; thời gian nghỉ giải lao kỳ lạ [A Play; Strange Interlude] được khán giả và giới phê bình tán thưởng nhiệt liệt. Nó được mang tên “Một vở kịch” bằng cách dùng phương pháp trình diễn khoáng đạt và phóng túng nên không thể được xem như một vở bi kịch mà nên xem nó như một tiểu thuyết tâm lý có nhiều cảnh là thích đáng nhất. Về phụ đề “thời gian nghỉ giải lao kỳ lạ” là đầu mối trực tiếp được đưa ra trong tiến trình của vở kịch: “Cuộc đời, hiện tại, là thời gian nghỉ giải lao kỳ lạ giữa quá khứ và cái sắp đến.” Tác giả cố làm sáng tỏ ý tưởng của ông, càng rõ càng tốt, bằng cách sử dụng đến một phương kế đặc biệt: một mặt những diễn viên nói và trả lời khi hành động kịch đòi hỏi, mặt khác họ biểu lộ đúng bản chất và hồi ức của mình dưới hình thức độc thoại, không thể nghe thấy những nhân vật khác trên sàn diễn. Một lần nữa, ông sử dụng yếu tố mặt nạ hoá trang!



Vở bi kịch đúng nghĩa và xuất sắc nhất của O’Neill là Tang tóc đến với Electra [Mourning Becomes Electra] (1931). Nó gần với truyền thống kịch cổ điển, tuy nhiên  được chỉnh lý cho thích hợp cả những chi tiết về cuộc sống lẫn cách suy nghĩ hiện đại. Cảnh là ngôi nhà thời hiện đại của gia đình Atreu được lồng vào giai đoạn nội chiến khốc liệt của nước Mỹ, một thiên hùng ca Iliad của Mỹ.



Trong vở A, nơi hoang dã [Ah, Wilderness] (1933) nhà viết bi kịch đáng kính làm ngạc nhiên những người mến mộ ông bằng cách giới thiệu với họ vở hài kịch về giai cấp trung nông. Trong vở kịch có nhiều bài thơ mô tả đời sống tinh thần của thanh niên, tuy có những cảnh vui nhộn nhưng không ảnh hưởng đến chất hài hước của một vở hài kịch.




                               Mộ của Eugene O' Neill ở Boston



Năm 1934, vở Tháng ngày vô tận [Days Without End] ra đời, tác giả đứng trên quan điểm của một nhà khoa học tự nhiên thích tranh luận đưa ra vấn đề tôn giáo. Ông tách nhân vật chính ra làm hai phần, trắng và đen, không những đi sâu vào nội tâm mà còn thể hiện đời sống bên ngoài một cách cụ thể, mỗi phần chỉ huy thể xác độc lập của riêng mình – một loại người như anh em sinh đôi mâu thuẫn nhau. Tuy có rủi ro kèm theo việc mạo hiểm đó, nhưng vở kịch được thể hiện bởi thủ pháp xử lý sân khấu hiếm có của tác giả. Về nhân vật thầy tu, người phát ngôn của đạo Thiên Chúa, O’Neil đã tạo ra một trong những nhân vật giống y như ngoài đời. Dù gì chi tiết này cũng có thể được hiểu như một thay đổi dứt khoát trong quan điểm của tác giả về những gì còn lại của cuộc đời được nhìn thấy trong tương lai.



Eugene Gladstone O’Neill được tặng giải Nobel Văn chương “vì những kịch bản của ông đã biểu hiện nhận thức căn cơ của bi kịch, có sức hấp dẫn mãnh liệt, tính trung thực và những mối xúc cảm sâu sắc”.



1937: ROGER MARTIN DU GARD 


(Pháp, 1881 – 1958)





Chân dung tác giả - hình chụp 1937.


 Giải thưởng Nobel năm nay dành cho Roger Martin Du Gard, người đã cống hiến cho chúng ta một công trình độc đáo: một loạt các tiểu thuyết với nhan đề chung Gia đình Thibault [Les Thibault] (1922 – 40). Đó là một công trình to lớn cả về số lượng lẫn phạm vi. Nó giới thiệu một bức tranh xã hội Pháp hiện đại với nhiều loại nhân vật, phân tích những xu hướng và vấn đề tri thức đã ám ảnh nước Pháp trong suốt thập niên trước Chiến tranh Thế giới thứ nhất, một bức tranh thật đầy đủ và một phân tích thật hoàn chỉnh. Vì thế, công trình của ông đã tạo ra một thể loại văn học đặc trưng trong kỷ nguyên của chúng ta, được gọi là “roman fleuve” (trường thiên tiểu thuyết) trên quê hương của tác phẩm.
           
Thuật ngữ này  dùng để chỉ một phương pháp kể chuyện tương đối ít liên quan đến bố cục và cứ thẳng tiến như một con sông chảy qua những xứ sở bao la, phản ánh tất cả những gì nó nhìn thấy trên đường đi. Điều cốt yếu của một tiểu thuyết như thế, bất kể vấn đề lớn nhỏ, chính là tính chính xác của sự phản ảnh hơn là sự hài hòa cân đối giữa các phần, nó không có hình dạng. Con sông cứ lượn lờ trôi theo ý mình, chỉ năm thì mười họa dòng nước ngầm mới làm xáo trộn bề mặt yên tĩnh của nó.

Thời đại của chúng ta thật khó mà gọi là yên tĩnh; ngược lại, tốc độ của kỹ thuật đã làm cho nhịp điệu cuộc sống gia tăng đến mức đáng ngại. Vì vậy, thật kỳ lạ là trong một thời đại như vậy mà hình thức phổ biến nhất của văn học là tiểu thuyết lại phát triển theo chiều hướng hoàn toàn ngược lại, và bằng cách đó nó đã trở nên phổ biến hơn. Tuy nhiên, nếu như tiểu thuyết cung cấp cho chúng ta một thế giới tưởng tượng như ý thì cũng có thể giải thích hiện tượng này theo kiểu tâm lý rằng, đó là một sự đền bù thơ mộng cho sự thất vọng đối với cuộc sống thường ngày. Nhưng nói một cách chính xác, đó là nỗi lo âu não lòng về thực tại mà tiểu thuyết phải làm công việc đánh động và làm cho nó nổi bật lên.

Tuy nhiên, tiểu thuyết chính là thế, với thực chất không giới hạn của nó, và người đọc có thể tìm thấy sự khuây khỏa nào đó trong nhận thức được nâng cao, mà mình đạt được từ yếu tố bi kịch, không thể tránh, được vốn có trong cả cuộc đời. Bằng một loại chủ nghĩa anh hùng, nó nuốt chửng thực tại trong những mẻ lưới lớn, và khuyến khích chúng ta chịu đựng ngay cả những nỗi khổ đau lớn lao cùng niềm vui sướng. Những đòi hỏi thẩm mỹ của người đọc sẽ được thỏa mãn trong những đoạn cô lập súc tích hơn của tác phẩm, và vì thế nó càng thích hợp với việc phát huy hết cảm xúc của người đọc. Gia đình Thibault không thiếu những đoạn như thế.

Nhân vật chính trong tác phẩm là ba thành viên của cùng một gia đình: người cha và hai cậu con trai. Người cha là nhân vật làm nền; vai trò thụ động của ông, với dáng vẻ “vai u thịt bắp”, thô kệch bề ngoài, được tác giả mô tả bằng một kỹ thuật thật đặc biệt. Hai người con trai và vô số các nhân vật phụ khác được mô tả bằng một bút pháp đầy ấn tượng. Trong truyện không có gì được chuẩn bị trước, chúng ta thấy họ nói năng, hành động trước mặt mình, và chúng ta thấy được một bức tranh toàn cảnh lẫn chi tiết . Người đọc phải nhanh chóng nắm vững những gì mình thấy và nghe được, vì nhịp điệu thất thường và bất qui tắc của cuộc sống có mặt ở khắp nơi. Tác giả giúp cho người đọc hiểu được vấn đề bằng phương tiện hoàn hảo nhất: đó là sự phân tích tư tưởng nhân vật, một cái nhìn thấu vào bên trong cõi sâu thẳm của họ đã làm phát sinh những hành động của ý thức. Martin Du Gard còn đi xa hơn một bước: ông cho thấy  những tư tưởng, tình cảm và ý chí đã được chuyển hóa như thế nào trước khi biến thành ngôn ngữ và hành động. Đôi khi những cái cớ bên ngoài như thói quen, thói kiêu căng tự phụ, hay ngay cả cách cư xử vụng về, làm thay đổi những biểu lộ tình cảm và nhân cách. Sự khảo sát tinh tế và đậm nét này về tiến trình năng động của tâm hồn con người rõ ràng là tạo nên sự đóng góp cơ bản và sâu sắc nhất của Martin Du Gard  trong nghệ thuật mô tả đặc điểm nhân vật. Xét về mặt mỹ học, điều này không phải lúc nào cũng thuận lợi, vì sự phân tích có thể trở thành rườm rà ở đôi chỗ, dường như không cần thiết lắm cho câu chuyện.


Gia đình Thibault là trường thiên tiểu thuyết của Roger Martin du Gard mà Viện Hàm lâm Thụy Điển chọn để trao giải Nobel Văn chương vì “bằng tài năng nghệ thuật và lẽ phải ông đã mô tả cuộc xung đột của con người cũng như những khía cạnh căn bản của cuộc sống đương đại”.




1938: PEARL BUCK


(Mỹ, 1892 –1973)






                                              Chân dung tác giả, 1938

 

Pearl Buck đã từng nói rằng bà nhận nhiệm vụ như một người thông dịch cho phương Tây về thiên nhiên và con người của đất nước Trung Hoa. Bà hoàn toàn không có ý làm văn học về xứ sở ấy, nó đến với bà một cách tự nhiên.



 Bà từng sống chung với những người dân Trung Hoa qua tất cả các thời kỳ, lúc thịnh cũng như lúc suy, lúc ê chề cũng như khi vinh quang, bà gắn bó với tầng lớp thượng lưu cũng như kẻ chân lắm tay bùn suốt đời chưa có dịp nhìn thấy một người phương Tây trước khi gặp bà. Trên xứ sở phương Đông ấy, bà là một người xa lạ nhưng chưa bao giờ có cảm giác mình là người xa lạ. Từ tình cảm chân thành này, với cách nhìn khách quan và đầy nhân bản mà bà đã cung cấp cho kho tàng văn học thế giới  những tác phẩm nổi tiếng như  Đất Lành [The Good Earth] (1931), Người Mẹ [The Mother] (1934), Lưu Đày [The Exile] (1936), Thiên thần ra trận [Fighting Angle] (1936)…



Đất lành là một thiên sử thi về người nông dân Trung Hoa, từ đời này sang đời khác có cùng một tâm hồn cổ xưa, luôn gắn bó thân thiết với ruộng đồng. Vương Long, nhân vật chính của tác phẩm được tạo ra cũng từ chất đất vàng-nâu trên những cánh đồng và niềm tin mãnh liệt vào khả năng lao động của mình. Cả hai yếu tố này có sẵn trong máu thịt của anh và đến ngày anh nhắm mắt xuôi tay một cách bình thản, chúng lại trở thành một. Việc làm của anh cũng là bổn phận đã hoàn thành, vì vậy lương tâm anh yên ổn. Vì tính bất lương không giúp được gì cho công việc anh theo đuổi nên anh trở thành người lương thiện. Đây là toàn bộ quan niệm đạo đức của anh và nó cũng nằm trong quan niệm tôn giáo hầu như được nhận thức một cách trọn vẹn trong việc thờ cúng tổ tiên.



Anh ta biết rằng đời người là tia chớp giữa hai bóng đêm. Từ tia chớp sau lưng anh là sự ràng buộc của tổ tiên từ đời cha đến đời con, và anh không thể phá bỏ được sợi dây ràng buộc này nếu anh vẫn còn hy vọng mong manh sống sót trên vùng đất cha ông để lại, vùng đất lóe lên ngọn lửa cuộc sống của dòng họ mà mỗi cá nhân phải gìn giữ.



Một nhân vật hoàn toàn khác với Vương Long là nhân vật chính trong tác phẩm Người Mẹ. Không thể có một từ nào chính xác hơn để nói về số phận cuộc đời của người mẹ bằng chính từ này. Bà đã được cá tính hóa một cách sinh động, một mẫu người can đảm, đầy nghị lực, cá tính mạnh và không mang khí chất nô lệ. Chồng bà bỏ nhà ra đi, nhưng bà quyết giữ lại ngôi nhà cho con cái. Toàn bộ câu chuyện đưa đến một kết thúc thất bại nhưng không thất vọng. Người mẹ không thể bị đè bẹp, ngay cả khi đứa con trai của bà bị chém đầu vì làm cách mạng, bà phải đi tìm một ngôi mộ của một người không quen biết để khóc thương, vì con bà không có mộ. Rồi thì đứa cháu nội ra đời, bà lại có người để thương yêu và thờ cúng bà sau này.




                                            Tác giả lúc về già, 1972

 

Người mẹ là hình ảnh người đàn bà Trung Hoa hoàn hảo nhất của Pearl Buck. Đây là một trong những tác phẩm hay nhất của bà. Nhưng hợp với tính chất mô tả và nghệ thuật kể chuyện của bà phải kể đến hai tác phẩm viết về cuộc đời của cha mẹ bà là Lưu đàyThiên thần ra trận. Những tác phẩm này được xem là kinh điển với đủ ý nghĩa của từ này nhất, chúng có giá trị mãi mãi vì chúng tràn đầy cuộc sống.



Giải thưởng Nobel năm nay dành cho Pearl Buck vì những tác phẩm đặc sắc của bà đã mở đường cho mối đồng cảm giữa con người vượt qua những ranh giới chủng tộc và về sự nghiên cứu những lý tưởng con người thông qua nghệ thuật miêu tả chân dung đặc sắc và sinh động. Viện Hàn Lâm Thụy Điển cảm thấy điều này cũng phù hợp với những ước mơ về tương lai mà Alfred Nobel hướng tới.




1939 – FRANS EEMIL SILLANPAA


(Phần Lan, 1888 – 1964)






Chân dung tác giả



Văn kiện chính thức của Giải Nobel vừa được trao cho ngài và ngài đã biết được lý do khiến Viện Hàn Lâm Thụy Điển công nhận sự nghiệp văn học của ngài. Những lý do đó được nêu lên rất ngắn gọn trên tờ giấy da chứng nhận này, nhưng điều đó sẽ làm giảm bớt lòng tôn kính đối với ngài và ngài sẽ nhận được đầy đủ trong buổi lễ phát giải.



Lòng tôn kính này ngài sẽ nhận ra một cách đồng đều trong hội đồng chúng tôi, trong cuộc họp mang đặc tính đơn giản của chúng tôi, nhưng cũng ấm cúng như ngài sẽ nhận được trong hội trường vào ngày lễ phát giải. Không ai trong chúng tôi biết tiếng Phần Lan của ngài, chúng tôi chỉ có thể thưởng thức tác phẩm của ngài qua những bản dịch, nhưng không nghi ngờ gì về tài năng của ngài. Tài năng đó lớn đến nỗi nó hiển hiện rõ ràng ngay cả trong văn dịch. Giản dị, ngắn gọn, khách quan, không màu mè, ngôn ngữ của ngài tuôn trào như một giòng suối trong phản ánh lại những gì màu cặp mắt của nhà nghệ sĩ nắm bắt được. Ngài đã chọn lựa những chủ đề hết sức tinh tế, và hầu như có thể nói,  với cái vẻ bẽn lẽn trước các đẹp bất ngờ. Ngài muốn tạo ra cái đẹp từ những gì tồn tại trong thiên nhiên thường ngày bằng một bút pháp luôn luôn là bí mật của ngài. Không phải chính tại bàn giấy mà người ta nhìn thấy ngài làm việc, mà là trước giá vẽ của một họa sĩ màu nước, và người ta phải tập làm quen với một cách nhìn mới về tác phẩm trước mặt tác giả. Thỉnh thoảng, khi những đám mây và những không gian được vẽ lên dưới ánh sáng của một ngày hè, ngài không còn sợ rằng mình có một chủ đề đầy triễn vọng và rồi ngài sử dụng nghệ thuật âm nhạc bằng bàn tay của một bậc thầy. Nét đặc trưng này, lòng yêu mến của ngài về điều đơn giản và tính đặc thù, ngài cũng chứng tỏ nó trong sự mô tả con người. Ngài thích mô tả về cuộc sống thường ngày của người nông dân, những kẻ gắn bó với đất đai là nguồn gốc tạo nên sức mạnh của họ. Khi gặp phải vấn đề hóc búa, ngài cũng chứmg tỏ một sự lỗi lạc không kém, và đã tạo nên hiệu quả chỉ bằng những phương tiện đơn giản nhất.



Nhắc đến tác phẩm nổi tiếng của mình, ngài đã nói đôi điều mà không ai khác có thể nghĩ ra: “Mọi vật chạm tới Silja thường đều là một sự tầm thường lộng lẫy”. Không có nghệ sĩ nào có thể đi xa hơn ước muốn giữ nguyên lòng chung thủy đối với tính chất chính xác của sự vật một cách kính trọng. Vì thế, ngài đã giới thiệu về dân tộc mình mà không cần đến một chút hoa mỹ nào dù là nhỏ nhất.



Vào giờ phút này, ngay tên đất nước của ngài cũng mang đầy ý nghĩa khắp mọi nơi. Cũng đơn giản như cái nhìn của ngài về họ, dân tôc ngài nhận ra mình là con mồi của số phận, vĩ đại một cách anh hùng với lòng can đảm vô biên, trung thành với nhiệm vụ cho đến phút chót, đối đầu với cái chết mà không biết run sợ. Trong niềm biết ơn của chúng tôi với những gì ngài đã ban cho, tư tưởng chúng tôi sẽ còn đi xa nữa, với tất cả sự ngưỡng mộ và cảm xúc của chúng tôi đối với đất nước ngài, dân tộc ngài.




1944 - JOHANNES V. JENSEN


(Đan Mạch, 1873 – 1950)






                                              Chân dung tác giả, 1944



Ngay từ đầu thế kỷ Johannes V. Jensen đã đứng vào hàng ngũ  tiên phong trong nền văn học Đan Mạch. Ông luôn năng động, gây tranh cãi trong một thời gian dài, nhưng lại được ngưỡng mộ khắp thế giới vì sức sống của ông. Đứa con của vùng Jutland khô khan đầy gió này, hầu như đứng ngoài thù hận, đã làm cho những người cùng thời phải ngạc nhiên vì sức sáng tạo dồi dào của ông. Ông được xem như một trong những nhà văn Scandinavi có khả năng sáng tác sung mãn nhất. Ông đã xây dựng nên một mảnh đất văn chương rộng lớn và đầy ấn tượng, bao gồm nhiều thể loại khác nhau: sử thi, thơ trữ tình, những tác phẩm hiện thực và tưởng tượng, những tiểu luận về triết học và lịch sử, ấy là chưa kể đến những cuộc dạo chơi vào lãnh vực khoa học ở mọi hướng .



Nhà cải cách văn phong và táo bạo đập phá thánh tượng trong văn học này ngày càng tạo nên tên tuổi của mình để trở thành một  nhà văn kinh điển hàng đầu. Trong thâm tâm, ông cảm thấy mình gần gũi với thi ca của thời hoàng kim, và hy vọng rằng một ngày nào đó ông sẽ là một trong số những vị thần hộ mệnh phục hồi sinh khí cho quốc gia mình.



Những tác phẩm đầu tiên của Johannes V. Jensen cho thấy ông giống như một chàng trai tỉnh lẻ, một sinh viên đối kháng sống ở Copenhagen, một tuổi trẻ khó khăn và bị khích động, hăng say đấu tranh chống lại đầu óc rỗng tuếch và hẹp hòi về tri thức. Chàng trai gốc Jutland này, đầy ý thức, khó gần, nhưng nhạy cảm, chẳng bao lâu đã phát hiện ra xứ sở của mình quá nhỏ bé. Ngột ngạt vì không khí quen thuộc của những hòn đảo xứ Đan Mạch, chàng ném mình vào chủ nghĩa lãng mạn ngoại lai với lòng đam mê nửa vời của một con bạc. Những chuyến du lịch đầu tiên đến những lục địa nước ngoài đã mở ra trước mắt chàng trai khoảng không gian cần thiết cho trí tưởng tượng không mêt mỏi của chàng. Trong suốt thời gian này, chàng hát bài ngợi ca kỹ thuật và cơ khí hóa. Cũng giống như người đồng hương H. C. Andersen, lần đầu tiên mô tả kỳ công của chuyện đi du lịch bằng đường sắt, Johannes V. Jensen là nhà tiên tri về những kỳ công của thời đại chúng ta, về các tòa nhà chọc trời, xe ô tô, các rạp chiếu bóng, mà ông không tiếc lời ca ngợi trong những quyển tiểu thuyết về châu Mỹ của mình, đó là quyển Bà D’Ora (194) và Bánh xe [Hjulet] (1905). Nhưng chẳng bao lâu, ông lại bước vào một giai đoạn phát triển mới. Có thể nói là đúng vào lúc đứng trước nguy cơ đơn giản hóa các vấn đề, thỏa mãn khát vọng du lịch , ông bắt đầu nhìn lại đúng lúc những gì mà ông đã từng đeo đuổi. Cũng chính người đã ca tụng cuộc sống hiện đại với tốc độ nhanh và những cỗ máy ồn ào của nó, giờ đây lại trở thành một khán giả của những triều đại cổ, hiến mình cho công cuộc nghiên cứu những thời kỳ trong quá khứ, khi loài người lần đầu tiên bước vào cuộc phiêu lưu.



Có lẽ nhờ vậy mà chúng ta có được bộ tiểu thuyết sáu quyển quan trọng nhất của ông với nhan đề Cuộc hành trình dài [De lange rejse] (1908 – 22), đưa chúng ta đi từ thời kỳ băng hà cho đến thời Christophe Colombus. Chủ đề trung tâm hay một trong những chủ đề trung tâm của tác phẩm này là nhiệm vụ toàn cầu của dân tộc Scandinavi, từ sự di dân vĩ đại và cuộc xâm lăng của người Norman đến sự khám phá ra châu Mỹ. Jensen khám phá ra Christophe Colombus là hậu duệ của người Lambard, hay còn gọi là người Bắc Âu, nếu không phải là dân Jutland giống như ông. Trong loạt tác phẩm vĩ đại này xuất hiện một gương mặt huyền thoại, Nornagestr. Ông ta chẳng giống chút gì với con người đã xuất hiện trước triều đình của Vua Olaf Tryggvason để kể lại chuyện mình và chết tại đó. Theo truyền thuyết dân gian của Iceland, ông ta thọ ba trăm tuổi, nhưng Jensen đã làm cho ông ta già hơn nữa và biến ông thành một loại Ahasverus, có mặt khắp nơi, luôn luôn đứng sau thời đại của mình, một kẻ xa lạ giữa những thế hệ mới, nhưng vì thế lại trẻ hơn họ vì ông ta sống vào thời mà chính bản chất sự hiện hữu là trẻ trung, và loài người gần gũi với nguồn gốc của họ hơn. Nhà văn theo truyền thống truyện kể Bắc Âu để làm rõ ý đồ sáng tác của mình.



Đối với Johannes V. Jensen, người lớn lên trong vùng đồng hoang Jutland, nơi mà chân trời thường bị chia ra làm đôi bởi đường dung nham hình nón, thì đó là điều tự nhiên khi sự quan tâm của ông chia đều cho các sự kiện và huyền thoại, cũng như việc ông tìm kiếm đường đi giữa bóng tối của quá khứ và thực tế của hiện tại. Những hình mẫu ông đưa ra cho chúng ta thấy cả sự quyến rũ của thời sơ khai đối với một con người nhạy cảm lẫn sự cần thiết để biến sức mạnh thô bạo thành dịu dàng. Ông đã đạt đến đến đỉnh cao nghệ thuật của mình nhờ những tương phản mãnh liệt đó. Ngọn gió tươi mát mặn mà đã thổi qua tác phẩm của ông, mở ra bằng một thứ ngôn ngữ sinh động, diễn đạt đầy ấn tượng, và một năng lực phi thường. Rõ ràng là đối với các nhà thơ gắn bó sâu sắc với đất nước mình, tài năng thiên phú của họ thể hiện ở việc sử dụng ngôn ngữ. Jensen là tiếng nói của Jutland và Đan Mạch. Với tài năng của mình, ông xứng đáng với danh hiệu người kể chuyện kiệt xuất về cuộc chiến đấu chống lại thiên nhiên, làm vẻ vang của dân tộc Bắc Âu, và về sự kế tục tinh thần Bắc Âu qua các thời đại.




1945 – GABRIELA MISTRAL


(Chi-lê, 1889–1957)






                                              Chân dung nhà thơ, 1945.

 

Ngày nọ, những giọt nước mắt của người mẹ đã tạo ra một thứ ngôn ngữ toàn vẹn, vốn bị khinh thị trong xã hội tử tế lúc bấy giờ, để khám phá lại tính chất cao quý của nó và gặt hái được vinh quang bằng sức mạnh của những vần thơ. Người ta kể rằng khi Frédéric Mistral, người đầu tiên trong số hai nhà thơ mang cái tên của ngọn gió Địa Trung hải, viết ra những giòng thơ đầu tiên bằng tiếng Pháp khi còn là sinh viên, mẹ bà đã để cho nước mắt mình tuôn trào. Là một phụ nữ mù chữ sống ở Languedoc, bà không hiểu gì về thứ ngôn ngữ nổi tiếng này. Sau đó, Mistral đã sáng tác Miréio kể về tình yêu của một cô thôn nữ xinh đẹp dành cho người thợ thủ công nghèo khó, một thiên sử thi toát lên mùi hương của một vùng đất đang nở hoa và chấm dứt bằng cái chết tàn nhẫn. Từ đó ngôn ngữ cổ của những người hát rong trở thành ngôn ngữ của thơ ca. Giải Nobel năm 1904 đã lôi kéo sự chú ý của thế giới đối với sự kiện này.



Trong cùng năm ấy, năm 1914, năm Chiến tranh thế giới thứ Hai bùng nổ, ở đầu bên kia của thế giới, một Mistral mới xuất hiện. Khi còn là một cô giáo làng, Gabriel Mistral đã nhận được giải thưởng thơ với một số bài thơ tưởng nhớ một nhân viên đường sắt tự tử



Câu chuyện của bà quá nổi tiếng đối với nhân dân Nam Mỹ đến nỗi, khi lưu truyền từ quốc gia này sang quốc gia khác, nó đã trở thành một huyền thoại. Và giờ đây, cuối cùng khi bà đến với chúng ta, vượt qua những ngọn núi của rặng Cordilleran Ande và Đại Tây dương bao la, chúng ta lại có thể kể lại câu chuyện ấy một lần nữa.



Trong một ngôi làng nhỏ ở thung lũng Elquis, nhiều thập niên trước, một cô giáo tương lai đã chào đời tên là Lucila Godoy y Alcayaga. Godoy là tên của cha nàng, một thầy giáo, người có thể xuất khẩu thành thơ một cách dễ dàng. Tài năng của ông dường như được pha trộn với sự âu lo và bất định thường thấy ở các nhà thơ. Ông rời bỏ gia đình khi cô con gái mà ông đã từng tạo cho nó một mảnh vườn nhỏ, hãy còn là một đứa trẻ. Người mẹ xinh đẹp của cô nói rằng thỉnh thoảng bà khám phá ra cô con gái bé nhỏ cô độc của mình chuyện trò thân mật với chim muông và hoa lá trong vườn. Một trong những huyền thoại cho rằng cô bị đuổi học vì quá đần độn. Vì thế cô đã tự học bằng phương pháp riêng cho đến khi trở thành cô giáo trường làng ở Cantera. Ở đó, số phận của cô gái hai mươi tuổi được định đoạt khi cô rơi vào cuộc tình say đắm với một anh nhân viên đường sắt.



Chúng ta biết ít ỏi về chuyện tình của họ. Chỉ biết rằng anh ta đã phản bội cô. Vào một ngày tháng 11 năm 1909, anh ta tự sát bằng một phát súng vào đầu. Cô gái trẻ vô cùng tuyệt vọng. Cũng giống như Job, cô chỉ còn biết than khóc với Trời. Từ thung lũng xa xôi trong dãy núi  khô cằn của Chile, một giọng nói vang lên, và tất cả những người đàn ông ở quanh đó đều nghe. Cái bi kịch tầm thường của cuộc sống thường ngày đã mất đi tính cách riêng tư của nó và đi vào văn học thế giới. Lucila Godoy y Alcayaga trở thành Gabriela Mistral. Cô giáo làng tỉnh lẻ kia, bạn đồng nghiệp của Selma Lagerlof ở Marbacka (xem Nobel 1909), đã trở thành nữ hoàng tinh thần của Châu Mỹ Latinh.



Khi những bài thơ tưởng nhớ đến một người đã khuất đã tạo nên tên tuổi của nhà thơ mới, thì những bài thơ u buồn và say đắm của Gabriela Mistral bắt đầu lan khắp Nam Mỹ. Nhưng điều này chưa xảy ra cho tới năm 1922, khi tập thơ Tuyệt vọng [Desolaciún] của bà in ở New York. Những giọt nước mắt của người mẹ đã rơi giữa tập thơ, trên bài thơ thứ mười lăm, những giọt nước mắt dành cho đứa con trai đáng lý không bao giờ ra đời.



Gabriela Mistral chuyển hóa tình yêu tự nhiên của mình sang đám học trò. Bà viết cho chúng những bài hát đơn giản và những bài hát tập thể, in thành tập ở Madrid năm 1924 dưới nhan đề Dịu dàng [Ternura]. .Vinh dự cho bà, bốn ngàn trẻ con Mexico đã cùng lúc hát những bài hát tập thể này. Gabriela Mistral trở thành nhà thơ của tình mẫu tử.



Năm 1938, tập thơ thứ ba, Tala (nhan đề có thể dịch là Tàn phá, nhưng nó còn  là tên một trò chơi của trẻ con), xuất hiện ở Buenos Aires dành cho những nạn nhân trẻ con trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Ngược với nỗi thống thiết trong Desolaciún, Tala diễn tả sự yên tĩnh hài hòa  bao trùm vùng đất Nam Mỹ nơi mà hương hoa đến với chúng ta từ mọi phía. Một lần nữa chúng ta lại ở trong khu vườn tuổi thơ của bà, nghe lại những cuộc trò chuyện thân tình với thiên nhiên và những vật bình thường. Có một sự pha trộn lạ lùng giữa bài thánh ca và bài hát đồng dao, những bài thơ về bánh mì và rượu, muối, bắp và nước – nước dành cho kẻ khát – ca tụng những thực phẩm nguyên thủy của cuộc sống loài người!...



Bàn tay từ mẫu của nhà thơ đã cho chúng ta một thức uống có vị của đất và làm dịu được cơn khát của trái tim. Nó được kéo lên từ dòng suối chảy từ nhà thơ Sappho trên đảo Hy Lạp đến Gabriela Mistral ở thung lũng Elquis, dòng suối của thi ca không bao giờ khô cạn.




1946 - HERMANN HESSE


(Đức, 1877 –  1962)





Chân dung nhà văn - tranh sơn dầu của Ernst Würtenberger

 
  Hermann Hesse đã tìm cách thoát khỏi áp lực chính trị sớm hơn những nhà văn Đức khác. Trong suốt Thế chiến thứ I, ông định cư ở Thụy Sĩ và nhập tịch nước này vào năm 1923. Tuy nhiên, không nên dựa vào nguồn gốc gia đình và những liên hệ cá nhân của Hesse để cho rằng ông chịu ảnh hưởng cuả nền văn hóa Thụy Sĩ, không kém gì nền văn hóa Đức. Nơi Hesse tỵ nạn trong suốt thời kỳ chiến tranh là một quốc gia trung lập, tương đối yên tỉnh, cho phép ông tiếp tục sự nghiệp văn chương của mình. Cùng với Thomas Mann, Hesse là đại diện tiêu biểu nhất được kế thừa di sản văn hóa Đức trong nền văn học đương thời.


Hesse xuất thân từ một gia đình sùng đạo. Cha ông nổi tiếng là nhà sử học của giáo hội Tin Lành, mẹ ông là con gái của một nhà truyền giáo. Bà có giòng máu Pháp và được giáo dục ở Ấn Độ. Vì thế, gia đình muốn ông trở thành một mục sư, gởi ông đến học tại tu viện Maulbroom. Hesse trốn khỏi tu viện, đến xin học việc với một người thợ sửa đồng hồ và sau đó làm việc cho các cửa hàng sách ở Tybingen và Basle.



Khuynh hướng phản kháng lại tinh thần mộ đạo mà ông được thừa hưởng, dầu sao vẫn luôn tồn tại trong máu thịt, không ngừng dày vò nội tâm ông. Chính điều này, vào năm 1914, đã tạo cho Hesse trở thành  một thanh niên trưởng thành và một nhà văn nổi tiếng đi theo con đường mới khác xa với lối mòn bình dị trước đó của ông. Nói tóm lại, nguyên nhân thay đổi tận gốc rễ văn phong của Hesse có hai yếu tố:



Thứ nhất, dĩ nhiên là Chiến tranh Thế giới. Khi chiến tranh bắt đầu bùng nổ, Hesse đã bị báo chí Đức tấn công quyết liệt vì những phát biểu hô hào hòa bình của ông và ông không tránh khỏi một cú sốc tinh thần rất nặng về chuyện này. Đối với ông, đó là minh chứng cho thấy toàn bộ nền văn minh châu Âu mà ông đã từng đặt hết niềm tin vào, thật sự đã bệnh hoạn và suy sụp. Có chăng, điều có thể cứu vãn được là những gì vượt ra ngoài những chuẩn mực đã được công nhận, có lẽ từ ánh sáng Phương Đông, có lẽ từ cốt tủy những học thuyết vô thần về cách giải quyết cái thiện và cái ác trong một tổng thể cao hơn. Mệt mỏi và hoài nghi, ông đã tìm lối thoát trong thuyết phân tâm của Freud, lúc bấy giờ đang được nhiều người truyền bá và thực hành, mà nó đã để lại dấu ấn lâu dài trong các tác phẩm ngày càng táo bạo của ông vào giai đoạn này.



Cuộc khủng hoảng cá nhân nói trên còn được thể hiện một cách kỳ vĩ  trong tuyệt tác Sói Đồng hoang [Der Steppenwolf] (1927) với những mô tả đầy cảm hứng về lỗi lầm trong bản chất con người, áp lực giữa khát vọng và lý trí của một cá nhân đứng ngoài lề xã hội.



                       Phòng làm việc của H. Hesse trong Museum Gaienhofen
 

Tác phẩm của Hesse chịu nhiều ảnh hưởng từ nhiều hướng: từ Phật Đà và Thánh Francis đến Nietzsche và Dostoevsky, đôi khi khiến người đọc có cảm giác Hesse đã thử nghiệm cùng một lúc nhiều triết thuyết khác nhau. Nhưng đây có lẽ là một ý kiến hoàn toàn sai lầm. Thái độ chân thành và nghiêm túc là nền tảng cho những tác phẩm của ông và ngay cả những đề tài phóng đạt nhất vẫn nằm trong vòng kiểm soát của ông.





Trong những tác phẩm hay nhất của Hesse, chúng ta đều bắt gặp gián tiếp hay trực tiếp tính cách của ông. Văn phong của ông, đáng khâm phục, thật hoàn hảo khi thể hiện sự nổi loạn và nỗi đam mê lú lẩn của nhân vật cũng như những suy tưởng về triết lý.



Hesse còn là một nhà thơ muốn phá vỡ những định kiến và không thiếu can đảm thú nhận mình được thừa hưởng một gia sản phong phú của miền Nam nước Đức, mà ở ông, đó chính là sự pha trộn khuynh hướng tự do và tinh thần ngoan đạo.



Ông là một nhà văn mà trong thời đại bi thảm đã thành công trong việc kế tục chủ nghĩa nhân đạo chân chính.




1947 - ANDRÉ GIDE


(Pháp, 1869 – 1951)








                           Chân dung tác giả, tranh sơn dầu của Albert Laurens, 1924.

 

André Gide luôn luôn là một nhà văn thích tranh luận. Ngay từ lúc khởi đầu sự nghiệp, ông đã tự xác định mình là người tiên phong gây ra những mối trăn trở tinh thần, tuy nhiên đến giờ này, điều đó không ngăn cản ông thành một trong những tên tuổi lớn trong làng văn học Pháp và là người có ảnh hưởng liên tục trong nhiều thế hệ. Những tác phẩm của ông, bắt đầu xuất hiện trong thập niên 1890 và liên tục cho đến ngày được trao giải thưởng Nobel Văn chương, đều phác họa một thời kỳ hết sức quan trọng trong lịch sử đời sống tinh thần của châu Âu, tạo nên một nền tảng sâu sắc không thể nào quên được đối với cả cuộc đời ông.



Hơn bất cứ nhà văn đương thời nào, Gide là một con người của những giá trị tương phản, một hải thần Proteus đúng nghĩa liên tục thay đổi quan điểm của mình, hoạt động không mệt mỏi ở hai cực đối lập  để làm lóe lên những tia lửa sáng chói.



Đây là lý do để giải thích tại sao trong tác phẩm của ông đầy những cuộc đối thoại triền miên, trong đó niềm tin liên tục đấu tranh với sự hoài nghi, chủ nghĩa khổ hạnh chống lại tình yêu cuộc sống, tính kỷ luật đối lập với nhu cầu tự do. Ngay cả cách sống biểu hiện bên ngoài của ông cũng năng động và biến dịch. Những chuyến đi nổi tiếng của ông đến Congo vào năm 1927 và nước Nga Xô-viết năm 1935, còn nhiều nơi khác nữa, đủ chứng tỏ ông không muốn được coi như một nhà văn chỉ thích sống an lành trong chốn văn chương quê nhà.



Gide xuất thân từ một gia đình theo đạo Tin Lành danh giá. Điều này cho phép ông thảnh thơi theo đuổi sự nghiệp văn chương và có điều kiện thuận lợi hơn, so với những người khác, để trau dồi nhân cách và phát triễn nội tâm. Mặc dù ông cực lực phản ứng lại nền giáo dục Thanh giáo mà ông được hấp thụ, nhưng suốt đời ông luôn quan tâm đến những vấn đề cơ bản về đạo đức và tôn giáo, thỉnh thoảng ông lý giải ở một mức độ rõ ràng đến bất ngờ về tình yêu Thiên Chúa, đặc biệt trong truyện La Porte Etroite (1909) [Khung cửa hẹp], tác phẩm này có thể sánh với những bi kịch của Racin.



Phía sau những thay đổi khác thường và liên tục qua cách diễn đạt trong các tác phẩm của Gide, tiểu thuyết cũng như các bài tiểu luận, du ký những bài phân tích các sự kiện đương thời, chúng ta luôn luôn tìm thấy cũng sự thông minh đầy tinh tế và quan niệm tâm lý vững chắc đó được thể hiện bằng một ngôn ngữ mà, với phong cách điềm tỉnh nhất, đã đạt được mức độ hoàn toàn trong sáng mang tính kinh điển và tính chất đa dạng tinh tế nhất.



Những tác phẩm của Gide có những trang đầy kích động như  một thách thức thông qua lời tuyên bố hết sức can đảm ít ai sánh kịp. Ông muốn chiến đấu chống lại những người theo giáo điều, nhưng trong cuộc đấu tranh này, thật khó tránh làm lay động những tiêu chuẩn khá mong manh của tính cách con người. Điều đáng ghi nhớ rằng lối ứng xử này là biểu hiện của tình yêu sự thật một cách cuồng nhiệt, chính biểu hiện này ở hai văn hào Montaigne và Rousseau, đã khiến họ được xem là chân lý sống của văn học Pháp. Xuyên suốt quá trình sống và sáng tác, Gide trở thành một người bảo vệ chân chính cho tính liêm sĩ trong văn chương, đặt nền tảng trên quyền lợi và nghĩa vụ của nhân cách để trình bày mọi vấn đề một cách quả quyết và trung thực. Từ quan điểm này, những hoạt động đa dạng và kiên trì của ông, được khơi dậy bằng nhiều cách, là hiện thân cho một giá trị duy tâm không thể chối cãi được. 




1948 -T.S. ELIOT



(Anh, 1888 – 1965)







Chân dung tác giả - ảnh do Lady Ottoline Morrell (1934)


Người đoạt giải năm nay đã chọn một con đường khác. Sự nghiệp của ông đặc biệt ở chỗ, từ một vị trí hoàn toàn khó hòa nhập và cô lập về ý thức, ông đã dần dần gây ảnh hưởng mạnh mẽ trong nền văn học thế giới. Lúc khởi đầu chuỗi ý tưởng sáng tạo của ông chỉ là một vòng tròn nhỏ, nhưng vòng tròn này dần dần mở rộng, ngoài ý định ban đầu của ông. Vì thế mà trong thơ văn của Eliot có một âm hưởng rất đặc biệt, lôi cuốn sự chú ý ngay trong thời đại của chúng ta, nó có khả năng xuyên thủng ý thức hệ của thế hệ chúng ta bằng sự sắc bén của một viên kim cương.


Trong một bài tiểu luận của mình, chính Eliot đã đưa ra một giả định hoàn toàn khách quan và dứt khoát mà các nhà thơ trong thời đại văn minh ngày nay khó có ai đạt được. Ông nói: “Nền văn minh của chúng bao gồm sự  đa dạng và phức tạp cao độ, sự đa dạng và phức tạp này, đóng vai trò nhạy cảm tinh tế, phải sản sinh ra những kết quả đa dạng và phức tạp. Nhà thơ phải càng lúc càng có khả năng lĩnh hội cao hơn, mang tính tượng trưng nhiều hơn, uẩn khúc hơn, để bắt buộc, để chuyển đổi nếu cần thiết, ngôn ngữ thành những gì mình muốn thể hiện”.



Eliot lần đầu tiên nổi tiếng qua tập thơ The Waste Land (1922) [Miền Đất hoang] nhờ thử nghiệm xuất sắc những tuyên bố nêu trên. Nó đã gây bối rối cho dư luận ở nhiều phương diện, từ việc ngôn ngữ tượng trưng phức tạp, kỹ thuật viết như tranh khảm, đến nghệ thuật mang tính tượng trưng uyên bác. Có thể nhắc lại rằng tác phẩm này đã ra đời cùng năm với một tác phẩm tiên phong khác, thậm chí vẫn còn gây nhiều tiếng vang hơn trong văn chương hiện đại, đó là cuốn Ulysses của James Joyce. Sự tương đồng này hoàn toàn không ngẫu nhiên, vì những tác phẩm văn chương của thập niên 1910 và 1920 hầu như giống nhau cả về phần hồn lẫn cách bố cục.



Kể từ đó, Eliot tiếp tục sáng tác một loạt thơ, vẫn hết sức cô đọng như trước, cũng để thể hiện chủ đề chính đầy trăn trở, tìm kiếm sự cứu rỗi. Bản chất con người hiện đại trong một thế giới bị trần tục hóa, hỗn loạn, vô nghĩa và thiếu cái đẹp qua những dòng thơ chân thành đến cay đắng của ông lại hiện lên rõ rệt.



Phần hoàn toàn mang chất thơ trong các tác phẩm của Eliot chiếm không nhiều về lượng, nhưng phần này nổi bật trên nền trời thi ca, từ đại dương hiện lên như một đỉnh núi và đương nhiên vươn cao như một cột mốc, đôi khi kiêu hãnh như những đường nét bí ẩn của một thánh đường. Đó là loại thơ mang dấu ấn của ý thức trách nhiệm tuyệt đối và tính kỷ luật tự giác phi thường, tách xa khỏi mọi rập khuôn về cảm xúc, hoàn toàn tập trung vào những điều cốt lỏi, bộc trực, quả quyết và không hoa hòe, nhưng thỉnh thoảng lại đột sáng từ khoảng không gian vô hạn của những điều kỳ diệu và mặc khải.




                      Nhà của T.S. Eliot, nơi ông sống 
                      và sáng tác từ 1925 đến cuối đời.



 Ưu điểm của Eliot là thông tuệ triết học, chính điều này giúp ông thành công trong việc kết hợp nó với óc tưởng tượng và học vấn, cả tính nhạy cảm và khả năng phân tích ý tưởng. Ông cũng có tài khuấy động để xét lại các vấn đề cấp thiết trong phạm vi trí tuệ và thẩm mỹ, và dù nhận được nhiều ý kiến đánh giá khác nhau, nhưng có một điều không thể phủ nhận được là trong thời đại của ông, ông là người biết đặt vấn đề một cách xuất sắc, với một tài năng bậc thầy trong việc chọn ngôn từ diễn đạt, cả trong thơ lẫn  cách bảo vệ ý kiến của mình trong các hình thức luận. 




1949 - WILLIAM FAULKNER


(Mỹ, 1897 – 1962)








                                              Chân dung nhà văn, 1949.


William Faulkner là nhà văn sử thi vĩ đại của miền Nam nước Mỹ, qua những tác phẩm của ông, chúng ta thấy rõ một quá khứ huy hoàng được dựng nên từ sự lao động khổ nhọc nhưng rẻ mạt của người nô lệ Da đen. Một cuộc nội chiến và một lần chiến bại đã phá vỡ nền tảng kinh tế thiết yếu cho cấu trúc xã hội đang tồn tại lúc đó. Miền Nam đã trải qua một thời kỳ oán hận nặng nề kéo dài, và cuối cùng là một tương lai công nghiệp và thương mại mà cuộc sống cơ khí hóa và chuẩn mực hóa còn xa lạ và thù địch với họ. Chính Faulkner cũng  dần dần mới có thiện ý thích nghi với lối sống đó. Những tác phẩm của ông không ngừng mô tả và đào sâu quá trình đau đớn này, một quá trình mà ông thấu hiểu và cảm nhận một cách sâu sắc, cũng có nguồn gốc giống như ông là từ một gia đình bị buộc phải nuốt những trái đắng thất bại cho đến phần hạt: sự bần cùng hóa, mục ruỗng, thoái hóa ở nhiều hình thức khác nhau. Ông đã từng được xem là kẻ phản động. Tuy nhiên, bản thân từ này ở một mức độ nào đó cũng hợp lý, nó được cân xứng bởi cảm giác tội lỗi ngày càng rõ ràng và đắt giá hơn trên một kết cấu mơ hồ mà ở đó, ông đã lao động không mệt mỏi. Cái giá phải trả cho lòng quân tử, hào hiệp, lòng can đảm  và chủ nghĩa cá nhân tuyệt đối thật là kinh khủng. Nói tóm lại, trong vai trò một nhà văn, ông than khóc tiếc thương và cường điệu lối sống mà bản thân ông, với ý thức công bằng và nhân đạo, cũng sẽ không bao giờ đạt được. Chính điều này đã khiến khuynh hướng địa phương trong văn học của ông mang tính phổ quát cao.



Hầu như trong mỗi tác phẩm, Faulkner đều có những bước thâm nhập sâu hơn vào thế giới tâm linh, sự vĩ đại của con người và năng lực xả thân vì mọi người, lòng khát khao quyền lực, tính tham lam, sự nghèo nàn về tinh thần, óc hẹp hòi, tính bướng bỉnh, nỗi thống khổ, khiếp sợ và những lầm lạc suy đồi. Là người thích nghiên cứu tâm lý, ông được xem là bậc thầy trong số tất cả những tiểu thuyết gia Anh, Mỹ đương thời. Khả năng tưởng tượng và xây dựng nhân vật tuyệt vời của ông cũng vượt qua các đồng nghiệp. Những nhân vật nửa-người-nửa-thú và siêu nhân, có cách sống khác thường dù bi hay hài, đều từ tâm trí ông hiện ra với một mức độ chính xác mà rất ít những con người bằng xương bằng thịt – ngay cả những người thân cận với chúng ta nhất – có thể có được, và họ đã có mặt trong một bối cảnh đầy hương thơm của các loài thực vật vùng cận nhiệt đới, mùi nước hoa của quí bà, mùi mồ hôi mặn chát của người Da đen và mùi hăng hắc của những chú ngựa và lạc đà, thâm nhập trực tiếp vào cả túp lều tồi tàn ấm cúng của một người dân vùng Scandinavia. Như một họa sĩ  phong cảnh, ông có kiến thức tinh tường của người thợ săn về khu vực săn bắn của riêng mình, độ chính xác của người vẽ địa hình và tính nhạy cảm của một họa sĩ ấn tượng.





                    Chiếc máy đánh chữ xách tay của William Faulkner.



Hơn thế nữa – có thể sánh bằng hoặc hơn văn hào James Joyce – Faulkner là người theo chủ nghĩa thực nghiệm vĩ đại trong số những nhà văn thế kỷ 20. Hầu như không có sự trùng lập về kỹ thuật nào giữa hai tác phẩm của ông. Dường như bằng sự đổi mới liên tục này, ông muốn đạt đến một bề rộng ngày càng tăng mà thế giới hạn hữu của ông, cả về mặt địa lý lẫn đề tài, không thể mang lại cho ông. Cũng chính niềm khao khát thử nghiệm đó, được thể hiện qua trình độ tinh thông của ông về sự phong phú của tiếng Anh, mà không tiểu thuyết gia Anh hay Mỹ nào có được, một sự phong phú bắt nguồn từ những yếu tố ngôn ngữ khác nhau và những thay đổi thường xuyên trong văn phong – từ tinh thần của một nhà văn thuộc thời đại Elizabeth xuống đến vốn từ vựng nghèo nàn nhưng giàu tính biểu cảm của người Da đen miền Nam nước Mỹ. Chưa có ai kể từ nhà văn Anh Geoge Meredith (1828 – 1909) – có lẽ ngoại trừ James Joyce – thành công như ông khi viết những câu văn  dài triền miên và mạnh bạo như những làn sóng cuồn cuồn của Đại Tây dương. Đồng thời cũng rất ít nhà văn cùng thế hệ với ông vượt qua được ông khi đặt một chuỗi sự kiện trong một loạt câu ngắn, mỗi câu như một nhát búa đập lút cây đinh vào miếng ván và bất di bất dịch tại đó. Khả năng vận dụng ngôn ngữ hoàn hảo của ông có thể – và thường xuyên – giúp ông liên kết từng chuỗi từ ngữ nhằm thách thức lòng kiên nhẫn của người đọc trong một cốt truyện phức tạp và hứng thú. Tuy nhiên khối lượng chữ nghĩa này hoàn toàn không liên quan đến thứ văn chương lòe loẹt. Điều này cũng không chỉ chứng tỏ sức tưởng tượng vô cùng nhạy bén của ông, mà trong cách sử dụng vốn từ phong phú, mỗi từ bổ nghĩa mới, mỗi từ liên kết mới đều nhằm đào sâu vào hiện thực mà khả năng tưởng tượng của ông gợi lên.






1950 – BERTRAND RUSSELL

(Anh, 1872 – 1970)





                                            Chân dung tác giả.

 

Với trí tuệ hơn người, trong  suốt nửa thế kỷ qua, Bertrand Russell luôn là trung tâm của những cuộc tranh luận công khai, đầy cảnh giác và luôn sẵn sàng chiến đấu,  hoạt động không ngừng cho đến ngày trọng đại này, ông đã để lại sau lưng một sự nghiệp viết lách tầm cỡ. Các tác phẩm của ông trong các ngành khoa học liên quan đến tri thức nhân loại và logic toán học đều mở ra một kỷ nguyên mới, và có thể so sánh với những thành quả cơ bản  trong ngành cơ học của Newton. Tuy nhiên, giải Nobel không chỉ dành để  công nhận những thành tựu trong những ngành khoa học đặc biệt. Điều quan trọng là, theo quan điển của chúng tôi (Viện Hàn lâm Thụy Điển), Russell đã dành phần lớn các tác phẩm của ông viết cho công chúng có trình độ học vấn bình thường, và, bằng cách đó, ông đã thành công vượt bậc trong việc nuôi dưỡng sự quan tâm của công chúng với nền triết học tổng quát.



Toàn bộ tác phẩm của ông là sự bảo vệ đầy thú vị tính xác thực của lương tri. Trong vai trò một triết gia, ông kế tục chủ nghĩa kinh nghiệm cổ điển của Anh, theo bước chân của Locke và Hume. Thái độ của ông đối với hệ thống lý thuyết của chủ nghĩa duy tâm là hoàn toàn độc lập và khá thường xuyên ở vị trí đối lập. Những hệ thống triết học vĩ đại đã phát triễn ở châu Âu được ông xem xét từ quan điểm lạnh lùng, nếu cần thì xáo tung lên, và có cái nhìn rạch ròi để phân biệt. Với tri giác nhạy bén, văn phong trong sáng, tính dí dỏm lồng vào sự nghiêm túc, ông đã thể hiện chúng trong tác phẩm của mình, điều mà chỉ có những nhà văn tài hoa mới dụng công được.



Hầu hết các tác phẩm của Russell đều gây nên sự chống đối. Không giống như những triết gia khác, ông xem chuyện này như một nghĩa vụ cấp bách và tự nhiên của một tác giả. Tất nhiên, chủ nghĩa duy lý của ông không giải quyết tất cả những vấn đề rắc rối và cũng không thể sử dụng như một thần dược, ngay cả khi triết gia sẵn lòng viết đơn thuốc. Một điều không may là, hiện có – và chắc chắn sẽ luôn luôn có -  những thế lực vô hình vượt quá sự phân tích của trí óc và từ chối việc bị kiểm soát. Như vậy, ngay cả khi tác phẩm của Russell, từ một quan điểm thuần túy thực tế, đạt được chút ít thành công ở độ tuổi đã chứng kiến hai cuộc thế chiến – cho dù phần lớn tác phẩm của ông cho thấy tư tưởng của ông bị chối bỏ một cách cay đắng – chúng ta vẫn phải khâm phục lòng dũng cảm kiên định của người dám nói lên sự thật đầy tính phản kháng này, và một thứ sức mạnh mãnh liệt, lạnh lùng cùng vẻ tự tin sảng khoái trong cách ông bày tỏ những quan điểm của mình - những quan điểm không bao giờ bị bức chế bởi chủ nghĩa cơ hội, nhưng thường xuyên gây phản ứng trực tiếp.




                                Tượng bán thân của Bertrand Russell

                                đặt trong công viên Red lion square.


Nói tóm lại, triết lý của Russell có thể được hiểu đúng đắn nhất là đã thực hiện được những mong muốn và ý nguyện của Alfred Nobel khi ông lập ra giải thưởng này. Có những điểm rất tương đồng về cách nhìn cuộc sống giữa hai người. Cả hai đồng thời vừa theo chủ nghĩa hoài nghi và không tưởng, cả hai đều có cái nhìn bi quan về thế giới đương thời, tuy nhiên cả hai đều trung thành với niềm tin vào khả năng đạt đến những chuẩn mực hợp lý đối với hành vi con người. Viện Hàn lâm Thụy Điển tin rằng vào dịp kỷ niệm lần thứ 50 Giải Nobel, một hành động theo đúng tinh thần ý nguyện của Nobel là tôn vinh Bertrand Russell như một trong những người phát ngôn xuất sắc về tính hợp lý và nhân văn, như  một chiến sĩ can trường của khuynh hướng tự do ngôn luận và tự do tư tưởng ở phương Tây.




1951 – PAR LAGERKVIST


(Thụy Điển, 1891 – 1974)








                                              Chân dung tác giả.

 

Lagerkvist thuộc hàng ngũ những nhà văn đã cống hiến đời mình, một cách dũng cảm và trực tiếp, cho những vấn đề nhân đạo. Nhà văn không hề mệt mỏi quay lại những vấn đề cơ bản về sự tồn tại của chúng ta, những điều mà chúng ta không thể chống lại được và đem đến những phiền muộn. Thời đại ông sống, mà chất liệu cuộc sống quyết định nghề nghiệp của ông, bị đe dọa bởi những đám mây ùn ùn kéo đến và bởi sự bùng nổ của những thảm họa. Chính trong bối cảnh u ám và hỗn loạn đó, ông bắt đầu chiến đấu. Chính trong đất nước không có ánh sáng mặt trời đó ông đã khám phá ra ngọn lửa của nguồn cảm hứng.



Lagerkvist, với thiên hướng tiên đoán nhạy bén, đã biết trước tai họa sẽ xảy đến sớm đến mức người ta có thể xem ông là nhà tiên tri của những nỗi thống khổ trong văn học Bắc Âu; nhưng ông cũng là người lính gác có trách nhiệm nhất cho ngọn lửa thiêng về tinh thần luôn có nguy cơ bị dập tắt trong giông bão.



Một trong những chuyên gia nước ngoài, người mà vào dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Giải Nobel Văn chương, đã phê phán những người được trao giải, đã đưa ra hai điều kiện làm tiêu chí mà theo ông ta thì không thể thiếu được: thứ nhất là giá trị nghệ thuật của tác phẩm, thứ hai là tác phẩm phải nổi tiếng thế giới. Về điều kiện sau, có thể có ý kiến phản bác rằng những người viết văn bằng một ngôn ngữ không phổ biến sẽ phải chịu một bất lợi lớn. Trong bất cứ trường hợp nào, việc một nhà văn Bắc Âu có thể tạo thanh danh với công chúng thế giới là điều cực kỳ hiếm, và, do đó, đối với những ứng cử viên này, việc đưa ra phán xét công bằng là một vấn đề đặc biệt tế nhị. Tuy nhiên, bản di chúc của Nobel đã chỉ rõ rằng các giải thưởng phải được trao mà không cần xét đến quốc tịch. Điều này cũng có nghĩa là nếu một nhà văn tỏ ra xứng đáng với Giải Nobel, thực tế là nhà văn đó người Thụy Điển chẳng hạn, sẽ không ngăn được ông ta đoạt giải.



Đối với Lagerkvist, chúng ta cần xem xét một yếu tố khác mà theo chúng tôi là rất đúng: tác phẩm mới nhất của ông đã gây được nhiều sự đồng cảm và kính trọng bên ngoài biên giới của chúng ta. Điều này càng được củng cố hơn bởi những lời tiến cử khẳng định vị trí ứng cử của Lagerkvist phần lớn thuộc những cố vấn người nước ngoài. Giải thưởng mà ông nhận được không chỉ gói gọn trong phạm vi đề cử của Viện Hàn lâm. Việc thể hiện mối thương tâm những xung đột nội tâm của những tội nhân mà người Do Thái yêu cầu phóng thích để thế chỗ Chúa Jésus đã tạo được những ảnh hưởng như vậy ngay trong ngôn ngữ nước ngoài, rõ ràng cho chúng ta thấy nguồn cảm hứng dạt dào trong tác phẩm của ông. Điều này càng có giá trị hơn nhờ văn phong độc đáo, và ở một phương diện nào đó, không thể lột tả hết khi được dịch ra tiếng nước ngoài. Quả đúng như vậy, với thứ ngôn ngữ vừa khô khốc vừa nhạy cảm này, những người đồng hương của ông có thể nghe thấy tiếng vọng của những khúc dân ca dội lại dưới bầu trời đầy sao của những truyền thuyết trong Kinh Thánh. Điều này, một lần nữa, gợi nhắc cho chúng ta rằng bản sắc riêng của từng vùng, đôi khi có thể được chuyển đổi thành một điều gì đó mang tính phổ quát và gần gũi với tất cả mọi người.



Trên mỗi trang sách của Lagerkvist đều là những ngôn từ và ý tưởng mà, với sự nhẹ nhàng sâu sắc và đáng sợ, lại chứa đựng tận cốt lõi sự thuần khiết của chúng một thông điệp đáng kinh sợ. Những ngôn từ và ý tưởng xuất phát từ cuộc sống mộc mạc, bình dị, cần cù và dè sẻn từng chữ một. Tuy nhiên, tất cả những tố chất đó, dưới tay của một nhà văn bậc thầy, đã được dành để phục vụ cho những ý đồ khác, cho những mục đích cao cả hơn, chúng được nâng lên tầm cao nghệ thuật cách lý giải về thời đại, thế giới và tình trạng vĩnh cữu của con người. 




1953 – SIR WINSTON CHURCHILL


(Anh, 1874 – 1965)






Chấn dung tác giả.



Sự thành công của Churchill trong cả lãnh vực chính trị lẫn văn chương khiến người ta muốn nói đến ông như một Caesar, người cũng được ban cho ngòi bút của Cicero. Trong lịch sử từ trước đến nay chưa một nhân vật đứng đầu nhà nước nào gần gũi với chúng ta vì một sự kết hợp xuất sắc như thế. Trong tác phẩm quan trọng nói về tổ phụ của mình, Churchill viết: ”Ngôn từ thì dễ và nhiều, trong khi hành động vĩ đại thì khó và hiếm”. Vâng, đúng vậy, nhưng những ngôn từ hay, sống động và thuyết phục cũng khó và hiếm. Và Churchill đã chứng tỏ rằng những ngôn từ cũng mang tính cách của những hành động vĩ đại.



Có lẽ chính khía cạnh sống động và đầy màu sắc trong văn phong của Churchill đã gây ấn tượng trước tiên cho người đọc. Là một họa sĩ ngôn từ, ông không chỉ có độ cảm hứng mà có cả độ nhạy bén về thị giác. Sau này, ông vẽ tranh như một sở thích riêng. Trong tác phẩm Tư tưởng và Những cuộc phiêu lưu [Thoughts and Adventures] (1932) ông đàm luận một cách lôi cuốn về niềm vui hội họa mang đến cho ông. Ông yêu những màu sắc rực rỡ và tội nghiệp cho những màu nâu nghèo nàn. Tuy nhiên, Churchill đã có những tác phẩm hội họa bằng ngôn từ hay hơn nhiều. Ông phác họa những cảnh chiến trường bằng một nghệ thuật pha màu không ai sánh được. Ngay cả những cuộc chiến xa xưa nhất từ trong những tập hồ sơ phủ đầy bụi cũng được Churchill miêu tả sống động một cách đáng nể. Trong các tác phẩm lịch sử của ông, các yếu tố cá nhân và sự kiện đan quyện lẫn nhau. Ông hiểu rõ những gì mình viết. Ông có kinh nghiệm sâu sắc trong việc đánh giá sức thuyết phục của các sự kiện. Chính ông là người đã trải qua khói lửa, những hiểm nguy và những áp lực cùng cực. Điều này đã tạo cho lời văn của ông có sức mạnh làm rung động lòng người.



Churchill cảm thấy tiếc vì đã không thể theo học ở đại học Oxford. Ông phải dành thời gian rảnh của mình để tự học. Tuy nhiên, hoàn toàn không có khoảng cách học vấn nào đáng kể trong cách hành văn thuần thục của ông. Chẳng hạn cuốn Những người cùng thời vĩ đại [Great Contemporaries] (1937), một trong những tác phẩm hấp dẫn nhất của ông cho chúng ta thấy điều đó. Có nhiều ý kiến cho rằng văn phong của ông chịu ảnh hưởng của những nhà văn Gibbon, Burk và Macaulay, nhưng xét về phương diện này thì đó mới thật sự là của chính ông. Ở văn của ông, người đọc cảm nhận sâu sắc những cảm xúc tinh tế, sự phong phú của kiến thức, phong cách phóng khoáng và vẻ thâm thúy một cách hài hước – tất cả góp phần hình thành một phòng tranh chân dung sống động!



Bản thân Churchill là một nhà văn chú trọng văn phong, mặc dù mang phong cách một hiệp sĩ đầy nhuệ khí, ông cũng không theo khuynh hướng hoa hòe hoa sói trong nghệ thuật. Ông diễn đạt sự việc đúng bản chất của nó, không quen lối nói lòng vòng. Niềm đam mê của ông là chủ nghĩa hiện thực. Sức thuyết phục của ông được dung hòa bởi tư tưởng phóng khoáng và óc hài hước. Ông hiểu rằng một câu chuyện hay là chính bản thân nó nói lên điều đó. Ông coi thường những gì cầu kỳ không cần thiết và hiếm khi ông sử dụng phép ẩn dụ, nhưng văn ông thì rất biểu cảm.






                    Tượng của Winston Churchill

                    trong Parliament Square.
  

Ngoài một Churchill là nhà văn còn có một Churchill là nhà hùng biện – thể hiện qua sự linh động và tính châm chích trong cách diễn đạt của ông. Chúng ta thường biểu lộ tính cách của mình một cách vô tư qua những lời ngợi khen dành cho người khác. Chẳng hạn như Churchill khi nói về người bạn của mình, huân tước Birkenhead: “Khi ông ta hâm nóng đề tài của mình, nó toát lên sức nóng của niềm tin và tính cách, bản năng và sự khôi hài, từ đó tạo nên sức thuyết phục thật sự”. Nhận xét này có lẽ càng mang tính xác thực hơn khi được dành để nói về chính Churchill.




1954 – ERNEST HEMINGWAY


(Mỹ, 1899 – 1961)




Chân dung tác giả.



Trong thời hiện đại của chúng ta, các nhà văn Mỹ ngày càng tạo nên dấu ấn riêng sâu đậm trên bình diện chung của nền văn chương thế giới. Một trong những người tiên phong đó là nhà văn hiện đang là tâm điểm của sự chú ý. Hầu như không có gì là phóng đại khi nói rằng Ernest Hemingway, hơn bất cứ đồng nghiệp người Mỹ nào của ông, gây cho chúng ta cảm giác rằng chúng ta phải đương đầu với một quốc gia còn non trẻ đang tìm kiếm và đã thấy hình thức diễn đạt chính xác của họ trong văn học. Một nhịp văn đầy ấn tượng và những đường cong sắc nét đã tạo nên đặc trưng của riêng Hemingway, mà ở nhiều phương diện không giống một nhà văn tầm tầm nào. Với ông, sinh lực cuộc sống phát triễn theo cách riêng của nó, tách biệt khỏi chủ nghĩa bi quan và sự vỡ mộng trong cuộc sống – những khuynh hướng rất phổ biến trong thời đại chúng ta. Hemingway hình thành phong cách riêng của ông từ thời kỳ theo học trường đào tạo phóng viên. Khi làm việc ở tòa soạn báo Kansas City với tư cách là phóng viên tập sự, ông đã học được phương châm đầu tiên trong lý thuyết dành cho nhà báo: “Hãy viết câu văn ngắn. Hãy viết đoạn văn ngắn”. Quá trình luyện tập kỹ thuật viết của Hemingway, rõ ràng đã tạo cho ông sức mạnh phi thường về tính kỹ luật tự giác trong nghệ thuật.




              Ernest và Mary Hemingway ở Kenya, 1953-54



Khi đề cập đến những yếu tố căn bản trong các tác phẩm của ông, chúng ta không nên quên rằng tài kể chuyện của ông luôn luôn đạt đến đỉnh cao nhất, khi nó được lồng vào những truyện ngắn đầy súc tích, được tỉa gọt một cách sáng suốt, một thể loại văn học mà, bằng sự kết hợp độc đáo giữa tính giản dị và chính xác, đã đóng đinh chủ đề của nó vào nhận thức của chúng ta, và mỗi nhát búa đều nói lên một điều gì đó. Tuyệt tác theo dạng thức này, vượt lên trên bất cứ tác phẩm nào khác của ông, là Ông già và Biển cả [The Old Man and the Sea] (1952), một câu chuyện khó quên về cuộc chiến đấu tay đôi giữa ông lão đánh cá người Cuba và con cá kiếm ngoài khơi Đại Tây dương. Trong khuôn khổ một câu chuyện, viễn cảnh đáng thương tâm về số phận con người được mở ra. Câu chuyện ngợi ca tinh thần chiến đấu, không khoan nhượng ngay cả khi cái được về vật chất chỉ là con số không, một lời tôn vinh chiến thắng tinh thần trong chiến bại. Bi kịch đó diễn ra trước mắt chúng ta, từng giờ một, chấp nhận những chi tiết thiết thực của cuộc sống để làm giàu và gánh vác ý nghĩa trọng yếu của nó như trong tác phẩm ông đã viết: “Con người có thể bị hủy diệt nhưng không thể thất bại”.




                   Tượng E. Hemingway ở Cuba

                   của nhà điêu khắc José Villa Soberón.

 

Có lẽ đúng là các tác phẩm đầu tay của Hemingway phô bày những khía cạnh tàn nhẫn, hoài nghi và lạnh lùng, điều này được xem là khó đáp ứng yêu cầu chuẩn mực của Giải Nobel. Tuy nhiên, bên cạnh đó ông cũng thể hiện chất bi tráng, một yếu tố cơ bản trong nhận thức về cuộc đời của ông, sự yêu thích nguy hiểm và phiêu lưu đầy nam tính với lòng ngưỡng mộ tất yếu dành cho bất kỳ ai chiến đấu vì chính nghĩa trong một thế giới hiện thực bị bạo lực và cái chết che mờ. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đây là mặt tích cực về việc tôn thờ nam tính của ông, nếu không, thay vào đó có thể là xu hướng yếu đuối, thích biểu lộ tình cảm – một trở ngại để chủ thể đạt được mục tiêu cuối cùng của mình. Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng lòng can đảm là chủ đề trung tâm của Hemingway – nó mang phong cách của một người chịu nhiều thử thách và đã tôi luyện chính mình để có thể thích nghi với những khắc nghiệt dễ chán nản của cuộc sống, mà nếu đối phó với chúng bằng một thái độ tránh né sẽ bỏ lỡ những thời khắc tuyệt vời và hào sảng.



1955 – HALLDÓR LAXNESS


(Iceland, 1902 – 1998)




Chân dung tác giả - Tranh của Einar Hakonarson, 1984.



Iceland là chiếc nôi của nghệ thuật kể chuyện ở Bắc Âu. Thể loại saga  từ trước đến nay luôn luôn giữ một vị trí xứng đáng nhất trong nền văn học ở xứ sở này. Đối với người Iceland, saga là nguồn an ủi và sức mạnh giúp họ vượt qua hàng bao thế kỷ tối tăm, sống trong cảnh nghèo đói và gian khổ. Hôm nay, đất nước Iceland được biết đến như một quốc gia xuất sắc về văn chương, bên cạnh hai lãnh vực dân số và tài nguyên.



Trong thời đại chúng ta, điều cần thiết là phải có một năng lực vô tận để khôi phục nghệ thuật kể chuyện có truyền thống lâu đời như vậy. Trong cuốn sách mà Halldór Laxness viết về nhà thơ nông dân Olafur Ljusvokongur, ông đặc biệt quan tâm đến những vấn đề và sứ mệnh của thi ca, thể hiện qua lời phát biểu của một nhân vật: “Bài thơ hay là bài thơ làm rung động lòng người. Đó là tiêu chuẩn duy nhất”. Tuy nhiên, để đi đến trái tim con người, chỉ có khả năng văn chương, dù lớn lao đến đâu, cũng không đủ, kể cả khả năng mô tả và khai thác các sự kiện. Nếu văn chương không phải là “ánh sáng của thế giới”, thì nó phải là một bức tranh chân thật về cuộc sống con người. Mục tiêu đó như một sợi chỉ xuyên suốt qua tất cả những gì mà Laxness đã viết. Và với khả năng cảm nhận cực kỳ tinh tế những điều cụ thể của cuộc sống con người, cùng với tài kể chuyện thiên phú, ông đã đạt đến vị trí là nhà văn vĩ đại nhất của đồng bào ông trong thời đại ngày nay.



Halldór Laxness đã không đạt đến sự cân bằng nghệ thuật mãi cho đến cuối những năm 1920, khi ông quay về Iceland và nhận ra sứ mệnh của mình là nhà thơ kể chuyện của nhân dân Iceland.



Ông là một họa sĩ vẽ cảnh vật Iceland xuất chúng. Tuy nhiên, ông không xem đó là sứ mệnh chính yếu trong sự nghiệp của mình. Nghệ thuật phải được nuôi dưỡng bằng sự cảm thông và tình yêu nhân loại, nếu không nghệ thuật sẽ vô giá trị. Bởi thế mà thơ văn của Laxness luôn thiết tha thể hiện mối quan tâm của xã hội. Những vấn đề xã hội và chính trị đương thời ngự trị trong các tác phẩm của ông, lớn đến mức có nguy cơ lấn áp khía cạnh nghệ thuật. Bù lại, tính cách hài hước giúp ông nhìn nhận ngay cả những người đáng ghét nhất với một thái độ bao dung, và nó cũng cho phép ông đi sâu hơn vào tâm hồn con người.



Halldór Laxness giữ vai trò đầu đàn trong việc đưa khuynh hướng phát triễn văn học trở về với nền tảng phổ quát và truyền thống. Đây là thành công lớn nhất của ông. Văn phong của ông sinh động và độc đáo, thanh thoát và tự nhiên, gây ấn tượng mạnh cho người đọc nhằm đạt được mục đích của ông một cách linh hoạt và sâu sắc.



Một điều nữa cần nhấn mạnh nhằm đánh giá đúng vai trò của Laxness. Có một thời những nhà văn Iceland đã chọn một thứ ngôn ngữ khác của vùng Scandiavia để sáng tác, không phải chỉ vì lý do kinh tế, mà vì có lúc họ đã mất hết hy vọng dùng ngôn ngữ Iceland như một công cụ để sáng tác. Halldór Laxness, trong lãnh vực văn xuôi, đã biến ngôn ngữ Iceland thành một phương tiện diễn đạt nghệ thuật cho nội dung hiện đại, và bằng tấm gương của chính mình, ông đã tạo cho các nhà văn Iceland lòng can đảm sử dụng tiếng mẹ đẻ. Nói chung, về phương diện này đã tạo cho ông một ý nghĩa lớn lao nhất, mang lại cho ông một vị trí chắc chắn và được kính nể ngay tại quê hương mình.



1956 – JUAN RAMÓN JIMÉNEZ

(Tây Ban Nha  1881 – 1958)

  


                      Chân dung nhà thơ do Joaquin Sorolla vẽ



Giải Nobel văn học năm nay được trao cho một người dành trọn đời hiến mình cho thi ca và cái đẹp. Ông là Juan R. Jiménez, một người thợ làm vườn cao tuổi đã dành nửa thế kỷ cho sự nghiệp sáng tạo một loại hoa hồng mới, một loại hồng trắng huyền diệu rồi đây sẽ được mang tên ông.



Thơ của ông không phải là thứ rượu mạnh làm say lòng người và tác phẩm của ông không phải là ngôi thánh đường Hồi giáo nguy nga biến thành một giáo đường Thiên Chúa giáo. Thơ ông khiến người đọc nghĩ đến một khu vườn như đã nói, được bao bọc bởi những bức tường cao quét vôi trắng, qua đó hiện lên một phong cảnh xinh tươi đầy ấn tượng. Ông như một người đi ngang qua đuồng, dừng lại giây lát và bước vào với chiếc máy quay phim mà không sợ bị cảm giác đánh lừa. Không có gì khác thường hay ngoạn mục ở đây cả, chỉ là những thứ bình thường: những cành cây ăn trái đong đưa khi gió thoảng qua, mặt ao phản chiếu ánh mặt trời ban ngày và ánh trăng ban đêm, chim muông ca hót. Không có ngọn tháp nhỏ nào được thay hình đổi dạng thành một tháp ngà trong khu vườn màu mỡ, đâm hoa kết trái từ nền văn hóa Ả rập này cả. Thế nhưng, vị khách ấy đã nán lại và đã thấy được rằng cảnh thụ động bên trong bờ tường chỉ là cảm nhận ban đầu, rằng sự cô lập này chỉ là hình thức và nhất thời của những gì có vẻ như là thực tại. Ông không hề bỏ phí thời gian để quan sát đóa hồng có một vẻ đẹp lộng lẫy, mà muốn cảm nhận được vẻ đẹp này, đòi hỏi phải có một trực giác nhạy bén và khác thường. Có những vẻ đẹp làm cho cảm giác người xem thích thú nhiều hơn. Trước du khách, người làm vườn thầm lặng  bất ngờ xuất hiện như một đạo diễn nghiêm khắc của tâm hồn. Ở lối vào khu vườn của nhà thơ Juan R. Jiménez, du khách phải có cách cảm nhận như khi bước chân vào ngôi thánh đường Hồi giáo: tháo giày, rửa tay và súc miệng ở vòi nuớc rửa tội.



                       Ngôi nhà, nơi Juan Ramón Jimenez

                       sống trong các năm 1929 - 1936.

Jiménez không phải là nhà sáng tạo thích phô trương để tự giới thiệu mình trên sân khấu tràn ngập ánh đèn. Thơ ca của ông, dè dặt nhưng thân thiết, xuất phát từ nơi sâu kín của tâm hồn, nói về mặt trăng và nỗi buồn man mác bằng những vọng âm của Schumann và Chopin.


Chúng ta thường nhắc đến thời kỳ hồng, thời kỳ xanh của Picasso. Các nhà văn học sử cũng quan tâm đến những gam màu khác nhau ngự trị trong các tác phẩm của Jiménez. Thời kỳ đầu là vàng và xanh, tiếp theo là trắng. Sự trần trụi của màu trắng đã biểu thị đặc điểm của thời kỳ rực rỡ và dứt khoát, đánh dấu một phong cách thơ khác của Juan Ramón. Ở thời kỳ này, chúng ta chứng kiến một giai đoạn dài sung sức của một nhà thơ đang tỏa sáng. Bên cạnh đó, là những bức tranh buồn man mác và xa hơn là những đề tài mang tính giai thoại. Những bài thơ chỉ lý giải về thơ ca và tình yêu, về phong cảnh và biển gắn liền với thơ ca và tình yêu. Một chủ nghĩa khổ hạnh về hình thức hướng đến sự hoàn thiện, loại bỏ mọi trang sức bên ngoài của thơ, sẽ là con đường dẫn đến sự giản dị – một hình thức nghệ thuật tuyệt đỉnh – loại thơ mà nhà thơ gọi là trần trụi.


Quá trình phát triển “phong cách thứ hai” của Juan R. Jiménez đạt đến đỉnh cao trong tác phẩm Nhật ký của một nhà thơ mới kết hôn [Diario de un poeta recion casado] (1917). Dần dần thơ ông càng lúc càng cô đọng, trần trụi và trong suốt. Chúng chính là những phương châm và cách ngôn của những tác phẩm thơ thần bí của ông.


                       Tượng Juan Ramón Jimenez ở Moguer.



Một nhà báo Thụy Điển khi được biết giải Nobel văn học năm nay trao cho Juan Ramón Jiménez đã phát biểu: “Ông là một nhà thơ bẩm sinh với phẩm chất giản dị và thuần khiết như tia nắng mặt trời, cống hiến hết mình cho sự thuần thiết và giản dị, không ý thức về thiên khiếu của mình. Chúng ta không biết một nhà thơ như vậy chào đời lúc nào. Chúng ta chỉ biết rằng một ngày nào đó chúng ta phát hiện ra họ, nhìn thấy và nghe thấy họ cũng giống như trông thấy một đóa hoa thảo mộc. Chúng ta gọi đó là điều kỳ diệu”.



1957 – ALBERT CAMUS

(Pháp, 1913 – 1960)



Chân dung nhà văn


Văn học Pháp không còn là mối liên hệ về mặt địa lý với phạm vi lãnh thổ của nước Pháp ở châu Âu nữa. Xét nhiều khía cạnh nó làm ta nhớ đến một loại cây cảnh quý phái và không thể thay thế, mà khi được vun trồng xa xứ vẫn giữ được đặc điểm riêng, mặc dù truyền thống và sự biến đổi đa dạng luân phiên nhau gây ảnh hưởng. Albert Camus, là một minh chứng cho tiến trình này.
Với một nguồn gốc gần như vô sản, Camus nhận thấy cần phải đương đầu với cuộc sống bằng chính khả năng của mình; là một sinh viên lâm vào cảnh nghèo khó, ông đã làm đủ loại công việc để tự trang trải chi phí. Đó là một quá trình học hành thật gian khổ nhưng, với những điều được học rất đa dạng, lại là một quá trình chắc chắn không vô ích đối với người sẽ trở thành một nhà văn hiện thực như ông. Những tác phẩm đầu tiên của ông được nhà xuất bản địa phương ở Algeria ấn hành, nhưng vào năm 25 tuổi ông đã đến nước Pháp với tư cách là một nhà báo, và chẳng bao lâu ông trở nên nổi tiếng ở chính quốc Pháp như là một tác giả hàng đầu. Sự kiện này đã sớm lắng xuống bởi bầu không khí nóng bỏng và khắc nghiệt của những năm chiến tranh.

Ngay cả trong những tác phẩm đầu tiên, Camus đã bộc lộ một quan điểm duy thần nảy sinh từ những mâu thuẫn sâu sắc trong ông, giữa ý thức về cuộc sống trần tục và sự nhận thức thú vị về bản chất của cái chết. Điều này cụ thể hơn thuyết định mệnh điển hình của người vùng Địa Trung hải - khởi thủy của thuyết này là việc tin chắc rằng sự huy hoàng rực rỡ của thế giới chỉ là một khoảnh khắc phù du thoáng qua, nhất định sẽ bị che phủ bởi bóng đêm tăm tối. Camus cũng đại diện cho phong trào triết học được gọi là thuyết sinh tồn, khắc hoạ vị trí của con người trong vũ trụ bằng cách phủ nhận vai trò của mỗi cá nhân, và cho rằng trong con người chỉ toàn là điều ngớ ngẩn. Tính từ “ngớ ngẩn”  thường có mặt trong các câu văn của Camus, nhờ vậy người ta có thể gọi đó là một chủ đề xuyên suốt trong tác phẩm của ông, chủ đề này được trình bày với tất cả các hệ quả về mặt tinh thần và lô-gíc trên các mức độ tự do, trách nhiệm, và nỗi thống khổ có nguồn gốc từ tính từ này. Đối với Camus, điều thiết yếu không phải là xem cuộc đời có đáng sống không mà là ta phải sống như thế nào, san sẻ với những khổ đau mà cuộc sống đã mang lại.





Tượng kỷ niệm của Camus được xây
 trong  thị trấn Villebleviv, Pháp - nơi ông mất
 vì tai nạn ô-tô ngày 4-1-1960.
 
Điều đáng đề cập là các tác phẩm trong đó, bằng việc sử dụng một phong cách nghệ thuật cổ điển hoàn toàn thuần khiết cùng với sự tập trung cao độ, ông ta đã thể hiện những vấn đề này theo cách để bản thân các nhân vật và sự kiện làm cho ý tưởng của ông trở nên sống động trước mắt chúng ta, mà không cần lời diễn giải. Đó là những gì làm cho tác phẩm  Kẻ xa lạ [L’étranger] (1942) trở nên nổi tiếng. Nhân vật chính là nhân viên ở một cơ quan chính quyền giết một người Ả-rập sau một chuỗi các sự kiện ngớ ngẩn; rồi sau đó, dửng dưng với số phận, anh ta nghe chính mình bị tuyên án tử hình. Tuy nhiên, vào giây phút cuối, anh ta tỉnh trí lại và thoát khỏi tình trạng thụ động gần như là mê muội. Trong tác phẩm Dịch hạch [La Peste] (1947), cuốn tiểu thuyết mang tính tượng trưng có tầm vóc lớn hơn, những nhân vật chính là bác sĩ Raux và trợ lý của ông ta, những người chiến đấu dũng cảm chống lại dịch bệnh tấn công vào các tỉnh thành phía bắc châu Phi. Bằng lời văn trầm tĩnh và hoàn toàn khách quan, câu chuyện hiện thực đầy tính thuyết phục nầy phản ánh những diễn biến cuộc sống trong suốt cuộc chiến đấu, và Camus ca ngợi một sự vùng lên mà chính tai họa đang hoành hành, đã khơi dậy từ trong trái tim của một con người rất mực cam chịu và không còn niềm tin.

Camus còn mang đến cho chúng ta một chuyện kể độc thoại rất ấn tượng, Sa đọa [La Chute] (1956), một tác phẩm chứng tỏ sự tinh thông về nghệ thuật kể chuyện. Một luật gia Pháp tự vấn lương tâm trong một quán rượu dành cho thủy thủ ở thành phố Amsterdam, và vẽ ra bức chân dung của chính mình, một hình ảnh trung thực mà qua đó, những đồng nghiệp của ông có thể nhìn nhận về chính họ một cách tương tự. Trong những trang sách nầy người ta có thể thấy Kẻ-đạo-đức-giả bắt tay với Kẻ-ghét-loài-người nhân danh cho ngành khoa học nghiên cứu trái tim con người mà nước Pháp thời trước rất vượt trội. Sự châm biếm chua cay, được sử dụng bởi một tác giả xông xáo luôn bị ám ảnh bởi sự thật, đã trở thành một vũ khí chống lại thế giới đạo đức giả.

 


                  Mộ của Camus ở Lourmarin - Pháp.
 

Bản thân ông Camus đã vượt hẳn ra khỏi thuyết hư vô. Sự suy ngẫm nghiêm túc và khắt khe của ông về bổn phận khôi phục không vướng chút hằn thù những gì đã bị tàn phá, và việc làm cho công lý có thể tồn tại trong một thế giới bất công, đã phần nào làm cho ông trở thành một nhà nhân văn học, một người đã không quên đi sự tôn sùng nét cân đối và vẻ đẹp của người Hy Lạp, khi có lần ông khám phá ra những điều này trong ánh nắng mùa hè chói chang trên bờ biển Địa Trung hải ở Tipasa.

Sinh động và đầy sáng tạo, Camus đang là trung tâm thu hút sự chú ý trong làng văn học thế giới, ngay cả bên ngoài phạm vi nước Pháp. Được truyền cảm hứng từ một cam kết đích thực về mặt tinh thần, ông đã dành hết sức lực của mình cho những vấn đề nền tảng của cuộc sống, và chắc chắn rằng khát vọng này sẽ dẫn đến mục tiêu lý tưởng mà vì thế giải thưởng Nobel đã được lập ra. Đằng sau sự khẳng định không ngừng của ông về sự ngớ ngẩn của thân phận con người, hoàn toàn không phải là sự phủ định khô khan. Cách nhìn sự vật này được bổ sung vào trong con người ông bởi một mệnh lệnh đầy quyền năng, cũng là một lời kêu gọi ý chí quyết tâm nổi dậy chống lại sự ngớ ngẩn, và chính vì điều đó, tạo nên một giá trị.



1958 – BORIS PARTERNAK

(Nga, 1890 – 1960)




Chân dung nhà văn do Leonid Pasternak vẽ, 1910



Giải thưởng Nobel Văn chương năm nay được Viện Hàn Lâm Thụy Điển trao tặng cho một nhà văn Cộng Hoà Liên Bang Nga - Boris Pasternak, vì thành tựu đáng kể của ông cả trong lĩnh vực thơ ca đương thời lẫn trong lĩnh vực truyền thống vĩ đại của Nga là truyện kể.

Như đã biết, Pasternak đã bày tỏ rằng ông không mong muốn nhận sự ưu đãi đặc biệt này. Việc từ chối này dĩ nhiên chẳng hề làm thay đổi giá trị của giải thưởng. Dù sao, cũng còn một chuyện phải làm đối với Viện Hàn Lâm là rất lấy làm tiếc tuyên bố rằng lễ trao giải không thể thực hiện được.




                              Bìa tiểu thuyết Doctor Zivago, 
                             bản in lần đầu năm 1957

 
Vào ngày 25 tháng 10 năm 1958, hai ngày sau khi có thông báo chính thức từ Viện Hàn Lâm Thụy Điển cho biết Boris Pasternak đã được chọn là người đoạt giải thưởng Nobel Văn chương, nhà văn Nga đã gởi bức điện như sau đến Viện Hàn Lâm Thụy Điển: “Hết sức cảm ơn, xúc động, hãnh diện, kinh ngạc, bối rối”. Bức điện này được tiếp theo bằng một bức điện khác viết ngày 29 tháng 10 với nội dung: ”Xét ý nghĩa của giải thưởng trong một xã hội mà tôi là một thành viên, tôi phải từ chối giải thưởng không công bằng này, giải thưởng chỉ dành riêng cho tôi. Xin vui lòng đừng lấy làm bất mãn vì sự từ chối tự nguyện của tôi”.   

            Mộ của Boris Pasternak ở Peredelkino, 
            tháng 10 - 1983.

 

1960 – SAINT - JOHN PERSE

(Pháp, 1887 – 1975)



                                Chân dung nhà thơ, 1960.
Saint–John Perse, tên của nhà thơ đã nổi tiếng trên toàn thế giới nhờ chính ông, một con người kín đáo, trong đời thường được gọi là Alexis Leger và, theo tên này, ông đã giành được uy tín to lớn ở một lĩnh vực khác trong cuộc đời hoạt động xã hội của mình. Như thế cuộc đời của ông được chia làm hai giai đoạn, một giai đoạn đã chấm dứt, còn giai đoạn kia đang tiếp tục: Alexis Leger, nhà ngoại giao đã trở thành Saint – John Perse, nhà thơ.
Được xem là một nhân vật quan trọng trong lĩnh vực văn học, nhưng trước tiên ông là nhà ngoại giao, bắt đầu sự nghiệp vào năm 1914 và ngày càng giữ nhiều trọng trách quan trọng. Với tư cách là tổng thư ký của Bộ Ngoại giao Pháp trong nhiều năm, nằm trong hàng ngũ thành viên Hội đồng Quốc gia, ông đã đảm đương những nhiệm vụ trọng yếu trong suốt những sự kiện chính trị mở đầu cho cuộc chiến tranh thế giới lần II.
Sau sự thất bại của nước Pháp năm 1940, ông bị đình chỉ công tác một cách đột ngột và lâm vào cảnh sống lưu vong, bị chế độ Vichy xem như là một kẻ thù nguy hiểm, và bị tước đi cả quyền làm một công dân Pháp. Ông đã tìm thấy chỗ ẩn náu tại Washington, nơi ông làm việc với tư cách là người cố vấn văn chương cho Thư viện Quốc hội. Nhà nước Pháp đã sớm phục hồi đầy đủ quyền lợi cho ông, nhưng ông - một người đang sống cảnh tha hương - đã kiên quyết khước từ việc trở lại với ngành ngoại giao. Tuy nhiên, trong những năm gần đây ông đã nhiều lần trở lại nước Pháp vì lý do cá nhân.
Đến đây một sự nghiệp đã rộng mở ra những viễn cảnh bao la, và hứa hẹn với những thành công, trong đó một tầm nhìn phóng khoáng có được qua nhiều điều kiện kết hợp với một sắc thái tinh thần, mang đặc tính năng động cá biệt. Sự uyên bác mang tính quốc tế này, dấu hiệu đảm bảo cho phẩm chất của một lữ khách vĩ đại, cũng tạo nên thêm một trong những đề tài thường lập đi lập lại trong các tác phẩm của nhà thơ. Ông đã đạt được thành công đầu tiên nhờ tập thơ có tên là Tán dương thời thơ ấu [Pour fêter une enfance] (1910). Khung cảnh hoành tráng trong tác phẩm này gợi lại những kỷ niệm ban đầu vàng son của thời niên thiếu về một thiên đường đẹp lạ kỳ ở Guadeloupe, trong đó có muông thú và cây cỏ mang màu sắc thần thoại. Từ Trung Hoa ông đã mang về sử thi Anabase xuất bản năm 1924, tập này kể lại một cuộc viễn chinh hiếu chiến đầy bí ẩn, tiến vào các hoang mạc ở châu Á thông qua một thể thơ mang nhiều hàm ý và cứng như men... 
Sự thật là, những tác phẩm của ông đều cho chúng ta thấy rõ sự khác thường, phức tạp trong phong thái lẫn suy nghĩ, nhưng người chủ sáng tạo ra chúng thì không lập dị chút nào - nếu ta cho rằng qua sự lập dị đó, ông gò mình vào ý chí tự do để thoả lòng và chỉ quan tâm đến chính mình mà thôi. Trái lại, phẩm chất nổi bật của ông là niềm  ao ước được thể hiện con người, nắm bắt tất cả sự đa dạng phong phú của họ, tất cả tính liên tục của họ. Mong ước được mô tả con người - với vai trò là người sáng tạo bất diệt - tranh đấu từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, chống lại sự bất phuc tùng cũng kiên trì không kém của các sức mạnh thiên nhiên. Ông đồng nhất chính mình với mọi chủng tộc, những người cùng sống trên hành tinh đầy dông tố của chúng ta. “Nòi giống chúng ta đã cổ xưa rồi”, ông đã nói trong một bài thơ, “vẻ ngoài của chúng ta thì không tên… Cái chết đang rình rập ở ô cửa, nhưng lộ trình của chúng ta không phải ở đó”.
Người ta không thể nghĩ gì khác ngoài việc ngưỡng mộ tính chính trực trong quan điểm của thơ ông, là một sự kiên quyết kiêu hãnh mà với, nó ông đã kiên trì theo đuổi một hình thức duy nhất để diễn đạt, cho phép ông thực hiện những ý định của mình, một hình thức độc tôn nhưng luôn thích hợp. Sự phong phú vô tận của một văn phong đầy hình ảnh trong những khúc hoan ca của ông, đòi hỏi phải tư duy và có thể làm cho người đọc mệt mỏi khi nhà thơ đòi hỏi họ phải có những nỗ lực tập trung tinh thần cao độ. Ông rút ra các ẩn dụ từ tất cả những ngành học, từ mọi thời đại, từ mọi chuyện thần thoại, từ mọi miền; những tập thơ của ông gợi nhớ đến những vỏ sò của đại dương mà từ đó hình như phát ra một khúc nhạc từ vũ trụ. Trí tưởng tượng phong phú là thế mạnh của ông. Cảnh tha hương, sự chia cách là những nguồn liên tưởng, lời thì thầm câm lặng của chúng đã đem đến cho thơ của ông những âm điệu giao hòa; và qua đề tài kép về sức mạnh và sự bơ vơ không nơi nương tựa của con người, người ta có thể nhận thấy một sức lôi cuốn mạnh mẽ khác thường, một sự lôi cuốn có lẽ đã được diễn đạt rõ ràng hơn trước trong tác phẩm sau cùng của ông.



1961 – IVO ANDRIC

(Nam Tư, 1892 – 1975)




 Chân dung tác giả





Khi còn là một sinh viên trẻ tuổi người Xéc-bi, Ivo Andric đã từng tham gia phong trào giải phóng dân tộc, chịu đựng sự khủng bố, và bị vào tù năm 1914 khi chiến tranh bùng nổ. Tuy nhiên ông đã học nhiều trường đại học khác nhau và cuối cùng đã giành được tấm bằng tốt nghiệp tại đại học Graz. Trong nhiều năm ông đã phục vụ trong ngành ngoại giao; vào thời điểm bùng nổ chiến tranh thế giới II ông đang là đại sứ  Nam Tư ở Berlin. Chỉ vài giờ sau khi ông trở lại Belgrade, thành phố này đã bị máy bay Đức đánh bom. Bị buộc phải trốn tránh trong suốt thời gian quân Đức chiếm đóng, tuy nhiên ông vẫn tìm cách thoát khỏi sự nguy hiểm và viết ba cuốn tiểu thuyết đáng chú ý. Những tiểu thuyết này thường được gọi là tác phẩm bộ ba Bosnia, mặc dù chúng không có điểm gì chung, ngoại trừ hoàn cảnh ra đời lịch sử của chúng được biểu tượng hóa bằng hình trăng lưỡi liềm và dấu thập. Sự ra đời của tác phẩm này, trong tiếng súng ầm ầm inh tai và trong sự tăm tối của thảm họa đất nước, một thảm họa mà mức độ của nó dường như đã vượt ra ngoài dự tính, là một thành tựu văn học gây ấn tượng đặc biệt. Việc xuất bản tác phẩm bộ ba mãi đến năm 1945 mới thực hiện được.

Trước khi viết những ký sự mang tính sử thi chín muồi dưới dạng tiểu thuyết này, đặc biệt là kiệt tác Chiếc cầu trên sông Drina [Na Drini cuprija] (1945), trong suốt một thời gian dài nhà thơ trữ tình Andric đã dùng ngôi thứ nhất để tìm cách diễn tả chủ nghĩa bi quan cùng cực trong tâm hồn non trẻ của ông. Điều rất quan trọng là việc ông đã tìm được nguồn an ủi to lớn nhất từ triết gia Kierkegaard trong những năm cô độc trong tù. Sau này, trong quá trình khổ hạnh của sự tự khép mình vào kỷ luật nghiêm ngặt, ông đã phát hiện ra con đường có thể đưa ông trở lại với cái mà ông gọi là “tiềm thức vĩnh cửu và tài sản thiêng liêng”, một phát hiện báo hiệu cho sự mở đầu của hình thái văn chương sử thi khách quan trong sự nghiệp của ông, một hình thái mà từ đây về sau, ông miệt mài nghiên cứu, làm cho ông trở thành người diễn giải những sự việc mà thế hệ cha ông đã trải qua ấy, giúp cho một dân tộc hiểu rõ điều đó như thế nào.




                                  Tượng đài Ivo Andrić ở Belgrade, Serbia



Trong một truyện ngắn mang tính tường thuật của ông, một bác sĩ trẻ người đang kể lại những điều anh ta đã trải qua ở Bosnia vào những năm 20 đã nói:”Nếu bạn nằm thao thức trọn một đêm ở Sarajevo, bạn sẽ biết cách phân biệt những âm thanh của đêm Sarajevo. Với tiếng chuông mạnh mẽ và vang dội, đồng hồ của thánh đường Thiên Chúa giáo mỗi giờ gõ hai tiếng. Một phút dài trôi qua; rồi bạn nghe những âm thanh nhỏ hơn nhưng chói tai của nhà thờ thuộc giáo hội Do Thái chính thống, nó cũng vang lên hai tiếng gõ. Sau đó, hơi chói tai hơn và xa hơn nữa, có âm thanh của đồng hồ nhà thờ Hồi giáo, gõ mười một tiếng, mười một giờ đồng hồ theo tôn giáo của người Thổ Nhĩ Kỳ, nó được tính toán theo một sự phân chia thời gian kỳ lạ trong cái cõi thiên đường xa tít ấy. Người Do Thái không dùng chuông để báo hiệu giờ của họ, và đối với họ chỉ có thượng đế mới biết được mấy giờ, chỉ có thượng đế mới chỉ ra được con số trên lịch của người Sephardim và người Ashkenazim. Như vậy, ngay cả trong đêm khuya, khi mọi người đều ngủ, thế giới vẫn bị phân chia; nó bị phân chia mãi theo cách đếm thời gian đã mất trong một đêm đang dần trôi qua.”


Có lẽ cái không khí ban đêm gợi nhớ này cũng là một trong những cách giải quyết các vấn đề chính chi phối tác phẩm của Andric. Chắc hẳn việc nghiên cứu lịch sử và triết học đã đưa ông đến câu hỏi điều gì đã dẫn đến việc hình thành nên một dân tộc, một quốc gia giữa những tai họa, những cay đắng của sự phản kháng và những cuộc xung đột. Quan điểm của ông tập trung cốt yếu vào khía cạnh đó. Xem xét những cuộc đối kháng này với sự cân nhắc cẩn thận và sự sáng suốt vốn có, ông đã cố gắng nhìn tất cả sự việc dưới ánh sáng của lẽ phải và bằng một vốn kiến thức uyên bác. 





1962 – JOHN STEINBECK

(Mỹ, 1902 – 1968)



                                             Chân dung tác giả, 1962

Mặc dù John Steinbeck đã viết một vài tác phẩm trước năm 1935, nhưng mãi đến năm này ông mới đạt được thành công đầu tiên trước công chúng với truyện dài Căn hộ của Tortilla [Tortilla Flat]. Ông đã đưa đến cho người đọc những câu chuyện thần thoại thú vị và hài hước về một nhóm người paisanos, những cá nhân phi xã hội, mà trong các cuộc ăn uống say sưa như điên họ đều như những bức tranh biếm họa về các Hiệp-sĩ-bàn-tròn của Vua Authur. Có người nói rằng quyển sách này đã đến như là một liều thuốc giải kịp thời đối với cảnh ảm đạm của tình trạng chán nản đang phổ biến lúc bấy giờ ở Mỹ. Tiếng cười bây giờ lại hướng về phía Steinbeck.


Nhưng ông không hề có ý định trở thành người an ủi và làm trò mua vui vô hại. Những chủ đề ông chọn đều nghiêm túc và mang tính chất lên án, ví dụ như những cuộc đình công quyết liệt trong các đồn điền trồng bông vải và cây ăn trái ở California mà ông đã mô tả trong cuốn tiểu thuyết Trận chiến đáng ngờ [In Dubious Battle] (1936). Tài năng văn chương của ông càng ngày càng nở rộ trong những năm này. Kiệt tác nhỏ Của Chuột và Người [Of Mice and Men] (1937) - một câu chuyện về anh chàng Lennie khổng lồ, đần độn, đánh mất sự dịu dàng, tự mình tước bỏ sự sống các sinh vật lọt vào tay anh ta. Kế tiếp là những truyện ngắn có một không hai đã được ông tập hợp lại trong tập truyện Thung lũng xa [The Long Valley] (1938). Con đường giờ đây đã được mở ra cho tác phẩm vĩ đại gắn liền một cách có ý nghĩa với tên tuổi của Steinbeck, một thiên sử thi Chùm nho uất hận [The Grapes of Wrath] viết năm 1939. Đây là một câu chuyện về cuộc di cư bất đắc dĩ của một nhóm người từ Oklahoma đến California bởi nạn thất nghiệp và sự lạm quyền. Phân đoạn bi kịch này trong lịch sử xã hội Mỹ đã tạo cảm hứng cho Steinbeck có được sự mô tả sâu sắc về những điều đã trải qua của một người nông dân cụ thể và gia đình anh ta trong suốt cuộc hành trình đau khổ và vô tận đến nơi ở mới.


Nếu như đôi khi các nhà phê bình vì lý do nào đó lưu ý một vài dấu hiệu về tài năng đang bị giảm sút, về sự trùng lập có thể dẫn đến làm giảm sức sống của văn học, thì Steinbeck thật sự đã chứng tỏ sự lo sợ của họ là không có căn cứ với quyển tiểu thuyết Bất mãn mùa đông [The Winter of Our Discontent] (1961). Ở tác phẩm này ông đã đạt đến chuẩn mực như ông đã làm được với Chùm nho uất hận. Một lần nữa ông đã giữ vững vị trí của mình  trong tư cách là một người tự do nói lên sự thật với sự công tâm không thiên vị về những gì bản chất là của nước Mỹ, cho dù nó tốt hay xấu. Trong tác phẩm này hiện diện một cách rõ ràng trong lương tâm nhạy cảm của ông, và luôn phản chiếu giống như một lăng kính, là hàng loạt những câu hỏi liên quan đến vấn đề phồn vinh của dân tộc. Điều này được viết ra mà không có chút gì gọi là học thuyết, chỉ dùng những vật cụ thể, hoặc ngay cả những vật tầm thường, những sự kiện xảy ra hàng ngày, ấy thế mà vẫn mang tính thuyết phục khi được diễn tả bằng tất cả cảm hứng mãnh liệt và đầy tính hiện thực của Steinbeck. Mặc dù ông luôn nhấn mạnh tính hiện thực, vẫn có những âm điệu hài hòa của sự suy đoán mơ mộng và vu vơ xung quanh đề tài vĩnh cửu về sự sống và cái chết.







                            Mẫu bìa tiểu thuyết Chùm nho uất hận,


                           in lần đầu năm 1939.

Trong số các bậc thầy của nền văn học hiện đại Mỹ, những người đã từng được trao giải nầy - từ Sinclair Lewis cho đến Ernest Hemingwey, Steinbeck là người có một vị thế rất rõ ràng, độc lập về mặt quan điểm và về những thành tựu đã đạt được. Trong ông có một khuynh hướng hài hước không thể nào lay chuyển được, mà ở mức độ nào đó, đã bù lại cho các mô-típ thường có tính chất tàn nhẫn và thô ráp của ông. Sự thông cảm của ông luôn hướng về những người bị áp bức, những người không thể thích nghi với cuộc sống bên ngoài và những người cùng khổ; ông thích tạo sự tương phản giữa niềm vui đơn giản của cuộc sống với lòng tham tiền bạo tàn và đầy cay độc. Nhưng chúng ta còn tìm thấy một khí chất Mỹ trong bản thân ông cũng như trong cảm xúc lớn lao của ông đối với thiên nhiên, đối với đất đai canh tác, đất bị bỏ hoang, núi non, bờ biển, trong toàn bộ nguồn cảm hứng không bao giờ cạn đối với Steinbeck về thế giới loài người và cả thế giới bên kia.
Lý do của Viện Hàn Lâm Thụy Điển về việc trao giải cho Steinbeck như sau: ”Vì lối viết văn mang tính hiện thực cũng như tính hư cấu của ông, được làm nổi bật bởi một sự hài hước đầy cảm thông và một sự am hiểu xã hội sâu sắc.”



1963 – GIORGOS SEFERIS

(Hy Lạp, 1900 – 1971) 



                               
Chân dung nhà thơ, năm 1963

Giorgos  Seferis sinh năm 1900 tại Smyrna - Hy Lạp, nhưng đã rời nơi đây khi còn nhỏ để theo gia đình đến Athens. Sau khi những người Hy Lạp bị đuổi khỏi vùng Tiểu Á, và thị trấn quê hương của Seferis bị chìm trong khói lửa, tình trạng không cửa không nhà - đã từng là số phận của những kẻ bị xua đuổi và đàn áp - bằng cách này hay cách khác đã đóng vai trò quyết định trong suốt những năm ông trưởng thành. Seferis đã từng học ở Paris, sau đó bước vào ngành ngoại giao. Khi đất nước Hy Lạp bị chiếm đóng vào năm 1941, ông lâm vào cảnh tha hương cùng với chính phủ Hy Lạp Tự Do, và phải di chuyển từ nước này sang nước khác trong suốt chiến tranh thế giới II. Sau sáu năm làm đại sứ ở London, ông về hưu năm 1962 và trở lại Athens để hoàn toàn cống hiến cuộc đời cho sự nghiệp văn chương.

Sự nghiệp thi ca của Seferis không lớn, nhưng chính bởi sự độc đáo trong văn phong và suy nghĩ, bởi nét đẹp trong ngôn ngữ mà nó trở thành một biểu tượng bền vững cho tất cả những gì bất tử qua lời khẳng định của người Hy Lạp về cuộc sống. Seferis là nhà thơ Hy Lạp tiêu biểu, gìn giữ và phát huy những di sản văn hóa kinh điển, là nhân vật hàng đầu của đất nước. Ở nước ngoài, ông cũng được tôn vinh ở bất cứ nơi nào có các bản dịch thơ ông.

Đọc thơ của Seferis, chúng ta buộc phải nhớ lại sự kiện mà đôi khi bị bỏ quên: về mặt địa lý, Hy Lạp không chỉ là một bán đảo mà còn là thế giới của nước và biển được trải dài bởi vô số hòn đảo, một vương quốc đại dương cổ xưa, một nơi trú ẩn đầy bão tố và hiểm họa đối với các thủy thủ. Xứ sở Hy Lạp này là nền tảng bất di bất dịch cho thơ của ông, ở trong đó xứ sở này hiện lên như một cảnh tượng huy hoàng vừa khắc nghiệt vừa êm ả. Seferis đã làm được điều này bằng thứ ngôn ngữ tinh tế hiếm có cả về phương diện vần điệu lẫn cách sử dụng phương pháp ẩn dụ. Người ta đã đúng khi cho rằng ông, hơn bất kỳ người nào khác, đã diễn tả được nỗi khốn khổ của những viên đá, những mảnh cẩm thạch vỡ vô tri, và của những bức tượng im lặng đang mỉm cười. Trong các bài thơ liên tưởng của ông, các nhân vật thần thoại Hy Lạp cổ xưa hiện diện cùng những sự kiện mới đây về chiến trường Địa Trung hải đẫm máu. Thơ của ông đôi khi rất khó diễn giải, đặc biệt là vì ông không thích cho người khác biết đến tâm trạng bên trong của mình, ông thích giấu nó đằng sau một mặt nạ vô danh. Ông thường thể hiện sự đau khổ và niềm cay đắng của mình thông qua trung gian một nhân vật kể truyện trung tâm, kiểu như tác phẩm Odysseus với các nhân vật mượn từ những thủy thủ già ông gặp trong một chuyến đi lạc ở Smyrna vào thời trai trẻ của nhà thơ. Nhưng bên trong các lời nói vô thưởng vô phạt của ông, nó đã bi kịch hoá rất nhiều về số mệnh lịch sử của Hy Lap, về các vụ đắm tàu và cứu hộ, về những thảm họa và sự dũng cảm. Nói một cách nghiêm túc, Seferis đã nhận được những hỗ trợ mang ý nghĩa sống còn từ nhà thơ T.S.Eliot, nhưng bên trong đó, lối diễn đạt không có gì nghi ngờ là của chính ông. Nó thường mang theo tiếng dội đứt quãng của một đoạn nhạc từ một điệp khúc Hy Lạp cổ xưa.




                  Plaque xanh trên đại lộ Sloan, London

                 để kỷ niệm nơi Giorgos  Seferis
                 từng sống ở đây.  
Có lần Seferis đã tự bạch: ”Tôi là một người đàn ông đơn điệu và bướng bỉnh, một người mà khoảng 20 năm nay không ngớt lặp đi lặp lại về những điều giống hệt nhau”. Có lẽ câu nói này cũng có phần đúng sự thật, nhưng mọi người cũng phải nhớ rằng thông điệp mà ông cảm thấy bắt buộc phải chuyển tải không thể tách rời khỏi cuộc sống lao động trí óc của thế hệ ông, khi thông điệp đó đã được đối chất với nền văn minh Hy Lạp cổ đại, một di sản đặt ra cho kẻ kế thừa kiệt sức vì một thử thách lớn lao.
Nhưng mặt khác Seferis đã mang lại nguồn sinh khí cho bức tranh nền nhẫn nhục âu sầu này bằng sự sôi nổi mang tính hùng biện, được truyền cảm hứng từ những hòn đảo đầy núi non của quê hương ông, với những ngôi nhà quét vôi trắng nhô lên từ những nền đất đắp cao nằm trên một vùng biển trong xanh, một sự hòa hợp về màu sắc mà chúng ta lại được thấy lần nữa trên lá cờ Hy Lạp.



1964 – JEAN-PAUL SARTRE

(Pháp, 1905 – 1980)




                       Phác họa Jean-Paul Sartre

                       của Reginald V. Gray

                       trên tuần báo The New York Times, 1965.

 

Giải Nobel Văn chương năm nay đã trao cho nhà văn người Pháp Jean-Paul Sartre vì những  tác phẩm của ông rất phong phú về tư tưởng, vừa tràn ngập tinh thần tự do vừa truy tìm sự thật. Chúng đã  ảnh hưởng sâu rộng đến thời đại chúng ta. Nhưng người trúng giải đã cho biết ông không mong muốn được nhận giải, vì thế Viện Hàn lâm Thụy Điển không tổ chức lễ trao giải.



LÝ DO TỪ CHỐI

Trong lời công bố trước công chúng, được in trên tờ Le Figaro ngày 23 - 10 - 1964, Jean-Paul Sartre đã bày tỏ sự hối tiếc về việc từ chối nhận giải thưởng của ông, đã gây xôn xao dư luận và mong muốn mọi người biết rằng ông không hề biết về việc không thể hủy bỏ quyết định trao giải của Viện Hàn lâm Thụy Điển, ông đã viết thư yêu cầu để ngăn cản việc Viện Hàn Lâm Thụy Điển lựa chọn ông. Cũng trong bức thư này, ông đã nêu rõ việc từ chối của mình không có ý nghĩa là xem thường Viện Hàn lâm Thụy Điển mà chỉ vì những lý do khách quan của cá nhân ông.

Về lý do cá nhân, Sartre cho biết rằng do quan niệm của ông về một nhà văn chân chính, ông luôn từ chối những vinh dự chính thức và vì thế sự kiện mà ông đang gặp hiện nay cũng không phải là chưa có. Tương tự ông đã từng từ chối nhận Bắc đẩu Bội tinh và từng không muốn trở thành viện sĩ của Pháp, và ông cũng sẽ từ chối Giải thưởng Lenin nếu như giải đó được trao cho ông. Ông tuyên bố rằng việc nhà văn chấp nhận những vinh dự như thế sẽ gắn liền với việc ông ta bị lệ thuộc vào tổ chức trao giải thưởng, và trên hết là một nhà văn thì không nên cho phép mình bước vào  một tổ chức danh tiếng nào.

Trong số những lý do khách quan, Sartre đã kể đến niềm tin của mình, rằng việc trao đổi giữa Phương Đông và Phương Tây phải xảy ra giữa con ngưới và giữa những nền văn hóa với nhau mà không có sự can thiệp của các tổ chức. Hơn nữa, theo ông thì việc phong tặng các giải thưởng vừa qua, đã không  thực hiện một cách công bằng giữa các nhà văn từ các hệ tư tưởng khác nhau và các quốc gia khác nhau. Ông cảm thấy rằng việc ông chấp nhận có thể bị diễn giải một cách không đúng và theo cách mà ông không mong muốn.




                                   Sartre và de Beauvoir trước 
                                   tượng đài của Balzac.
Tại buổi tiệc chiêu đãi những nhân vật được Viện Hàn lâm Thụy Điển tặng giải Nobel, ông S. Friberg, Viện trưởng Viện Caroline, đã đưa ra lời bình luận như sau:”Ông Sartre đã cho rằng ông ta không thể nhận Giải thưởng Văn chương năm nay. Luôn luôn có tranh cãi xung quanh giải này, cái giải mà mỗi người đều cho rằng mình có khả năng xét đoán hoặc là họ không hiểu và cứ như vậy mà bình phẩm. Nhưng tôi tin rằng ông Nobel sẽ hiểu rất rõ về sự chọn lựa năm nay. Cải thiện thế giới là một giấc mơ của mọi thế hệ, điều này đặc biệt áp dụng cho các nhà văn và nhà khoa học thực thụ. Đây là giấc mơ của Nobel. Đây là thước đo ý nghĩa của các nhà khoa học. Và nó cũng là nguồn gốc và sức mạnh cho cảm hứng của Sartre. Là một tác giả và một nhà triết học, Sartre đã là một nhân vật trung tâm cho nền văn học sau chiến tranh và cho những tranh luận mang tính trí tuệ – họ khâm phục, tranh cãi và phê bình. Tác phẩm mang tính đột phá của ông, bằng sự hoàn hảo của nó, đã có ấn tượng như là một thông điệp; nó đã được chấp nhận bằng sự cố gắng hết sức nghiêm túc để nâng độc giả và nâng thế giới nói chung lên một tầm cao hơn. Triết lý mà ngòi bút của ông ta mang đến, đã được giới trẻ hoan nghênh như là một sự tự do. Thuyết hiện sinh  của Sartre có thể được hiểu theo nghĩa là mức độ hạnh phúc mà mỗi cá nhân có thể hy vọng đạt được, bị chi phối bởi sự tự nguyện chấp nhận vị trí phù hợp với đặc tính của mình, và từ đó sẵn lòng chấp nhận các hệ quả. Điều này là một lời giải thích chân phương hơn cả một triết lý đã được một người cùng thời với Nobel - ông Ralph Waldo Emerso - diễn đạt một cách tuyệt vời: ”Cuối cùng không có gì thiêng liêng ngoài sự suy nghĩ trung thực của chính bạn.”

                    Mộ của Sartre và Simone de Beauvoir 
                    ở Montparnasse, Paris, 16 - 6 - 2009.
 
 Chất lượng cuộc sống con người không chỉ tùy thuộc vào điều kiện bên ngoài mà còn dựa trên niềm hạnh phúc của mỗi cá nhân. Ở thời đại tiêu chuẩn hóa và những hệ thống xã hội phức tạp của chúng ta, sự nhận thức về ý nghĩa của cuộc sống đối với mỗi cá nhân có lẽ chưa bị mất đi nhưng chắc chắn đã bị phai mờ; và việc duy trì những lý tưởng mà Nobel đã theo đuổi là một vấn đề thật cấp bách đối với chúng ta hôm nay cũng như  trong thời đại của ông ấy.” 



1965 – MIKHAIL SHOLOKHOV

(Nga, 1905 – 1984)





                                      Chân dung tác giả, 1936.

Sholokhov đã trải qua thời niên thiếu ở vùng quê Cossacks sông Don. Những mối ràng buộc mạnh mẽ luôn hướng ông về vùng đất này, bắt nguồn từ sự đồng cảm của ông đối với tính cách tốt đẹp của người dân và sự hoang dã của phong cảnh nơi đây. Ông đã chứng kiến quê hương mình trải qua những cao trào cách mạng khác nhau và cả cuộc nội chiến Nga. Sau khi thử làm những công việc chân tay ở Maxcơva một thời gian, ông sớm bắt đầu tập trung vào việc viết lách và cho ra đời một loạt phác thảo miêu tả những cuộc chiến đấu dọc theo sông Don, một thể loại sau này đã làm ông nổi tiếng. Bằng chứng nổi bật về sự sớm trưởng thành của thế hệ được sinh ra trong chiến tranh là Sholokhov, chỉ mới 21 tuổi, khi ông bắt đầu viết những phần đầu tiên của thiên anh hùng ca vĩ đại: Sông Đông êm đềm. Tựa đề tiếng Nga giản dị nhưng chứa đựng một hàm ý châm biếm không thể phủ nhận qua cảnh bạo lực khủng khiếp các diễn biến trong kiệt tác của Sholokhov.

Sholokhov đã mất 14 năm để hoàn thành tác phẩm, một tác phẩm có độ chính xác cao về mọi mặt, bao trùm tất cả các thời kỳ: Chiến tranh Thế giới I, thời kỳ Cách mạng và chiến tranh nhân dân, đề tài chính là cuộc nổi dậy bi thương của người Cossacks. Trong việc xem xét các khía cạnh có thể gây tranh cãi về đề tài của ông, có thể chắc chắn không hề nghi ngờ rằng khi bắt đầu cho việc viết cuốn tiểu thuyết này, Sholokhov đã bước một bước đi đầy táo bạo, một bước đi mà ở thời điểm đó trong sự nghiệp của ông đồng nghĩa với việc tạo nên một sự mâu thuẫn với chính lương tâm mình.

Với chủ nghĩa hiện thực cao đẹp, tác phẩm Sông Đông êm đềm miêu tả sinh động tính cách độc đáo của người Cossack, sự kết hợp truyền thống giữa kỵ binh và nông dân, cùng với những bản năng có vẻ đối chọi lẫn nhau, nhưng ở mặt khác cho phép chúng kết hợp với nhau để hình thành nên một khối gắn bó vững chắc. Ở đây không có sự ca ngợi. Tính thô lỗ và hoang dã trong khí chất Cossack được mô tả rất phóng khoáng; không có gì giấu đi hoặc được thêm vào, nhưng đồng thời ai cũng nhận thấy được sự tôn trọng ngấm ngầm về tất cả những gì thuộc về con người. Mặc dù là một người Cộng sản chân chính, Sholokhov hoàn toàn không để hệ tư tưởng ảnh hưởng đến tác phẩm của mình, và thay vào đó, chúng ta thấy những cuộc chiến đẫm máu được ông mô tả bằng lối hành văn đầy nhiệt huyết.

Trải dài phía sau toàn bộ hệ thống nhân vật, mà được chúng ta biết đến hoặc là qua mối quan hệ cá nhân của họ hoặc là qua vai trò chiến binh của họ, là một phong cảnh hùng vĩ của xứ sở Ukraine, những thảo nguyên mênh mông chuyển mình theo các mùa, làng mạc với hương đồng cỏ nội và những chú ngựa đang gặm cỏ, thảm cỏ gợn mình trong gió, những bờ sông với tiếng thì thầm không bao giờ dứt của nó. Sholokhov miêu tả không bao giờ chán những thảo nguyên nước Nga. 




                           Tượng đài của Sholokhov ở Rostov
Có thể nói rằng Sholokhov sử dụng một kỹ thuật mô tả hiện thực đã từng được sử dụng có kết quả, không khai phá một cái gì mới, một kỹ thuật có thể được xem như ngây ngô bởi tính đơn giản của nó nếu đặt bên cạnh những phong cách hiện đại được đưa ra gần đây trong nghệ thuật viết tiểu thuyết. Nhưng chủ đề của ông lại không thể trình bày bằng bất cứ cách nào khác, mạch văn đầy sức sống, đều đặn và mang tính anh hùng ca làm cho thiên tiểu thuyết Sông Đông êm đềm  trở thành một roman fleuve đích thực theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Và dĩ nhiên, bản thân tác phẩm Sông Đông êm đềm hoàn toàn xứng đáng với phần thưởng được trao, một danh hiệu mà thật ra đã đến khá trễ, nhưng may mắn thay lại không quá muộn, để thêm vào danh sách những người đoạt giải Nobel một cái tên của một trong những nhà văn hàng đầu của thời đại chúng ta.




1966 – SHMUEL YOSEF AGNON VÀ NELLY SACHS

Giải Nobel Văn chương năm nay trao hai tác giả nổi tiếng người Do Thái – Shmuel Yosef AgnonNelly Sachs – mỗi người đều đại diện cho thông điệp của đất nước Israel gởi cho thời đại chúng ta. Quê hương của Agnon ở Jerusalem, còn bà Sachs là người nhập cư vào Thụy Điển từ năm 1940, và bây giờ là công dân Thụy Điển. Mục đích của việc kết hợp hai người được trao giải thưởng này là để thực hiện sự công bằng đối với những thành tựu riêng của mỗi người, và việc chia sẻ giải thưởng có lý lẽ đặc biệt riêng là để tuyên dương hai tác giả, mà dù đã viết bằng hai ngôn ngữ khác nhau nhưng lại có sự thống nhất về mặt tinh thần, và bổ sung cho nhau trong một nỗ lực cao cả nhằm giới thiệu di sản văn hóa của người Do Thái, thông qua ngòi bút của mình. Nguồn cảm hứng chung của cả hai đều là sức mạnh của cuộc sống.



I.- SHMUEL YOSEF AGNON (Israel, 1888 – 1970)



 

Chân dung nhà văn

Danh tiếng của Shmuel Agnon với tư cách là một nhà văn lỗi lạc của nền văn học Hebrew hiện đại, đã dần phá vỡ hàng rào ngôn ngữ mà trong trường hợp này, thật sự là một vật cản. Ông bắt đầu sự nghiệp văn chương bằng tiếng Ydit (tiếng Đức cổ của người Do Thái ở Trung và Đông Âu), nhưng sớm chuyển sang tiếng Hebrew (tiếng Do Thái cổ), mà theo các nhà chuyên môn đã được ông vận dụng một cách thành thạo tuyệt vời, theo một phong cách văn xuôi hoàn hảo và gây ấn tượng lạ kỳ. Khi hai mươi tuổi ông rời quê hương vùng Đông Galicia, ở đó, như một người thuộc dòng dõi gia đình lâu đời và khả kính, ông đã được giáo dục trong truyền thống hiếu học. Ông cảm thấy buồn cho Palestine, nơi mà giờ đây, với tư cách là một tác giả kinh điển có tuổi, ông có thể nhìn lại cuộc đấu tranh dai dẳng để tái lập đất nước, và là nơi mà cái gọi là Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái về văn hóa luôn ám ảnh trong ông, một trong những chiến thắng mang tính sáng tạo đẹp nhất của nó.




                             Thư phòng của Shmuel Agnon 
Phẩm chất riêng của Agnon, với tư cách là một nhà văn thể hiện rõ nét trong một tập truyện rất thú vị được viết tại thị trấn Buczacz quê hương ông. Nơi đây một thời là trung tâm hưng thịnh về lòng mộ đạo của người Do thái và những kiến thức về giáo lý Do Thái, bây giờ nằm trong đổ nát. Hiện thực và truyền thuyết luôn song hành trong nghệ thuật kể chuyện của ông. Bức màn của cô dâu [Hakhnasat Kalah] (1922) với tính khôi hài tài tình và mộc mạc của nó là một trong những truyện dài tiêu biểu nhất của ông, một tác phẩm Do thái tương xứng với Don QuixoteTill Eulenspiegel. Nhưng có lẽ thành tựu lớn nhất của ông là tiểu thuyết Vị khách về đêm [Oreach Nata Lalun] (1939), câu chuyện kể về một chuyến đến thăm vùng Buczacz, một thành phố bị chiến tranh tàn phá trong thời niên thiếu của ông, và về sự cố gắng uổng công của người kể chuyện nhằm tập hợp giáo đoàn để phục vụ trong giáo đường Do Thái. Với cốt truyện về một biên niên sử địa phương, chúng ta thấy được một bức chân dung tuyệt vời về những số phận và những nhân vật, về kinh nghiệm và sự suy ngẫm. Chiếc chìa khoá vào nhà nguyện bị thất lạc, mà người lữ khách tìm thấy trong túi xách ông ta chỉ sau khi trở về Jerusalem, theo Agnon, là một sự ám chỉ mang tính tượng trưng rằng trật tự xưa có thể chẳng bao giờ được xây dựng lại trong cộng đồng người Do Thái, trừ khi dưới sự bảo hộ của Chủ nghĩa phục quốc Do Thái.

                Nhà văn nhận giải Nobel Văn chương.
Agnon là một nhà văn hiện thực, nhưng vẫn luôn có sự trộn lẫn tính chất hư cấu, điều này đem đến một bầu không khí quý báu đầy chất thi vị thần tiên lạ kỳ cho ngay cả những cảnh buồn bả nhất và bình thường nhất, làm chúng ta nhớ đến mô-típ của họa sĩ Chagall xuất phát từ thế giới của kinh Cựu Ước. Ông được xem như một nhà văn hết sức độc đáo, được trời phú cho những năng khiếu đăc biệt về tính khôi hài và dí dỏm, cùng với lối suy nghĩ sáng suốt kết hợp với nhận thức chân thực trong mọi khía cạnh, ông là một thể hiện hoàn hảo về tính cách Do Thái. Ông được trao giải vì “nghệ thuật kể chuyện độc đáo, hết sức thâm thúy với những đề tài từ cuộc sống của người dân Do Thái”.


II.- NELLY SACHS (Thụy Điển, 1891 – 1970)



 
Chân dung nhà văn, 1966


Nelly Sachs, cũng giống như nhiều nhà văn Do Thái gốc Đức khác, cũng đã chịu số phận của cảnh tha hương. Với sự can thiệp của Thụy Điển, bà đã được cứu thoát khỏi khủng bố và đe dọa. Bị trục xuất, bà đã được chuyển đến đất nước này. Từ đó bà sống và làm việc yên ổn với tư cách là một người tị nạn chính trị trên đất Thụy Điển. Bà đã được ca ngợi ở Đức như là một nhà văn có sức thuyết phục với tính chân thật hấp dẫn không thể cưỡng lại được. Với cảm xúc mãnh liệt luôn sôi sục, bà bày tỏ sự xúc động của mình về tấn thảm kịch của người Do Thái, tấn thảm kịch này đã được bà diễn đạt qua những bài ca trữ tình ai oán về vẻ đẹp đau thương và những huyền thoại bi thảm. Ngôn ngữ tượng trưng của bà kết hợp đậm nét cách diễn đạt hiện đại đầy cảm hứng, với việc mô phỏng theo thể loại thi ca kinh thánh cổ xưa. Bà gắn chặt mình hoàn toàn với niềm tin và thuyết thần bí về nghi lễ của dân tôc. Bà đã sáng tạo một thế giới đầy hình tượng mà không xa rời sự thật khủng khiếp về các trại diệt chủng và các nhà xưởng xử lý tử thi, nhưng đồng thời, vượt cả lên trên lòng căm thù những kẻ khủng bố, chỉ là bộc lộ niềm đau xót chân thành về việc làm giảm phẩm giá con người. Những sáng tác của bà đã xuất bản rất được yêu thích giờ đây được tập hợp lại với tựa đề Cuộc hành trình đến bến bờ xa lắc [Fahrtins Staublsex] (1961). Tác phẩm bao gồm sáu truyện liên hoàn được viết trong suốt 20 năm không ngừng tập trung sáng tạo. Bà cũng sáng tác một loạt kịch thơ in chung thành tập  Dấu chân trên cát [Zeichen im Sand] xuất bản năm1961. Chủ đề của tập này được rút ra từ câu chuyện về kho tàng đen của thần thoại Hassidic, nhưng ở đây nó mang một ý nghĩa mới sinh động và đầy sức sống mãnh liệt.




                      Con tem chân dung Nelly Sachs

                     phát hành ở Đức.

Một vở kịch thần bí đáng được chú ý là Eli (1950), nói về một cậu bé 8 tuổi, đã bị đánh cho đến chết bởi một tên lính Đức ở Hà Lan, chỉ vì cậu ta lấy cái còi của hắn để kêu gọi sự giúp đỡ của Đấng Tối cao khi cha mẹ của cậu bị bắt đi. Micheal, người thợ giày thông thái đã tìm cách lần theo thủ phạm đến làng bên cạnh. Tên lính đã bị lòng hối hận dày vò, và trong một cuộc chạm trán trong rừng, hắn đã ngã quỵ xuống không đợi đến khi Micheal đưa tay đấm. Đoạn kết của câu chuyện đã cho thấy một sự công bằng mang tính siêu nhiên mà không cần đến sự trả thù của con người.

Sáng tác của Nelly Sachs là sự thể hiện mang tính nghệ thuật làm xúc động lòng người nhất nói về tinh thần phản kháng của người Do Thái đối với sự đau khổ, và vì thế có thể nói là nó đã thực sự hoàn thành mục đích nhân đạo, hàm chứa trong ý nguyện của Alfred Nobel.




1967 - MIGUEL ANGEL  ASTURIAS
(Guatemala, 1899 – 1974)

Chân dung tác giả


Miguel Angel Asturias thấm nhuần tư tưởng tình cảm đối với thiên nhiên và thế giới huyền bí mang đặc tính người Guatemala, từ khi ông còn bé. Ông đã say mê hiến dâng đời mình cho di sản quê hương này và cho tinh thần tự do chủ nghĩa trong toàn bộ tác phẩm văn chương của ông. Sau khi tốt nghiệp luật và nghiên cứu văn học dân gian, ông sống ở Pháp suốt 12 năm, có thời gian đại diện đất nước của ông làm công việc ngoại giao.

Tác phẩm đầu tiên của ông là bộ sưu tập những truyền thuyết Guatemala, quá khứ của nền văn hóa Maya, những biểu tượng và những hình ảnh quí giá đã từng là nguồn cảm hứng vô tận của ông. Nhưng ông chưa thực sự là nhà văn cho đến năm 1946 khi xuất bản quyển tiểu thuyết Ngài Tổng thống [El Senor Presidente]. Tác phẩm mang tính trào phúng theo kiểu bi kịch và lộng lẫy này đã phê phán nguyên mẫu kẻ độc tài châu Mỹ La-tinh đã xuất hiện nhiều nơi vào đầu thế kỷ 20, và từ đó tái bản nhiều lần, nói về sự tồn tại của nhà độc tài được nuôi dưỡng bằng bộ máy chuyên chế, mà đối với một người bình thường, đã tạo ra một địa ngục triền miên trên trái đất. Với bút lực mãnh liệt, Asturias đã gợi lên nỗi kinh hoàng và nghi kỵ mà nó đầu độc bầu không khí xã hội của thời đại, tạo cho tác phẩm của ông một thách thức và  một biểu hiện mỹ học vô giá.

Ba năm sau, quyển truyện kể Người của Bắp [Hombres de Maez] ra đời. Nó được xem như một câu chuyện cổ tích giàu cảm xúc, giàu tưởng tượng nhưng vẫn giữ được thực tế cuộc sống. Chủ đề dựa trên thần thoại vùng nhiệt đới, nơi con người phải đấu tranh đồng thời chống lại vẻ đẹp kỳ bí của thiên nhiên, nhưng không thân thiện và chống lại những lệch lạc xã hội, sự đàn áp và chuyên chế không thể chịu đựng nổi. Một tích lũy những cơn ác mộng và những ảo tưởng về vật tổ như vậy có thể vượt qua những cảm giác của chúng ta, nhưng chúng ta không bị mê hoặc bởi một tác phẩm đầy chất thơ quá kỳ quái và kinh hoàng.

Năm 1950 bộ ba tiểu thuyết cuả Asturias bắt đầu xuất hiện : Gió mạnh [Viente Fuerte] (1950), Giáo hoàng mới lên ngôi [El Papa verde] (1954) và Mắt những người đã khuất [Los ojos de los enterrados] (1960) – một đề tài mới xuất hiện trong tác phẩm sử thi của ông. Chủ đề của bộ tiểu thuyết này là đấu tranh chống lại sự thống trị của những tập đoàn tư bản Mỹ, điển hình là Liên hiệp Công ty Trái cây và những ảnh hưởng kinh tế lẫn chính trị của nó lên trên lịch sử đương đại của nước “Cộng hòa Banana”. Ở đây, một lần nữa, chúng ta thấy lòng sục sôi quá khích và không thực tế xuất phát từ tình yêu quê hương tha thiết  đối với tình trạng của đất nước ông.


                     Bìa tiểu thuyết Ngài Tổng thống


Asturias hoàn toàn thoát khỏi kỹ thuật kể chuyện lỗi thời. Từ rất sớm, ông chịu ảnh hưởng của những khuynh hướng mới xuất hiện trong nền văn học châu Âu. Văn phong bốc lửa của ông có mối quan hệ thân thiết với chủ nghĩa siêu thực của Pháp. Tuy nhiên, chúng ta nên lưu ý rằng  ông luôn luôn lấy cảm xúc từ cuộc sống thực tế.

Ngày nay, châu Mỹ La-tinh có thể hãnh diện với nhóm nhà văn xuất sắc, một dàn đồng ca đa âm trong đó những đóng góp của mỗi cá nhân có thể dễ dàng nhận ra. Tuy nhiên, tác phẩm của Asturius là rộng lớn, rõ nét và nổi bật đủ để gợi lên sức hấp dẫn bên ngoài môi trường văn học của riêng ông, vượt xa đến những khu vực bị hạn chế về mặt địa lý.




1968 – YASUNARI KAWABATA

(Nhật, 1899 – 1972)




Chân dung nhà văn, 1932 



Khi còn là sinh viên ở đại học Hoàng gia Tokyo, Yasunari Kawabata đã quyết định trở thành một nhà văn chuyên nghiệp, và ông là một điển hình cho lòng đam mê không mệt mỏi, luôn luôn đi theo tiếng gọi của văn chương. Hai mươi bảy tuổi, ông in truyện ngắn đầu tay, gây được sự chú ý của dư luận. Truyện kể về một sinh viên, suốt mùa thu hiu quạnh đi lang thang trên bán đảo Izu, gặp một vũ nữ nghèo, hèn hạ và đem lòng yêu nàng. Nàng mở rộng trái tim trong trắng, cho chàng biết được cảm giác sâu xa và đích thực của tình yêu. Giống như một điệp khúc buồn trong bài dân ca, chủ đề này được lập lại với nhiều biến tấu khác nhau trong những tác phẩm sau này của ông.



Kawabata đã thừa nhận mình chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện thực Tây phương hiện đại, nhưng cùng lúc, với lòng trung thành cao cả hơn, ông vẫn không từ bỏ nền văn học cổ Nhật Bản, vì vậy ông tiêu biểu cho một khuynh hướng rõ ràng là yêu mến và bảo vệ chính xác văn phong truyền thống. Trong nghệ thuật kể chuyện của Kawabata, người ta vẫn còn có thể tìm thấy sắc thái cảm xúc của thơ ca, mà nguồn gốc của nó là từ bức tranh rộng lớn về đời sống và tập quán của Nhật bản cách đây trên một ngàn năm, trong tác phẩm đồ sộ Truyện Genji của Murasaki.




                         Bia đá ghi dấu nơi sinh của Kawabata

Đặc biệt, Kawabata được ca ngợi là nhà tâm lý tinh tế về phụ nữ. Ông đã chứng tỏ tài năng này trong hai truyện vừa Xứ TuyếtNgàn Cánh hạc. Tác phẩm của ông gợi cho chúng ta nhớ đến hội họa Nhật Bản. Ông là người sùng bái vẻ đẹp mong manh và ngôn ngữ hình ảnh mang nét u sầu, tồn tại trong đời sống thiên nhiên và trong số phận con người. Nếu hành động bên ngoài thoáng qua như những búi cỏ trôi trên mặt nước, thì điều đó chính xác là nghệ thuật thơ haiku của người Nhật mà nó phản ánh trong thể loại văn xuôi của Kawabata.

Tác phẩm nổi tiếng khác của Kawabata là Cố đô (1962). Truyện nói về cô bé Chiêko, một đứa trẻ bị bỏ rơi vì cha mẹ nghèo xơ xác, và được nhà buôn Takichiro mang về nhà làm con nuôi. Cô bé được giáo dục theo phép tắc lỗi thời của người Nhật. Cô là người nhạy cảm, trung thành, nhưng trong lòng luôn luôn gậm nhấm câu hỏi về nguồn gốc của mình. Người Nhật tin rằng một đứa trẻ bị vứt bỏ ngoài đường sẽ bị đau khổ vì lời nguyền rủa suốt đời, và trong trường hợp sinh đôi, theo quan điểm kỳ lạ của người Nhật, sẽ cam chịu vết nhơ nhục nhã. Một hôm, cô gặp một cô gái trẻ đẹp đang làm việc trong cánh rừng tuyết tùng gần thành phố và nhận ra là chị em sinh đôi của mình. Họ kết hợp nhau một cách thân thiết để vượt quá rào cản giai cấp của xã hội – Naêko thì chăm chỉ, nghiêm khắc còn Chiêko thì cẩn trọng, yếu đuối, nhưng nét giống nhau như tạc của họ khiến người ta phải bối rối chẳng bao lâu gây ra những phức tạp và lộn xộn. Toàn bộ câu chuyện là so sánh quá trình diễn ra lễ hội tôn giáo hàng năm ở Kyoto từ mùa xuân hoa anh đào nở đến mùa đông lấp lánh tuyết.

Sau chiến tranh, làn sóng Mỹ hóa dữ dội tràn ngập nước Nhật. Trong những sáng tác của mình, Kawabata muốn nói lên lời nhắc nhở nhẹ nhàng, cần cố gắng đễ cứu vãn những gì thuộc về nét đẹp cổ xưa và tính chất riêng tư của nước Nhật trong giai đoạn mới. Ông diễn tả những lễ nghi tôn giáo ở Kyoto hết sức tỉ mỉ và cẩn trọng giống như ông chọn một mẫu vải để may khăn thắt lưng cho chiếc áo kimono truyền thống của phụ nữ.

                               Bảo tàng Kawabata

Kawabata là người Nhật đầu tiên được nhận giải Nobel Văn chương vì ông đã truyền đạt một nhận thức văn hoá đạo đức - mỹ học bằng nghệ thuật độc nhất vô nhị, vì vậy, bằng cách này, ông góp phần vào việc xây dựng chiếc cầu nối tinh thần giữa Đông và Tây.



1969 – SAMUEL BECKETT
(Ireland, 1906 – 1989)

Chân dung kịch tác gia


Samuel Beckett bước vào thế giới văn chương khoảng giữa thế kỷ 20 ở Paris, thủ đô nuớc Pháp, mặc dù ông là người Ai-nhĩ-lan sinh gần Dublin. Trong khoảng thời gian ba năm, với năm tác phẩm xuất bản, bất ngờ ông trở thành trung tâm chú ý của mọi người. Truyện dài Molloy và phần hậu của nó là Malone đã chết [Malone Meurt] ra mắt cùng năm 1951, vở kịch hai màn Ngồi đợi Godot [En Attendant Godot] (1952), năm tiếp theo là truyện dài Không thể đặt tên [L’Innommable] – cùng một chủ đề với MollyMalone, và Watt.

                   Biếm họa Samuel Beckett của Javad Alizadeh  

Về nhiều phương diện, truyện dài Watt đã đánh dấu sự thay đổi cách diễn đạt của ông trong tác phẩm đáng chú ý này. Nó được viết từ năm 1942 - 44 tại miền Nam nước Pháp - do ông trốn khỏi Đức quốc xã, sống một thời gian dài ở Paris – được xem là tác phẩm sau cùng của ông trong nhiều năm viết bằng tiếng Anh. Ông đặt tên mình bằng tiếng Pháp và không quay lại tiếng mẹ đẻ trong khoảng 15 năm. Thế giới xung quanh cũng đã thay đổi khi Beckett viết lại tác phẩm Watt. Tất cả những tác phẩm khác được viết dưới tên ông nằm trong khoảng thời gian 1945 – 49. Nền tảng của những tác phẩm này là Thế chiến thứ II, qua đó chúng ta thấy nghề văn của ông đã đạt đến độ chín muồi và một chủ đề tư tưởng rõ rệt. Nhưng những tác phẩm này không nói về chiến tranh, về cuộc sống ở mặt trận hay về phong trào kháng chiến Pháp, mà Beckett là một thành viên tích cực, nhưng nói về điều gì sẽ xảy sau đó, khi hoà bình lập lại và bức màn cực kỳ xấu xa sẽ lộ ra một quang cảnh khiếp đảm kéo dài mà con người có thể đi đến sự phân hủy tàn bạo – dù số phận định đoạt hay tự mình cuốn theo – và với sự phân hủy nhiều như vậy liệu con người có thể tồn tại. Trong ý nghĩa này, sự phân hủy của nhân loại là đề tài được lập đi lập lại trong những tác phẩm của Beckett và trong phạm vi này, triết lý của ông, nổi bật một cách dễ hiểu bởi những yếu tố lố bịch và trò hề bi thảm, có thể được mô tả như một chủ nghĩa tiêu cực mà nó không thể từ bỏ sự sa đọa đưa đến tận vực thẳm. Đến tận vực thẳm là điều không thể tránh khỏi, bởi vì chỉ có ở đó tư tưởng bi quan và thi ca mới có thể làm nên điều kỳ diệu.

                    Tranh chân dung màu nước của Reginald Gray. 




Có lẽ nhận thức sự phân hủy nhân loại mà chúng ta đã chứng kiến, đối với một phạm vi lớn hơn bất cứ thế hệ nào đi trước, là không thể chấp nhận được nếu những giá trị của con người bị chối bỏ. Nhưng kinh nghiệm trở nên đau đớn nhiều hơn tất cả khi thừa nhận phẩm giá con người sâu hơn. Đây là nguồn suối tinh lọc tinh thần, mặc dù có sự áp đặt của cuộc sống, trong chủ nghĩa bi quan của Beckett. Nó chứa một tình yêu nhân loại phát triển theo nhận thức khi nó thăm dò sâu hơn vào chiều sâu của sự ghê tởm, sự tuyệt vọng dẫn đến giới hạn đau khổ tột bậc để khám phá ra rằng lòng trắc ẩn không có giới hạn. Từ quan điểm đó, trong những lãnh vực hủy diệt, nổi lên tác phẩm của Samuel Beckett giống như một bài thánh ca của nhân loại,  lời ca yếu ớt của nó giải phóng những người bị áp bức và an ủi họ trong hoàn cảnh hoạn nạn. Điều này dường như được diễn đạt rõ ràng nhất trong hai kiệt tác của ông: Ngồi đợi GodotNhững ngày hạnh phúc – cả hai đều triễn khai đoạn trích trong Kinh Thánh. Ngồi đợi Godot với câu:”Anh cho rằng hắn sẽ đến, hay chúng ta đợi người khác?” và Những ngày hạnh phúc lấy từ câu: “Một tiếng khóc nơi hoang dã…”.



1970 – ALEXANDER SOLZHENITSYN

(Nga, 1918 -  2008)




Chân dung nhà văn, 1998





Alexander Solzhenitsyn thuộc thế hệ đầu tiên các nhà văn Xô-viết, trưởng thành cùng với thời kỳ có hình thức chính quyền mới. Ông không thể tách khỏi không khí và thời đại mà ông sinh ra. Chính Solzhenitsyn đã từng nói rằng ông không có dự tính sống ở nơi nào khác ngoại trừ quê hương mình. Nhưng những tác phẩm của ông thì sống khắp nơi trên thế giới, có lẽ lúc này, nhiều hơn cả trước kia, và có lẽ trong tương lai, nhiều hơn cả bây giờ. Sức sống của chúng đặc biệt bắt nguồn từ cảm xúc đã ăn sâu trong con người ông đối với tổ quốc ông và số phận của nó. Solzhenitsyn mang trong người truyền thống văn học Nga có một không hai. Ông được thừa hưởng di sản văn học của những bậc tiền bối khổng lồ, những người đã nhận được từ sự đau khổ của nước Nga một sức mạnh thật thuyết phục, và tình yêu không gì có thể phá hủy được đã ngấm sâu trong tác phẩm của họ.



Thời gian và khoảng cách có thể là – và phải là – cần thiết cho cách đánh giá trung thực về cảm giác nhận thức sâu sắc và nồng thắm. Trường hợp của Solzhenitsyn thì không phải như vậy. Trong cuốn truyện dài của ông, Một ngày trong đời Ivan Denisovich, xuất hiện lần đầu vào năm 1962, người ta nhận ra ngay lập tức trong chính xứ sở của ông, và khắp thế giới, rằng một nhà văn mới tài ba tham gia vào thế giới văn chương. Tờ Pravda (Sự thật) đã viết: “Thể văn kể chuyện của Solzhenitsyn đôi khi gợi cho ta nhớ đến sức mạnh nghệ thuật của Léon Tolstoi. Thêm một tác giả đầy tài năng đến với nền văn học của chúng ta!”. Cũng khó có thể làm hơn được những lời tuyên dương của tờ Pravda về nghệ thuật kể chuyện của Solzhenitsyn: “Tại sao trái tim chúng ta lại gắn liền với nỗi đau khi chúng ta đọc câu chuyện đầy ấn tượng này cùng lúc khi chúng ta cảm thấy tâm hồn mình bay vút lên cao? Câu trả lời nằm trong tính nhân bản sâu xa của câu chuyện, trong đặc tính của loài người ngay cả trong giờ phút thoái hóa.”




                                        Bìa sách Quần đảo Gulag, 

                                        bản dịch tiếng Anh, in ở Pháp



Những từ ngữ của Alexander Solzhenitsyn là những lời kêu gọi và những thông điệp gởi đến chúng ta. Chúng cho chúng ta biết về những vấn đề mà chúng ta cần biết hơn bao giờ hết, về phẩm giá không thể hủy hoại được của một cá nhân. Ở bất cứ nơi nào phẩm giá ấy bị bạo hành, bằng bất cứ lý do hay biện pháp gì, thông điệp của ông không chỉ là lời buộc tội mà còn là một lời quả quyết: những kẻ gieo nhân nào thì ắt sẽ gặp quả đó. Sự thật về vấn đề này rất dễ thấy ở bất cứ nơi nào thông điệp được truyền đi.



Ngay cả hình thức bên ngoài mà Solzhenitsyn tìm kiếm cho tác phẩm của mình cũng mang bằng chứng về thông điệp của ông. Hình thức này được đặt tên là truyện dài đa âm tố hay dàn theo chiều ngang. Nó có thể được xem như một câu chuyện không có nhân vật chính. Solzhenitsyn đã giải thích trường phái đa âm tố (polyphonism) mà ông muốn nói là: mỗi người trở thành nhân vật chính bất cứ khi nào hành động  liên quan đến anh ta. Đây không chỉ là một kỹ thuật mà là một tín điều. Nghệ thuật kể chuyện tập trung vào yếu tố con người tồn tại duy nhất, cá nhân con người, có vị trí bình đẳng như nhau, một số phận giữa hàng triệu số phận và hàng triệu số phận trong một số phận. Đây là toàn bộ chủ nghĩa nhân đạo trong một quả hạch mà cái nhân là tình yêu nhân loại. Nobel năm nay được tặng cho người tuyên bố chủ nghĩa nhân đạo như vậy.

1971 – PABLO NERUDA
(Chile, 1904 – 1973)
 
                                            Chân dung nhà thơ.

Pablo Neruda, nhà thơ Chile, là đối tượng của nhiều cuộc tranh luận trong một thời gian dài trước khi ông được trao tặng giải Nobel Văn chương. Những cuộc tranh luận này là một dấu hiệu tốt cho thấy không thể nào bỏ qua những đóng góp của ông, và những quan điểm khác nhau bao gồm nội dung nghệ thuật chứa đựng trong tác phẩm của ông. Có hai cách đánh giá trái ngược làm cho ông nổi tiếng, và cả hai đều do những nhà văn cùng sử dụng chung một ngôn ngữ với ông. Khi Neruda chưa đầy ba mươi tuổi, đến Barcelona với tư cách lãnh sự Chile, ông đã được nhà thơ Tây Ban Nha Garcia Lorca chào đón bằng giọng văn trữ tình viết theo lối gần như kinh điển: “Một nhà thơ gần với cái chết hơn là triết học, gần với nỗi đau hơn là khả năng hiểu biết, gần với máu hơn mực; một nhà thơ có những tiếng nói thần bí mà may thay anh ta không thể nào giải thích được, một con người chân chính biết rằng cây sậy hay con chim én còn bất tử hơn cả cái má thô ráp của một bức tượng”. Những người không đồng tình với lời chào đón quá nhiệt tình này thì dựa vào câu đánh giá ngắn gọn: “Một nhà thơ đại tồi” - của nhà thơ Juan R. Jiménez (Nobel 1956), trẻ hơn Lorca năm tuổi.

Nếu bám chặt vào lời công kích trên thì chúng ta nên nhìn lại khối lượng tác phẩm của Neruda. Thật vậy, người ta tự hỏi không biết có ai tương đương với ông trong lịch sử thi ca hay không. Năm mười ba tuổi ông đã in những bài thơ đầu tiên, đến hai mươi tuổi ông đã trở thành một nhà thơ tên tuổi. Tuyển tập thơ của ông mang tên Obras Completas, tái bản liên tục, gồm 459 trang vào năm 1951, đến năm 1962 con số trang là 1.925 và năm 1968 nó lên đến 3.237 trang gồm hai tập. Trong số những tác phẩm đáng chú ý khác của ông còn có: Cien sonetos de amor (1959) gồm những bài thơ tặng vợ ông là bà Matilde Urrutia, Memorial de Isla Negra – một tuyển tập thơ gồm năm tập xuất bản nhân kỷ niệm lục tuần của ông... Đối mặt với một dòng thơ tuôn trào như thế, ta có thể nói được gì với vài lời phê bình vắn tắt? Có một điều gì đó ngớ ngẩn khi cóp nhặt những bài thơ lẻ hay ngay cả những tuyển tập thơ ra khỏi khối lượng thơ đồ sộ của ông, điều này chẳng khác nào dùng một cái thìa nhỏ để đong đếm 50.000 tấn hàng. Người ta không thể sao chép lại cái cốt lỏi của Pablo Neruda. Chính ông cũng không thể làm được điều này.

                                Neruda đang thu âm thơ của ông
                                ở thư viện Quốc hội Mỹ, 1966.

Thật là kỳ lạ vì mọi thứ trong khối lượng sáng tác khổng lồ này đều nâng lên tầm cao như nhau. Những ai muốn tìm ra điểm yếu của ông thì còn lâu mới tìm thấy được. Những ai muốn nhìn thấy điểm mạnh của ông thì chẳng cần tìm đâu xa. Thi hứng của Neruda càng lớn dần theo năm tháng. Nó giống như một trong những con sông của lục địa riêng ông, dòng sông chảy với đôi bờ xa tắp, càng mênh mông và càng dũng mãnh hơn trên đường ra biển.

Khác với những nhà thơ theo chủ nghĩa siêu thực châu Âu, Neruda không ngừng làm mới chủ đề, thay đổi quan điểm, thay đổi cảm xúc và chín muồi văn phong. Ông nói lên tiếng nói của mình trong một câu thơ: “Về sau tôi không còn là một đứa trẻ / vì tôi nhận ra rằng nhân dân tôi / đã bị tướt đoạt cuộc sống / và không có được một nấm mồ”. Trong giây phút đó, Neruda đã bước đi bước đầu tiên và quyết định ra khỏi ốc đảo để tìm đến sự đồng cảm. Nhưng ông không dừng lại đó, cái mà ông tìm kiếm là tình bạn đấu tranh chống lại mọi áp bức đang tồn tại trên khắp thế giới, vì thế, ông là nhà thơ của số phận con người bị áp bức.



1972 – HEINRICH BOLL

(Đức, 1917 – 1985)





Chân dung tác giả, 1981



Henrich Boll là một trong vài nhà văn Đức hiện đại được các nhà phê bình nghiên cứu một cách cẩn thận từ nhiều khía cạnh. Thật khó mà nói rằng những ý kiến khác nhau không nhiều về vị trí của ông trong nền văn học Đức, đặc biệt, về những nét đặc thù có giá trị bền vững trong văn phong của ông và về cách dẫn dắt mạch văn phát triển. Lý do đối với vấn đề này có lẽ nằm trong phương pháp của Boll. Mỗi lần một hay hai tác phẩm mới hoàn thành, ông lại thay đổi cách giải quyết và thay đổi quan điểm của mình. Dòng chảy liên tục trong các tác phẩm của ông là hết sức bất ngờ.



Động cơ thúc đẩy Viện Hàn lâm Thụy Điển trao tặng giải Nobel Văn chương cho Heinrich Boll là vì “văn phong của ông góp phần phục hồi nền văn học Đức”. Điều này cũng không liên quan đến kiểu cách tân văn học, bằng cách từ bỏ những hình thức cổ điển để tìm kiếm phương tiện diễn đạt chưa được thử nghiệm. Đôi khi Boll cũng thoát khỏi những ranh giới đã được xác lập của thể văn kể chuyện hiện thực. Ông đã chứng tỏ mình ít có khả năng và ít quan tâm đến việc thử nghiệm hình thức hơn nhiều nhà văn đã nổi tiếng trong nền văn học Đức hiện đại và trên thế giới.




                              Tượng chân dung Henrich Boll

Boll tự xem mình như một người kể chuyện hiện thực. Tính xác thực mà ông cần không nhiều là tính xác thực của tiểu thuyết cổ điển thế kỷ 19, tính xác thực đó, sau khi nghiên cứu tỉ mỉ từng chi tiết, đã được mô phỏng một cách trung thực



1973 – PATRICK WHITE

(Úc, 1912 – 1990)




 Chân dung tác giả, 1973.

Theo thông báo của Viện Hàn lâm Thụy Điển, nhà văn Úc Patrick White được tặng giải Nobel Văn chương vì: “những tác phẩm mang tính sử thi và nghệ thuật kể chuyện tâm lý đã giới thiệu một lục địa mới cho nền văn học thế giới”. Tên tuổi của ông được biết đến trước đó qua bảy truyện dài đã xuất bản, đặc biệt là tác phẩm Chuyện của Dì [The Aunt’s Story], một chân dung hết sức cảm động về cuộc đời của một người phụ nữ Úc độc thân, phải chịu đựng cô đơn. Nhưng tác phẩm thật sự là nên tên tuổi của ông là Cây Người [The Tree of Man], miêu tả tâm lý sâu sắc và mang tính sử thi khái quát một phần của sự phát triển xã hội Úc dưới hình thức cuộc sống chung lâu dài của hai con người, và đấu tranh chống  lại những khó khăn của ngoại giới lẫn nội tâm.

Một khía cạnh khác nữa của nước Úc được thể hiện qua tác phẩm Voss, trong đó, tại một vùng đất nằm sâu trong nội địa, một nhà thám hiểm đầy nhiệt huyết đối mặt với định mệnh ngặt nghèo. Tác phẩm này là một nghiên cứu sâu về tính cách con người sống trong môi trường thiên nhiên hoang dã đầy sức lôi cuốn của nước Úc. Nhà văn còn thể hiện một hình thái nghệ thuật khác trong cuốn Những người xà ích trên chiếc xe ngựa [Riders in the Chariot], đặc biệt nhấn mạnh khuynh hướng thể hiện bao quát và biểu trưng của mình: một sự hy sinh đầy kịch tính và căng thẳng, nhưng nằm trong một bối cảnh thường nhật, giữa thực tế xã hội Úc đương thời. Từ những quan điểm trái ngược nhau, The Solid Mandala đưa ra một bức chân dung hai mặt của hai anh em, trong đó người anh sống theo lý trí một cách khô khan, đặt đối diện với người em sống theo cảm tính phong phú mà trong mắt mọi người lại gần như là một gã khờ khạo.




                 Bìa tác phẩm Voss 

               do họa sĩ Úc Sidney Nol vẽ.

Hai tác phẩm khác của White nằm trong số những kiệt tác đồ sộ của ông tính theo độ dài lẫn mức độ căng thẳng là Đồ tể trong phòng thí nghiệm [The Vivisector] và Mắt bão [The Eye of the Storm]. Đồ tể trong phòng thí nghiệm là một tiểu sử hư cấu về một họa sĩ, trong đó toàn bộ một đời người đã được tái hiện, theo cách không ngừng xem xét kỹ lưỡng những lý do và động cơ hành động: đó là cuộc chiến đấu không mệt mỏi của một họa sĩ với mục đích thể hiện đến mức tối đa khả năng của mình, trong khi hy sinh cả bản thân và đồng loại. Mắt bão thì đặt một bà lão sắp chết làm trung tâm của câu chuyện kể xoay quanh những sự việc xảy ra xung quanh bà, cả trong quá khứ lẫn hiện tại, cho đến khi chúng ta có cái nhìn toàn cảnh về cuộc sống, trong đó mỗi người đều có mối quan hệ đầy kịch tính mang tính quyết định với bà lão.




             Ngôi nhà của Patrice White ở
            20 Martin Road, Centennial Park, Sidney.
 
Đặc biệt những tác phẩm này đã cho thấy khả năng sáng tạo liên tục của White, một sự sôi nổi và thôi thúc kiếm tìm ngày càng sâu hơn, một sự công kích dữ dội vào vấn đề của cuộc sống đã không ngừng thu hút ông, và là một cuộc vật lộn với ngôn ngữ để chắt lọc hết tất cả sức mạnh và sắc thái của nó, nhằm đi đến ranh giới của cái không thể đạt được. Tác phẩm của White có những nhược điểm do thể loại văn chương táo bạo và mạnh mẽ, đã thực sự vượt qua các giới hạn thông thường khác nhau. Ông là người đầu tiên tạo cho Úc châu một tiếng nói đích thực vang xa khắp thế giới, vừa mang tính nghệ thuật, vừa được xem là những ý tưởng mang tính văn học đương đại cùng lúc với những thành tựu của ông đã đóng góp cho văn học phát triển.



1974 – EYVIND JOHNSON (Thụy Điển, 1900 – 1976)

           HARRY MARTINSON (Thụy Điển, 1904 – 1978)




Chân dung EYVIND JOHNSON.

Eyvind Johnson được giáo dục trong một ngôi trường làng nhỏ bé ở bắc Bắc cực cho đến năm mười ba tuổi. Tương lai đang chờ đợi mở ra trước mặt Harry Matinson khi cậu bé mới 6 tuổi. Là người được gọi là “đứa con của giáo xứ”, cậu đã được bán đấu giá cho người trả giá thấp nhất - nghĩa là cho người nhận trách nhiệm chăm nom cậu bé bị bỏ rơi này với mức chi phí thấp nhất trích từ ngân quỹ của giáo dân trong vùng. Với một khởi đầu cuộc sống như thế, việc cả hai nhà văn đều có một vị trí trên bục lễ phát giải là một bằng chứng rõ rệt cho thấy sự biến đổi của xã hội, một sự biến đổi vẫn đang từng bước tiếp tục xảy ra trên khắp thế giới. Đối với chúng ta điều này đã xảy đến sớm hơn bình thường; đó có lẽ là điều may mắn to lớn nhất của đất nước Thụy Điển, và có lẽ cũng là thành tựu đáng kể nhất của sự biến đổi xã hội trong suốt 100 năm qua.

Eyvind Johnson và Harry Martinson không phải là những người đơn độc, cũng không phải là những người đầu tiên. Cả hai đại diện cho nhiều nhà văn vô sản hoặc các nhà thơ thuộc giai cấp công nhân, trên một mặt trận rộng khắp, đã đột phá vào lĩnh vực văn chương của chúng ta không phải để tàn phá hay tước đoạt mà để làm cho nó phong phú thêm bởi những tài sản của họ. Họ đến giống như một dòng suối tuôn trào của những kinh nghiệm và sức sáng tạo, những yếu tố mà chúng ta hầu như không thể nói hết được giá trị của chúng. Với sự đánh giá như thế, họ cũng đã đại diện cho bước đột phá tương tự xảy ra trong toàn bộ đời sống văn hóa của chúng ta sau này. Một lớp người mới đã chinh phục được đỉnh Thi Sơn (Parnassus). Hay nói cách khác, chính đỉnh Thi Sơn đã chinh phục được một giai cấp mới - nếu như chúng ta hiểu người đi chinh phục là người nhận được nhiều nhất từ kết quả đạt được.

Trên thực tế, để xác định một nhà văn và tác phẩm của ông ta dựa trên nguồn gốc xã hội và hoàn cảnh chính trị là cách làm theo lề lối cũ. Và cái đã gọi là cách làm theo lề lối cũ thì đặc biệt ít khi đúng vào trọng tâm của vấn đề. “Thành tựu văn chương của Eyvind Johnson là một trong những thành tựu đặc trưng và có ý nghĩa nhất trong một thời kỳ cực thịnh của toàn châu Âu”. Cách đây 30 năm Lucien Maury đã viết như thế. Tuy nhiên, chàng trai xuất thân từ một trường tiểu học tại ngôi làng hẻo lánh kia, dù đã trở thành một người châu Âu từng trải và tự tin, vẫn không bao giờ quên nguồn gốc của mình. Những tự truyện của ông viết về vùng đất này đã trở thành một tư liệu có giá trị lâu dài, mà không bị bó buộc và hạn chế bởi môi trường nơi ông đã bước đi những bước đầu tiên. Tầm nhìn mang tính toàn cầu đã làm những tác phẩm sau này của Eyvind Johnson thêm đặc sắc, và nó rất phù hợp với một tầm nhìn cũng bao quát tương tự và đúng lúc về những số mệnh và những thời đại của loài người. Sự đổi mới trong thể loại tiểu thuyết lịch sử mà ông đã tự mình thực hiện, và có thể đã minh họa rõ rệt nhất trong những tác phẩm nổi tiếng như Days of His GraceSteps Towards Silence, không chỉ dựa trên những nghiên cứu bao quát mà còn dựa trên khả năng nhìn nhận vấn đề sáng suốt, diễn tả ngắn gọn, đã trình bày cho chúng ta thấy rằng mọi việc xảy đến với chúng ta đều đã từng xảy ra, và những điều đã từng một lần xảy ra trên thế giới thì vẫn còn đang tiếp tục xảy ra, và có thể nhận biết được dưới các biểu hiện thay đổi, và đồng thời bất biến qua các thời đại. Đây có lẽ là sự khôn ngoan duy nhất mà chúng ta có thể học được từ quá khứ qua những cố gắng nhằm nghiên cứu về thời đại hiện nay và tiên đoán về một kỷ nguyên chưa đến.


Tuy nhiên, nếu như chúng ta đang lưu ý đến một giai đoạn đặc biệt và một môi trường phát triển trí tuệ cá biệt mà những dấu ấn của nó không thể xoá bỏ nhờ vào ngòi bút của Eyvind Johnson và tác phẩm của ông, thì chính vào lúc đó, Lucien Maury phát hiện ra điều đó ở nhà văn Bắc Âu này. Châu Âu lại có thêm một trong những nhà trí thức quan trọng của mình. Một nhà phân tích thời đại người Pháp đã mô tả kỷ nguyên này là giai đoạn rất hưng thịnh. Điều gì đã làm cho nó trở nên hưng thịnh như thế? Không phải là những hoàn cảnh thuận lợi mà là sự chiến đấu bất khuất chống lại tình trạng phổ biến lúc bấy giờ. Bình minh vẫn chưa bắt đầu ló dạng; chủ nghĩa phát -xít vẫn thắt chặt vòng dây ở châu Âu. Chính trong tình trạng khó khăn đó mà Eyvind Johnson đã lên tiếng. Thái độ của ông sôi nổi đến mức mà sự tha thiết xuất phát từ lòng nhiệt tình ấy trong lời văn của ông cho đến bây giờ vẫn chưa hề tan biến. Ông vẫn còn duy trì niềm tin của mình về viễn cảnh của châu Âu, nhưng đương nhiên là sự giải phóng của vùng Scandinavia mới là điều quí giá nhất đối với ông lúc bấy giờ.




                      Chân dung HARRY MARTINSON



Eyvind Johnson và nhất là Harry Martinson, đều có rất nhiều điểm chung với nhà văn xưa nhất, và có lẽ cũng vĩ đại nhất trong số tất cả những nhà văn vô sản, một tác giả nhạy cảm, thông thái và làm say mê lòng người với những câu truyện ngụ ngôn tài tình. Giống như Aesop, ông thêu dệt những tình tiết, thu hút bạn bằng giọng văn lôi cuốn luôn chứa đựng thêm những điều khác ngoài ý nghĩa của ngôn từ. Nhưng những điểm khác biệt giữa hai người đoạt giải văn chương năm nay lại thú vị hơn những điểm tương đồng. Bên cạnh Eyvind Johnson, người mà tác phẩm chủ yếu dựa trên cơ sở quyền công dân ông được kiên quyết bảo vệ trong một xã hột tự do, Harry Martinson có vẻ hầu như là một người hoàn toàn phi xã hội, một chàng du mục không thể sửa đổi được trong lĩnh vực văn chương của chúng ta. Chưa có ai thành công trong việc giữ chân ông. Bolle - một lữ khách can đảm trong tác phẩm Con đường [The Road], xét về nhiều mặt, chính là người phát ngôn của tác giả, và thế giới bên ngoài là nhà của ông. Ông chỉ trở nên không nhà không cửa khi ở trong bốn bức tường. Ông là người mang trong lòng tư tưởng phi xã hội chủ nghĩa như là mang một ước mơ, một nguyên tắc đem đến cho ông sự may mắn. Ông là kẻ lang thang hoàn toàn làm theo ý muốn của chính mình, bằng lòng với những bản năng tốt đẹp trong cuộc sống và một cách tự phát, chống lại những gì đang cố kiềm giữ chúng - đó là những gì bị khống chế bởi sự tính toán và được tạo nên một cách bắt buộc. Ông cũng đã có nơi trú ngụ của mình; nơi đó rất xa và ở bên ngoài thế giới này, và ông luôn trên đường hướng đến đó. Từ quan điểm khởi đầu này, mặc dù theo một hướng ra khác, chúng ta cũng có thể tưởng tượng được hình ảnh bi tráng của Aniara, một con tàu không gian đang tránh xa khỏi sự hiện hữu thù địch ngày càng gia tăng, trên một trái đất băng giá nhưng bản thân nó không còn phương hướng, nó đã phải cắt đứt với bờ bến quê hương mình để đi tới một nơi vô định.



Nhân vật Bolle nhận xét: “Điều mà hầu hết mọi người muốn trở thành sự thật không phải là điều tôi muốn”. Qua câu nói này, anh ta cũng đã nói lên khá nhiều điều trong tác phẩm của Harry Martinson. Trong đó, ta luôn thấy chủ nghĩa hiện thực ở một giới hạn có thể gọi là những yếu tố căn bản: nó dựa trên sự hiểu biết cặn kẽ về mối quan hệ giữa bốn nguyên tố gồm: đất, nước, không khí và lửa. Harry Martinson cho rằng mối quan hệ giữa đất và không khí giống như là một gã lang thang trên đường, còn lửa và nước là một người đốt lò của con tàu chạy bằng hơi nước trên biển. Cứ như thế, với ông cái thế giới của trí tưởng tượng lại quan trọng hơn và thực hơn những gì trong thực tại. Ở nơi mà chủ nghĩa hiện thực đang lê bước một cách cẩn thận thì trí tưởng tượng của ông lướt đi như một nghệ sĩ trượt băng đang bay lượn với đôi cánh chim én. Tuy nhiên, đó không phải là trốn tránh sự thật, mà còn có ý nghĩa ngược lại. “Chúng ta phải biết sự khác biệt căn bản giữa cái có thậtsự thật”, ông nói, “chúng ta có những cái có thật ở khắp mọi nơi. Chúng cuốn xoáy trong mắt bạn như những hạt cát”. Nhưng chính sự thật mới là cái chúng ta có liên quan, và đó lại là một chuyện khác. Đó là một trạng thái ở trong tự nhiên và trong con người biết tiếp thu. Đó là thiện ý với sự thanh thản trong tâm hồn và tỉnh táo trong suy nghĩ - để mọi người noi theo và để sống

          Mộ của Harry Martinson Sollentuna, Stockholm

Đối với Harry Martinson, sự kiện và điều hư cấu là một, và không có bất kỳ sự tỉ mỉ nào mang tính cách ngôn, một nhân sinh quan trọn vẹn được tổng hợp từ những lời nói hàm súc này. Hai từ cuối, được nhấn mạnh nhất, tạo nên một động từ đơn giản chỉ sự hiện hữu bé nhỏ: để sống. Nhưng sự tồn tại này chỉ đúng đối với loài người nếu nó mang đến cho họ niềm vui, và vì vậy mới cần đến thiện ý và cảnh giác. Như vậy, cuối cùng, sự thật mà con đường của nhà văn lãng tử này dẫn ông đến là một sự biết ơn ngây thơ như một đứa bé đối với cuộc sống hào phóng đã không ngừng ban tặng cho ông những thử thách, những điều bí ẩn và niềm vui trong một chừng mực hợp lý. 



1975 – EUGENIO MONTALE

(Italy, 1896 – 1981)



Chân dung nhà thơ.


 Ngay từ tập thơ đầu tay, Nan mực [Ossi di seppia] xuất bản 1925, chàng trai Eugenio Montale khi đó 29 tuổi đã khẳng định vị trí của mình trong lĩnh vực thơ ca Ý. Khi tác phẩm của ông dần dần được nước ngoài biết đến, ông cũng được đánh giá cao và ngày càng được mọi người đồng tình công nhận là một trong những nhà thơ quan trọng nhất của phương Tây đương đại. Việc mất nhiều thời gian để trở nên nổi tiếng như vậy cũng là điều hoàn toàn tự nhiên, nhưng trường hợp của Montale có lẽ có một cách giải thích riêng. Cá tính trầm lặng cố hữu của ông cũng có thể là một trong những lý do khiến phải mất một thời gian khá dài để giới yêu văn học biết đến ông. Nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, có một nguyên nhân quan trọng hơn là vì, nói chung, ông đã cho mọi người rất ít cơ hội để đánh giá mình. Với mỗi một tập thơ, ông lại mở rộng và củng cố được vị trí của mình, nhưng chuỗi các tập thơ mới kế tiếp nhau lại không dài và chúng cũng cách nhau lâu hơn. Ngoài một số sáng tác đã được đăng trước khi xuất bản thành tập, và một số được bổ sung thêm trong các ấn bản sau này, Montale có tất cả bốn tập thơ được xuất bản kể từ lần cho ra mắt tập thơ đầu tiên: Những cơ hội [Le Occasioni] (1939), Cơn bão và những chuyện khác [La Bufera e altro] (1948), Satura (1962), và Nhật ký năm ’71 và ’72 [Diario del ’71 e del ’72]. Với số lượng tác phẩm khiêm tốn này, tiếp tục thu hút sự quan tâm của giới trẻ cả trong nước lẫn trên toàn thế giới nói chung, là đủ để chứng tỏ giá trị thật sự và ảnh hưởng lâu dài của chúng.



Điều này càng đáng chú ý hơn khi mà thơ của Montale không phải dễ cảm nhận đối với độc giả. Sinh ra ở Genua, ông luôn dành tình cảm chân thành của mình cho vùng đất quê hương phía Bắc nước Ý. Nơi đây đã tạo nên một vốn sống cho hầu hết các sáng tác của ông. Đó không phải là một thiên đường tắm nắng của vùng Riviera đang mời gọi trải ra trước mắt chúng ta, mà là một bờ biển khúc khuỷu, dường như nó được vẽ theo những đường góc cạnh của bờ biển Ligurian với sự tấn công dữ dội của biển cả vào những thành trì bằng đá dốc thẳng đứng.



Việc hình ảnh bất khả xâm phạm của những bờ biển đầy đá được dựng lên, và mô phỏng trong tác phẩm của Montale, có ý nghĩa như là một giáo trình văn học. Ông hướng tới sự liên kết với cái gọi là trường phái luyện đan trong nền thơ ca đất nước ông, từ đó ông không chấp nhận những giọng thơ thương tâm và sự phô trương hoa mỹ mà hầu hết mọi người cả trong lẫn ngoài nước Ý đều thích nghe. Hình ảnh bất khả xâm phạm trong thơ ông, không chỉ là vấn đề hình thức văn chương mà còn là một thái độ tinh thần, một sự cần thiết trong tâm hồn, một nhân sinh quan. Ông không thể hiện sự phản đối thông qua những phương pháp nghệ thuật nhất định, mà qua quan điểm của chính ông - trong phạm vi này, cũng là quan điểm của mọi người trong thời buổi hiện đại. Nhìn từ bên ngoài, thực ra là ông tìm kiếm sự riêng tư chứ không phải là đang đối phó, và sự tách biệt khỏi môi trường xung quanh ông là một biểu hiện của tính bi quan sâu sắc, chứ thực sự không phải nói lên sự phủ nhận. Thật vậy, thơ của Montale đã được thể hiện như thế. Nhưng muốn nắm bắt được ý nghĩa của thái độ phủ nhận, chúng ta chỉ cần nhớ lại những điều mà Montale đã chối bỏ. Ông chưa bao giờ muốn đi cùng với thới đại của mình. Trong chiến tranh thế giới I, với tư cách một sĩ quan, ông đã tham gia cuộc chiến chống lại quân Áo; không giống như nhiều cây bút đồng nghiệp tại mặt trận, ông không làm thơ về chiến tranh, ông chẳng thấy gì mang tính giáo dục và tốt đẹp trong chuyện chết chóc. Được giải ngũ, ông trở về quê hương, về lại với một nước Ý tan rã. Lúc tập thơ đầu tiên của ông ra đời thì Mussolini đã lên cầm quyền. Montale không để ông bị lôi cuốn bởi những hiệu lệnh kích động, từ chối tham gia các đảng phái, bị mất việc làm và thiếu phương tiện sinh sống, hiểu rõ những nỗ lực trong lĩnh vực văn chương của chính mình sẽ bị cản trở và hủy hoại, và ông đã phải kiếm sống bằng nghề dịch thuật. Trong sự cô độc của mình, ông đã kiên trì và không nản lòng thực hiện đến cùng tác phẩm của mình, một “thuật luyện đan”, nếu như điều đó có thật. Biết được điều này, chúng ta tự nhủ rằng nếu chúng ta không có khả năng chối bỏ, chúng ta sẽ mất tất cả. Có một sự phủ định không phải dựa trên việc căm ghét con người mà dựa trên cảm xúc không thể xóa nhòa đối với giá trị cuộc sống và chân giá trị của con người. Đó chính là điều đã mang đến sức mạnh bẩm sinh cho thơ của Eugenio Montale.




1976 – SAUL BELLOW
(Mỹ, 1915 - 2005)
   


                               Saul Bellow phát biểu tại Hội chợ Sách quốc tế Miami
năm 1990 

Khi Saul Bellow xuất bản cuốn sách đầu tiên của mình, đó là lúc đã có sự thay đổi về mặt xu thế và thế hệ trong nghệ thuật văn kể truyện của nước Mỹ. Cái gọi là văn phong chai cứng, với giọng văn rắn rỏi và lời văn dồn dập, giờ đây đã dịu xuống thành một kiểu văn phong bình thường gây tác động một cách tự nhiên. Một số ít những từ cứng nhắc, khô khan của phong cách cũ không những ít được nhắc đến mà hầu như không còn nhận thấy và không còn được sử dụng nữa. Tác phẩm đầu tiên của Bellow, Người lơ lửng [Dangling Man] (1944), là một trong những dấu hiệu báo trước một điều gì khác có thể với tới được.

Trong trường hợp của Bellow, việc thoát ra khỏi phong cách chuẩn mực trước đây đã xảy ra theo hai giai đoạn. Đầu tiên, ông quay trở lại hướng suy nghĩ kinh điển đã có sẵn theo kiểu Maupassant, Herry James, và Flaubert. Những người thầy mà ông noi theo để tự thể hiện mình một cách thận trọng, cũng như những người thầy ông đã quay lưng lại. Nhưng điểm nhấn của tác phẩm lại nằm ở chỗ khác. Cái mang đến sự thú vị cho một câu chuyện không phải là diễn biến đầy kịch tính, đôi lúc mang tính bạo lực, mà là cái sinh khí được tỏa ra từ trong bản thân tâm hồn của nhân vật chính. Với tầm nhìn như thế, những nhân vật nam và nữ chính trong tiểu thuyết có thể được xem xét đánh giá, hiểu rõ bản chất và bộc lộ được cá tính mà không cần phải tô điểm thêm. Nhân vật phản diện của thời nay đã xuất hiện và Bellow trở thành một trong những người chú tâm đến anh ta.

Theo đó, Người lơ lửng, người không có chỗ đứng trong xã hội, đã trở thành một mật mã riêng đầy ý nghĩa trong văn phong của Bellow, và cứ được sử dụng như thế ở một mức độ không nhỏ. Ông tiếp tục đeo đuổi con đường mình đã vạch ra với cuốn tiểu thuyết kế tiếp, Nạn nhân [The Victim] (1947) và những năm sau đó là Nắm lấy ngày [Seize the Day] (1956) với sự nhuần nhuyễn chín muồi. Với sự tinh thông mẫu mực về chủ đề và văn phong, cuốn tiểu thuyết sau cùng này đã được phong tặng là một trong những tác phẩm kinh điển trong thời đại chúng ta.

Nhưng với tác phẩm thứ ba trong tổ hợp các tác phẩm có cấu trúc chặt chẽ theo phong cách riêng này, dường như cuối cùng Bellow đã quay ngược lại để hoàn thành một số điều mà chính ông từng bỏ qua. Trong giai đoạn thứ hai, giai đoạn quyết định, ông đã rời khỏi trường phái sáng tác này, ở đó hình thức nghiêm ngặt và cấu trúc khép kín không đóng vai trò cho nguồn tư tưởng đang cần được khai phá, phương pháp nghệ thuật châm biếm đang loé sáng, trò hài kịch vui nhộn và niềm say mê mãnh liệt mà ông biết mình luôn có, và ông cần phải thử vận dụng xem nó mạnh đến mức nào. Kết quả là một điều hoàn toàn mới; sự pha trộn của chính Bellow giữa thể loại tiểu thuyết phiêu lưu phong phú và sự phân tích tinh vi về nền văn hóa của chúng ta, về những chuyến phiêu lưu thú vị, về những tình tiết quyết liệt và bi thảm trong chuỗi các sự kiện nhanh chóng kế tiếp nhau, được đặt xen kẽ với những lời đối thoại cùng người đọc mang tính triết lý và rất thú vị, tất cả đã được khai thác bởi người dẫn chuyện với một giọng điệu hóm hỉnh và sự hiểu biết tường tận về những điều phức tạp bên trong và bên ngoài tâm hồn, những điều dẫn dắt hoặc ngăn ngừa chúng ta hành động và có thể gọi là tính mâu thuẫn của thế hệ chúng ta.

               Bellow (trái) với nhà văn người Bỉ - Keith Botsfort, 1992.

Tác phẩm đầu tiên của giai đoạn mới này là Những cuộc phiêu lưu của Augie March [The Adventures of Augie March] (1953). Ngay tên tác phẩm đã thể hiện được thể loại chuyện phiêu lưu, và trong cuốn tiểu thuyết này có lẽ chúng ta thấy rõ nhất mối quan hệ đó. Nhưng ở đây, Bellow đã tìm được phong cách riêng, và giọng văn đó lặp lại trong chuỗi những tiểu thuyết tạo nên phần lớn công trình sáng tác của ông: Henderson Vua Mưa [Henderson the Rain King] (1959), Herzog (1964), Hành tinh của Ô. Sammler [Mr. Sammler’s Planet] (1970), và Quà tặng của Humboldt [Humboldt’s Gift] (1975). Cấu trúc của các tác phẩm này khá lỏng lẻo, nhưng chính vì vậy đã tạo đầy đủ cơ hội cho tác giả mô tả những xã hội khác nhau, chúng có được khí lực và tính chính xác hiếm thấy. Một dàn nhân vật mang đủ các loại tính cách và được định hình rõ ràng trên nền tảng những khung cảnh được quan sát và mô tả kỹ càng, dù ở trong những khu tráng lệ của Manhattan đối diện với mặt sau của các khu nhà ổ chuột và bán ổ chuột, trong những sào huyệt khó xâm nhập ở Chicago của các nhà kinh doanh vô liêm sỉ cấu kết với các băng nhóm tội phạm lỏi nghề, hoặc những khu rừng theo nghĩa đen ở những vùng sâu thẳm của châu Phi, nơi mà cuốn Henderson Vua Mưa, ghi lại cuộc thám hiểm mang tính tưởng tượng cao nhất của tác giả. Tựu trung, chúng là những câu chuyện về sự vận động, và cũng như cuốn đầu tiên, về một người không có chỗ đứng trong xã hội. Nhưng, cần phải nói thêm, đó là một người mãi kiếm tìm một chỗ đứng trong khi lang thang trong thế giới chao đảo của chúng ta, một người không bao giờ có thể từ bỏ niềm tin rằng giá trị cuộc sống phụ thuộc vào phẩm giá, chứ không phải sự thành công của nó, và sự thật cuối cùng phải chiến thắng, đơn giản vì nó đòi hỏi mọi thứ ngoại trừ chiến thắng. Đó là cách suy nghĩ mà qua đó các nhân vật phản diện của Saul Bellow có chỗ đứng riêng và giành được vị trí lâu dài trong lòng người đọc.



1977 – VICENT  ALEIXANDRE

(Tây Ban Nha, 1898 – 1984)




Chân dung Vicente Aleixandre, 1977.

  Khi Vicente Aleixandre công bố tập thơ đầu tiên của mình năm 1928, Ambito, ông đã cộng tác chặt chẽ với tư cách cá nhân cùng với các nhà thơ đầy tài năng Tây Ban Nha, những người đã mang đến cho kỷ nguyên này cái tên gọi “Thời kỳ hoàng kim thứ hai” trong lĩnh vực văn chương của nước này. Quan niệm về bản chất thơ ca và trong phương thức diễn đạt của mình, nhóm nhà thơ sôi nổi này đã có một vài điểm tương đồng với chủ nghĩa siêu thực đã ra đời tại Pháp và lan truyền những biểu hiện của nó từ đó. Các nhóm văn chương người Iberi dĩ nhiên thích khẳng định sự độc lập của mình hơn, và tạo nên một giới tuyến trong lĩnh vực văn chương với người Pyrene. Họ đồng chủng nhưng không đồng điệu, và ở phía Nam biên giới này, sự khác nhau càng được thể hiện rõ bởi việc gọi bằng những cái tên khác với những tác động tương ứng trong văn phong - như là chủ nghĩa cực đoan, thuyết sáng tạo. Cũng có những điều giống nhau được thừa nhận và những thuật ngữ Goloa được chấp nhận, nhưng sự thu nạp lại được diễn đạt theo cách thách thức: chủ nghĩa siêu thực Tây Ban Nha đã mang đến cho chủ nghĩa siêu thực Pháp cái nó thiếu – đó là một nhà thơ. Nhà thơ được nói đến chính là Vicente Aleixandre.


Thực sự là có đầy đủ lý do cho việc tranh chấp biên giới trong lĩnh vực văn chương. Có thể giải thích rằng tư tưởng của người Tây Ban Nha không chỉ là theo một hướng khác, mà còn có nguồn gốc khác. Khi mà thế hệ của các nhà văn Tây Ban Nha cực kỳ triển vọng này tụ họp với nhau, để tạo ấn tượng cho cú đột phá của họ tại một buổi lễ thu hút sự chú ý của công luận do chính họ tổ chức nhân kỷ niệm 300 năm ngày mất của thi hào Góngora, thì không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà họ làm thế. Họ cùng sử dụng chung những hình tượng được tô vẽ quá mức, và phương pháp nói bóng gió quanh co của những nhà văn siêu thực Pháp, nhưng ở một cấp độ ngang nhau, với việc sử dụng phong cách nghệ thuật Barôc, đặc biệt là trong các biến thể Tây Ban Nha của nó. Hơn nữa, một mặt là thiên hướng xem xét sự việc quá tỉ mỉ và thích sử dụng phép tương phản rõ rệt, mặt khác là thiên hướng theo những mô-típ đời thường - những điều này đã thể hiện rất rõ đặc điểm của phương pháp sáng tác hiện đại Tây Ban Nha, dựa trên sự lưu truyền của nó từ thời kỳ hoàng kim đầu tiên - đã thực sự không tương hợp với cách viết như máy “l’écriture automatique”, một tín điều căn bản trong học thuyết mới bắt nguồn từ sông Seine. Và một vài người Tây Ban Nha đã nói lên sự ngờ vực của họ về hình thái cảm nhận và truyền đạt này; Aleixandre đã và đang nằm trong số những người đó.



Tập thơ đầu tiên của ông ra mắt một năm sau lễ kỷ niệm Góngora. Điều này nói lên rằng ông không phải là một trong những người đi đầu cho phong trào thay đổi quan điểm trong thơ ca Tây Ban Nha; và cho thấy thời gian vừa qua phong trào đã có sự tiến triển tốt đẹp. Nhưng ông thực sự là một trong số những người theo quan điểm mới. Ông đã viết bài cho những tờ báo của họ và là đồng nghiệp của họ. Chính sự đổi mới không ngừng là đặc điểm của Aleixandre trong lĩnh vực văn chương chứ không phải sự sớm phát triển của thơ văn ông. Ngay lập tức ông đã giành được chỗ đứng trong nhóm các nhà thơ, và đó chính là chỗ của ông. Theo thời gian, điều này ngày càng được khẳng định và vị trí của ông ngày càng trở nên nổi bật. Chúng ta có thể nhận thấy điều đó qua khả năng sáng tác dồi dào của ông, với những kiệt tác như Hủy diệt hay Tình yêu [La destrucción o el amor] (1935), Bóng Thiên Đường [Sombra del paraiso] (1944), Sinh lần cuối [Nacimento último] (1953), và tác phẩm có lẽ là quan trọng nhất Trong lãnh thổ bao la [En un vasto domonio] năm 1962.



Không có công thức nào để tóm tắt được hết sự phát triển không ngừng của lối thơ này, xét cả về mặt thời gian lẫn trong việc lựa chọn chủ đề. Nhưng nếu chúng ta tìm kiếm một ấn tượng thường xuyên, một chủ đề xuyên suốt nổi lên trong tác phẩm của Aleixandre trong những giai đoạn khác nhau, và theo nhiều cách thể hiện khác nhau, thì chúng ta có thể nói đó là một sức mạnh để được sống. Điều này cũng đúng trong cuộc đời thường của ông, đúng đối với sự tồn tại của bản thân ông. Vào năm 1925, ba năm trước khi ông được công chúng biết đến, ông đã mắc bệnh lao thận rất nặng và vô phương cứu chữa;  kể từ đó ông nằm liệt giường và không thể rời khỏi chỗ bàn làm việc của mình. Nội chiến xảy đến, và từ nơi đang nằm, ông nghe thấy tiếng bom nổ. Khi chiến tranh qua đi, những người bạn cùng với đồng nghiệp của ông lâm vào cảnh bị đày ải, họ đã phải để lại sau lưng một con người bị tàn phế. Nhưng ông cũng đã sống qua được chế độ độc tài của Franco một cách thầm lặng, mà chưa bao giờ chịu phục tùng, và vì thế ông đã trở thành một điểm tựa và là một nhân vật chủ chốt giữa những gì còn được giữ lại trong đời sống tinh thần người dân Tây Ban Nha.

Là một mẫu người được kính trọng, và là một người dẫn đường, mỏng manh nhưng không dễ vỡ, Aleixandre đã cho thấy ngay trong tác phẩm của ông một sức mạnh giống như thế để sống, và hơn thế nữa, để luôn tự đổi mới, luôn tìm tòi những phương cách và mô-típ khác. Nguồn cảm hứng của ông chưa hề giảm sút mà cũng chưa hề khô cạn - ngược lại, ông đã đạt tới một phong cách thể hiện giản dị và một sự cởi mở thân thiện đối với cuộc sống và cả với người đọc, điều mà trước đây ông đã không thể đạt đến hoặc là đã không cố phấn đấu để đạt đến. 



1978 – ISAAC BASHEVIS SINGER

(Mỹ- Ba Lan, 1904 – 1991)




Chân dung nhà văn



Singer sinh ra trong một ngôi làng nhỏ phía Đông Ba Lan và lớn lên trong một khu dân cư nghèo và đông đúc của người Do Thái, thuộc vùng Warsaw vào thời điểm trước và trong Thế Chiến thứ I. Cha của Singer là một giáo sĩ  Do Thái rất mộ đạo, theo trường phái Hasid, một nhà cố vấn tinh thần cho một nhóm đủ hạng người cần sự giúp đỡ của ông. Ngôn ngữ của họ là tiếng Yđit – ngôn ngữ của một dân tộc nghèo khổ và của những người sơ khai, có nguồn gốc xa xưa thời trung cổ cùng với sự du nhập từ nhiều nền văn hóa khác nhau mà dân tộc này đã tiếp xúc, qua nhiều thế kỷ họ đã bị phân tán rải rác ở nước ngoài. Đó chính là ngôn ngữ của Singer. Và là một kho chứa đầy những câu chuyện truyền thuyết và những giai thoại, sự khôn ngoan, những điều mê tín và những ký ức của quá khứ kéo dài hàng trăm năm xuyên suốt một lịch sử, mà dường như  không thiếu thứ gì không được thử thách qua những nguy hiểm và tai họa. Tín ngưỡng của đạo Hasid là một dạng tín ngưỡng duy thần phổ biến của người Do Thái. Nó có thể biến thành sự e dè và lòng trung thành mù quáng và tuyệt đối vào luật lệ qui định. Nhưng nó cũng có thể mở rộng ra hướng tới sự điên cuồng say sưa quá đáng và những phấn khích hoặc ảo giác như là vị cứu thế.



Thế giới ấy là thế giới của dân Do Thái Đông Âu. Thế giới ấy đã sống dậy trong các tác phẩm của Singer, trong những giấc mơ khuấy động, sáng suốt và không ảo tưởng nhưng cũng tràn ngập tư tưởng phóng khoáng và lòng trắc ẩn không vương chút ủy mị. Sự tưởng tượng và thực tế luôn thay đổi hình dạng. Khả năng liên tưởng trong cảm hứng của Singer luôn được chứng nhận bởi thực tế, và thực tế đã được nâng lên bởi những giấc mơ và trí tưởng tượng, đưa nó vào thế giới siêu nhiên, ở đó không có gì là không thể và cũng không có gì là chắc chắn.


Singer bắt đầu sự nghiệp viết văn của mình ở Warsaw trong những năm giữa hai cuộc chiến tranh. Tuy nhiên, các tác phẩm đầu tay của Singer không phải là những tiểu thuyết lớn mà là những truyện ngắn và truyện vừa. Tiểu thuyết Satan ở Goray [Satan in Goray] ra mắt vào năm 1935, thời kỳ mà sự khủng bố của Đức Quốc xã đang đe dọa và ngay trước khi tác giả di cư đến Mỹ, ở đó ông đã sống và làm việc cho đến khi mất (1991). Tác phẩm đề cập đến một đề tài mà Singer thường tái hiện bằng nhiều cách khác nhau – một Đấng Cứu thế giả mạo với những thành công và kỹ xảo làm say mê lòng người, đám đông cuồng loạn vây xung quanh ông ta, sự sụp đổ của ông ta và sự tan vỡ những ảo vọng trong cảnh nghèo khó và giữa những ảo vọng mới hình thành, hay trong sự ăn năn và sự thanh khiết. Câu chuyện trong tác phẩm Satan ở Goray xảy ra vào thế kỷ XVII sau sự việc tàn phá thảm khốc của người Cossack với những hành động tàn bạo và tàn sát vô số dân Do Thái và những sắc dân khác. Tác phẩm đã đoán trước được điều sẽ xảy đến trong thời đại chúng ta. Những người dân này không hoàn toàn xấu xa mà cũng không hoàn toàn tốt đẹp. Họ bị ám ảnh và bị quấy rối bởi những điều họ không thể kiểm soát được, bởi sự bắt buộc của hoàn cảnh và bởi những cảm xúc mạnh mẽ của chính họ – một cái gì đó xa lạ mà cũng rất gần gũi.

Đây là điểm đặc trưng trong quan điểm Singer về nhân loại – một sự sáng tạo mạnh mẽ và luôn biến đổi về nỗi ám ảnh, một tiềm năng hủy diệt nhưng cũng cháy bỏng và đầy sáng tạo - về những xúc cảm và sự phong phú dị thường của các hình thái biến đổi của chúng. Những cảm xúc mạnh có lẽ là những cái có nhiều hình thái khác nhau nhất – thường là nhục dục nhưng cũng có khi là những hy vọng và những mơ ước cuồng tín, những điều bịa đặt kinh hoàng, sự cám dỗ của lòng ham muốn hoặc của quyền lực, những cơn ác mộng đầy nỗi thống khổ. Ngay cả tình trạng buồn chán cũng có thể trở thành một cảm xúc vô tận, như với nhân vật chính trong tiểu thuyết phiêu lưu bi hài Thầy Phù thủy [The Magician of Lublin] (1961), một kẻ lừa bịp và là một kiểu Don Juan Do Thái, người mà cuối cùng trở thành một nhà tu khổ hạnh hay một vị thánh. Có cùng một ý nghĩa và một kiểu nhân vật với tác phẩm này là tác phẩm Nô lệ [The Slave] (1962), đây thực sự là một giai thoại về một tình yêu trọn đời và chung thủy đã trở nên một sự gượng ép, buộc phải giả dối dù vẫn còn thanh khiết, nặng mang trong lòng dù vẫn ngọt ngào, thánh thiện nhưng mang mầm mống của sự hổ thẹn và giả dối. Thánh nhân và kẻ lừa bịp có họ hàng không xa nhau mấy.

Singer có lẽ đã cho thấy khả năng tuyệt vời nhất của ông như là một người kể chuyện xuất chúng và là một nhà văn có phong cách riêng biệt trong các truyện ngắn và trong các truyện vừa dị thường và có nhịp điệu, những tác phẩm này đã được dịch sang tiếng Anh thành khoảng mười hai tuyển tập. Nỗi đam mê và sự điên loạn được nhân cách hóa trong những truyện kể kỳ lạ này thành những yêu quái, những bóng ma và oan hồn, tất cả những gì có sức mạnh ghê gớm hoặc siêu nhiên trong kho tàng phong phú của tín ngưỡng chung của người Do Thái hoặc lấy từ sự tưởng tượng của chính ông. Những bóng ma này không chỉ là những hình tượng văn chương sinh động mà còn là những sức mạnh hiện hữu rất thực. Thời đại Trung cổ dường như được tái hiện lại trong tác phẩm của Singer, sự việc hàng ngày xung quanh chúng ta được đan xen với những điều kỳ lạ, thực hư lẫn lộn, sự kiện đẫm máu trong quá khứ được làm sống lại trong hiện tại. Đây chính là lãnh vực mà nghệ thuật kể chuyện của Singer ghi được những thành tựu to lớn nhất và mang đến một kinh nghiệm đáng học hỏi về một thể loại truyện độc đáo sâu sắc, đau buồn nhưng cũng rất thú vị và mang tính giáo dục. Rất nhiều nhân vật của ông bước vào ngôi đền Pantheon của văn học với uy thế không thể tranh cãi, nơi mà những người bạn đồng hành bất tử và những nhân vật thần thoại đang sống, nơi bi kịch và lố bịch, khôi hài và cảm động, kỳ lạ và tuyệt vời - những con người của mơ mộng và dày vò, của hèn hạ và cao thượng…



1980 – CZESLAW MILOSZ

(Mỹ và Ba-lan, 1911 -  2004)




Milosz tại Hội chợ Sách quốc tế Miami, 1986



Milosz lớn lên ở thị trấn Vilna thuộc Ba Lan và đã được học hành tại đó. Ông sớm quan tâm đến lĩnh vực văn chương và là một trong những nhà văn hàng đầu của thế hệ các nhà văn trẻ, những người muốn phục hưng nền thơ ca, và vì mối nguy cơ đe dọa mạng sống của mình đã chủ động tham gia vào phong trào tự do bí mật chống lại sự áp bức của phát-xít. Là một thành viên trung thành của phong trào xã hội chủ nghĩa, ông đã lãnh hội được cái tinh túy nhất về mặt tri thức và chính trị của nước Ba Lan mới, cuối cùng trở thành một viên chức đáng tin cậy và một nhà văn hóa đại diện cho quê hương ông ở nước ngoài. Tuy nhiên, tình hình chính trị thay đổi trong suốt cuộc chiến tranh lạnh, nên năm 1951 ông rời Ba Lan, định cư ở Paris với tư cách là một “nhà văn tự do” - một thuật ngữ không thể tránh khỏi ngụ ý châm biếm. Năm 1960 ông chuyển đến nước Mỹ với tư cách là một giảng viên về văn học Ba Lan tại trường Đại Học Berkeley, California. Nguồn gốc của ông ở Ba Lan và những mối liên kết giữa ông với đời sống tinh thần của đất nước này tuy vậy chưa hề bị phá vỡ.

Milosz là một nhà văn trí thức đã được đào tạo về triết học và lịch sử ý thức hệ, và cũng hiểu biết không kém về tư tưởng Công giáo, phần nào làm ta nhớ lại sự uyên bác và trí óc sắc bén của người đồng hương và là họ hàng của ông - Leszek Kolakowski. Văn phong của ông rất uyên bác và mang tính biện chứng - có nhiều ý kiến và trích dẫn, mô phỏng và châm biếm, nhiều chỗ phá cách và phá vỡ các vai trò nhân vật, có cấu trúc văn phức tạp. Nhưng ông cũng là một nhà văn chuyên viết về những khoái cảm xác thịt. Ông nổi tiếng là một nghệ sĩ lớn về ngôn ngữ, do vậy thơ của ông chỉ được đánh giá cao bởi những người biết đọc tiếng Ba lan. Người ta không thể mong đợi tìm thấy trong bản dịch sự tái hiện chính xác những điểm mang tính âm nhạc và nhịp điệu, những điểm mang tính nhục dục trong ngôn từ. Nhưng sự khoái lạc mang tính xác thịt thuộc về bản chất của thơ ông thì luôn được thể hiện nguyên vẹn. Hình tượng nhân vật của ông mang yếu tố bất ngờ mà chỉ bằng sự từng trải mới có thể viết ra được - yếu tố bất ngờ này thường có được nhờ óc tưởng tượng hoặc từ ký ức. Khả năng hiểu biết rộng - đôi khi gọi là sự sành đời - của Milosz chứa đựng một sự đối lập rõ ràng giữa tính trong sáng trong nó và cái được cho là niềm đam mê xác thịt này. Tuy nhiên, nhà văn tha hương Milosz không phải hoàn toàn tách rời khỏi quê mẹ. Trong sự gần gũi với hiện thực cụ thể cũng như trong tình bằng hữu và những tình cảm truyền thống giữa người với người, ông đã tìm được một nơi dừng chân và một biện pháp hòa hợp như là một vật để chống đỡ lại những thế lực phá hoại thống trị trên thế giới buộc chúng ta phải làm những điều ngược lại với mong muốn của mình. Đặc điểm cuộc sống của ông có thể được mô tả giống như mối quan hệ giữa sự xa cách và sự hiện hữu. Mối quan hệ giữa ông và quê hương mới của mình giống y như vậy, nơi đây sau 20 năm ông vẫn là một người nước ngoài với ngôn ngữ và cội nguồn xa lạ - nhưng đồng thời cũng đã được thừa nhận và được sát nhập vào một  mối quan hệ bạn bè mới đang tồn tại; ông là một nhà văn phải có người phiên dịch mới hiểu và là một người luôn được thông cảm và coi trọng mặc dù là, dĩ nhiên, điều này được thể hiện thông qua một con đường gián tiếp và với một sự diễn dịch không hoàn toàn chính xác. Ông hiểu rõ điều đó, thực ra đây mới là điều liên quan đến tất cả chúng ta, bất kể có phải là nhà văn hay không.


                                                        Milosz, 1998

Sự đa dạng phong phú và sức lôi cuốn mạnh mẽ là những dấu ấn trong tác phẩm của Milosz. Đồng thời là sự châm biếm tương phản và cô đọng ngôn từ được điềm tĩnh chắt lọc từ những điều rất đơn giản và đang tồn tại - tồn tại một cách diệu kỳ khiến cho văn của ông có nhiều âm thanh và kịch tính, mạnh mẽ và kích thích. Điều này không chỉ đúng với thơ mà với cả văn xuôi của ông - đó là những tiểu thuyết, những bài phân tích và các bài luận văn nhiều khía cạnh - đúng theo mọi nghĩa của từ này - mà có lẽ đã bị quên lãng bởi sự mến mộ đặc biệt đối với các bài thơ của ông.
Czenlaw Milosz là một nhà văn khó tính, theo nghĩa hay nhất của từ này - phức tạp và uyên bác, thách thức và đòi hỏi, đổi thay giữa nhiều trạng thái và mức độ khác nhau, từ bi thương đến căm giận, từ cái trừu tượng đến cái cực kỳ cụ thể. Ông là một tác giả có tầm quan trọng rất lớn - bởi khả năng làm say đắm lòng người, đầy sức lôi cuốn và những rắc rối phức tạp trong thơ…



1981 – ELIAS CANETTI

(Áo, gốc Bungary - 1905 – 1994)




Chân dung nhà văn





Elias Canetti luôn công khai biểu lộ tình cảm sâu xa nhất của mình với nền văn hóa cổ điển của Đức. Ông rất kính trọng Goethe. Những gì ông được hưởng từ Goethe đối với ông  là một liều thuốc thần. Năm 1935, khi 30 tuổi, ông xuất bản quyển tiểu thuyết Die Blendung và được hai nhà văn Đức là Thomas Mann và Herman Borch đánh giá cao, - chưa kể trước đó ông đã in một vở kịch và một quyển tiểu thuyết. Die Blendung  sau này được dịch sang tiếng Anh với tựa đề Auto-da-Fé (1946) và xuất hiện ở Mỹ mang tên Tháp Babel (1947).

Die Blendung là một trong chuỗi tiểu thuyết có cùng một chủ đề “tấn trò đời của người điên” theo dự định ban đầu của tác giả. Tác phẩm mang yếu tố điên cuồng và kỳ quái khiến người đọc liên tưởng đến những nhà văn Nga thế kỷ 19 như Gogol và Dostoievsky – những người mà Canetti đã thừa nhận rằng ông nợ họ món nợ tinh thần. Cảnh chính của những sự kiện khủng khiếp và kệch cỡm mà tác phẩm vạch trần là một căn hộ ở Vienna. Đó là một khía cạnh quan trọng mà nhiều nhà phê bình cho rằng Die Blendung là một ẩn dụ độc lập cơ bản về sự đe dọa được thực hiện bởi “con người đại chúng” tồn tại trong mỗi chúng ta. Bên cạnh đó là một quan điểm làm cho tác phẩm nổi bật lên như một nghiên cứu về kiểu người tự cô lập mình trong lãnh vực chuyên môn một cách tự mãn - ở đây là nhà Hán học Peter Kien bị sách vở bao vây – chỉ vì bất lực không chống chọi nổi một thế giới đầy những thực tế khắc nghiệt, nhẫn tâm.

Die Blendung mở đường cho một nghiên cứu quan trọng về những mô hình dòng dõi, thành phần và phản ứng của những hoạt động đại chúng mà Canetti, sau nhiều năm tìm tòi và nghiên cứu, đã xuất bản tác phẩm Đám đông và Quyền lực [Masse und Macht] (1960). Đây là một công trình nghiêm túc của một nhà đa sử học, biết cách khám phá một số lượng lớn những quan điểm về hành vi ứng xử của con người với tư cách là con người đại chúng. Đặc biệt, Canetti đã nghiên cứu các dân tộc sơ khai, huyền thoại và những câu chuyện thần tiên của họ để cố xác định đặc tính những hoạt động mang tính đại chúng. Trong lãnh vực này, ông không chỉ giới thiệu quần chúng có thực mà còn giới thiệu quần chúng không có thực: quần chúng của “thần linh”, “thiên thần” và “ma qủi” đều là những yếu tố quan trọng trong nhiều tôn giáo. Ông khảo sát tỉ mỉ bản chất và ý nghĩa của những biểu tượng trong các cộng đồng dân tộc. Với khả năng nhạy bén, ông đã làm sáng tỏ những vấn đề tâm lý của người ra lệnh và người phục tùng. Theo Canetti, ẩn sau mỗi mệnh lệnh, mỗi việc thực hiện quyền lực, là mối đe dọa của cái chết. Sự tồn tại chính nó trở thành trung tâm của quyền lực. Cuối cùng, kẻ thù trọng đại chính là cái chết: đây là một chủ đề nguyên lý, chiếm giữ bằng một cường độ thảm hại một cách kỳ quặc, trong các tác phẩm văn chương của Elias Canetti.

Ngoài tác phẩm chuyên sâu Đám đông và Quyền lực, Canetti còn tập trung viết cách ngôn và đã xuất bản nhiều tập. Chúng thường bắt nguồn từ những tình huống cụ thể và có thể được xem như những ẩn dụ dành cho một giống loài nào đó. Nét đặc trưng của những câu cách ngôn này là nghệ thuật trào phúng sắc bén trong cách quan sát hành vi của con người, sự kinh tởm chiến tranh và phá hủy, nỗi cay đắng khi nghĩ đến cái ngắn ngủi của cuộc đời. Nhờ tài năng dí dỏm phong phú và văn phong hàm súc, Canetti nổi bật lên như một trong những nhà viết cách ngôn lỗi lạc nhất trong thời đại chúng ta, một con người mà, theo cách diễn đạt của ông để châm biếm cuộc đời, đôi khi hồi tưởng đến những nhà văn châm biếm vĩ đại đi trước mình như La Bruyere và Lichtenberg.

                   Mộ của Elias Canetti ở Áo.


Đỉnh cao trong sáng tác của Canetti là những hồi ký, có hai tác phẩm đồ sộ: Giải phóng ngôn ngữ [Die gerettete Zunge] (1977) và Ngọn đuốc trong tai [Die Fackel im Ohr] (1980). Trong những hồi ức về tuổi thơ và tuổi trẻ này, ông đã biểu lộ hết phạm vi khả năng miêu tả mang tính sử thi mãnh liệt của mình. Phần lớn đời sống văn hóa và chính trị của Trung Âu vào những năm 1900 – đặc biệt là bộ mặt xã hội ở Vienna – được phản ảnh trong những hồi ký này. Những hoàn cảnh khác thường, nhiều số phận đặc biệt mà Canetti đã đối mặt, và con đường giáo dục duy nhất của ông để luôn luôn đạt đến một kiến thức chung đều hiện ra theo một phong cách điển hình, mang tính trong sáng vốn có vài điểm tương đồng trong những hồi ký được viết bằng tiếng Đức ở thế kỷ 20.


1982 - GABRIEL GARCÍA MARQUEZ

(Colombia, 1928 -     )

 Chân dung García Marquez


García Marquez, người Colombia, được thế giới biết đến như một nhà văn khi cho ra đời quyển tiểu thuyết Trăm năm cô đơn [Cien anos de soledad] (1967). Tác phẩm đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và bán hàng triệu bảng, hiện giờ vẫn còn được tái bản và sức hấp dẫn của nó không hề suy giảm đối với độc giả. Chỉ một tác phẩm thôi mà thành công lớn lao đến như vậy, có thể là điều mà tác giả không ngờ đến. Tuy nhiên, ông dần dần củng cố vị trí của mình như một người kể chuyện hiếm có, được trời ban cho trí tưởng tượng và kinh nghiệm phong phú, dường như vô tận. Chẳng hạn quyển tiểu thuyết giàu chất sử thi và phóng khoáng Mùa thu của Trưởng lão [El otono del patriarca] (1975) cũng có thể so sánh được với tác phẩm trên. Những tiểu thuyết vừa như Ngài đại tá chờ thư [El coroner no tiene quiene le escriba] (1961), Vào lúc rủi ro [La mala hora] (1962) và Ký sự của một cái chết được báo trước [Crónica de una muerte anunciada] (1981) bổ sung hình ảnh của một nhà văn biết kết hợp tài năng kể chuyện vô cùng phong phú với sự tinh thông của một nghệ sĩ ngôn từ có lối hành văn thanh nhã, được tôi luyện qua học hỏi cùng kinh nghiệm và hiểu biết rộng. Một số lớn truyện ngắn của ông được in thành nhiều tuyển tập hay trên các tạp chí càng chứng tỏ tài năng cao siêu của ông về lối kể chuyện. Mỗi tác phẩm của ông đều được các nhà phê bình và độc giả đón nhận như một sự kiện quan trọng của thế giới, được dịch ra nhiều thứ tiếng và xuất bản càng nhanh càng tốt với số lượng lớn.

Từ lâu, nền văn học Mỹ – Latinh đã chứng tỏ sức mạnh trong vài lãnh vực hoạt động văn học khác, tạo được nhiều tiếng vang trong đời sống văn hóa ngày nay. Nhiều bốc đồng và truyền thống đối nghịch nhau. Văn hóa dân gian, gồm truyện truyền khẩu, truyện ký từ văn hóa người Da Đỏ xa xưa, những dòng kể chuyện hoa mỹ từ trào lưu “baroque” Tây Ban Nha trong nhiều kỷ nguyên khác nhau, những ảnh hưởng từ chủ nghĩa siêu thực châu Âu và chủ nghĩa hiện đại khác được trộn lẫn vào một mẻ rượu gây men cho cuộc sống và đậm đà hương vị, mà từ đó Garcia Márquez và những nhà văn Spanish-American đã tìm thấy chất liệu và nguồn cảm hứng. Những xung đột mãnh liệt của một bản chất chính trị – xã hội và kinh tế – đã làm tăng thêm nhiệt độ bầu không khí trí thức. Như hầu hết các nhà văn quan trọng khác ở thế giới Mỹ La-tinh, Garcia Márquez, về mặt chính trị, đã kiên quyết tự nguyện đứng về phía nhân dân nghèo đói và yếu đuối chống lại sự áp bức trong nước và sự khai thác nguồn lợi kinh tế của nước ngoài.


                        Garcia Márquez ký tặng tiểu thuyết 
                       Trăm năm cô đơn cho độc giả ở Cuba.
 
Khi đọc những tiểu thuyết nổi tiếng của Garcia Márquez người ta nhớ đến một William Faulkner. Ông đã tạo ra một thế giới cho riêng mình về một thành phố tưởng tượng Macondo. Từ cuối thập niên 1940, những tiểu thuyết và truyện ngắn của ông đã đưa chúng ta đến nơi chốn kỳ lạ này, ở đó huyền thoại và thực tế hòa quyện vào nhau – khả năng tưởng tượng của ông luôn phiêu diêu nơi những chân trời không thực, những truyện kể dân gian truyền thống và những sự kiện, những lời nói bóng gió mang tính văn học, xác thực, thỉnh thoảng, gợi ra những hình ảnh khó chịu, những mô tả gần giống tính thực tế của một bài tường thuật. Cũng giống như Faulkner hay Balzac, những nhân vật chính và nhân vật phụ giống nhau hiện ra bất ngờ trong nhiều truyện khác nhau, nêu ra trạng thái bằng nhiều cách khác nhau – đôi khi bằng những tình huống mang đầy kịch tính, đôi khi bằng chất hài hước và những rắc rối kỳ cục mà chỉ có thể đạt được bằng trí tưởng tượng điên rồ nhất hay bằng một thực tế trơ tráo. Những điều vô lý của chiến tranh cho phép lòng can đảm thay đổi hình dạng với sự điên dại, điều ô nhục với tinh thần thượng võ, sự xảo quyệt với sự ngu xuẩn. Thần chết có lẽ là người điều khiển quan trọng nhất đứng sau những cảnh tượng trong thế giới khám phá và sáng tạo của Garcia Marquez. Thường thường những truyện của ông vây quanh một người chết – một ai đó đã chết, đang chết hay sẽ chết. Những tác phẩm của Marquez đều mô tả đặc điểm ý nghĩa bi thảm của cuộc đời – một ý nghĩa về tính ưu việt bất biến của số phận và sự man rợ, những cảnh tàn phá bất nhân của lịch sử. Nhưng nhận thức này về cái chết và ý nghĩa bi thảm của cuộc đời bị phá vỡ bởi cách kể chuyện hầu như bất tận, đầy sinh khí, mà diễn biến của nó, tiêu biểu cho sự khủng khiếp tức thời và sức mạnh sống còn mang tính giáo dục của thực tế và chính cuộc đời. Tính hài hước và tính lố bịch trong con người Garcia Marquez có thể là độc ác, nhưng cũng phảng phất một sự hóm hỉnh chấp nhận được.
Với những truyện của ông, Garcia Marquez đã tạo ra một thế giới của riêng ông, đó là thế giới vi mô. Trong tính xác thực tuy có sức thuyết phục một cách sinh động, nhưng dữ dội và gây hoang mang cho người đọc, nó phản ánh một châu lục cùng sự giàu có và nghèo nàn của con người sống ở đó.



1983 – WILLIAM GOLDING


(Anh, 1911 – 1993)




 Chân dung William Golding, 1983.



Tác phẩm đầu tiên của William Golding Ruồi Chúa [Lord of the Flies] (1954) đã nhanh chóng nổi tiếng trên thế giới cho đến nay. Nó được hàng chục triệu đọc giả đón đọc. Nói một cách khác, đây là quyển sách bán chạy nhất; mà thường loại sách này trong chừng mực nào đó chỉ dành cho những truyện phiêu lưu, đọc để giải trí và sách thiếu nhi. Trường hợp quyển  Nghi lễ chuyến đi [Rites of passage] (1980) của ông cũng bán chạy như vậy.

Lý do thật đơn giản. Những tác phẩm này đã gây cho người đọc hồi hộp và thú vị. Người đọc rút ra nhiều điều thích thú và bổ ích mà không cần phải động não hay nhạy bén. Nhưng chúng cũng gợi lên sự quan tâm bất thường đối với các nhà phê bình văn học, các nhà văn, các học giả và nhà phiên dịch văn học chuyên nghiệp, những người tìm kiếm và thấy được tầng lớp bí ẩn của sự mơ hồ và phức tạp trong tác phẩm của Golding. Trong những tác phẩm này, ông sử dụng lợi khí của nghệ thuật kể chuyện và ngôn ngữ, chúng đã kích động để suy nghĩ, phát hiện và sáng tạo của riêng chúng, để khám phá thế giới mà chúng ta sống và an cư lạc nghiệp ở đó. Về phương diện này, chúng ta có thể so sánh William Golding với nhà văn Anh Jonathan Swift, người trở thành nhà văn vì sự uyên bác và dốt nát, hay nhà văn Mỹ Herman Melville mà tác phẩm của ông ta đầy sự sâu sắc nước đôi và phiêu lưu kỳ thú. Thực ra, sụ tương đồng này còn đi xa hơn thế nữa. Golding có cái nhìn sắc sảo và ngòi bút sắc bén khi đụng đến sức mạnh của cái ác và tính hèn hạ trong con người – hoàn toàn giống như Jonathan Swift. Và giống như Herman Melville, ông luôn chọn đề tài và cốt truyện về biển cho những sáng tác của mình, hay về những hoàn cảnh thách thức mà trong đó những con người lạc lỏng bị xúi giục vượt quá những giới hạn của họ, vì vậy họ để lộ chân tướng của mình. Những truyện của ông thường là một sự việc đầy kịch tính có cấu trúc rõ ràng, hầu như một giai thoại, như cái sườn. Sau đó ông khoác lên những sự kiện đầy kinh ngạc và những nhân vật đầy sắc thái với thay đổi phong phú gây hứng thú cho người đọc. William Golding có thể nói là một nhà văn chuyên viết truyện thần thoại. Đó là những mẫu chuyện truyền thuyết mà chúng ta thấy theo cách viết của ông.

Chiến tranh thế giới thứ II đã làm thay đổi quan điểm của ông. Ông khám phá ra những gì con người thực sự có thể làm được cho người khác thì làm. Và đó không phải là vấn đề săn đầu người ở New Guinea hay những bộ lạc nguyên sơ ở vùng Amazon. Họ được ủy thác  bởi những người có học vấn và văn hóa như bác sỹ, luật sư – những người với truyền thống lâu dài của một nền văn minh cao đứng phía sau họ – để thực hiện những hành động tàn bạo với tay nghề sắt lạnh. Ông viết: “Tôi phải nói rằng ai đã trải qua những năm tháng này mà không hiểu con người gây ra tội lỗi như một con ong làm mật thì hẳn là người mù hoặc trong đầu có vấn đề”.

Golding đả kích những ai nghĩ rằng hệ thống chính trị hay những hệ thống khác gây ra tội lỗi. Tội lỗi bắt nguồn từ những sâu thẳm của chính con người – tính chất độc ác trong con người đã tạo ra những hệ thống tội lỗi, hoặc nó làm thay đổi những gì trái với đạo lý và hủy diệt mà từ khởi đầu là, hoặc có thể là,  tốt đẹp.

Quan niệm về thế giới của William Golding mang chiều hướng Cơ đốc giáo rất mạnh. Dường như ông tin vào ngày Chúa tái thế. Có lẽ hơn thế, người ta cho rằng ông sáng tác bằng huyền thoại của một Đấng tái thế. Trong vài truyện của ông, chủ yếu là tiểu thuyết Những người thừa kế [The Inhertors] (1955), chúng ta tìm thấy một giấc mơ ở trạng thái nguyên sơ vô nhiễm trong lịch sử loài người, một chủng loại thời tiền sử hay dòng giống của loài động vật, nghèo nàn trong từ ngữ nhưng giàu hình ảnh và sự giao tiếp không bằng lời, một sự yên bình tồn tại với những phụ nữ hay phái nữ giữ vai trò lãnh đạo. Đấng Tái thế xuống trần bằng động lực của một chủng loài mới. Sự hiểu biết tinh tường, tự khẳng định mình khát khao quyền lực và chủ nghĩa cá nhân quá tự cao đều là nguồn gốc của tội lỗi và bạo lực cá nhân cũng như bạo lực xã hội. Nhưng những đức tính và những động cơ này đều là bản chất bẩm sinh của loài người. Vì vậy, chúng là một phần tính cách của ông và tự chúng kết lại với nhau khi ông biểu lộ đầy đủ với chính mình và tạo thành những xã hội và số phận riêng tư của ông.

Tuy nhiên, những tiểu thuyết và truyện của William Golding không chỉ là những bài học đạo đức buồn chán và những huyền thọai đen tối về tội ác và về những thế lực xảo tra, phá hoại. Tác phẩm của ông  mang đậm nét châm chích hài hước, hí lộng và sự chế giễu quyết liệt. Thế giới hoang đường của ông thật bi thảm và lâm li, nhưng chưa quá đáng và làm cho người ta chán nản, nó có một đời sống phi thường hơn hoàn cảnh của cuộc sống.



1984 – JAROSLAV SEIFERT


(Tiệp-khắc, 1901 – 1986)



              Jaroslav Seifert với con gái Jana, 1931
  

Jaroslav Seifert là nhà thơ Tiệp Khắc xuất thân từ giai cấp vô sản. Ông chào đời trong khu vực của giai cấp công nhân thuộc ngoại vi thủ đô Prague và không hề đánh mất mối quan hệ cội rễ của mình. Khi còn là thanh niên ông tin vào cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa và viết những bài thơ tán dương cuộc cách mạng này. Thơ của ông sáng sủa, hình như đơn giản và chân thật, mang những yếu tố dân ca, cách diễn đạt quen thuộc và cảnh tượng từ cuộc sống hàng ngày. Ông từ bỏ văn phong quá đà và chủ nghĩa hình thức của thời kỳ đầu. Cách diễn đạt của ông mang đận nét nhẹ nhàng, gợi cảm, có vần điệu nhịp nhàng, tài khéo léo sinh động và tính bông đùa xen lẫn sức truyền cảm, ngay cả tính chất bi ai. Những nét đặc trưng này trong thơ ông không hề thay đổi. Tuy nhiên, ông không phải là một nhà thơ ngây ngô. Ông là một nhà thơ luôn luôn có văn phong khoáng đạt. Ngay khi bước vào con đường thi ca, ông đã có quan hệ chủ nghĩa hiện đại châu Âu, đặc biệt với thơ Pháp, chủ nghĩa siêu thực và chủ nghĩa đa đa. Ông cũng là bậc thầy về hình thức thơ truyền thống với những vần điệu phức tạp.



Những bài thơ thời trẻ của Seifert đều mang ý nghĩa một cuộc giải phóng, hướng đến một tương lai không còn chiến tranh, áp bức, mang đến niềm vui trong cuộc sống và vẻ đẹp trọn vẹn cho mọi người, Thơ ca và nghệ thuật mới đạt được điều này. Những đòi hỏi và những hy vọng của ông thể hiện lòng nhiệt thành của tuổi trẻ. Suốt những năm 20, những hy vọng đó sắp được mãn nguyện – một nền văn học nghệ thuật tiên phong phù hợp với công chúng. Nhưng trong suốt những năm 30 và 40 chân trời lại đen tối. Thực tế của nền kinh tế và chính trị chứng tỏ không thể sống theo những giấc mơ lạc quan. Thơ của Seifert đòi hỏi phải có những nét riêng mới – mang giọng điệu trầm tỉnh hơn, gợi nhớ về văn hóa và lịch sử của đất nước ông, nhắc đến sự bảo vệ số phận của tổ quốc và của những người đã gìn giữ nó, đặc biệt những văn nghệ sĩ nổi tiếng của quá khứ. Ngay cả những ký ức và những kinh nghiệm hoàn toàn cá nhân cũng đều liên quan đến nỗi buồn –  cuộc đời phù du, tình cảm con người luôn thay đổi, đoạn đời tạm bợ của thời thơ ấu và tuổi trẻ rồi cũng qua đi, và những quan hệ tình yêu cũng không có gì là trường cửu. Nhưng tất cả đều không phải là căn bệnh u sầu hay nỗi luyến tiếc quá khứ trong tác phẩm của Seifert. Những nhận thức của ông luôn luôn cụ thể và mới mẻ đồng thời những hình ảnh trong thơ ông không ngừng phát triển. Ông đã viết nhiều bài thơ tình lãng mạng hay nhất, người đọc càng biết đến tên tuổi ông nhiều hơn, tạo nền tảng vững chắc cho ông như một nhà thơ quốc gia và bắt đầu được thế giới công nhận, mặc dù có sự bất lợi về loại ngôn ngữ tương đối ít được biết đến ngoài đất nước ông. 



                       Mộ của ông ở nghĩa trang
                       Kralupy nad Vltavou, Tiệp Khắc.

Ngày nay, nhiều người cho rằng Jaroslav Seifert là hiện thân của nền thi ca Tiệp Khắc. Ông đại diện cho tinh thần tự do, lòng say mê và sáng tạo, đồng thời được xem như cột trụ của thế hệ về truyền thống văn học và văn hóa phong phú của đất nước ông. Ông đạt được điều này một phần vì kiên quyết bảo vệ tự do trong văn nghệ và văn hóa, nhưng phần chính là vì nét đặc trưng trong thơ ông. Ông ngợi ca một thủ đô Prague đang nở hoa và một mùa xuân sống trong kỷ niệm, trong những niềm hy vọng hay tinh thần ngoan cường của nhân dân từ chối khuất phục. Ông ca ngợi tình yêu và đúng là một trong những nhà thơ tình thực sự vĩ đại trong thời đại chúng ta. Âu yếm, buồn rầu, nhục dục, hóm hỉnh, khát khao và tất cả những cảm xúc mà tình yêu giữa con người đem lại và hoàn thiện đề là chủ đề trong thơ ông. Ông ngợi ca người nữ – những trinh nữ, sinh viên, những người không ai biết đến, cụ già, mẹ ông và người yêu của ông. Người nữ, đối với ông, hầu như là một nhân vật huyền nhiệm, một nữ thần tiêu biểu cho tất cả những gì đối nghịch với tính kiêu ngạo và khát khao quyền lực của người nam. Tuy thế, nàng không bao giờ trở thành một biểu tượng trừu tượng mà là một con người đang sống và có mặt trong những lời thơ tươi mát và không theo một qui ước nào của ông. Ông đã gợi lên cho chúng ta một thế giới khác hơn thế giới của bạo ngược và phá hoại – một thế giới tồn tại cả ở đây lẫn bây giờ, mặc dù nó được bưng bít trước mắt chúng ta. Và thế giới đó chỉ hiện hữu trong giấc mơ và nguyện vọng của chúng ta, trong nghệ thuật và tinh thần bất khuất của chúng ta. Thơ của ông là một dạng gợi mở cho người đọc – một hành động giải thoát.



1985 – CLAUDE SIMON


(Pháp, 1913 - 2005)




Chân dung Claude Simon
  
Claude Simon bắt đầu được chú ý đến một cách nghiêm túc vào cuối thập niên 50 vì có liên quan đến phong trào “tiểu thuyết mới” ở Pháp. Thuật ngữ này được giới thiệu bởi nhà phê bình Roland Barthes và được phát động một cách hiệu quả sau đó một vài năm bởi nhà văn Alain Robber-Grillet. Ý nghĩa nằm sau thuật ngữ này là tập họp một nhóm người viết văn xuôi của Pháp, chống lại tiểu thuyết truyền thống và phá vỡ những luật lệ mà một tiểu thuyết nên có một câu chuyện liên tục và hiện thực để cuối cùng dẫn đến lối viết mạch lạc và dễ hiểu.

Những tác phẩm văn xuôi của nhóm thể hiện nghệ thuật cắt dán và lắp ghép bằng ngôn ngữ. Chúng xảy ra trong những chiều không gian của ký ức, hình như không bị gò bó hoặc kết hợp tự do. Những đoạn văn ở những thời điểm khác nhau được nối kết chặt chẽ trên cơ sở nội dung của chúng, hoặc những tương ứng về mặt tình cảm, hoặc những kết quả về mặt mỹ học chứ không dựa trên cách làm sao chúng có thể xuôi theo tiến trình bình thường của thời gian. Những ảnh hưởng từ nghệ thuật nhìn là bằng chứng rõ nét. Mỗi hình ảnh là một sự việc. Dòng chảy của những sự việc kế tiếp nhau được tạo ra bởi sự chú ý của người đọc và khả năng cảm nhận cùng sáng tạo vượt qua những gì thực sự tồn tại như một dính kết riêng lẻ lúc ấy. Cách miêu tả trừu tượng này có thể là cái vỏ bọc khá tốt những gì làm kết hợp những người tán thành “Le nouveau roman” (tiểu thuyết mới). Nhìn chung về mặt hình thức nó phù hợp với Claude Simon và mảng văn xuôi của ông. Tuy nhiên, những nhà văn thường được xem là những “nhà tiểu thuyết mới” lại rất khác nhau về mục đích và những ràng buộc trong tác phẩm ngôn ngữ của họ. Và họ đã làm trái với những gì mà nhóm cùng chủ trương.

Từ giữa thập niên 40 đến giữa thập niên 50, Claude Simon bắt đầu viết nhiều tiểu thuyết tự truyện. Tuy nhiên, phương pháp kể chuyện hầu như mang tính truyền thống, chịu ảnh hưởng của Faulker. Sự thay đổi nhân vật (được xem như là tác giả) của Simon đến với tác phẩm Gió [Le Vent] (1957) và Cỏ [L’Herbe] (1958). Chính ông xem tác phẩm sau như một bước ngoặt trong cách viết của mình. Cả hai truyện đều xảy ra ở miền Nam nước Pháp, quê hương của Simon và ông đã sống như người trồng nho.

Simon đã tự vạch ra cho mình cách viết riêng, đặc biệt sau những kinh nghiệm khi viết cuốn Lịch sử [Histore] (1967). Tác phẩm này là một trong những đỉnh điểm sáng tác của ông, bằng chứng rõ ràng nhất có lẽ nó mang tính khác thường về nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ của ông. Đường sá vùng Flandres [La Route des Flandres] (1960) là quyển tiểu thuyết làm nên tên tuổi của Simon trên văn đàn thế giới. Nội dung là sự miêu tả phức tạp và phóng khoáng với những chi tiết mang đậm tính tự truyện cùng những hồi ức và truyền thống gia đình Simon. Những kinh nghiệm của Simon từ nội chiến Tây Ban Nha được miêu tả tương tự trong Lâu đài [Le Palace] và cuốn tiểu thuyết quan trọng nhất, Les Georgique (1981) nói về những đồng cảm mà ông và những người khác phải trung thành với chính phủ đấu tranh chống lại bọn phát-xít. Đường sá vùng FlandresLes Georgique là những sáng tác được trang hoàng phong phú bằng sự minh giác và cách viện dẫn ngôn ngữ, gợi lên một mẫu hình cực kỳ phức tạp về hồi ức cá nhân và truyền thống gia đình, về những kinh nghiệm trong chiến tranh hiện đại và về những điều tương đương xảy ra từ những thời đại quá khứ, cụ thể là kỷ nguyên Napoleon.

Nghệ thuật kể của Claude Simon có vẻ như là đại diện cho một điều gì đó tồn tại trong chúng ta, dù chúng ta có hay không, dù chúng ta hiểu nó hay không, dù chúng ta tin nó hay không - một hy vọng gì đó, mặc dù tất cả sự tàn nhẫn và vô lý đối với vấn đề đó hình như là một biểu thị đặc trưng thân phận của chúng ta, và chúng được tái hiện trong tác phẩm của ông một cách quá mẫn cảm, sâu sắc và phong phú. 



1986 – WOLE SOYINKA


(Nigeria, 1934 -       )



Chân dung Wole Soyinka, 1934. 


Wole Soyinka là nhà văn Châu Phi, người Nigeria đầu tiên được tặng thưởng giải Nobel Văn chương ở tuổi 52. Sự nghiệp văn chương của ông bắt nguồn từ môi trường giáo dưỡng đặc biệt. Những mô hình văn hóa, lễ nghi và huyền thoại của bộ tộc Yoruba, về mặt lịch sử có liên quan tới vùng Địa Trung Hải, đã ăn sâu trong máu thịt ông. Trải qua nền giáo dục ở quê nhà và ở châu Âu, ông còn thấm nhuần nền văn hóa phương Tây. Tuyển tập tiểu luận Huyền thoại, Văn học và thế giới châu Phi là một tác phẩm phong phú và sáng sủa của ông.

Kiến thức của một giáo sư văn chương không là gánh nặng cho những tác phẩm văn học của ông. Truyện của ông sinh động, thường là những câu chuyện đau lòng, nhưng cũng được biểu thị bằng cách chọn từ tinh tế, gợi cảm. Soyinka được xem như là một trong những nhà viết kịch thơ bằng tiếng Anh hay nhất.

Trong số những vở kịch của ông, đặc biệt chúng ta có thể kể đến Vũ điệu của Rừng [A Dance of the Forest] (diễn 1960, in 1963) và Cái chết và Vua Kỵ sĩ [Death and the King’s Horseman] (diễn 1976, in 1975). Vở kịch đầu là một dạng của Giấc mơ đêm hè ở châu Phi với những thần thánh và ma qủi. Chúng ta dễ nhận ra trong vở kịch này có sự liên kết với kịch nghi lễ bản địa và kịch thời Elizabeth. Một hình ảnh đặc trưng của Soyinka, thần Ogun, cũng xuất hiện trong vở kịch. Ông vừa là người sáng tạo vừa là người phá hoại và cũng như Soyinka biết mình có những đặc điểm hướng những suy nghĩ con người đến các thần Dionysia, Apollonia và Promethe truyền thống của người châu Âu.

Chủ đề trong Cái chết và Vua Kỵ sĩ nói về bản chất của một bi kịch lỗi thời – cái chết của vật tế thần. Mối quan hệ giữa bào thai còn trong bụng mẹ, sự sống và cái chết mà Soyinka đã lặp lại nhiều lần trong các tác phẩm của ông, được thể hiện ở đây đã tạo ấn tượng rất mạnh cho người xem. Soyinka đã khẳng định vị trí của ông như một nhân vật trung tâm của sức mạnh trong kịch.

Chúng ta cũng tìm thấy một khía cạnh khác của Soyinka trong vở kịch Trò chơi của những gã khổng lồ [A Play of Giants] (1984). Đó là một trò hề đen bạc, một nhát dao công kích của tác giả nhằm phục vụ cho lương tri của con người. Mảng văn xuôi mở đầu là một bản tổng kết chua cay về nỗi thống khổ của châu Phi.

Chúng ta vừa đề cập đến kịch của Soyinka có yếu tố thơ ca mạnh mẽ. Trong nhiều tập thơ ông cũng chứng tỏ mình là một nhà thơ xuất sắc. Một trong những tác phẩm nổi bật nhất là Idanre và những bài thơ khác [Idanre, and Other Poems] (1967) mà chủ đề chính là những gì thần Ogun đại diện: sự xung đột, có lẽ là liên kết, giữa phá hủy và sáng tạo.

Tập thơ Con thoi ở Crypt [A Shuttle in the Crypt] (1972) cho chúng ta thấy tinh thần chân chính của một con người là như thế nào. Những bài thơ được viết trong suốt hai năm ở tù bởi thái độ của tác giả đối với cuộc nội chiến trên quê hương ông. Đó là những bài thơ nói về sự tồn tại tinh thần, mối quan hệ con người, sự giận dữ và sự khoan dung. Những kinh nghiệm đã trải qua này cũng được ông thể hiện trong tác phẩm văn xuôi Người chết: Những ghi chú trong tù [The Man Died: Prison Notes] (1972). Đây là một tác phẩm văn học hàng đầu.

Về mặt ngôn ngữ, Soyinka cũng nổi bật một cách xuất sắc. Ông sở hữu một kho từ vựng và thành ngữ phong phú mà ông đã khai thác triệt để trong những mẫu đối thoại dí dỏm, trong những câu văn trào lộng, trong những bài thơ trầm lặng và những bài tiểu luận mang đầy sức sống.

Lối viết của Wole Soyinka dồi dào sinh lực và tuôn trào. Nó vừa mang tính phức tạp đồng thời cũng hết sức mạch lạc.


1987 – JOSEPH BRODSKY

(Mỹ, 1940 – 1996)

 Chân dung Joseph Brodsky, 1988.

Người đoạt giải Nobel văn chương năm nay được sinh ra ở Leningrad nhưng sống ở New York. Ông là một trong những nhà văn trẻ nhất đoạt giải Nobel ở tuổi 47. Một dấu hiệu tỏa sáng với ông là những tác phẩm của ông được dịch sang hơn mười hai thứ tiếng. 
Brodsky chính là nhà thơ và nhà viết tiểu luận. Ông thuộc truyền thống văn học Nga cổ điển với những bậc tiền bối như Pushkin và người đã đoạt giải Nobel Văn chương Boris Pasternak. Đồng thời ông là cũng người canh tân bậc thầy về ngôn ngữ và hình thức diễn đạt thơ, được truyền cảm hứng bởi Osip Mandelstam và Anna Achmatova trong số những nhà thơ khác. 

Nguồn cảm hứng khác của Broadsky là thơ Anh từ nhà thơ siêu hình John Donne đến W.H. Auden, mà ông muốn mình nhỏ bé hơn, và cả Goethe. Thứ ngôn ngữ mà những nhà thơ này cô đúc thành là tư tưởng sống còn với Brodsky.


                      Mộ của Brodsky ở San Michel, Ý.
                     Trên bia mộ có khắc dòng chữ:
                     "Chết khộng phải là hết".

Đối với Brodsky, thơ ca là một món quà thiêng liêng. Về khía cạnh tôn giáo. người ta không thấy trong tác phẩm của ông những gì kết chặt với tín điều nhưng những vấn đề siêu hình và đạo đức lại có ý nghĩa lớn lao nhất.

Tác phẩm của Brodsky chịu nhiều ảnh hưởng ngôn ngữ, địa lý, văn học Đông - Tây. Điều đó đã đem đến cho thơ ông sự phong phú khác thường về các chủ đề và những viễn cảnh đa dạng. Cùng với sự hiểu biết sâu sắc về nền văn học của kỷ nguyên mới, nó cũng gợi lên cho ông tầm nhìn lịch sử rộng lớn.

Sau khi Brodsky rời khỏi Liên Xô 1972, vấn đề thay đổi môi trường và ngôn ngữ kéo theo sự căng thẳng gay gắt trong ông một cách tự nhiên. Trong tập thơ A Park of Speech (1980) ông tả mình sẽ từ từ rụng tóc, rụng răng, quên mất những phụ âm, động từ của tiếng mẹ đẻ và cuối cùng mất tất cả. Tuy nhiên ông vẫn tiếp tục sáng tác thơ bằng tiếng Nga song song với việc dịch những tác phẩm của mình sang tiếng Anh và thỉnh thoảng ông viết trực tiếp bằng tiếng Anh mà thành công lớn nhất là quyển Lịch sử  thế kỷ XX [History of the Twentieth Century] (1986). Đây là một loạt những bài thơ được viết với giọng nhại lại và giễu cợt được viết bằng thành ngữ tiếng Anh với một trình độ bậc thầy.

Brodsky cho rằng tất cả nền văn học thực sự là diển tả công việc của thời gian đối với con người, vì vậy đây cũng là chủ đề chính trong sáng tác của ông. Công việc của thời gian là làm cho con người chia cách, biến dạng, già nua và chết đi. Thơ ca giúp chúng ta, căn bản là cho chúng ta khả năng tốt nhất, chống chọi lại sức ép của cuộc sống.

                    Tượng Brodsky ở Khoa ngôn ngữ
                    Đại học Saint Petersburg.

Trong tuyển tập tiểu luận xuất sắc Ít hơn Một [Less than One] (1980) Brodsky cảm thấy con đường của ông đi đến cốt lỏi của vấn đề thơ ca từ nhiều hướng khác nhau. Nhà thơ là một người sử dụng ngôn từ điêu luyện, làm chủ ngôn ngữ. Thơ ca là hình thái cao nhất của ngôn ngữ. Brodsky biết nó cũng là hình thái cao nhất của cuộc sống. Nhà thơ trở thành một nhạc cụ có âm hưởng mang tính chất dò tìm.

Viện Hàn lâm Thụy Điển biểu dương Joseph Brodsky nhằm vào tinh thần vô cùng phóng khoáng về mặt thời gian và không gian được biểu thị trong sáng tác của ông, và cả về khía cạnh thông minh lẫn nhạy cảm trong những tác phẩm phong phú và hết sức sống động này.



1988 – NAGUIB MAHFOUZ


(Ai-cập, 1911- 2006)


Chân dung Nabuib Mahfauz.

  
Thông qua quyết định của Viện hàn lâm Thụy Điển, giải Nobel Văn chương năm nay lần đầu tiên trao cho một tác giả người Ai Cập, Nabuib Mahfauz, sinh trưởng ở Cairo. Ông cũng là người đoạt giải Nobel Văn chương  đầu tiên viết bằng tiếng Ả Rập vốn là tiếng mẹ đẻ của ông.

Tính đến nay (1988), Mahfouz có khoảng 50 năm cầm bút. Ở độ tuổi 77, ông vẫn còn sáng tác không mệt mỏi.

Mahfouz được đánh giá cao và được nhiều người biết đến như là một nhà văn của tiểu thuyết và truyện ngắn. Tác phẩm của ông mang ý nghĩa một sự tiến bộ có tác động mạnh cho tiểu thuyết như là một thể loại văn học, và cho sự phát triển ngôn ngữ văn học trong cộng đồng văn hóa nói tiếng Á Rập. Tuy nhiên phạm vi ảnh hưởng các tác phẩm của Mahfouz còn lớn hơn thế nữa, và chính tác phẩm của ông nói cho chúng ta tất cả.

Tác phẩm đầu tay của Mahfouz lấy bối cảnh xã hội Ai Cập cổ đại thời Pharaon, nhưng cũng có cái nhìn bóng gió vào xã hội ngày nay. Một loạt tiểu thuyết viết về Cairo thời hiện tại, trong số đó có quyển Hẻm Midiaq [Midiaq Alley] (1947). Cái ngỏ hẹp trở thành một khu vực sinh hoạt của một đám người hỗn tạp gắn bó với nhau, tất cả đều được thể hiện bằng chủ nghĩa hiện thực mang tính tâm lý.

Mahfouz thực sự làm nên tên tuổi của mình qua bộ ba tiểu thuyết Giữa – những – Lâu đài, Lâu đài của Lòng thèm khát, Nhà máy đường [Bayn al Qasrayn, Qasr al Shawq, Sukkariya] (1956-1957). Trung tâm của tác phẩm đồ sộ này là một gia đình và những thăng trầm của nó từ cuối những năm 1910 đến giữa những năm 1940. Ông cũng viết hàng loạt tiểu thuyết mang yếu tố tự bạch. Sự mô tả những cá nhân liên quan một cách rõ ràng tới các điều kiện chính trị, xã hội và tri thức. Nhìn chung thông qua tác phẩm của mình Mahfouz tạo  ảnh hưởng đáng kể trên đất nước của ông.

Chủ đề của quyển tiểu thuyết đặc sắc Những đứa con của Gebelawi [Children of Gebelawi] (1959) là cuộc tìm kiếm không ngừng của con người về những giá trị tinh thần. Adam và Eva, Moses, Jesus, Mohammed và những người khác, cũng như nhà khoa học hiện đại, có vẻ ngụy trang thoáng qua. Riêng nhà khoa học có trách nhiệm cuối cùng về cái chết của người cha nguyên thủy Gebelawi (Thượng đế). Những hệ thống quy tắc khác nhau lại đối đầu với tình trạng căng thẳng trong cách mô tả những xung đột giữa cái thiện và cái ác. Vì tác phẩm đề cập đến những điều cao quí hơn nên không được in ngay trên quê hương tác giả nhưng được xuất bản ở nhiều nước khác.

Nhà thuyền trên sông Nile [A Houseboat on the Nile] (1966) là một ví dụ cho những tiểu thuyết vừa (nouvella) gây ấn tượng của Mahfouz. Ở đây những cuộc đàm thoại siêu hình diễn ra giữa ranh giới của hiện thực và ảo tưởng, đồng thời tạo cho bản thân tác phẩm trở thành lời bình về môi trường tri thức trong nước ông.
Mahfouz còn là một tác giả truyện ngắn xuất sắc. Trong tập truyện ngắn chọn lọc Thế giới của Chúa [God’s World] (1973), chúng ta sẽ có thể chiêm nghiệm những thành tựu mà ông đạt được trong lĩnh vực này. Cách giải quyết mang tính nghệ thuật đối với các vấn đề sinh tồn có sức thuyết phục và những giải pháp chính thức thường gây ấn tượng.

Có khuynh hướng chia những sáng tác của Moahfouz ra nhiều thời kỳ, ví dụ: lịch sử, hiện thực, và siêu hình - thần bí. Đương nhiên cũng có lí do cho khuynh hướng này. Tuy nhiên cũng cần nhấn mạnh đến nguồn sáng xuyên suốt cuộc sống loài người. Trong một cuộc phỏng vấn, Mahfouz đủ phát biểu rằng: “Nếu một ngày nào đó không còn sự thôi thúc cầm bút trong tôi, thì tôi muốn đó là ngày cuối cùng của đời mình”.